31 tháng 7, 2012

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: Chuyện động trời - có thể!


Tôi đang sống trong trạng thái rất bất an và vô cùng khó xử. Hy vọng thổ lộ cùng các anh chị sẽ vơi đi ít nhiều và nhận được những lời gợi ý xử trí cần thiết. Chuyện của tôi chẳng hay ho chút nào vì nói ra, sẽ mang tiếng “vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng không nói, cứ cất giấu trong lòng thì lại luôn bức xúc đến ngột ngạt, tưởng như lắm lúc tim và óc có thể nổ tung.





Vâng. Tôi và anh yêu nhau say đắm, kéo dài suốt 5 năm mới cưới. Chúng tôi hoàn toàn thỏa mãn về nhau. Anh là một người đàn ông đúng như tôi mơ ước khi mới lớn lên, trái tim non trẻ bắt đầu biết yêu. Qua những gì anh biểu hiện, tôi hiểu là anh cũng rất hài lòng, mãn nguyện về tôi, về tình yêu đang có. Anh luôn nói: “Số anh thật may mắn bởi gặp được em”. Tôi thì luôn không thể tưởng tượng được cuộc đời mình sẽ ra sao nếu không có anh.

Sau khi cưới nhau, cuộc sống của chúng tôi lại càng êm đềm. Nhưng sống liền bên nhau 2 năm, tôi vẫn chưa có thai. Đi khám, người ta kết luận nguyên nhân về phía tôi. Bác sĩ nói nếu kiên trì chữa cũng có thể được nhưng rất tốn kém và khả năng thành công chỉ 10%. Họ gợi ý vào bệnh viện Từ Dũ ở Sài Gòn, vì nơi này nổi tiếng chữa những trường hợp hiếm muộn. Tôi thất vọng, buồn bã. Nhưng anh đã động viên. Rồi sau đó, anh thu xếp công việc, thu gom tiền bạc đưa tôi vào bệnh viện Từ Dũ. Tốn khá nhiều tiền, vẫn không có kết quả. Trở ra Hà Nội, cứ nghe ở đâu có thầy giỏi là anh lại tìm đến. Sau cả năm như thế, vẫn vô hiệu. Thương anh, tôi đề xuất: hoặc là chia tay để anh lấy vợ khác, hoặc tôi chấp nhận anh có “vợ bé”, miễn sao phải có con.

Do tôi chủ động nên sẽ không bao giờ có chuyện ghen tuông. Vì rất yêu và hiểu anh nên hạnh phúc của anh sẽ là của tôi, dẫu có phải chia sẻ tình yêu. Thậm chí, tôi có thể thương quý, đùm bọc, coi như em ruột người đàn bà nào đó khiến anh có được con. Nhưng anh đã gạt phắt đầy cương quyết:
- Em buồn cười nhỉ? Em có còn tôn trọng anh nữa không?
- Em rất thực lòng. Chỉ vì em yêu và thương anh nên mới nghĩ chân thành như vậy.
Và chúng tôi đã quyết định kiếm con nuôi. Anh nói một câu như đinh đóng cột:
- Ta sẽ kiếm trong bệnh viện, khi đứa trẻ mới lọt lòng, sẽ coi nó như con đẻ. Anh cấm em trở lại chuyện “lẩm cẩm” ấy, dẫu chỉ một lần.
Tôi thấy anh nói rất thật lòng nên đã yên tâm.

Tất nhiên là chúng tôi cần kiếm con trai. Nhưng bệnh viện nói, hiện tại chỉ có con gái. Đó là một đứa trẻ nặng 3,5kg rất kháu, mẹ nó mới có 17 tuổi,  “không chồng mà chửa”, không có khả năng nuôi con, nhờ cho hộ, vô điều kiện. Tôi lưỡng lự, nhưng anh quả quyết: con nào cũng được. Nhìn đứa trẻ, anh tỏ ý rất hài lòng. Thế là mọi thủ tục diễn ra nhanh chóng. Chúng tôi đón hài nhi về nhà, đặt tên cháu là Hồng Phúc. Anh tỏ ra rất hạnh phúc. Tôi cũng lây lan niềm vui của anh và lớn hơn là tôi được làm mẹ. Nhưng thỉnh thoảng, lòng tôi vẫn chạnh buồn. Không phải buồn vì tôi vô sinh, mà vì thương anh không có con trai. Là người tinh tế và nhạy cảm, anh biết rõ tâm trạng tôi nên nói:
- Em cứ có ý nghĩ ấy, khi con nó lớn lên, sẽ nghĩ sao?

Chúng tôi tập trung vào việc chăm nuôi Hồng Phúc và hoàn toàn có cảm giác như con đẻ, không một chút “lăn tăn” gì. Đến khi cháu 3 tuổi, nhân có một người quen gợi ý đổi nhà, chúng tôi chấp nhận. Thế là  đến địa chỉ mới - ở một quận khác, cách nơi ở cũ hơn 10 cây số - không ai biết Hồng Phúc là con nuôi của chúng tôi. Cuộc sống của 3 chúng tôi êm đềm trôi đi. Chồng tôi vẫn luôn thể hiện rõ một trụ cột vững chắc. Đặc biệt, anh là một người cha thật tuyệt vời: luôn khiến Hồng Phúc vừa yêu quý, lại vừa kính nể cha. Nhìn nó quấn quít bên anh, lòng tôi tràn ngập hạnh phúc. Chưa bao giờ anh nói nặng với nó điều gì. Khi nó làm điều sai trái, khiến chúng tôi không vừa ý, chỉ cần anh nghiêm mặt một chút, hơi trầm lặng là nó đã biết ý, tự khắc phục, kèm câu nói: “Con xin lỗi bố mẹ”. Cháu rất ngoan, học giỏi, năm nào cũng đứng đầu lớp.
Rồi Hồng Phúc lớn vồng lên lúc nào chẳng hay. Thấm thoắát đã gần 20 năm. Con gái chúng tôi đã trở thành một cô sinh viên xinh đẹp lộng lẫy, vẫn học rất giỏi, được tiêu chuẩn đi nước ngoài do Nhà nước đài thọ. Nhưng cháu nói, muốn học ở trong nước vì thương bố mẹ chỉ có mỗi đứa con, xa nhà 5 năm, sẽ buồn. Cháu khẳng định, nếu có chí thì ở trong nước cũng thành tài, lập nghiệp tốt. Chúng tôi đồng ý với quyết định của cháu.

Hồng Phúc chẳng những xinh đẹp, ngoan, học giỏi mà còn có những suy nghĩ sớm già dặn, chững chạc, vượt quá tuổi 19, 20. Đặc biệt là cháu rất hiếu thảo, khiến vợ chồng tôi yên tâm và tự hào với mọi người xung quanh. Năm ngoái, tôi đổ bệnh phải nằm viện, Phúc tranh thủ ngoài giờ học là mang tài liệu vào ở bên tôi cả ngày đêm, không yên tâm để chồng tôi thuê người  chăm sóc.

Thưa các anh chị. Câu chuyện gia đình tôi đến đây tưởng chẳng có gì phải kể nữa, bởi như vậy là đã quá viên mãn và “có hậu”. Nhưng...

Thật trớ trêu. Tất cả có lẽ bắt đầu bằng tình trạng sức khỏe của tôi. Đang là một người cân đối, khỏe mạnh, cao 1,60m, nặng 52kg với các số đo khá chuẩn so với một thiếu phụ đã ở tuổi ngoài 40. Sau trận ốm năm ngoái, tôi gầy tọp, chỉ còn 40kg, tóc rụng rất nhiều. Tôi vốn có nước da như “trứng gà bóc”, ai cũng phải thèm. Vậy mà bây giờ ngả màu mai mái, xanh xạm.

Nếu trước đây, chồng tôi yêu thương, hết lòng chăm sóc con gái khiến tôi vô cùng hạnh phúc thì bây giờ, tự nhiên tôi xuất hiện cảm giác thấy có một điều gì đó hơi là lạ, không bình thường. Rất nhiều lần tôi thấy anh ôm ấp, âu yếm con gái không giống những người cha khác. Có thể bình thường được không khi người cha mới 48 tuổi, cứ ôm hôn, bế nó lên lòng mà âu yếm đứa con gái 19 tuổi? Mười năm trước, việc đó là bình thường. Nhưng nay thì thật là chướng. Và dần dần tôi thấy rõ chồng tôi đã săn sóc nó hơn tôi. Ví dụ: Tuy rất quan tâm đến tôi, nhưng chưa bao giờ anh mua tặng tôi đồ lót. Vậy mà anh đã luôn mua cho con gái. Tôi để ý thấy hôm nào nó về muộn, hoặc điện thoại báo không ăn cơm nhà, anh bần thần, ra vào không yên và ăn mất ngon. Rõ nhất là gần đây, Phúc đi thực tập một tháng xa nhà, tuần nào anh cũng lặn lội đến tận nơi thăm nó. Còn thì ngày nào cũng gọi điện thoại. Cha con nói chuyện hàng nửa giờ. Tôi nói với anh:
- Con nó lớn rồi, anh không cần phải quá quan tâm như trước nữa.

Chồng tôi nói: “Trong mắt cha mẹ, đứa con lúc nào cũng là bé dại, kể cả khi chúng có làm nên ông nọ, bà kia”. Có lần tôi dặn con gái đã lớn, cần ý tứ. Ăn mặc ở trong nhà lúc có bố không thể quá thoải mái, xông xênh như lúc chỉ có hai mẹ con. Anh bảo tôi chỉ vẽ chuyện, con nó chứ có phải ai đâu. Tôi thì cảm thấy không thể chấp nhận khi con gái lớn ăn mặc hớ hênh bên cạnh người cha vẫn còn trẻ, với cơ thể mơn mởn đầy sức sống.

Linh cảm phụ nữ mách bảo là anh đã thay đổi tình cảm với tôi, có lẽ vì hiện nay tôi tiều tụy, ốm yếu. Đối với vợ, anh chỉ có tình thương, ân nghĩa và trách nhiệm. Cũng giác quan thứ sáu cho tôi biết anh yêu con gái không giống những người cha đẻ yêu con ruột. Hình như đến lúc này, sự khác máu tanh lòng đã đánh thức cái bản năng giới tính của anh. Nếu vậy thì kinh khủng biết bao! Còn con tôi, nó vẫn luôn hồn nhiên trong trắng, luôn yêu quý cha mẹ, đặc biệt coi cha như thần tượng, vì anh vừa giỏi giang, có tiếng tăm ngoài xã hội, lại hết mực yêu chiều nó.
Liệu tôi có quá “Tào Tháo đa nghi”, hay linh cảm đúng sự thật? Tôi cần làm gì để ngăn chặn bi kịch có thể xảy ra? Và tôi có nên nhắc con gái phải “cảnh giác”?
(CAND)

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Chứng khoán truyền kỳ

Năm 2000 sau Công Nguyên, phía Nam nước Đại Việt đang đêm bỗng có quầng sáng từ phía Tây bay lại, to bằng cái đấu sa xuống Bến Chương Dương.





    Ánh sáng như sao sa, tỏa đi khắp nơi, bao phủ cả một vùng rộng mấy trăm dặm vuông.
    Vài tháng sau bỗng sinh quái sự. Trâu bò gà lợn của mấy tỉnh đang eng éc, be be, tự dưng lăn ra chết. Quan chủ sự coi sóc việc thú y thì đoán chắc rằng, nó là bởi một con vi rút dữ có tên H5N1. Nhưng việc cứ một đồn mười, mười đồn trăm, làm dân chúng hoảng sợ, bất an…
    Trên Thiên Đình, Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy con dân lao xao thì động lòng thương xót. Có kẻ tả hữu mách rằng: “Vừa rồi có con Xích Long tránh họa Dot.Com bên xứ Tân Thế Giới chạy qua lánh nạn ở xứ đó. Muốn để yêu quái không gây họa đến nhân gian thì nên thế này, thế này…”. Ngọc Hoàng Thượng Đế y lời, xây một cái chợ bán giấy lấy tiền bên Bến Chương Dương. Tên gọi giao dịch quốc tế là Hosino. Lại lấy hình ảnh oai phong của Bò Tót và Gấu là vật trấn trạch.
    Ngày Hosino khai trương, chợt có ông thày bói mù đeo kính Gucci đi qua ngửa mặt lên trời than rằng: “Địa linh! Địa linh! Nhưng tòa Hosino này và State Bank Nam Tiêu cục bên tả đặt trên cùng long mạch. Sau này tất có tác động qua lại. Đáng tiếc, đáng tiếc”. Nói rồi thở dài rồi quày quả bỏ đi mất. Lời này quả nhiên ứng nghiệm kỳ lạ, nhưng đó là chuyện 7 - 8 năm sau. Trở lại chuyện Hosino ngày khai trương, tiếng cồng vừa dứt, lập tức có một hán tử mày ngài hàm én tay trong tay một giai nhân sắc nước hương trời tươi cười bước vào xin đất, lập nghiệp lớn, nuôi chí anh hùng. Nói luôn cho nhanh, nhìn qua là biết ngay trai SAM anh hùng gặp gái REE thuyền quyên. Tiếng lành đồn xa. Mấy năm sau, phía Nam thêm có TMS, LAF, BBC, TRI, phía Bắc có CAN, miền Trung có thêm DNP ùn ùn kéo tới xin nhập cuộc. Kẻ chỉ vì hiếu kỳ, người thực sự ôm hoài bão lớn. Mỗi một vùng phong tục tập quán khác nhau, nhưng về cơ bản tất cả vẫn sống chân chất, bình dị. Có thịnh có suy nhưng cư dân lúc ấy đa phần lấy tổ sư “đầu tư giá trị” Benjamin Graham làm thần tượng!
    Xuân qua, hè tới, thu đến, đông về. Thấm thoát đã 5 năm. Một ngày xuân phơi phới ánh hào quang, Ngọc Hoàng nhớ lại chuyện cũ nhìn xuống hạ giới bất giác không vui, cau mày hỏi tả hữu: “Sao Hosino lèo tèo như vậy?”. Tả hữu nhìn nhau câm nín, chỉ có Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ quỳ tâu: “Một phần vì Bắc Nam cách trở. Một phần vì đám tóc vàng, mắt xanh bên trời Tây chê hàng hóa lởm khởm, chất lượng kém không thèm ghé thăm”. Ngọc Hoàng nổi giận lập tức xây một chợ mới ở xứ Thăng Long, đặt tên là Hasino. Lại thúc tả hữu vừa chăm lo chính sự, vỗ yên dân chúng, tuyển mộ đám hiền tài hào kiệt lúc ấy như VSH, PPC, HBB... vào xới. Sai quan chấp pháp, vung bút lấy đà đặt ra luật lệ buôn bán, thưởng phạt công minh.
    Quả nhiên vào năm thứ 6, thứ 7, cả Hosino và Hasino bước sang thời đại thịnh. Anh hùng hào kiệt khắp nơi đến tụ hội. Tiền bạc ùn ùn chảy vào khiến người người, nhà nhà hoan hỷ. Than ôi, con chim trĩ núi có khi mưu cầu cái ăn thật không phải dễ dàng. Phải chạy mười bước mới tìm được một con sâu; chạy trăm bước mới tìm được một ngụm nước. Ngược lại là cạm bẫy. Sách Trang Tử còn ghi sờ sờ. Nhưng những ngày chợ phiên đông vui như hội, ai biết họa phúc sớm tối kề nhau. Không có gì trường tồn vĩnh cửu. Bọn thảo dân nuôi gà công nghiệp vì chút lợi riêng dám vào ngay Hosino và Hasino kiếm chút bổng lộc rơi vãi. Mạn Gia Định bỗng lộ ra nàng Bông Bạch Tuyết nổi tiếng với tuyệt chiêu “vô trung sinh hữu” (lấy không thành có). Cao thủ hơn Bông Bạch Tuyết, xuất hiện Dược Viễn Đông anh hùng với tuyệt chiêu độc nhất vô nhị “man thiên qua hải” (giấu trời qua biển). Sau này, chứng tặc nổi lên khắp nơi như SBS, VKP, VMG… Trải qua mấy lần “đóng mở” của State Bank, cả hai xới liêu xiêu như ngọn đèn trước gió. Lời lão thầy bói xưa quả nhiên cũng ứng nghiệm.
    Lại nói con Xích Long ngủ yên bỗng nhiên từ năm thứ 8 cựa mình vùng vẫy. Có lão đạo sỹ In-Đô-Chi-Na bên trời Tây thích dịch học, biết vậy, một hôm bấm quẻ mai rùa đánh lô tô, cộng mãi không được cơ số, biết ngay có điềm quái khí, mới vứt cả mai rùa đi mà xem thiên văn. Đạo sỹ này thấy sao Khuê đi vào địa phận sông Tô Lịch nên vỗ đùi đánh bẹt một cái mà than rằng “Ôi thôi thôi, Vờ ni sắp tèo”, quyết định rút vốn khiến chứng trường hoảng sợ bất an. Tuy nhiên, kể từ đó nhất cử nhất động, đồng nghiệp của đạo sỹ này đều bị soi rất kỹ!
    Thấm thoắt thoi đưa đã một giáp khi Hosino mở sàn. Trên Thiên Đình, Ngọc Hoàng trong khi chờ xem khai mạc Olimpic mới ghé mắt nhìn xuống hạ giới. Ngài bỗng giật mình nhận thấy năm nay sao chứng trường im ắng quá. Lễ diễu hành khối CTCK vẫn lấy hình ảnh biểu trưng là con gấu và con bò, rồi đặt trên chiếc xe cải tiến cách đây 10 năm do 10 người vừa kéo vừa đẩy (10 CTCK có thị phần lớn nhất). Đi sau là một đội quần áo hổ lốn, vá chằng vá đụp (không phải NĐT chân chính thì còn ai)? Nghẹn ngào thương cảm NĐT chứng khoán cơ cực 4 - 5 năm nay, Ngọc Hoàng Thượng Đế mới xuống chiếu sai tả hữu khôi phục lại sự phồn vinh thuở trước cho chứng trường!
    Lời Ngọc Hoàng ứng nghiệm thế nào thì để hồi sau sẽ rõ. Vì xưa nay chuyện trên bảo dưới không nghe đâu chỉ có ở dưới thế gian người trần, mắt thịt…  
    (ĐTCK)

30 tháng 7, 2012

NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG: 30/07/2012 - Vn-Index tăng nhẹ lên 415 điểm

* Với lực cầu giá cao yếu, lực cung giá thấp không mạnh, sự giằng co trong khoảng hẹp có thể tái diễn trong thời gian tới với chỉ số VNIndex. Sau những khoảng giằng co này, thực tế cho thấy người cầm cổ phiếu thường dễ mất kiên nhẫn hơn, và khả năng sụt giảm của thị trường có xác suất xảy ra cao hơn sau đó.

* Ngắn hạn, HNXIndex đã có tín hiệu đảo chiều (yếu), lực cầu còn yếu và xu hướng trung hạn vẫn là giảm giá. Trong kịch bản lực cầu mạnh hơn ở các phiên tới, HNXIndex có khả năng quay lại test điểm cao nhất trong ngắn hạn.

Chi tiết tại: 
Dữ liệu MetaStock ngày 30/07/2012

Nhận định thị trường ngày 30/07/2012

GỠ RỐI TƠ LÒNG: Nhục nhã vì bị vợ khinh thường ra mặt

“Anh có giỏi thì viết đơn, tôi kí. Tôi báu gì loại chân đất mắt toét như anh. Mà anh đã suy nghĩ kĩ chưa thế? Bỏ tôi, mẹ anh không có tiền chữa bệnh lăn ra củ tỏi thì anh là đứa con bất hiếu đấy!”
Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân. Bố mẹ tôi lẽ ra cũng không đến nỗi nghèo khó bần cùng nếu như họ không cố gắng sinh bằng được con trai. Sau 4 lần đẻ chỉ toàn “thị mẹt”, cuối cùng ông bà cũng cố sinh được một người con trai chống gậy là tôi.
Nhà nghèo, bố mẹ tôi làm ruộng không đủ để nuôi 7 miệng ăn và cho các con học hành. Các chị tôi đều chỉ học hết cấp 2 là phải nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ. Tất cả của cải trong nhà dồn lại để nuôi đứa con trai duy nhất là tôi ăn học. Không phụ lòng cha mẹ, tôi cũng đỗ vào trường Đại học Ngoại Thương. Tôi quyết tâm học hành để sau này có thể đổi đời cho bản thân và gia đình.
Cứ ngỡ ra trường với tấm bằng đỏ, tôi có thể dễ dàng kiếm được một công việc tốt giúp đỡ gia đình. Ngờ đâu, trụ lại Hà Nội này khó hơn tôi tưởng. Tôi tự tin cầm tấm bằng đi gõ cửa các công ty, ngân hàng lớn nhưng câu trả lời luôn là không. Không có người quen giúp, không có kinh nghiệm, hầu như đến đâu tôi cũng bị loại vì lí do “thiếu kinh nghiệm thực tế”.
Để bố mẹ nuôi thêm nửa năm, cuối cùng tôi hạ thấp tự kiêu và ước mơ của mình. Tôi nộp đơn vào những nơi bình thường hơn. Sau quá trình dài lang thang tìm việc, tôi vào làm kế toán cho một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên kinh doanh nội thất.
Giám đốc công ty là một bác rất giàu, có rất nhiều cửa hàng buôn bán. Đáng tiếc, bác chỉ có độc nhất một cô con gái. Bác rất quý tôi. Vào làm một thời gian khá lâu thì bác tỏ ý muốn gả con gái cho tôi.
Lúc đầu, tôi rất ngạc nhiên tại sao bác không chọn một nơi môn đăng hộ đối cho con gái mà lại chọn một đứa nghèo kiết xác như tôi. Nhưng về sau, khi gặp con gái bác, tôi đã hiểu ra tất cả.
Cô ấy là một người phụ nữ kênh kiệu. Cô ấy sành điệu, ăn chơi khét tiếng, luôn có thái độ coi thường nhân viên trong công ty. Nếu là một người có tiền, tôi cũng chẳng thèm lấy một người như cô ấy. Trong đầu tôi đã có sẵn ý định từ chối nhưng ngại bác giám đốc, tôi cứ khất lần.
Mới đi làm được tròn 5 tháng thì một chuyện buồn xảy đến với gia đình tôi. Mẹ tôi ốm nặng phải nhập viện. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị suy thận cấp. Mẹ tôi lại không có bảo hiểm. Số tiền cần thiết để lo chạy thận cho bà mỗi tuần quá lớn, gia đình tôi không kham nổi. Ngày ngày nhìn mẹ tiều tụy và đối mặt với cái chết, tim tôi đau thắt.
Khi ấy, bác giám đốc đến thăm và biếu mẹ tôi một số tiền lớn. Bác lại đề cập đến chuyện gả con gái và kèm theo lời hứa giúp tôi tài chính để cứu chữa cho bà. Tôi như vớ được cọc.
Nhờ có sự bán thân của tôi mà mẹ qua cơn hiểm nghèo. Thời gian này, bà chỉ cần chạy thận đều đặn hàng tuần là ổn. Qua được gánh nặng chữ “hiếu”, tôi lại vướng vào cảnh “chó chui gầm chạn” khốn khổ với cô vợ giàu.
Sau khi cưới, bố mẹ vợ mua cho chúng tôi một căn nhà xa hoa để ở riêng. Tôi lên làm kế toán trưởng trong chuỗi cửa hàng của nhà vợ. Nhìn bên ngoài thì tưởng đã đổi đời, nhưng nào ai biết tôi nhục đến thế nào.
Trong ví tôi hàng ngày nhiều lắm chỉ có vài chục ngàn. Lương, thưởng, phụ cấp hàng tháng của tôi được gửi vào ATM của vợ tôi. Mang tiếng cửa hàng làm ăn được, lương cao nhưng tôi không xu dính túi. Ngày ngày, vợ tôi đưa cho vài đồng ăn sáng. Nhiều khi bạn bè, khách hàng, cấp dưới mời đi uống nước, tôi cũng chẳng có tiền chi.
Gia đình nhà vợ giữ đúng lời hứa giúp mẹ tôi chữa trị. Nhưng ngoài số tiền chạy thận họ gửi thẳng cho bác sĩ, tôi không được phép mang 1 xu nào về cho gia đình. Vợ tôi lúc nào cũng phàn nàn phải cho “nhà tôi” quá nhiều. Cô ấy nói thẳng với tôi, gia đình tôi là mang nợ nhà cô ấy. Cô ấy luôn coi chồng dưới cơ.
Từ khi lấy nhau, cô ấy chưa bao giờ làm tròn trách nhiệm của người vợ. Toàn bộ công việc ở gia đình cô ấy giao cho ô sin lo. Cô ấy vẫn giữ thói quen như thời con gái: đi bar, spa, mua sắm. Thậm chí, cuối tuần, cô ấy còn đi bar thâu đêm đến sáng sớm mới về nhà.
Đôi lần tôi nhẹ nhàng góp ý, cô ấy buông lời lạnh lùng: “Anh thấy không hợp thì đi đi, ra khỏi nhà tôi. Tôi hết chịu nổi một ông chồng nhà quê lại còn tinh tướng. Anh cũng chỉ là cái loại đào mỏ nhà tôi, có gì hay mà lên mặt".
Tôi bị cô ấy khinh, bố mẹ tôi cũng bị cô ấy coi thường. Từ ngày 2 đứa lấy nhau đã hơn 1 năm nhưng cô ấy chưa bao giờ về quê thăm bố mẹ chồng. Trong suy nghĩ của cô ấy, bố mẹ tôi luôn là mấy người nhà quê, lạc hậu, đẻ cố để rồi đến nông nỗi bần cùng.
Những lần bố mẹ tôi lên chơi, cô ấy đều tỏ ý khó chịu. Có lần, một người họ hàng bên vợ đến nhà chơi và bất chợt hỏi sao vợ chồng lấy nhau lâu mà chưa sinh nở gì. Trong khi tôi trả lời khéo là đang kế hoạch thì cô ấy mát mẻ: “Phải kế hoạch chứ cô ơi. Nhà cháu còn phải nuôi bên chồng cháu đủ thứ. Thời buổi kinh tế khó khăn mà mấy trăm triệu đội nón ra đi vì bà mẹ chồng cháu rồi đấy. Phải xong cái nợ ấy, cháu mới đẻ con”. Tôi tím mặt, nhục nhã trước người cô họ của vợ mà chẳng dám nói gì.
Gần đây, vợ tôi còn công khai cặp bồ. Cô ấy bao một tên trai đẹp mã và cặp thường xuyên. Mọi người xì xào sau lưng tôi. Giọt nước tràn li, vợ chồng tôi cãi nhau 1 trận lớn. Khi tôi hỏi về chuyện này, cô ấy ngang nhiên thú nhận. Máu uất nghẹn lên tận não, tôi quát:
- Cô không biết nhục hay sao mà qua lại với hạng vì tiền bán thân như vậy? Cô có nghĩ tới thanh danh của bố mẹ cô không?
- Anh tưởng anh khá lắm sao mà tinh vi. Anh cũng vì tiền mới lấy tôi, bám theo tôi còn nói ai? Anh cũng chỉ là 1 trai bao mà thôi. Cha mẹ anh cũng chẳng có quyền tự hào khi con họ bám váy tôi để lấy tiền. Cả anh lẫn bố mẹ anh, 1 lũ hám tiền, đốn mạt kém ai mà dạy đời.
Câu nói của vợ đánh thẳng vào lòng trọng của tôi, trong lúc cáu giận, tôi đòi li dị. Nào ngờ, vợ tôi tỉnh bơ: “Anh có giỏi thì viết đơn, tôi kí. Tôi lấy anh chỉ vì ông bô muốn vậy, chứ tôi báu gì loại chân đất mắt toét như anh. Mà anh đã suy nghĩ kĩ chưa thế? Bỏ tôi, mẹ anh không có tiền chữa bệnh lăn ra củ tỏi thì anh là đứa con bất hiếu đấy!”.
Nói xong, vợ tôi ngúng nguẩy bỏ đi bar để mặc tôi trong căn nhà cô quạnh. Cô ấy nói đúng, nếu bỏ vợ, tôi đã gián tiếp giết chết mẹ mình. Nhưng nếu tiếp tục sống bên người đàn bà này, tôi sẽ ngày càng đớn hèn, nhục nhã. Tôi đang rơi vào 1 vực sâu không lối thoát.

KỸ NÂNG SỐNG: Tìm ra những ý tưởng vàng

Ngay cả những nhà lãnh đạo cốt cán nhất cũng có lúc cảm thấy nản lòng khi tìm cách có được những ý tưởng mới thông qua các buổi làm việc nhóm. Kết quả thường thấy là gì?

Một nhóm người được lựa chọn có chủ đích ngồi nghe một cách thụ động trong khi người cầm trịch  – thường là người ngoài và ít khi hiểu rõ về công việc của bạn – ra sức thuyết phục “Hãy tưởng tượng đi!”, “Nghĩ sâu hơn đi!” và nhắc bạn một cách phấn chấn “Không có ý tưởng nào là tồi cả!”. Đó có phải là cảnh bạn vẫn thường chứng kiến khi tham gia vào những buổi làm việc nhóm để tìm kiếm ý tưởng ở công ty bạn?
Lãnh đạo mọi bộ phận trong các công ty đều trăn trở để có được những ý tưởng, sáng kiến hay.  Các nhóm nghiên cứu và phát triển thì tìm cách đổi mới sản phẩm, đội ngũ chỉ đạo sản xuất thì mong muốn đẩy nhanh quy trình, các giám đốc điều hành  luôn săn đuổi những cơ hội tăng trưởng. Tất cả đều mong muốn  “đẻ” ra nhiều ý tưởng hay và sáng tạo hơn. Nhưng trên thực tế, phần lớn các nỗ lực nhằm phát huy trí tuệ tập thể trong việc tìm kiếm ý tưởng mới cho hoạt động kinh doanh đều không đem lại kết quả khả quan. 
Ngay cả những nhà lãnh đạo cốt cán nhất cũng có lúc cảm thấy nản lòng khi tìm cách có được những ý tưởng mới thông qua các buổi làm việc nhóm. Kết quả thường thấy là gì? Một số người thì mang bộ mặt vô hồn suốt cả buổi, một số lâu lâu mới góp một câu còn một số nữa thì thao thao bất tuyệt với những ý tưởng yêu thích của mình. Ý tưởng nảy sinh một cách tình cờ nhưng vì buổi thảo luận thiếu tổ chức nên các ý tưởng này không được quan tâm phát triển. Khi buổi họp kết thúc, các thành viên trong nhóm giải tán, trong đầu mông lung không biết điều gì sẽ xảy ra – cũng có thể là không có điều gì cả. Một số còn thầm nghĩ “giờ mình có thể quay lại với công việc thực sự rồi”.
Vậy làm thế nào để tận dụng các nguồn lực bị bỏ phí tại những buổi làm việc nhóm và lái các nguồn lực này theo hướng tích cực hơn? Bí quyết là tạo động lực để những người tham gia thực sự nghĩ và làm trong những tình huống xử lý vấn đề táo bạo. Với bảy bước dưới đây, bạn sẽ tăng khả năng thành công khi điều khiển một buổi phát huy trí tuệ tập thể.
1. Nắm được tiêu chí ra quyết định của công ty
Một lý do khiến các ý tưởng hay phát sinh từ các buổi phát huy trí tuệ không được thực hiện vì chúng năm ngoài phạm vi xem xét  và quan tâm của công ty. Trong trường hợp mà tình huống hoặc chính sách buộc công ty sống trong một khuôn khổ nhất định thì “Nghĩ xa hơn đi!” chỉ là lời động viên vô bổ. 
Do đó, các nhà lãnh đạo muốn khuấy động khả năng tư duy sáng tạo của đội ngũ nhân viên phải hiểu (và đôi khi phải nhào nặn) những tiêu chí để công ty dựa vào đó  quyết định sẽ sử dụng các ý tưởng thu được như thế nào. Ví dụ như có nên giới hạn các ý tưởng hay không. Một ngân hàng đã phải uổng phí một ngày phát huy trí tuệ tập thể chỉ vì những ý tưởng hay nhất đều đòi hỏi thay đổi hệ thống IT của công ty. Trong khi đó, đội ngũ quản lý cấp cao gần đây đã khóa sổ kế hoạch IT trong vòng 18 tháng và điều này những người lập kế hoạch cho buổi hội thảo không hề hay biết.
Vậy  điều gì làm nên một ý tưởng khả thi? Ở một ngân hàng khác, thông minh hơn, các nhà lập kế hoạch hội thảo đã cùng với các lãnh đạo cấp cao đã đưa ra những tiêu chí cụ thể phù hợp với các yêu cầu trước mắt. Ý tưởng hay không đòi hỏi mức đầu tư lớn hơn 5.000 đô la cho mỗi nhánh đầu tư nhưng đem lại lợi nhuận khổng lồ trong nháy mắt. Thực tế là các lãnh đạo cấp cao thường tán thành những ý tưởng thuộc 3 nhóm: sản phẩm mới, phương pháp bán hàng mới, phương pháp định giá mới nhưng lại rất hay lảng tránh những ý tưởng đòi hỏi phải thông qua quy chế mới. Sẽ hiệu quả hơn khi buổi họp đưa ra chính xác những gì công ty muốn: một lượng vừa phải các ý tưởng, tập trung vào cả 3 nhóm mục tiêu, có tính thiết thực cao, không quá tốn kém và sinh lời trong vòng một năm tài khóa.
2. Đặt đúng câu hỏi
Hàng thập kỷ nghiên cứu đã cho thấy các kỹ thuật kích não truyền thống (“lấy số lượng làm đầu – càng nhiều ý tưởng càng có cơ thành công!”) thường kém hiệu quả hơn các kỹ thuật có tính hệ thống, cấu trúc. Cách tốt nhất để có được các kỹ thuật này là sử dụng các câu hỏi để làm nền phát huy ý tưởng.
Điều này có nghĩa là bạn phải xây dựng hội thảo xoay quanh một loạt những câu hỏi “trúng tủ” để nhóm của mình chia nhỏ ra “giải mã” trong những buổi phát huy trí tuệ tập thể (sẽ được đề cập trong phần sau).  Mẹo là tạo cho các câu hỏi hai nét đặc trưng. Thứ nhất, câu hỏi phải khiến người trả lời có cách nhìn, cách suy nghĩ mới. Tại sao thế? Bởi vì bất cứ khi nào bạn tìm kiếm những cách mới để giải quyết một vấn đề cũ – dù vấn đề đó là giảm chi phí hoạt động của công ty hay mua cho người bạn đời một món quà sinh nhật - bạn đều rơi vào lối mòn tư duy và tìm đến những ý tưởng đã thành công trước đây. Thay đổi cách nhìn của người tham gia sẽ đảo lộn lối suy nghĩ của họ. (Đọc thêm “Khơi nguồn sáng tạo theo nhóm: cẩm nang của người lãnh đạo”). Nét đặc trưng thứ hai của câu hỏi “trúng tủ” là giới hạn được không gian tìm tòi, suy nghĩ nhưng không quá bó hẹp để hướng người tham gia đưa ra câu trả lời phù hợp.

Ví dụ một công ty kinh doanh hàng điện tử gia dụng muốn phát triển sản phẩm mới có thể dùng những câu hỏi khởi động như: “Điều làm khách hàng khó chịu nhất mà ta có thể tránh là gì??”, “Ai sử dụng sản phẩm của ta theo những cách ta không nghĩ đến?”. Ngược lại, một nhà cung cấp bảo hiểm y tế có thể tìm ra ý tưởng cắt giảm chi phí bằng những câu hỏi như: “Trong những công việc chúng ta dự liệu mỗi ngày, công việc nào khi loại bỏ sẽ thay đổi cách làm việc của chúng ta?”, “Các chính sách của công ty đã kìm hãm hoạt động của các phòng/ ban trong những lĩnh vực nào?”
Khoảng 15-20 câu hỏi như vậy là vừa đủ cho một cuộc hội thảo gồm 20 người. Hãy chọn lựa kỹ lưỡng câu hỏi vì đây là trọng tâm của hội thảo – được những người tham gia tập trung thảo luận theo nhóm.
3. Chọn đúng người
Nguyên tắc giản đơn là: hay chọn những người có thể trả lời câu hỏi bạn đặt ra. Rõ ràng và hiển nhiên là thế nhưng nguyên tắc này không được áp dụng trong những buổi phát huy trí tuệ tập thể truyền thống – nơi thành phần tham gia được chọn không vì kiến thức của họ đối với vấn đề được đưa ra mà vì sự khả năng chi phối của họ trong tập thể.
Vậy, hãy chọn những người tham gia có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế như cách một nhà bán lẻ đã làm khi điều khiển một cuộc họp nhằm cải thiện khả năng thu hồi những khoản nợ khó đòi của công ty.Trong cuộc họp đó, khi mọi người thảo luận câu hỏi “Kể từ khi xây dựng lại quy trình, đã có gì thay đổi trong môi trường hoạt động hoạt động của ta”, một giám đốc thu nợ đã phát biểu “Chết và phá sản ”.
Một số người cười đầy hàm ý,  những lãnh đạo cao cấp trong cuộc họp cảm thấy bối rối. Sau khi trao đổi, họ mới vỡ lẽ. Trong nhiều năm qua, một số khách hàng chậm thanh toán đã giả vờ nói với người thu nợ là họ phá sản vì biết trước công ty sẽ không dám theo đuổi món nợ nữa khi nghĩ đến vô vàn các thủ lục pháp lý liên quan. Họ còn nghĩ ra trò mới là bảo người nhà nói với người thu nợ là họ đã chết. Chiêu này ngay lập tức làm người thu nợ chùn bước vì cảm thấy thúc nợ trong hoàn cảnh này quá ư bất tiện.
Tất nhiên đây không phải là những vấn đề lớn nhất mà những người thu nợ phải đương đầu. Song sự có mặt của vị giám đốc chuyên môn đã gợi mở một cơ hội. Một giám đốc chuyên môn khác sau đó đã đưa ra một giải pháp: hướng dẫn người thu nợ mềm mỏng nhưng cương quyết yêu cầu bên vay nợ đưa ra bằng chứng cụ thể nếu cảm thấy có sự gian dối. Chắc chắn những người thiếu trung thực sẽ tìm cách trì hoãn nếu bị yêu cầu cung cấp thông tin và người thu nợ có thể tiếp tục công việc của mình.
4. Chia nhỏ và thành công
Để có những cuộc thảo luận thành công như của nhà bán lẻ trên, đừng bắt cả nhóm tham gia bàn bạc lan man hàng giờ đồng hồ một chủ đề. Thay vào đó, hãy chia nhỏ họ thành những nhóm 3-5 người – không hơn, không kém – và yêu cầu mỗi nhóm chỉ tập trung vào một câu hỏi trong vòng 30 phút. Tại sao lại chỉ 3-5 người? Bởi với quy mô nhóm như thế, người ta cảm thấy có trách nhiệm phải đóng góp ý kiến, còn với nhóm lớn hơn, im lặng là “lịch sự”.
Khi phân công ai vào nhóm nào, bạn cần chú ý tách những kẻ chuyên “vùi dập” vào một nhóm riêng. Ngoại trừ việc “chặn họng” người khác một cách vô tình hay cố ý thì họ vẫn đủ tư cách để tham gia cuộc họp bởi họ là những ông sếp, những người to mồm hoặc các chuyên gia trong ngành.
Sự có mặt của sếp thường khiến mọi người ngại đưa ra những ý tưởng chưa qua thử lửa, nhất là khi thành phần tham gia thuộc nhiều cấp bậc khác nhau của tổ chức. (“Nói trước mặt sếp của sếp tôi á? Không đâu!”). Những người to mồm thì chiếm hết thời gian của người khác, lấn lướt những người thiếu tự tin hơn và tạo cho mọi người cái cớ để lười biếng. Các chuyên gia trong ngành có thể dập tắt những ý tưởng mới vì mọi người đều đặt niềm tin vào cái đầu siêu đẳng của họ, ngay cả khi lý lẽ phản đối của họ mang màu sắc thành kiến hoặc khi vấn đề thảo luận không thuộc chuyên môn sâu của họ.
Bằng cách chia nhỏ này, bạn sẽ giải phóng tư duy của các nhóm và giúp họ suy nghĩ theo hướng sáng tạo hơn. Những kẻ vùi dập vẫn có thể đưa ra ý tưởng mới vì suy cho cùng, họ sẽ khó mà chặn họng lẫn nhau.
Sau cùng, lấy ra 15-20 câu hỏi bạn đã chuẩn bị sẵn và chia cho các nhóm – mỗi nhóm khoảng 5 câu vì sẽ rất mất thời gian và không hiệu quả nếu một nhóm phải trả lời tất cả các câu hỏi. Nếu có thể, hãy chọn mặt gửi vàng – lọc và phân phát câu hỏi phù hợp với khả năng từng nhóm.
5. Vào vị trí, chuẩn bị, xuất phát!
Trước khi chia nhóm, hãy định hướng cho họ biết những gì bạn kỳ vọng và không kỳ vọng họ đạt được.
Yêu cầu mỗi nhóm xem xét và thảo luận kỹ lưỡng một vấn đề duy nhất trong 30 phút. Không trích dẫn ý tưởng bên ngoài – dù là tốt đến mấy – trong buổi thảo luận nhóm. Yêu cầu những người tham gia không đưa ra những ý tưởng ngoài lề, nếu họ nghĩ ra ý tưởng nào xuất sắc nhưng nằm ngoài phạm vi trao đổi, bảo họ hãy ghi lại để sau này chia sẻ.
Hãy chuẩn bị tinh thần cho những người tham gia rằng đôi khi một nhóm chỉ có thể nghĩ ra hai hoặc ba ý tưởng đáng giá khi họ bắt tay giải quyết vấn đề. Biết được điều này, họ sẽ không cảm thấy chán nản sau khi gồng lên để tư duy theo cách mới. Họ có thể cảm thấy tiến độ quá ư chậm chạp ở giai đoạn đầu. Hãy tạo niềm tin cho họ, nói để họ hiểu rằng đến cuối ngày, sau khi các nhóm ngồi lại với nhau vài ba lần, họ sẽ không thiếu ý tưởng hay. 
Đồng thời, nếu có thể, hãy chia sẻ những kinh nghiệm mang tính dẫn đường, chỉ lối trước khi bắt đầu mỗi cuộc tọa đàm – những câu hỏi mà các nhóm trước đã sử dụng cùng với những thành quả thu được – để lên dây cót cho những người tham gia và cho họ thấy hiệu quả của phương pháp sử dụng câu hỏi.
Lưu ý: dù những người tham gia thông thái đến đâu, dù câu hỏi của bạn sâu sắc cỡ nào, thì năm phút đầu của cuộc thảo luận nhóm có thể vẫn đi theo lối mòn của một buổi phát huy trí tuệ tập thể truyền thống khi mọi người liên tục nêu ra những ý tưởng mới nhưng hời hợt. Hãy kiên nhẫn, tư duy sẽ đi theo hướng tích cực dần khi các nhóm tìm cách cải thiện những ý tưởng nông cạn bằng việc bám vào câu hỏi được giao.
6. Tổng kết
Đến cuối ngày, mỗi nhóm đưa ra trung bình 15 ý tưởng hay để nghiên cứu thêm. Gộp lại bạn có tới khoảng 60 ý tưởng. Vậy việc tiếp theo là gì?
Một điều nên tránh là để cả nhóm lớn lựa chọn những ý tưởng hay nhất trong số 60 ý tưởng đó. Bởi vì những người tham gia không phải lúc nào cũng hiểu được tiêu chí xem xét và lựa chọn ý tưởng của cấp lãnh đạo. Hơn nữa, việc chọn lựa ý tưởng hay nhất cũng có thể gây “tụt hứng”, nhất là khi người ra quyết định thực sự lại gạt bỏ kết quả “bình chọn” của nhóm.
Thay vào đó, hãy yêu cầu mỗi nhóm tự mình lọc lại các ý tưởng và chọn ra một số ít ý tưởng hay nhất rồi chia sẻ với cả nhóm lớn. Việc này sẽ khích lệ những người tham gia. Nhưng ý tưởng cuối cùng không phải là do cả nhóm lớn chọn lựa mà hãy cho họ biết các bước tiếp theo để chọn ra ý tưởng chung cuộc và làm sao họ có thông tin về quyết định cuối cùng.
7. Nhanh chóng thực hiện bước tiếp theo
Quá trình ra quyết định và tổ chức các hoạt động tiếp theo phải nhanh gọn. Điều này không có nghĩa là phải có kết luận ngay trong vài giờ khi chưa có nghiên cứu đầy đủ và khoa học. Nhưng nếu để lâu quá, khả năng hiện thực hóa các ý tưởng thu được sẽ giảm dần và động lực sẽ mất đi. 
Chẳng hạn, hiệu trưởng và đội ngũ các trưởng khoa của một trường đại học Mỹ đã quyết định tổ chức một cuộc họp vào ngay sáng hôm sau để thảo luận về những ý tưởng tiết kiệm chi phí đã thu được. Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo cấp cao này đã phân loại các ý tưởng vào 4 nhóm: ngay lập tức lên kế hoạch thực hiện; sẽ thực hiện vào thời điểm xác định gần nhất (chẳng hạn là đầu năm học mới), giao một nhóm nghiên cứu thêm, hoặc gạt ngay ra. Quá trình này diễn ra thông suốt vì nhóm tổ chức hội thảo lấy ý kiến đã tìm hiểu tiêu chí đánh giá của lãnh đạo cấp cao từ trước. Hơn 12 ý tưởng bắt đầu được hiện thực hóa, giúp trường tiết kiệm hàng triệu đô la.
Để những người tham gia không cảm thấy bị “ra rìa”, trường cam kết sẽ nhanh chóng thông báo kết quả đến tất cả, kể cả khi ý tưởng bị loại bỏ. Những người tham gia thường mong chờ hồi âm và tín hiệu cho thấy họ đã được người khác lắng nghe. Trân trọng họ và giải thích cho họ tại sao những ý tưởng đó bị gạt ra, bạn sẽ giúp họ đưa ra những ý tưởng tốt hơn vào lần sau.

27 tháng 7, 2012

XẢ STRESS: Truyện cười

Tuyệt chiêu
Cô gái đi học trên Hà Nội, nửa đêm nhận được tin nhắn: “Chào em, mình làm quen được không? Em có người yêu chưa?”
- Em có rồi anh ạ!
- Thế á, cha mày đây, sớm mai bắt xe về quê ngay họp gia đình chuyện này!
Hôm sau cô gái nhất quyết không về, nửa đêm lại có tin nhắn:
- Anh phải làm sao để được làm bạn em? Cho phép anh làm quen nhá! Em có người yêu chưa?
- Em chưa!
- Em làm anh thất vọng quá, một phép thử đơn giản là biết được lòng nhau ngay, mình chia tay thôi!
- Ôi em xin lỗi, em tưởng ông già em, cho e một lời giải thích.
- Giải thích gì? Ông già mày đây, mai không về quê thì đừng về nữa! Gọi cả thằng đó về cho tao!
Mệt không…
Trong một khách sạn lớn một bà hỏi anh gác thang máy:
- Lên xuống mãi thế này anh có mệt không…
- Thưa mệt ạ.
- Lên mệt hơn phải không…
- Thưa không ạ.
- Vậy thì xuống mệt hơn à…
- Thưa không ạ.
- Khi ngừng…
- Thưa không ạ.
- Thế thì khi nào anh mệt…
- Khi người ta bắt đầu hỏi thăm




Khi tình địch chạm mặt nhau
Chàng trai gặp người bạn học trên phố cùng với một cô gái, anh ta hỏi với giọng nghiêm nghị: “Ai đây?”

Người bạn nói:
- Bạn gái tao.
Chàng trai:
- Tao không hỏi mày, tao đang hỏi vợ tao!!!
- !!!!!


KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Nhà thơ THANH ỨNG và chùm thơ nhân ngày Thương Binh Liệt Sỹ 27-7

thanh ung
Nhà thơ Thanh Ứng
Tên khai sinh: Phạm Văn Ninh – sinh năm: 1945
Bút danh: Thanh Ứng
Nơi sinh và quê quán: Tam Hưng,Thanh  Oai, Hà Tây(nay là Hà Nội)
Thạc sĩ khoa học xã hội và nhân văn (ngành văn)
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội
Nguyên Chi hội trưởng chi hội Văn học Hà Tây
Ông đã có 40 năm làm thơ với tư cách là thầy giáo và đã viết nhiều đề tài xung quanh cuộc sống nhân gian. 5 tập thơ đã xuất bản để đời và hàng trăm bài viết vì nỗi niềm riêng, Thanh Ứng tự phác họa chân dung mình bình  dị mà cổ xưa như một cây bàng già đứng giữa rừng nguyên sinh thi ca. Sau đây là 1 trong số những bài thơ để đời của ông nhằm tưởng nhớ đến những vị anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc: 

      Vô danh

Anh không về đi, chị còn đây

Đã gần chục năm lại men giường như ngày bé

Bàn chân quen đồng cạn, đồng sâu, chợ Chuông, chợ Bụa…

Giờ tong teo xương thịt khô cằn

Anh không về đi, các cháu vẫn kia

Đứa lớn học hành trầy truội

Đứa trên rừng, đứa mãi miền xa

Bao điều còn thơ dại…
Anh không về đi,… anh ở nơi nào
Đồng đội ai còn, ai nhớ
Trong hàng vạn tấm bia thiếu tên trên mộ
Đâu là anh tôi…
Ngày rằm, mồng một đặt đĩa hoa tươi
Thắp nén hương mỗi lần cúng giỗ
Em lại khấn trong đèn nhang mờ tỏ
Anh yên bình phù hộ cháu con
Đã hy sinh và biền biệt tháng năm
Cây cỏ, trời mây nơi nào giữ anh lại
Tiếc thương đi vào mãi mãi
Đi vào vô danh…
                

       Đối diện

Bàn thờ kê trên đất
Ảnh thờ: Anh bộ đội binh nhất
Mũ, sao, quân hàm, quân hiệu đẹp tươi
Và hồn nhiên  nụ cười
Từ hơn bốn mươi năm trước.
 Trước ảnh: Một bà lão già nua tóc bạc
 áo nâu, gương mặt nhăn nheo
 Người vợ
 đã bảy mươi tròn đang lặng lẽ cầu xin
 Giữa hai người:
 Bảy cây nến, bảy điếu thuốc, bảy nén hương
 Ngun ngún cháy
 Đĩa xôi, con gà cùng xấp tiền giấy…
    Giữa hai người:
 Nụ cười trẻ - giọt nước mắt tuổi bảy mươi
 Lời thề khi ra đi - lời cầu mong gần trọn kiếp người
 Bao nhiêu năm đối diện với thời gian 
           đợi chờ, khắc khoải
 Nay đang thành tâm đối diện với linh thiêng
 Được đón anh về…
                                      
            Những ngày đi gọi vong anh ở Duy Tiên, Hà Nam 5/2011
                    
                    
                  
       Anh về

Anh đi: Tuổi ba mươi
Anh về: Bảy mươi tư tuổi
Không được khênh linh cữu anh như bao nhiêu người già của làng
Con cháu nâng anh trọn đủ hai bàn tay bọc vải đỏ
Những nén nhang cháy
Những giọt nước mắt rơi
Suốt dặm đường…
Hơn bốn mươi năm tha hương
Nơi anh nằm có đồi cây, suối nước
Có nắng khô rang không rõ những con đường
Có tiếng chim xa lắc 
Hơn bốn mươi năm mắt chị đau dòng lệ
Chiu chắt nuôi sáu con
Vắt kiệt sức ốm liệt giường 
Lại lần từng bước đi
Trong những cơn đau
Nhắm mắt còn mơ đón anh về
Hôm nay đón  anh 
Đồng đội - những người tóc bạc
Làng xóm quanh anh, bà con cô bác
Con cháu buồn vui, nước mắt, nụ cười
Thiếu chị, anh ơi!…
Điệu nhạc trầm hùng: Hồn tử sĩ
Một lần nữa tiễn anh…
                                    
                                                                 
           
 Đưa bạn
   
Đưa mày về từ Trương Sơn
Xóm làng, bầu bạn khóc thương đón mày
Thôi thì, thế cũng là may
Được về nằm dưới cỏ dày đất quê
Ngỡ là yên ổn mọi bề
Ngờ đâu hội nhập lại di chuyển mày
Nào là trống rộn, cờ bay
Bọn tao cuốc xẻng, chung tay lại đào
Đưa mày lên chỗ đất cao
Để nơi bằng phẳng người vào đầu tư
Đất chia miếng nhỏ, miếng to
Người lo đem bán, người lo mua về
Còn mày, mày có cần chi
Một vuông thôi, đủ những kỳ khói hương
Làng quê lên quận, lên phường
Phần mày như vẫn Trường Sơn… năm nào…


Người hát “Su-li-cô”

Kính tặng hương hồn liệt sỹ anh hùng Đặng Thùy Trâm

Chị đã từng hát “Su-li-cô” (*)
Bài hát chiến tranh của người Xô Viết
Một đêm trăng Trung thu
Trước ngày đi cứu nước
Câu chuyện tình tha thiết
Hai người yêu xa cách giữa chiến trường
Lửa chiến tranh càng rực cháy yêu thương
Cô gái hy sinh. Chàng trai tìm về mộ người yêu nức nở
Thuỳ ngã xuống bên người dân Đức Phổ
Mảnh đất thiêng đón chị yên nằm
Cuộc đời vằng vặc trăng rằm
                    Những trung thu đất nước
Trong những người về trước mộ Thùy Trâm
Có một người lính Mỹ
Anh giữ nhật kí của Thùy hơn một phần tư thế kỉ
Nước mắt đã rơi trước di ảnh nữ anh hùng…


(*) “Su-li-cô” : Tên một bản tình ca của người Grudia, thời sinh viên Đặng Thuỳ Trâm hay hát
(ST)

Chuyện khó tin nhưng có thực: Chuyện cảm động bên dòng sông Thạch Hãn


Tại Bảo tàng Thành cổ Quảng trị vừa trưng bày thêm bức thư của một liệt sĩ. Và mỗi lần đọc bức thư ấy, khách tham quan không cầm được nước mắt

Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị vừa trưng bày thêm một lá thư mới của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, người lính quê Thái Bình, vào chiến trường Quảng Trị khi đang là sinh viên năm thứ 4 Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hằng ngày, hướng dẫn viên của khu di tích vẫn đọc cho khách tham quan Thành cổ nghe bức thư ấy. Bao nhiêu người nghe là bấy nhiêu người đã khóc. Mọi người khóc vì thương mến và cảm phục chị Nguyễn Thị Xơ, vợ của liệt sĩ Huỳnh. Người phụ nữ hết sức bình dị mà rất đỗi phi thường ấy, làm vợ chưa đầy 1 tuần nhưng trọn cuộc đời chị đã gắn bó thuỷ chung, ân tình với cả người mất và người còn.

"Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi nghìn năm..."

7 ngày làm vợ, cả đời làm dâu
Bây giờ, người thiếu phụ ấy đã bước sang bên kia con dốc cuộc đời. Hơn 30 năm đã qua, chị vẫn ở vậy thờ chồng và không có được niềm hạnh phúc làm mẹ.
Sức mạnh nào đã giúp chị vượt qua mất mát, đau thương, vượt qua bao khó khăn đời thường để vững vàng kiên trinh? Niềm khao khát được gặp chị đã thôi thúc tôi tìm về xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp chị là dáng người hanh hao, khô gầy và đôi mắt đen, buồn, sâu thăm thẳm.
Hơn 30 năm trước, anh Huỳnh đang là sinh viên Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa. Còn chị là cô thôn nữ đảm đang, đẹp người, đẹp nết vừa mới bước sang tuổi 22.
Đầu năm 1972, nhân dịp nghỉ Tết, anh chị tổ chức đám cưới trong niềm hân hoan của gia đình, làng xóm. Đêm tân hôn, chú rể chẳng dám vào buồng cô dâu, mẹ và em phải dắt tay vào tận nơi.
Cô dâu được hưỏng niềm hạnh phúc làm vợ được 3 ngày thì lại tiễn chồng lên trường học tiếp. Ngày cưới rủ anh lên huyện chụp ảnh, anh nói để khi khác. Thế rồi không còn khi khác nữa.
Ngày ấy, tình cảm vợ chồng trẻ dồn cả vào những lá thư. Bước sang năm 1972, đế quốc Mỹ ngày càng điên cuồng bắn phá, cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta gặp nhiều khó khăn hơn. Đảng và Nhà nước phát lệnh tổng động viên.
Giống như hàng ngàn học sinh, sinh viên Việt Nam thời ấy, anh Huỳnh hăng hái tham gia huấn luyện để chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu.
Trước ngày nhập ngũ, anh được về thăm nhà và anh ở bên chị được thêm 3 ngày nữa rồi hối hả lên đường tòng quân. Những lá thư vẫn thay anh về bên chị. Dừng chân ở đâu, có thời gian anh đều tranh thủ viết thư về cho chị.
Anh kể bom đạn ác liệt, đồng đội của anh nhiều người đã hy sinh. Rồi có tin anh cũng đã ngã xuống ở chiến trường Quảng Trị. Chị nén nỗi thắc thỏm, phập phồng, lo sợ để trấn an, động viên mẹ già và có lẽ cũng là để trấn an mình. Có ai ngờ rằng những lời anh dặn mẹ, dặn vợ trong những lá thư lại là lời tuyệt mệnh.
Một năm sau ngày cưới, giấy báo tử của anh được gửi về xã. Gia đình giấu chị, mọi người muốn hoãn cái thời khắc đau đớn ấy càng lâu càng tốt. Còn chị, bằng linh cảm của người vợ, chị đã cảm thấy có điều gì đó không lành. Biết bao nhiêu đêm trắng chị một mình một bóng với chiếc gối cưới ướt đẫm nước mắt.
Một chiều tháng 4 mưa tầm tã, chị đang làm dân công ở xã bên cạnh thì đồng đội của anh tìm về, chị biết đó là việc chính thức báo tử cho anh. Chị nhìn di ảnh của anh, nỗi đau quá lớn, chị không khóc được, nước mắt chảy ngược vào tim chị.
Những ngày ấy, chị sống như người mất hồn. Đêm đêm, trong căn buồng cưới ngày xưa, chị tiếc vì chưa kịp có với anh một đứa con. Mẹ chồng chị thương con mà sinh ra ốm yếu. Bao nhiêu tình cảm chị dành cả cho mẹ. Chị chăm sóc bà cụ chu đáo từng bữa ăn giấc ngủ. Bà con thôn Phú Ân bảo rằng, hiếm có nàng dâu nào hiếu nghĩa được như chị.
Bà cụ cũng thương con dâu lắm, thấy có nhiều người ướm hỏi, bà giục chị đi bước nữa để có người nương tựa lúc tuổi già. Song chị chỉ lắc đầu, ứa nước mắt.
Cuối năm 1977, bà cụ ốm nặng, bà đã thanh thản trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay cô con dâu hiếu thảo.
30 năm lặn lội tìm mộ chồng
Những hài cốt liệt sĩ không còn nguyên vẹn, súng đạn và bom mìn cũng đều đã hoen gỉ, chỉ có tâm tư trong những lá thư mà người lính chưa kịp gửi là còn tươi mới.
Ngày ấy, anh Huỳnh là sinh viên ngành hầm cầu nên khi vào đến chiến trường Quảng Trị, anh được phân công chiến đấu, bảo vệ, đưa bộ đội và hàng hoá qua sông Thạch Hãn (Quảng Trị).
Không biết Huỳnh và những sinh viên cầm súng ra trận như anh được bổ sung vào Thành cổ đợt thứ mấy, bởi 82 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa ấy, mỗi ngày một đại đội bơi qua sông và mỗi ngày một đại đội không bao giờ còn quay về nữa.
Anh Huỳnh đã viết bức thư cuối cùng cho gia đình, cho người vợ thân yêu của mình vào ngày thứ 77 của chiến dịch 82 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, khi sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tận cùng.
Bức thư anh viết vội và chưa kịp gửi, có lẽ quân địch lại đến dội bom và nã pháo. Thư được viết từ những trang sổ tay xé ra, dài gần 10 trang khổ nhỏ, viết bằng những tiên cảm kỳ lạ mà sau hơn 30 năm
Đọc những dòng thư ấy người ta vẫn chưa hết kinh ngạc. Anh biết trước mình sẽ “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” nhưng anh viết thư với một sự bình tĩnh đến lạ lùng.
Giữa những con chữ lặng im ấy chợt nhận ra khí phách và tâm hồn của một người lính hiên ngang, bất khuất: “Em thương yêu! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến là nỗi buồn nhất. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng được cái diễm phúc ấy mà đã phải sớm xa rồi… Nhưng anh chỉ mong một điều là hãy đối đãi với mẹ, anh chị trong gia đình như khi anh còn sống để cho linh hồn anh đuợc bừng nở trong giấc mơ trìu mến của em… Nếu có điều kiện vào Nam lấy hài cốt của anh về. Đường đi như sau: đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã lần ngược lại hỏi vào thôn Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy sẽ tìm thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn…”. Chị nhận được lá thư này tháng 11/1972, tức là 5 tháng trước khi nhận được giấy báo tử của anh.
Kể từ đó, chị sống chỉ để làm một việc là tìm đưa anh về quê hương. Sau ngày miền Nam giải phóng, chị đã vào Quảng Trị tìm anh nhưng không thấy. Dành dụm được đồng nào, chị dành hết vào việc tìm mộ anh theo lời chỉ dẫn. Nhưng mọi cuộc tìm kiếm đều không kết quả. Hai bên gia đình khuyên chị không nên tìm nữa vì anh nằm đâu cũng trên đất Việt Nam nhưng chị không nản.
Chị sang xóm bên tìm người đã gặp anh ở chiến trường, lên Hà Bắc tìm người cầm ba lô của anh nhưng hai nguời này đều không biết anh đã hy sinh như thế nào. Chị đi tìm những người bạn học cùng đi chiến đấu với anh. Nhiều người đã trở về thành dạt, vẫn hăng hái đi tìm anh cùng với chị. Chị nhớ mãi những ngày ở Quảng Trị. Chiến trường xưa giờ đã là một bãi sắn mênh mông của một người nông dân chất phác tên Hậu.
Biết có người đến tìm mộ, anh Hậu mang ra hai tấm bia trong đó có tên của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Mừng vui khôn xiết, ngày hôm đó cả đoàn hăm hở đào nhưng đào mãi mà không thấy.
Một ngày, hai ngày, ba ngày qua đi mà không có kết quả. Tuyệt vọng, nhiều người nản chí nhưng chị thì không, chị tin chắc rằng anh đang nằm đâu đây giữa bãi sắn bạt ngàn này. Song không thể đào tung cả bãi sắn vì đây là đất trồng trọt, chị nhờ người mua sắt về thuốn, lòng thì thầm cầu khấn sự linh thiêng của anh sẽ đưa đường để chị được đưa anh về quê cha đất tổ.
Điều kỳ diệu đã đến khi tất cả mọi người đã mệt rã rời thì chiếc thuốn chạm vào một ngôi mộ. Rồi 3 ngôi mộ lần lượt được đưa lên, những ngôi mộ nằm giữa ba hố bom cày xới. Hơn 30 năm kiếm tìm, chị đã được nhìn thấy anh, người vợ ấy chỉ còn biết ôm nắm xương chồng lặng lẽ.
Tôi ngồi bên chị lặng yên, bao nhiêu kỷ niệm dồn nén bấy lâu trong lòng chị giờ trào lên thổn thức. Từ đôi mắt chân chim ứa ra hai hàng lệ lăn dài trên gò má. Vhị cho rằng mình còn hạnh phúc vì đã tìm được anh, còn có biết bao người vợ, người mẹ khác đã không tìm được chồng, con mình, các anh đã “Hoá tuổi đôi mươi thành sóng nước”.
Một cựu chiến binh Mỹ khi trở lại thăm Quảng Trị, được dịch lá thư đã khóc và thốt lên: “Đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao các bạn chiến thắng, vì các bạn đã biết trước tất cả”.
Và từ lặng im của đất đai, quá khứ vẫn kể lại những câu chuyện của hôm qua một cách bi tráng và tràn đầy yêu thương./.
(Theo CAND)