27 tháng 4, 2012

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Bài thơ hay "Vết son môi"



Người đàn bà nhìn vào vết son môi 
Trên vai áo chồng 
Không nói
Có cái gì khoan trong tim đau nhói
Nụ cười...
Muốn vỡ làm hai.

Người đàn ông thanh thản trước gương soi.
Thắt cà vạt và vô tình huýt sáo
Sau lưng anh
Một trời giông bão...
Xoáy mắt nhìn theo mỗi bước anh đi.

Người đàn ông không có tội chi.
Người đàn bà cũng chẳng hề có lỗi.
Họ lặng thinh tránh những điều muốn nói.
Nhạt nhẽo đùa, chua chát nghĩ về nhau.

Họ vẫn ân cần chung thủy trước sau.
Trong con mắt của những người hàng phố.
Chỉ có căn phòng biết họ đang đau khổ.
Tình yêu ngã nhào vì một vết son môi.
(ST)

GÓC LẴNG ĐÃNG: Một đời mẹ...


Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Từ nhỏ, tôi đã mang tiếng là đứa “con hoang”, đứa con vô thừa nhận của một người đàn ông đốn mạt nào đó...


 

Tuổi thơ của tôi trôi qua không hề bình lặng khi vây quanh tôi luôn là những câu châm chọc đầy độc địa của đám bạn đồng trang lứa: “Mẹ mày là đồ chửa hoang”, “Huy à, bố mày đâu? Mẹ mày tài thật đấy!”.

Mỗi lần bị chúng bạn nhạo báng, tôi như thằng điên lao vào đấm đá túi bụi, sẵn sàng giết chết bọn chúng nếu có thể. Để rồi sau mỗi vụ ẩu đả của tôi, mẹ lại bị gọi lên văn phòng Nhà trường nhắc nhở về vấn đề giáo dục con cái.

Mỗi lần như vậy, mẹ không hề trách mắng tôi, chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo tôi phải cố gắng kiềm chế bản thân. Như con chim bị thương, tôi không hề cảm thấy mình có lỗi, càng hận mẹ hơn. Tôi đổ mọi tội lỗi lên đầu mẹ với suy nghĩ “mẹ là đồ hư hỏng”. Tôi hận mẹ vì đã sinh ra tôi trên cõi đời này.

Cho đến một lần, mẹ bị nhà trường gọi lên, thông báo tôi sẽ bị đuổi học nếu còn vi phạm thêm một lần nữa. Về nhà, vừa gặp tôi ở cửa, mẹ đã giang tay tát thẳng vào má tôi.

Đau! Nhưng tôi không khóc, chỉ dửng dưng nhìn mẹ. Như không chịu đựng nổi cái nhìn ấy, mẹ ôm chầm lấy tôi và khóc. “Huy à, mẹ xin lỗi. Mẹ không cố ý làm như vậy”. Tôi vùng khỏi vòng tay mẹ, trái tim vẫn lạnh băng, lòng chất đầy căm phẫn: “Bà không đủ tư cách để dạy bảo tôi”.

Tôi học hết lớp bốn, mẹ quyết định rời quê vào Nam lập nghiệp. Không người thân thích, không đồng vốn dắt lưng, mẹ làm thuê cuốc mướn nuôi tôi ăn học. Vất vả, cuộc sống kham khổ nhưng tôi không còn bị những lời lăng nhục hành hạ. Bằng cách nào đó, mẹ đã che giấu được thông tin về người bố vô danh của tôi.

Tôi không hỏi vì sao, cũng không cảm ơn mẹ. Tôi vẫn hận bà, sống trốn tránh và xa lánh tất cả. Tôi tìm thú vui bằng cách kết bạn cùng mấy đứa đầu gấu hư hỏng trong trường. Biết chuyện, mẹ đánh tôi một trận nên thân nhưng vẫn không thể can ngăn được thằng con lì lợm. Tôi biết mình đang đi chệch hướng, phụ lòng mẹ nhưng như người mộng du, tôi vẫn lao thân vào hố sâu phía trước.

Lớn lên, cuộc sống đã khá hơn rất nhiều. Nhờ giỏi làm lụng, chắt chiu, mẹ mua được 10 ha rẫy trồng cà phê. Tôi vẫn sống lêu lổng. Ban ngày,buổi đi học, buổi lên rẫy. Tối đến, tôi tụ tập bạn bè đàn đúm, có hôm đi thâu đêm suốt sáng. Sáng hôm sau về nhà, thấy mắt mẹ đỏ hoe, chợt thấy ân hận, nhưng tôi vẫn lặng thinh. Những lần sau, tôi đi chơi khuya nhưng vẫn về nhà. Mẹ thường đỏ đèn chờ tôi về rồi mới đi ngủ.

Dần dà, tôi trở thành đàn anh của nhóm quậy trong trường. Những vụ vác dao phay “thanh toán” lẫn nhau, rồi đua xe, quậy phá… đều do một tay tôi lãnh đạo. Có lần, mẹ phải lên đồn công an bảo lãnh tôi về. Vẫn như xưa, mẹ không trách mắng tôi, chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo tôi rồi khóc. Tôi bỏ đi trước khi nhìn thấy nước mắt lăn trên má mẹ; sợ trong phút yếu lòng, tôi lại “tha thứ” cho mẹ vì tội lỗi đã sinh ra tôi trên cõi đời này.

Thành tích quậy của tôi ngày càng dày lên. Theo một số nguồn tin, mẹ bảo tôi đang lọt vào “tầm ngắm” của công an huyện. Vừa lo tôi bị công an túm, lại không muốn tôi tiếp tục cuộc sống buông thả, cuối cùng mẹ quyết định gửi tôi về quê đi học. Tôi ngạc nhiên trước quyết định của mẹ, bởi lẽ từ trước đến nay, có bao giờ mẹ chịu rời xa tôi nửa bước.

Đưa tôi ra bến xe, mẹ lặng lẽ đứng nhìn xe xuất bến. Xe chạy, tôi ngoái đầu nhìn lại. Bóng mẹ gầy gò, lẻ loi, cô độc lẫn khuất vào đám đông khiến lòng tôi chợt thấy nhói đau. Tự kiềm chế bản thân, tôi không cho phép mình yếu đuối nhưng nước mắt đã lăn trên má tự bao giờ.

Tôi về sống với người ông (mẹ gọi bằng cậu) là một đại tá quân đội về hưu. Ông là người nổi tiếng nghiêm khắc với lối sống rất quy củ. Vợ mất, một mình ông nuôi năm đứa con ăn học, vậy mà đứa nào cũng nổi tiếng ngoan ngoãn, học giỏi.

Với tôi, cuộc sống ở trong gia đình ông là cả trường huấn luyện hà khắc. Bữa cơm chỉ là cà muối và rau luộc, vừa ăn đến bát thứ ba đã phải vét nồi. Mùa đông nằm ngủ chỉ có tấm chăn mỏng, tôi phải co người mới không bị thừa chân. Sống với ông, tôi “ngộ” ra nhiều điều. Ông dạy tôi về cách sống, cách làm người. Và hơn hết, qua ông, tôi biết được “tấn bi kịch” của đời mẹ - câu chuyện mẹ đã giấu tôi suốt 18 năm trời.

“Vụ mùa năm ấy, mẹ con tranh thủ ánh sáng trăng để đi cấy đêm. Lúc về, đi qua nghĩa địa, mẹ con bị một thằng khốn nạn làm nhục. Thân gái một mình giữa đồng khuya thanh vắng, chẳng có ai nghe thấu tiếng kêu cứu của mẹ. Con là kết quả của đêm hôm đó. Mọi người đã khuyên mẹ bỏ con đi, nhưng bà không chịu. Bà bảo sinh linh bé bỏng này không có tội tình gì. Mẹ con đã phải chịu nhẫn nhục trước thái độ khinh bỉ và những lời đàm tiếu của xóm làng để  giữ lại sự sống cho con…”.

Tôi lặng người trong cay đắng. Lời ông vẫn sang sảng bên tai mà tôi chỉ nghe câu được câu chăng. Nước mắt giàn giụa, tôi căm giận chính mình khi nghĩ về thái độ trước đây của tôi đối với mẹ. Mười tám năm qua, mẹ cắn răng gánh hết mọi ưu phiền để cho tôi được hạnh phúc. Vậy mà tôi đã làm gì với mẹ? Càng giận mình, tôi càng thấy thương mẹ hơn. Từ hôm nay, tôi phải tu sửa bản thân, phải gắng học thật giỏi để mùa hè năm nay về chuộc lỗi với mẹ. Mẹ sẽ tha thứ cho tôi bởi từ trước đến nay, mẹ luôn là bà tiên đầy nhân hậu, bao dung trước đứa con lầm lỗi là tôi.

Gạt nước mắt, tôi quyết định viết thư cho mẹ. Lần đầu tiên trong đời cầm bút viết một bức thư, tôi chẳng biết nên bắt đầu thế nào. Nghĩ về mẹ, nước mắt lại tuôn rơi. Hai chữ đầu thư “Mẹ ơi” nhạt nhoà trong dòng nước mắt.
(Moon)


KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Ngắm bồng lai tiên cảnh ở Sơn La

Cảnh tượng khiến lòng người khó hững hờ. Nằm giữa biển mây, những ngọn núi trở thành những hòn đảo. Những cảnh này tưởng chỉ có ở chốn bồng lai. 

(St)

26 tháng 4, 2012

NHỊP SỐNG IRS: IRS thông báo nghỉ lễ nhân Ngày Giải phóng Miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm 2012


Nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Miền Nam 30/4/2012 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5/2012, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ nghỉ giao dịch từ Thứ Hai ngày 30/04/2012 đến hết Thứ Ba ngày 1/5/2012 theo quy định của Luật Lao động và sẽ giao dịch bình thường trở lại vào Thứ Tư ngày 02/05/2012.

Theo đó, CTCP Chứng khoán IRS cũng sẽ nghỉ giao dịch từ Thứ Hai ngày 30/4/2012 đến hết Thứ Ba ngày 1/5/2012 và sẽ tổ chức giao dịch bình thường trở lại vào Thứ Tư ngày 02/05/2012.

IRS xin trân trọng thông báo và kính chúc Quý Nhà đầu tư có kỳ nghỉ lễ vui vẻ, hạnh phúc!

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Nguồn cơn bối rối…

Sau những người ốm lại có “những người khỏe” hiểu nghề, nhăm nhăm nhòm y bạ thì việc kê đơn, bốc thuốc chẳng khó lắm thay.


 
    Anh bạn của bạn đã có vợ nhưng lại có bồ. Dù nội vụ chưa vỡ, nhưng anh ta cắn rứt lương tâm và nhờ bạn gỡ rối. Bạn sẽ tư vấn cách nào trong ba phương án dưới đây?
    1. Giữ vợ, bỏ tình
    2. Giữ cả hai và im lặng
    3. Thú tội và chờ xem ai bỏ đi
    Bài toán này quá khó. Đàn ông trên đời, hầu như ai cũng có vợ. Một số thì có cả vợ và bồ. Như mình có gã bạn, nhiều lúc cứ nhìn gã mà thèm. Thời sinh viên, cái miệng gã như có rắc thính. Đến cô vợ bây giờ cũng là nên duyên trong một đận gã đứng ở tầng trên ký túc ném tóp thuốc xuống đầu đám con gái tầng dưới...
    Cái tính trăng hoa vốn khó bỏ. Nếu người ta đã bình chọn điện thoại di động là kẻ nói dối vĩ đại nhất thế kỷ 20 thì gã cũng phải là kẻ nói dối thứ nhì. Nghe đâu, cái đận đi công tác Đài Loan, gã còn mua được con chíp lắp vào điện thoại. Giả dụ có đang tòm tem đâu đó, bỗng nội tướng điện thoại kiểm tra. Quá đơn giản, bấm nút cái là thích tiếng chợ búa có tiếng chợ búa, thích tắc đường có âm thanh tắc đường, thậm chí cả tiếng… đập bàn tranh luận cũng có. Vậy là tùy cơ ứng biến: đang họp căng lắm, đang tắc dài lắm, đang… vân vân và vân vân… lắm! Chị em cũng nên lưu ý: chả cần sang xứ Đài, con chíp này đã xuất hiện ở Việt Nam với giá rất bèo.
    Nhưng lan man thế này chả bằng vạch áo cho vợ bạn xem lưng. Bây giờ hãy thử xem lợi và hại của cả ba phương án trên.
    Phương án 1: chắc chắn sẽ được gia đình nội ngoại, bà con khối phố đồng ý. Nhưng chắc chắn người trong cuộc lại lăn tăn. Đơn giản: nếu nói bỏ là bỏ cái rụp thì chẳng nên chuyện!
    Phương án 2: Phần đông đương sự lựa chọn dù biết rất rủi ro. Lý do: nghĩ rằng cứ kín kẽ thêm tí nữa là được. Cũng dễ hiểu. Có ở vào vị trí của kẻ phải ném từng cục vàng xuống biển như trong chuyện “Ăn khế trả vàng” mới thấy nó xót ruột thế nào.
    Phương án 3: thường là dự phòng của phương án 2, dành cho các đồng chí bỗng dưng bị lộ. Đây là hạ sách nhưng rất lạ là thông thường lại yên ấm cửa nhà. Khi cái cơ bị lộ đã rõ thì cứ công khai ra cộng với một vẻ mặt biết lỗi lại hóa hay. Nhưng sau đó sẽ là một giai đoạn trọng đại: giai đoạn kiểm soát đặc biệt. Bạn sẽ phải đi muộn, về sớm; quần áo đừng quá chỉn chu, nhưng không nên xộc xệch; vẻ mặt đừng quá ủ dột nhưng cũng chẳng nên hơn hớn…
    Tất nhiên, cũng tư vấn thế thôi, chứ vượt qua giai đoạn kiểm soát đặc biệt này là vô cùng gian nan. Ví dụ, có biết bản mặt của bạn phải thế nào mới được hài lòng không? Câu hỏi không bao giờ có đáp án, bởi:
    Bạn cáu gắt: họ sẽ cho là bạn tiếc cái tình gió mây nên đánh chó, chửi mèo.
    Bạn vui vẻ: Tội tày đình thế mà còn phởn phơ, hứng chí.
    Bạn chu đáo: chắc là vẫn vụng trộm nên thấy cắn rứt lương tâm.
    Tóm lại là có thể thở, nhưng cũng nên nhè nhẹ. Đừng dại mà thở hắt ra hay… thở dài.
    Nói qua nói lại chuyện này vì trên TTCK cũng đang có tình huống cần gỡ rối. Chả là các nhà quản lý đang đe sẽ công khai danh sách CTCK thuộc diện phải kiểm soát đặc biệt. Lý do là nhiều anh, nhiều chị làm ăn bết bát quá. Đến dăm năm liền thua lỗ như VIT (bước chân vào nghiệp chứng mà đặt lại tên là… VIT thì bị lùa cho chạy đồng là phải) thì nguồn cơn quá bối rối rồi còn gì.
    Người ta bảo, cái lẽ ra đời, dựng nghiệp của CTCK chính là môi giới, chân chỉ hạt bột cũng như nội tướng ở nhà. Nhưng muốn đời lên hương thì ở xứ ta là phải tự doanh. Cũng như vợ một bên, bồ một bên mà thôi.
    Xưa nay, bồ vốn mơ mộng nên yêu chó con hoặc mèo con, còn vợ chỉ thích… gà vịt đã làm sẵn. Môi giới ăn tiền hồ, tự doanh ăn tiền lãi. Bản chất của tự doanh là có miếng gì ngon, có con gì béo là phải ngấu nghiến mà ăn, kể cả tranh ăn. Như đào mỏ ấy mà! Còn nhớ thời hoàng kim, nhiều người khát khao cái giấy phép thành lập CTCK - mục đích chính cũng chỉ là để dây máu ăn phần tí tự doanh cho nó chuyên nghiệp…
    Thế nhưng, khi “Một mai hết sạch sành sanh. Bồ đi vợ lại đón anh về nhà”. Đó là cái cảnh bây giờ, khi cô bồ tự doanh bị hắt hủi, coi như của nợ. Chỉ có điều, chuyện bồ bịch cũng như mỗi bên ngậm một đầu dây thun. Bên này nhả ra là bên kia… sưng miệng! Thời gian qua, các CTCK cũng bị bồ hành cho tới số, nai lưng ra đi “vỗ về, dọn dẹp” để sang tay cho kẻ khác, mà tiền tài vẫn bị khoắng sạch sành sanh! Chưa kể các cụ cũng vì muốn bảo vệ gia đình mà ép con cái phải cắt đứt với bồ.
    Nhưng hình như trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt, gia đình chưa nghiêm khắc lắm thì phải. Các bậc cha mẹ cũng chủ yếu… chữa mẹo, cho tự xử là chính. Ngay cái việc công bố dăm anh chị diện đặc biệt mà cũng đằng hắng mãi. Kể ra cũng có phần nhạy cảm, nhưng sao không học theo ngành ngân hàng nhỉ, cứ công bố những anh nghiêm chỉnh, khỏe mạnh là xong. Chứ cứ để đồn đoán theo kiểu trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường thế này thì dân tình đầu tư chẳng khác gì bị bịt mắt lại rồi thả ra ngã tư Hà Nội ngay giữa giờ tan tầm!
    Có người hiểu chuyện lại bảo, cũng phải thông cảm vì cứ nhìn cái gương trong ngành y. Dạo này người nhà bệnh nhân bạo hành bác sĩ nhiều lắm. Sau những người ốm lại có “những người khỏe” hiểu nghề, nhăm nhăm nhòm y bạ thì việc kê đơn, bốc thuốc chẳng khó lắm thay.
    Nhưng chả có nhẽ!?
    (ĐTCK)

25 tháng 4, 2012

KỸ NĂNG SỐNG: Đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử: Dòng máu nhà tôi là dòng máu kinh doanh


Đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử là cha của rất nhiều doanh nhân nổi tiếng trong một đại gia đình doanh gia. Bản thân cụ Sử ở tuổi 90 cũng là một tấm gương sáng cho nhiều thế hệ doanh nhân ngày nay.
Đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử
Đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử là cha của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch tập đoàn Doji, ông Đỗ Anh Tú TGĐ công ty CP Diana, ông Đỗ Quốc Bình Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, ông Đỗ Anh Tuấn TGĐ công ty FTD, bà Đỗ Xuân Mai điều hành công ty Green Global, bà Đỗ Kim Dung là giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các Công ty sữa...
Cũng là một cơ duyên khi mà ít lâu sau, Nghị quyết 09 về phát triển đội ngũ DN doanh nhân được Bộ Chính trị ban hành - VCCI đã chọn trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp” cho đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử. Một cuộc trao tặng mang lại nhiều cảm xúc và suy nghĩ cho cả người trao, người nhận và những người chứng kiến.

Trong lễ trao tặng kỷ niệm chương cho cụ Sử, có một lời phát biểu khiến tôi tâm đắc: “Chưa hết trăm năm đã trọn vẹn một chữ Người. Cuộc đời của cụ Sử là minh chứng cho từ Con Người viết hoa!” Ông Nguyễn Sanh Châu — Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Vương quốc Bỉ và Ủy ban châu Âu - dường như đã thay mặt cho tất cả những người được biết về cuộc đời của vị doanh nhân già này — nói lên điều ấy! Ở khoảnh khắc người đại lão doanh nhân giữa ngập tràn niềm vui sum vầy cùng con cháu đón nhận kỷ niệm chương, khi ông cất nên lời nói về niềm vui, niềm tự hào của mình mà không quên tự hứa rằng, còn sức lực sẽ còn kinh doanh, còn làm ngọn cờ đầu trong mái nhà doanh nhân của mình, tôi cảm thấy như được nghe lại giai điệu của ca khúc “một rừng cây, một đời người”. Cụ Sử đứng đó như đại ngàn che chở và tỏa bóng xuống cả một mái nhà doanh nhân.



Một đời NGƯỜI
Sinh năm 1923 trong một gia đình địa chủ kháng chiến, theo cách mạng từ năm 24 tuổi — bao nhiêu thăng trầm đã trải, giờ đây nhìn lại “khối tài sản” mà cụ gây dựng: 11 người con là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, doanh nhân, 34 cháu đều tốt nghiệp đại học (hầu hết đều học ở nước ngoài ) mới cảm nhận được gánh nặng trên vai người Cha — một mình chèo chống nuôi con. Tôi bắt đầu câu hỏi của mình bằng chính cái dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời người doanh nhân lão thành này.
Thưa cụ Sử - chắc phải có điều gì rất đặc biệt khiến cụ từ bỏ con đường quan chức đang mở rộng, để đi làm kinh doanh?
Khổng Tử có câu “ Tề gia — trị quốc — bình thiên hạ”. Người đàn ông trước hết phải lo được việc nhà mình rồi mới gánh vác được việc thiên hạ. Nhà tôi con đông vợ lại đau ốm liên miên. Tôi không còn lựa chọn nào tốt hơn. Sự nghiệp với đàn ông rất quan trọng, nhưng trước hết phải làm Người đã để lo cho vợ con tử tế. Đóng góp của mỗi người cho xã hội chính bằng sự lương thiện của mình của gia đình, con cháu mình. Mỗi người, có gia đình đều biết tu thân sửa mình thì xã hội chắc sẽ tốt đẹp hơn lên. Nếu tôi kinh doanh tốt thì có khi còn lợi ích cho mình và cả xã hội hơn là một anh quan chức bình bình

Tôi xin về mở HTX nhỏ chuyên ngành xén giấy, đóng sổ sách và tổ chức cho cả đàn con vừa học vừa lao động phụ giúp mình. Tôi là người cha nghiêm khắc — yêu cầu rất cao ở con mình. Vừa phải lao động vừa phải học giỏi xuất sắc điểm A — không có B. Cả 9 người con của tôi đều học giỏi, thông minh, đặc biệt là anh Đỗ Minh Phú — Chủ tịch  kiêm TGĐ Tập đoàn Vàng bạc đá quý DoJi. Tối tối các con tôi mang bài ra học luôn có tôi ở bên cạnh chỉ bảo.
Năm 1964, một biến cố lớn trong đời tôi xảy ra. Vợ tôi sau thời gian dài ốm nặng đã ra đi, để lại tôi và đàn con thơ dại — Đứa lớn nhất đang học lớp 10, đứa thứ chín mới vừa lên hai!

Tôi nhìn ông cụ không chớp mắt tự hỏi, không biết sức mạnh nào giúp người đàn ông vừa bốn mươi tuổi đã chịu cảnh "gà trống nuôi chín con thơ dại",  vượt qua được thời bao cấp khốn khó ấy khi mà gạo đong sổ tính từng cân và phiếu vải tính từng mét cho cả năm? Là người mẹ tôi càng thấu hiểu sự lo lắng cháy lòng khi con ốm, con đau hay nghịch dại… Cuộc đời thử thách con người thật nghiệt ngã. Có những số phận đã buông xuôi trong nghịch cảnh. Nhưng vẫn còn những người can trường không chịu khuất phục, không chịu để cuộc đời xô ngã mà quyết đứng dậy bước nhanh về phía trước. Một trong những người như thế là cụ Sử!
Điều gì đã giúp cụ đứng vững trong những ngày khó khăn ấy để làm tròn trách nhiệm “vừa làm cha vừa làm mẹ" thưa cụ ?

Tôi chỉ có ba điều để tựa vào, đó là trí tuệ, quyết tâm và đức hay lam hay làm. Tôi chịu khó học hỏi và tìm tòi sáng tạo trong công việc. Làm chủ nhiệm HTX Cơ khí Tháng Mười nhờ kiến thức tích lũy được hồi học đại học tại chức Bách khoa — chúng tôi đã sản xuất thành công gang dẻo tâm đen rất có uy tín. HTX lúc ấy có tới 200 đầu máy và 300 xã viên. Công việc kinh doanh đã giúp tôi nuôi được cả đàn con học hành đến nơi đến chốn. Quyết tâm tạo điều kiện cho các con học tập và một lòng vì chúng, tôi đã ở vậy nuôi các con 15 năm. Chỉ đến khi con nhỏ Đỗ Anh Tú được cử đi học tại Tiệp Khắc (cũ) tôi mới tục huyền với nhà tôi — Nguyễn Kim Phương và cùng bà điều hành doanh nghiệp đến bây giờ.

Hồi tôi bị mổ dạ dày, nghi là ung thư, tôi tập trung các con lại dặn: “Bố tham gia cách mạng, làm gì cũng hết lòng nên không có gì ân hận. Cậu út còn nhỏ nhờ các anh trông giúp …” Cả nhà xúm vào khóc, tôi động viên “đời người ai cũng một lần chết. Cái chính là sống cho có ích…” Thế mà ông trời thương, không phải ung thư. Nhưng tôi vẫn phải chung sống với căn bệnh tim, sốt rét và chỉ còn 1/3 dạ dày. Ai cũng nói phải nghỉ ngơi nhưng tôi nghĩ còn sống thì còn làm việc. Ăn gạo của nông dân, mặc áo của công nhân thì phải làm trả ơn chứ. Thế là tôi lại kinh doanh…

Tôi hiểu sức mạnh tinh thần mà cụ nói — cảm phục đức làm người và ngưỡng mộ trí tuệ sắc sảo, vẻ mẫn tiệp vẫn toát ra từ gương mặt cương nghị và tinh anh của cụ. Chia sẻ với tôi bí quyết để khỏe — trẻ và minh mẫn — cụ bảo “ sự sáng suốt khỏe khoắn mà tôi có được là do học tập và làm việc không biết mệt mỏi. 70 tuổi tôi học tiếng Anh để làm việc với đối tác và mỗi chiều 30 Tết tụ họp gia đình hơn 70 người tôi có thể phát biểu bằng thứ tiếng của “Công dân toàn cầu”. 87 tuổi tôi tiếp tục học tiếng Hoa — cũng để trao đổi thường xuyên với đối tác và cũng do có cô con dâu út người Hoa…” Cụ Sử còn có ý định học tiếng Nhật dịp này…

Dòng máu kinh doanh và chữ tín
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi trao Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp” cho cụ Đỗ Thế Sử đã phát biểu: “Cụ Sử là một bằng chứng rằng - 14 tuổi kinh doanh cũng chưa phải là sớm và 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn…” Không phải ngẫu nhiên mà cụ Sử nhận mình có “máu kinh doanh” từ trong huyết quản. Cụ kể, 14 tuổi “chạy cờ” cho mẹ nên đã biết buôn tơ với các bà ở Hàng Ngang Hàng Đào và say mê kinh doanh từ thuở đó. Cụ tâm đắc: "Kinh tế là hạ tầng cơ sở của xã hội, là dòng máu nuôi cơ thể. Đất nước vững bền và phát triển thì phải có nền kinh tế khỏe mạnh và phát triển. Nhưng kinh doanh phải có gen và phải say mê nó. Tôi có gen ấy là được truyền từ mẹ tôi. Một người đàn bà thất học nhưng thông minh vô cùng. Bà chỉ nhìn qua bản đồ của xã, huyện là nắm được hết từng thửa ruộng. Không biết chữ nhưng bà tính nhẩm nhanh như cắt và không sai bao giờ".

Tôi hỏi cụ nhớ gì nhất về người mẹ và được nghe cả một câu chuyện thú vị vô cùng — ngỡ chỉ có trong tiểu thuyết.
- Mẹ tôi là con gia đình khá giả - Cha mẹ bà nhận trầu cau của một người trong xã. Bà không ưng người đó và trót yêu ông chánh tổng đã có vợ. Bà bỏ nhà trốn lên Phú Thọ cấy thuê làm mướn lo đủ số tiền mang về trả lễ cho nhà trai rồi nhất quyết lấy bố tôi. Phận làm lẽ cũng chẳng dựa gì nhiều vào chồng, bà tự tay gây dựng cơ đồ. Có chút vốn là bà mua ruộng, giao cho người cấy thuê và trả công xứng đáng, hai bên cùng có lợi. Cứ thế mà nhân lên mãi. Rồi bà mở xưởng thuê người nấu mật mía, mở lối gỗ từ Tuyên Quang, Phú Thọ, mở xưởng dệt nhuộm vải thâm… Có trong tay 300 mẫu ruộng, xưởng vải, xưởng mật, xưởng gỗ…, vậy mà vẫn tham công tiếc việc làm quần quật như một bà lực điền chính hiệu. Tôi nhớ mãi hình ảnh của bà vừa ăn ngô bung vừa tranh thủ xay lúa… Tôi còn biết bà có cái hòm hai đáy cao 1 thước, đáy dưới cao 40 phân chật cứng tiền Đông Duong. Bà làm giàu bằng cái đầu và tính hay lam hay làm, giúp cho bao người có công ăn việc làm. Cái giàu đĩnh đạc, đàng hoàng và chắc chắn. Cả đời tôi ngưỡng mộ và kính phục mẹ mình. Chính bà là tấm gương cho tôi theo và truyền cho tôi ý chí và nghị lực — nhất là những khi cuộc đời thử thách mình.

Có vẻ như cụ còn giống mẹ ở chỗ nhìn đâu cũng thấy cơ hội kinh doanh?
Điều ấy thì đúng! Khi tôi đã nghỉ hưu ở HTX rồi, một ngày ông thông gia ở  Sài Gòn ra chơi kể chuyện mua cái mũ phớt đắt quá — hơn nửa chỉ vàng, tôi nghĩ ngay ở Hà Nội rẻ hơn. Thế là hai vợ chồng già “đánh” mũ từ Hà Nội vào. Sang Tiệp Khắc chơi với Anh Tú tìm đến tận kho mua hẳn 5000 cái về - thắng to. Đến cái năm Tú nhận bằng đỏ tiến sĩ được mời bố mẹ sang, chúng tôi ra quảng trường chơi thấy đồ pha lê đẹp quá liền mua luôn. Tối ấy ngắm nghía đến hai giờ sáng rồi quyết định "đánh về". Tôi nhờ Tú dẫn đi mua băng giấy vệ sinh về chèn 39 kiện pha lê khiến Tú kêu trời! Bán pha lê cũng ra tiền mà băng giấy vệ sinh hồi ấy còn hiếm nên cũng là khoản thu kha khá… Nhiều tuổi rồi nhưng nhìn thấy cơ hội làm ăn vẫn ham. Không muốn dừng. 73 tuổi tôi quyết định thành lập công ty may mặc Gamexco để sản xuất hàng xuất khẩu. Công ty có 300 công nhân ở xưởng tại Hà Nội và ở Hà Nam, Ba vì.
Nghe câu chuyện ngày nào của cụ Sử, tôi chợt có một liên tưởng thú vị. Phải chăng cũng do cái duyên giúp bố mẹ mà sau này Đỗ Anh Tú nổi tiếng với thương hiệu Diana! Quả thật dòng dõi gia đình họ Đỗ đặc biệt và không khác nào một huyền thoại!

Với triết lý sống và những kinh nghiệm đã trải của mình, cụ hướng những người con vào kinh doanh như thế nào?
Tôi cho các con tự chọn con đường đi để phát huy hết khả năng của mình. Nhưng nhìn thấy ở người nào cái gen kinh doanh trội thì hướng người đó. Thực ra những điều đó ở trong máu rồi, chỉ cần khơi lên thôi: Đỗ Minh Phú là một ví dụ. Anh ấy là người thông minh nhất trong các con tôi. Ngày anh ấy phải lựa chọn giữa việc sang Nhật làm tiến sĩ hay chuyển hẳn sang kinh doanh tôi có nói đại ý: “Làm khoa học cũng tốt nhưng nếu biết cách làm giàu cho mình và đất nước thì càng tốt. Nhà DN sẽ là một trong những trụ cột của đất nước…” Thế là Phú quyết định rẽ sang hướng trở thành doanh nhân đúng nghĩa và có được Doji như hiện nay. Những người con khác của tôi cũng vậy: Anh Đỗ Anh Tú là Tổng giám đốc công ty CP Diana, anh Đỗ Quốc Bình Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, anh Đỗ Anh Tuấn Tổng giám đốc công ty lò hơi FTD cung cấp sản phẩm cho cả nước, chị Đỗ Kim Dung là giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các Công ty sữa,  chị Đỗ Xuân Mai và chồng là điều hành công ty kinh doanh Green Global...
Tôi vẫn bảo, điều quan trọng không phải là các con làm được bao nhiêu tiền mà là các con tạo ra bao nhiêu việc làm cho công nhân. Phải trở thành người dẫn dắt mọi người theo như bà nội các con trước đây…, cụ Sử chia sẻ.

Vậy trong kinh doanh, cụ trao truyền cho con cháu của mình điều gì?
Đó là chữ Tín. Ngày trước mẹ tôi đặt mua tơ về dệt ở Hàng Ngang Hàng Đào chỉ cần nhắn một câu là có hàng đưa về ngay, tiền trả sau. Bây giờ tôi và bạn hàng cũng vậy. Cuộn vải 150 m thì mét nào cũng như mét nào, 100 cuộn như một. Chưa cần ký hợp đồng chỉ cần gọi điện sang là họ thực hiện ngay. Không ai sống được một mình, người nọ phải dựa vào người kia để cùng tồn tại. Vậy thì chữ Tín quan trọng lắm. Tôi dạy con cháu chữ Tín và thể hiện chữ Tín với mọi người rồi để người ta giữ chữ Tín như mình. Dòng máu nhà tôi là dòng máu kinh doanh và dòng máu này được lọc bằng chữ tín. Bây giờ chữ tín còn ít lắm. Người ta lừa lọc nhau. Vì thế, các vụ vỡ nợ, lừa đảo nhan nhản khắp nơi nên càng phải đề cao chữ tín. Phải có chữ Tín thật sự thì chúng ta mới có nhiều các nhà tư bản lớn. Chữ Tín chính là biểu hiện nhân cách của người kinh doanh.
Câu chuyện giữa tôi và cụ Sử cơ hồ thật khó dứt. Để hiểu một con người đặc biệt như cụ, để học hỏi thêm nhiều điều từ cụ thì một vài buổi chưa hẳn đã thấm tháp gì. Duy có điều này thì tôi biết rõ — nếu có lúc nào đó mình nản chí hoặc ngã lòng trước thử thách của cuộc sống thì cụ chính là một trong những người sẽ giúp tôi vượt lên bằng chính cuộc đời của cụ.

Cụ Phương vừa ở cơ sở sản xuất tại Ba Vì về tíu tít chuẩn bị bữa tối. Tôi nhìn xung quanh — hình như không có người giúp việc nào. Cụ bà 75 tuổi vẫn là người nấu những món ăn hợp khẩu vị cho cụ ông. Mà tôi biết cụ bà chính là cánh tay phải đắc lực trong kinh doanh của cụ ông. Sáng sáng hai cụ vẫn cùng nhau xuống xưởng sản xuất. Lại thêm một điều đặc biệt nữa trong ngôi nhà số 4 ngõ Bà Triệu này…

Tiếp xúc với cụ Đỗ Thế Sử và những người con, người cháu doanh nhân của cụ, thêm một lần tôi hiểu rõ sức sống trường tồn len lỏi qua bao thăng trầm của lịch sử để tạo dựng nên những Kinh kỳ, Kẻ chợ, phố Hiến, Hội An, Sài Gòn, Chợ Lớn... và diện mạo của nền kinh tế hôm nay của đất nước. Đó chính là dòng máu kinh doanh, là nhiệt huyết, là nỗi đam mê trong mỗi con người và trao truyền lại cho những thế hệ sau; Là khao khát trở thành thủ lĩnh dẫn dắt những người xung quanh để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính mình và mọi người - của những doanh nhân chân chính.

Chiều thứ bảy — chia tay cụ, tôi bước ra khỏi con ngõ có những chùm hoa vàng thả dọc lối đi, lòng trào lên niềm tin yêu cuộc sống và tin yêu con người hơn.
(Cafebiz)

24 tháng 4, 2012

Nhịp đập thị trường 24/04/2012

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: Mẹ đã tước đoạt đi của tôi tất cả

Tám tuổi, cô bé trẻ con nhưng vô cùng nhạy cảm là cháu lần đầu tiên đã có những trực giác lạ lùng về người cha dượng của mình. Cha hay tìm cách gần gũi cháu, ôm ấp cháu và chiều chuộng cháu. Lúc đầu cháu rất vui vẻ và hạnh phúc. Một đứa bé 8 tuổi, trong veo như một giọt sương mai, và chưa đậu xuống cuộc đời. Mọi thứ trong cháu thần tiên và đẹp đẽ...


Mẹ và bố cháu đã có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Hai người quyết định ly hôn khi cháu vừa lên 2 tuổi. Những ký ức mơ hồ về một tổ ấm gia đình chỉ hiện lên trong tâm trí cháu như một làn sương mỏng, mong manh và hư ảo mà cháu chưa bao giờ hình dung được một cách rõ nét. Cháu khát khao vô cùng một tổ ấm gia đình khi thấy bạn bè luôn có bố mẹ.

Sau khi ly hôn, bố cháu gần như bỏ rơi cháu cùng với người đàn bà một thời là vợ của ông ấy. Khi đó cháu còn nhỏ quá, cháu không hiểu được vì lý do gì mà bố mẹ cháu lại vội vàng cưới nhau, vội vàng ly hôn, và vội vàng chạy khỏi nhau thật lâu, thật xa như vậy. Chính vì thế khi cháu lên 6 tuổi, mẹ cháu yêu và đi bước nữa với một người đàn ông khác, cháu đã coi đó là một bước ngoặt trong cuộc đời buồn tẻ của hai mẹ con mình. 6 tuổi, nhưng những khiếm khuyết về tinh thần do một tổ ấm không trọn vẹn, những khoảng trống đổ vỡ không thể lấp đầy trong đời sống của cháu đã làm cho cháu già trước tuổi và sống khá nội tâm. Cũng như mẹ, cháu háo hức bước vào cuộc hôn nhân của mẹ cháu một cách đầy kỳ vọng. Cha dượng của cháu chưa từng lập gia đình, trẻ hơn mẹ cháu 4 tuổi. Mẹ cháu đã rất hạnh phúc. Hai năm sau, khi cháu lên 8 tuổi, mẹ cháu sinh thêm em trai thứ hai với người chồng mới của mình.

Tám tuổi, cô bé trẻ con nhưng vô cùng nhạy cảm là cháu lần đầu tiên đã có những trực giác lạ lùng về người cha dượng của mình. Cha hay tìm cách gần gũi cháu, ôm ấp cháu và chiều chuộng cháu. Lúc đầu cháu rất vui vẻ và hạnh phúc. Một đứa bé 8 tuổi, trong veo như một giọt sương mai, và chưa đậu xuống cuộc đời. Mọi thứ trong cháu thần tiên và đẹp đẽ. Cháu đã ngỡ mình có một người cha gần gũi thực sự để yêu thương mình. Nhưng cháu đã nhầm. Cú nhầm thọc sâu vào tận tâm can cháu, bóp vụn trái tim non nớt của cháu và xé toạc thân thể cháu ra thành trăm ngàn mảnh. Đó là một buổi tối ngột ngạt, từ ngày mẹ cháu sinh em bé, cha dượng cháu thường sang phòng cháu ngủ cùng. Một đứa bé 8 tuổi, ngủ với cha dượng của mình, có gì là không phải phép khi họ đã gắn kết với nhau bằng cuộc hôn nhân của mẹ và sợi dây máu mủ là đứa con mới sinh cùng mẹ khác cha với cháu. Cháu đã hồn nhiên đón nhận tình cha, còn mẹ cháu, hồn nhiên trao cuộc đời của mình, cuộc đời của đứa con gái bé bỏng của mình đang như một thiên thần nhỏ vào tay một con sói độc địa.

Suốt 3 tháng mẹ ở cữ, cháu trở thành con mồi cho con thú trong cha dượng hằng đêm. Đêm nào cha cháu cũng làm tổn thương thân thể cháu. Những lúc ấy cháu nằm co người lại và rất sợ hãi, thút thít khóc. Tám tuổi, cháu đã có những giấc ngủ kinh hoàng, những giác ngủ đau đớn câm nín và sợ hãi. Khi mẹ cháu dậy được, thỉnh thoảng mẹ cháu tắm cho cháu. Mẹ phát hiện ra những vết thâm tím, trầy xước trên những vùng nhạy cảm của cơ thể cháu. Mẹ cháu kinh hoảng la lên, còn kêu cả cha dượng cháu vào chứng kiến. Cha dượng cháu ơ hờ liếc qua cơ thể bầm dập vì tổn thương của cháu và buông một câu lạnh lùng: “Em phải để mắt đến con. Bọn trẻ con bây giờ hè nhau bày cho nhau nghịch dại lắm đấy. Cũng phải chú ý đến con khi ở trường”. Cháu rúm ró và sợ sệt cái ánh mắt sắc lạnh của cha dượng cháu. Cháu đã không thể thốt ra lời nào. Từ đó cháu càng hay câm lặng và sợ hãi. Cháu già như một bà lão khi lên 9 tuổi. Cháu trở nên ít nói, và không chia sẻ điều gì với ai. Cháu gần như không giao tiếp. Căn bệnh trầm cảm của cháu dần dần phát lộ. Mẹ cháu có quan tâm cháu, thương cháu nhưng bà bận mải mê với người chồng trẻ và đứa con chung mới sinh nên không còn thời gian. Cháu như cây dại đã bị chặt lá cành tơi tả, ứa nhựa lớn lên trong tím tái đau đớn.

Khi cháu lên 13 tuổi, mẹ, chính mẹ cháu đã bắt gặp cảnh cha dượng cháu sàm sỡ với cháu. Vẫn là những động tác đụng chạm tranh thủ nơi phòng tắm, góc tối cầu thang lối vào phòng ngủ. Vẫn là những cái động tác bệnh hoạn những khi có thể. ơn trời, trong một bản năng hoang dã nào đó của sự đề phòng, cháu đã quá cẩn thận khi chưa để trở thành là nô lệ tình dục của con người đốn mạt đó. Mẹ nhìn thấy cảnh kinh khủng ấy nhưng mẹ đã tát vào mặt cháu thay vì tát vào gương mặt trơ trẽn của cha dượng. Mẹ nói: “Mày là con gái dậy thì, đừng có lượn lờ ngứa mắt trước người không phải bố đẻ của mày. Mày lượn lờ như vậy, còn trách ai nỗi gì nữa”. Khi nghe mẹ nói vậy cháu đã sốc đến mức cháu ngã khụy xuống nhà và bất tỉnh.

Cháu đã ốm một trận nhừ tử kể từ hôm ấy. Khi tỉnh lại ở bệnh viện, cháu đã nói với mẹ: “Mẹ ơi, vết thâm tím ngày con lên 8 tuổi là của cha dượng đấy mẹ ạ. Cha đã hành hạ con hằng đêm, khi mẹ ở cữ”. Mẹ cháu chỉ sững người một lúc rồi im lặng, không thốt lên lời nào. Mẹ không có một hành động nào bênh vực cháu. Mẹ không bỏ gã chồng tởm lợm của mẹ. Mẹ vẫn yêu hắn, cần hắn. Sau sự cố đó, cháu hay bỏ học dạt nhà đi lang thang. Cháu lăn lóc với đám trẻ bụi đời như một con ngựa bất kham chạy trốn một vết thương trên thân mình. Mẹ cháu biết cháu hay nghỉ học nhưng không quan tâm lắm. Mẹ cháu nói học được thì học mà không học được thì nghỉ đi làm kiếm tiền nuôi thân. Lạ lùng, trong cái môi trường nhơ nhuốc và thiếu sự quan tâm, tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ mà cháu vẫn không hư hỏng hay trượt ngã. Sau những lang thang, cháu lại lao vào học để quên đi tất cả. Thời gian này, mẹ cháu đang bận đau khổ vì thêm một lần nữa gia đình lại đổ vỡ khi mẹ cháu phát hiện ra cha dượng cháu có quan hệ tình cảm với mấy người bạn nhỏ tuổi hơn của mẹ. Thật ra, cuộc hôn nhân thứ hai làm cho đời mẹ cháu thêm tan nát và mục rã.

Tốt nghiệp Trung cấp Du lich, có vốn tiếng Nhật, cháu được nhận vào làm ở một nhà hàng lớn của Nhật. Cháu bắt đầu có người yêu. Người đó cũng có hoàn cảnh riêng như cháu. Lần đầu tiên cháu ngỡ như được chạm tới niềm hạnh phúc dịu dàng và ngọt ngào nhất thì cũng là lúc trái tim cháu vỡ tan tành khi phát hiện ra bạn trai cháu có quan hệ tình dục với mẹ của cháu. Các cô các chú ơi, sao đời cháu lại khốn khổ khốn nạn đến vậy. Những lần về nhà cháu chơi, rồi dần dần thành chỗ thân tình trong nhà, bạn trai cháu hay đến ăn cơm nhà cháu. Nhà thiếu đàn ông, có việc gì cần, mẹ cháu đều gọi cho bạn trai cháu đến giúp. Khi thì đưa mẹ đi chỗ này, giao dịch chỗ kia. Khi thì đưa hộ hàng cho mẹ cháu. Mẹ cháu có shop quần áo trên phố. Cháu vô tư và hoàn toàn tin tưởng rằng, cháu đã tìm được một người đàn ông đích thực cho đời mình. Có ngờ đâu… cho đến một ngày cháu có việc phải trở về nhà đột ngột, và cháu đã chứng kiến cảnh mẹ cháu và người yêu cháu đang trong một cuộc mây mưa hoan lạc.

Cháu không còn ở ngôi nhà của mẹ cháu từ bữa ấy nữa. Mẹ cháu có gọi điện thoại cho cháu nhưng cháu không nghe máy. Mẹ nhắn tin cho cháu nội dung rằng: “Con tha thứ cho mẹ. Con còn trẻ, có nhan sắc, con còn nhiều cơ hội để tận hưởng hạnh phúc. Con hãy quên T đi, coi như đó là món quà con ban cho người mẹ nhiều đau khổ và tội nghiệp này. Mẹ đã gửi tiền vào tài khoản cho con. Con có thể ghé qua nhà lấy chìa khoá căn hộ chung cư mẹ vừa tích cóp bao nhiêu năm làm lụng để mua. Căn hộ chỉ có 30 mét vuông thôi nhưng đó là những gì mẹ có thể để cho con sau khi con lấy chồng. Con hãy sử dụng nó như món quà hồi môn mẹ tặng cho con. Đừng đi lang thang và đừng sa ngã. Dù thế nào con vẫn phải sống, và sống đàng hoàng con ạ, để sau này còn lấy chồng”.

Các cô các chú ơi. Cháu đã về lấy chìa khoá nhà và dọn đến căn hộ mới để ở. Cháu đã sống tiếp và sống đàng hoàng chứ không thể ngập ngụa và trượt dài trong nỗi chán chường, mặc dù mẹ cháu đã lấy đi tất cả mọi thứ trong cuộc đời cháu. Và mặc dù cháu thấy chán nản tất cả, mọi thứ đều tối tăm mờ mịt và quan trọng là cháu mất hết tất cả niềm tin ở mẹ cháu và người yêu cháu. Cháu vẫn tiếp tục đi học tiếng Anh và làm quản lý nhà hàng Nhật. Thật may cháu đã không trở thành gái bán dâm hay đại loại những gì xấu xa hơn thế. Theo lời khuyên của ông giám đốc nhà hàng người Nhật nơi cháu phục vụ, cháu đã đến gặp bác sỹ tâm lý để chữa trị những cơn đau tinh thần của mình. Cuộc đời dù sao cũng đã mỉm cười lần nữa với cháu khi ở trung tâm tư vấn, cháu đã dặp được chồng mình. Anh ấy là bác sỹ tâm lý và Chủ nhiệm Văn phòng tư vấn tâm lý.

Sau khi kết hôn, cháu yêu cầu chồng cháu chuyển công tác về TP Hồ Chí Minh và hai vợ chồng ở luôn trong đấy. Chồng cháu là bác sỹ nên anh ấy hiểu cháu cần phải được thực tại xoá đi quá khứ đầy đau đớn và sợ hãi của cháu. Chồng cháu đã đồng ý với mọi ước nguyện của cháu. Hiện giờ cháu đã có một cậu con trai và cháu vẫn chưa một lần trở về thăm mẹ cháu hay dẫn gia đình nhỏ của cháu quay về nhà. Thỉnh thoảng cháu vẫn thấy mẹ nhắn tin, và trả lời tin nhắn cho mẹ. Cháu không nghe được điện thoại của mẹ vì tự trong sâu thẳm, cháu sợ mỗi khi thấy số điện thoại của mẹ cháu hiện lên. Chồng cháu rất muốn gặp mẹ cháu để giúp cháu vượt qua được cơn trầm cảm này. Nhưng hiện tại cháu chỉ muốn thanh thản và bình yên thôi. Cháu sợ hãi khi nghĩ một ngày cháu sẽ trở về căn nhà cũ và đối diện với mẹ cháu cùng những lô kỷ niệm kinh khiếp và hãi hùng.
(Theo CAND)

23 tháng 4, 2012

Nhịp đập thị trường 23/04/2012

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Bài thơ hay "Tháng Tư đã về"


Tháng tư gội làn tóc
Sầu đông tím lưng trời
Cơn mưa chiều đến vội
Mượt tà áo em tôi.

Chú chim non nho nhỏ
Chim chíp đợi mẹ về
Cánh hoa nào hé nở
Giật mình giữa cơn mê...

Tháng tư về trên phố
Mưa ướt loang mái nhà
Góc tường rêu xanh phủ
Giờ hóa những miền xa.

Mới hôm qua ngoài ngõ
Gió hun hút lạnh gầy
Sáng nay chợt bỡ ngỡ
Mùa đã lỡ trên tay...?

Tháng tư về rồi hả
Hạ của tôi đâu rồi
Có kịp về gõ cửa
Để ngày hóa tinh khôi?
(St)