13 tháng 6, 2013

NHỊP SỐNG IRS: ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN - NGHỀ KIẾM TIỀN HƯNG PHẤN TỘT ĐỈNH, MẠO HIỂM VÀ RỦI RO TỘT CÙNG! (Kỳ III)

"Giá VCB cứ xuống dần xuống dần trong sự lo lắng của những ai nắm giữ VCB và cuối cùng những ai không có can đảm nắm giữ như tôi đã phải bán tháo đi và chấp nhận một mức lỗ kỷ lục đến gần 70% trong vẻn vẹn khoảng gần một năm". 


Như tôi đã nói, thời điểm đầu năm 2006, nhà nước bắt đầu triển khai bán cổ phiếu của các công ty cổ phần phát hành lần đầu ra công chúng để thực hiện chính sách cổ phần hóa các công ty nhà nước, nhằm làm lành mạnh hóa sự điều hành và quản trị, tăng tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Tôi nhớ lại hồi đó, những công ty được đem bán đấu giá lần đầu tiên ngoài VIPCO và VITACO còn có Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH)... Có một điều hay và hấp dẫn ở chỗ, CTCP Tài chính Dầu khí (PVFC) khi đó đã tiên phong phát động phong trào cho vay mua ủy thác cổ phần của các công ty IPO nói trên với mức cho vay đến 70% giá đấu giá. Hồi đó chúng tôi có một suy nghĩ rất đơn giản. Giả sử mua 10.000 PPC giá 10 ngàn, mất 100 triệu nhưng chỉ phải bỏ ra có 30 triệu còn PVFC cho vay đến 70 triệu. Giả sử rủi ro nhất là mất hết thì cũng chỉ mất đến 30 triệu còn lúc đó chả ai biết là có được hay không và sẽ được đến mức nào.

Và cứ thế phong trào mua các CP PPC, PVD VITACO,VSH và nhiều công ty khác theo hình thức ủy thác đấu giá diễn ra vô cùng sôi động tại PVFC và nhiều ngân hàng hay các công ty tài chính khác theo hình thức giống như PVFC đã làm. Đối với các nhà đầu tư khi mua CP của các công ty nhà nước lâu năm, làm ăn tốt và tiềm năng như vậy, lại được vay tới 70% cảm thấy rất an tâm. Còn đối với các tổ chức cho vay cũng với suy nghĩ trên cảm thấy an tâm không kém. 

Diễn biến tâm lý lạc quan của cả 2 đối tượng đi vay và cho vay như vậy mà không làm thị tường IPO sôi động hay thăng hoa thì mới là lạ. Và cứ thế các nhà đầu tư mua, nắm giữ, mua thêm, nắm giữ. Chỉ bỏ ra khoảng 3 trăm triệu đã mua được đến cả 1 tỷ thị giá cổ phiếu làm sao mà không dám đây? Thêm nữa, ngay sau khi đấu giá thành công cổ phiếu của các công ty IPO, một thị trường chuyển nhượng hợp đồng ủy thác diễn ra vô cùng sôi động với giá mua bán tăng lên hàng ngày, hàng giờ, lại không có biên độ. PVFC hồi đó vô cùng đông vui, nhộn nhịp khi các nhà đầu tư đến mua bán chuyển nhượng hợp đồng ủy thác. 

Riêng bản thân tôi, mua nhiều bán ít, tôi chủ yếu mua thêm nắm giữ mà không bán nên sau này khi bán số CP đó trên thị trường niêm yết, có những CP đem lại cho tôi mức lãi đến 20 lần như CP của PVD, còn trong khoảng trên dưới 10 lần thì không thể kể hết được. 

Ngay cả PVFC hồi đó riêng thu phí chuyên nhượng cũng đã ăn đủ. Chưa kể đến lãi vay của 70% kia nữa khi chuyển nhượng đương nhiên người bán phải thanh toán hết công nợ cho PVFC. Và cũng chính tâm lý chủ quan trên chiến thắng của cả các nhà đầu tư và của cả PVFC sau này đã làm cho các nhà đầu tư và PVFC bị lãnh đủ. 

Sở dĩ tôi nói thế vì sao? Sau này khi TTCK thăng hoa lên đến đỉnh, quá trình IPO vẫn diễn ra đều đều. Giá đấu giá ngày càng tăng. Thời gian đầu chỉ quanh quanh 10 ngàn, sau này có những CP của những công ty khác cũng chả làm ăn gì khá hơn nhưng giá đấu giá lần đầu đã tăng lên đến cả trăm ngàn và hơn thế nữa. Điển hình là CP của Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI), Vận tải Biển Dầu khí (PVT), Ngân hàng Ngoại thương VN (VCB), Tài chính Dầu khí (PVFC), Bia Sài Gòn (SABECO), Bia Hà Nội (HABECO)... 

Tôi còn nhớ khi chuẩn bị đấu gia PVI, một không khí chuân bị tham gia và đấu gia diễn ra sôi sùng sục ngay từ khâu đăng ký tham gia đến đỉnh điểm là ngày xếp hàng bỏ phiếu đấu giá vào hòm phiếu. Tôi không tham gia vì lúc đó tôi nghĩ đơn giản là tội gì phải chen chúc nhau trong khi còn nhiều cơ hội khác. Ngày bỏ phiếu đấu giá tại Trung tâm GDCK Hà Nội (Số 1 Tràng Tiền) diễn ra, tôi chứng kiến một hàng dài (Có lẽ đến cả trăm mét, ra cả ngoài vỉa hè bên ngoài phố, cạnh Nhà Hát Lớn) các nhà đầu tư tham gia bỏ phiếu đấu giá. Thông tin thêm rằng, đa số tất cả những người mua được CP của PVI hôm đó sau này đều thua lỗ ít là vài %, nhiều là đến 80% khi TT bước vào đợt suy giảm đến tháng 2/2009. (Chỉ cần nhìn biểu đồ giá của PVI khi giảm từ 80.000 đồng đến 15.000 đồng là đủ biết).

Bản thân tôi không dính đến thua lỗ CP của PVI nhưng cũng không tránh khỏi khi tham gia đấu giá CP của VCB, SABECO, PVFC hay BVH sau này. Cuộc đấu giá của VCB có lẽ đáng nhớ nhất, vì VCB là một ngân hàng lớn, làm ăn hiệu quả, vì nó diễn ra trên một không gian rộng lớn từ Bắc Trung Nam, vì số lượng CP nhiều và nhiều các nhà đầu tư và tổ chức tham gia. Đại đa số các tổ chức và cá nhân tham gia đã bị lỗ nặng khi trúng đấu giá với giá khoảng 107 ngàn đ/cp. Một mức giá nhà nước ấn định ngay từ đầu đã cao hơn so với giá trị thực của nó đến cả 100% (theo đánh giá của các tổ chức tư vấn lớn trên thế giới khi tư vấn đấu giá cho VCB, VCB chỉ đáng giá khoảng 50-60 ngàn là cùng). Cũng phải nói thêm rằng, sở dĩ những ai mua trúng giá đấu giá VCB hồi đó bị thua lỗ cũng một phần là bởi lúc đó TTCK đã tạo đỉnh. Sự hưng phấn của toàn thị trường đã sụt giảm. Dòng tiền đã bị các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức và nước ngoài rút ra, dẫn đến giá các CP và chỉ số chứng khoán trên thị trường chung sụt giảm liên tục. VCB hồi đó lại chưa được niêm yết nên không thanh khoản, mua bán lại vô cùng khó khăn trên thị trường OTC. Giá VCB cứ xuống dần xuống dần trong sự lo lắng của những ai nắm giữ VCB và cuối cùng những ai không có can đảm nắm giữ như tôi đã phải bán tháo đi và chấp nhận một mức lỗ kỷ lục đến gần 70% trong vẻn vẹn khoảng gần một năm. 

Thêm vào đó, thua lỗ khi đấu giá BVH, SABECO hay PVFC càng làm cho các nhà đầu tư nản chí. Sau này, khi nghe phỏng vấn một nhà đầu tư dày dạn, có thâm niên trên TTCK, tôi rất nhớ một câu nói chua chát của người đó khi VTV1 phỏng vấn: Đấu giá VCB là dấu chấm hết, kết thúc cho phong trào các nhà đầu tư tham gia mua đấu giá IPO của các công ty cổ phần nhà nước. Ý của anh ấy là toàn thể các nhà đầu tư, kể cả tổ chức và cá nhân, kể cả trong và ngoài nước đã mất hoàn toàn niềm tin vào việc nhà nước đem đấu giá IPO, khi đã đưa ra một mức giá đấu giá khởi điểm quá cao, cao hơn nhiều lần giá trị công ty như VCB, SABECO, HABECO, BVH hay PVFC. 

Tôi càng ngẫm nghĩ càng thấy chua chát từ câu nói đó. Nhà nước đã đánh mất niềm tin quá lớn của toàn thị trường chỉ vì muốn thu về lợi nhuận nhỏ nhoi, không đáng có, không đúng giá trị mà sau này cả phong trào cổ phần hóa bị đình trệ và có thể nói là thất bại. Cũng từ thời điểm đó, nhất là sau khi đấu giá VCB kết thúc, hầu như không ai quan tâm đến đấu giá IPO nữa và có thể nói sự sôi động trong việc đấu giá IPO hay chuyển nhượng hợp đồng ủy thác của các công ty kết thúc. 

Hậu quả để lại là sự thua lỗ của các nhà đầu tư khi tham gia quá đà trong tâm trạng hưng phấn đầu tư mua các cổ phiếu của các công ty khi phát hành lần đầu IPO. Còn bản thân PVFC thì sao? Sau khi cho các nhà đầu tư vay với một số tiền rất lớn trên thị trường phát hành IPO, giai đoạn đầu khi giá đấu giá còn thấp thì việc cho vay còn an toàn. Sau này, càng ngày giá đấu giá của các công ty IPO ngày càng cao dẫn đến khi thị trường lao dốc không phanh vào cuối 2007 – cả năm 2008, 2009, đến cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn còn không bán được, không giao dịch được nói gì đến các cổ phiếu OTC. Chính vì thế, tất cả các cổ phiếu OTC đều hoàn toàn mất thanh khoản cộng với giá giảm không phanh. Các nhà đầu tư bỏ của chạy lấy người, bỏ hết toàn bộ số cổ phiếu đã trúng đấu giá và được mua ủy thác qua PVFC. PVFC buộc phải ôm lại toàn bộ số cổ phiếu của tất cả các nhà đầu tư đã ủy thác và vay số tiền còn lại của PVFC mà không có khả năng trả nợ nữa. Vì họ chỉ cầm cố bằng cổ phiếu nên cũng chỉ mất số cổ phiếu đã cầm cố nêu trên, còn hậu quả thì PVFC lãnh đủ. PVFC cầm lại số cổ phiếu OTC không còn giá trị và mất thanh khoản. Toàn bộ số tiền cho vay thì không đòi lại được và trở thành nợ xấu với giá trị hàng trăm, hàng ngàn tỷ VNĐ. Thật cay đắng sao thị trường?! (Còn nữa).

Lê Trọng Nghĩa

0 comments: