Bố mất khi em còn nhỏ, mẹ cũng từ giã cõi trần cách đây gần một năm, để lại một mình em đơn độc trong túp lều bé nhỏ, dột nát. Đau khổ tột cùng, nhưng em vẫn nhẫn nại đi làm thuê đủ nghề để được đến trường và vươn lên học giỏi.
Trông cảnh ngộ ai cũng chạnh lòng xót thương và khâm phục nghị lực phi thường của em. Đó là hoàn cảnh thương tâm của em Nguyễn Thị Thanh Phượng ở xóm 2, xã Phú Phong, Hương Khê - Hà Tĩnh.
Trời xuân ở miền sơn cước mưa bay lất phất, trong trang phục của học sinh, Phượng đang gắng sức đẩy những viên gạch vừa mới được máy đóng xong ra bãi tập kết cho ông chủ. Ngày nào cũng vậy, ngoài thời gian đi học ở trường, em phải đi làm thuê để mưu sinh và trang trải chuyện học hành.
"Con bé dẫu không còn bố mẹ, nhưng chăm ngoan, cần cù lao động. Chúng tôi chưa thấy đứa bé nào giàu nghị lực như nó", Chị Thuận cũng là người đi làm thuê với Phượng buông lời chia sẻ.
Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, ngồi thở hổn hển, mồ hôi chảy ra ướt đẫm cả người, Phượng buồn rầu cho chúng tôi biết: "Em mồ côi bố từ lúc mới 4 tuổi bởi một tai nạn giao thông. Một mình mẹ đau yếu nuôi em ăn học trong nghèo túng. Mẹ con thương nhau rau cháo sống qua ngày. Năm em học lớp 10, mẹ đau nặng, không có tiền để chạy chữa, bệnh mẹ ngày càng nặng hơn. Một ngày đầu thu, bỗng nhiên trời nổi giông tố, mẹ em lên cơn xuất huyết não và vĩnh viễn từ giã em đi gặp bố ở dưới suối vàng. Lòng em đau như ai cào xé, em mồ côi bố là đủ lắm rồi, giờ đây ông trời lại cướp luôn người mẹ yêu dấu của em. Lúc đấy em chỉ nghĩ đến cái chết khi đối diện với tương lai mịt mờ không có mẹ cha...". Vừa ngớt lời, trên hai gò má xanh xao của Phượng tuôn ra hai dòng lệ mặn đắng và chua chát.
Lễ phép xin ông chủ dẫn chúng tôi về nhà thăm, Phượng đưa chúng tôi đi qua Nghĩa trang liệt sĩ huyện, rồi băng qua những ngôi mộ cổ mới về được tới nhà. Lúc ấy đã tà chiều, sương núi bắt đầu phủ đầy, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống của chúng tôi. Trên một bãi đất hoang vắng lạnh, ngôi nhà thấp bé hai gian xiêu vẹo, dột nát là nơi ở của Phượng.
Bước vào trong, toàn thể ngôi nhà chỉ duy nhất có một cái giường, một cái bàn nhựa và một cái bàn thờ tềnh toàng hương tàn, khói lạnh. Các bức tường được gia cố bằng những tấm ván đã mục nát, gió lùa vào tứ phía; trần nhà được ghép lại bởi các tấm cát tông đã rách tả tơi tưởng chừng như sắp rụng xuống; khu bếp đã bị sập xuống gần như hoàn toàn, duy chỉ còn một chỗ nhỏ đủ cho Phượng xoay xở nấu nướng và để nồi niêu, xoong chảo...
"Mùa mưa bão năm ngoái em tưởng ngôi nhà sẽ sập, chứ nó còn đứng xiêu vẹo thế này là may cho em lắm rồi. Sống trong ngồi nhà mà tâm trạng em cứ nơm nớp lo âu, vì chỉ cần gió cấp 6, cấp 7 là sẽ đổ bất cứ lúc nào. Em tự nuôi bản thân còn chưa kham nổi, huống chi lo sửa lại nhà cửa. Thôi thì đành phó thác cho số phận vậy!", chỉ tay về phía những cái cột nhà yếu ớt đã nghiêng khoảng một góc 15 độ, Phượng buồn rủ rượi nói.
Được biết, cậu và dì của Phượng đều nghèo rớt mồng tơi; không thể dựa dẫm vào được, em phải đi làm thuê đủ nghề để tồn tại, nhưng mỗi tháng em chỉ kiếm được khoảng 400.000 đồng. Tháng nào em sắp xếp làm tăng ca hay đi làm đêm thì kiếm thêm được 600.000 đồng. Chừng đấy chỉ đủ chi tiêu cho việc sinh hoạt hằng ngày. Em phải ráng tiết kiệm, ăn rau cháo qua ngày, chật vật lo cho việc học hành. Dường như em ngủ rất ít, thân hình bé nhỏ, hao gầy, khuôn mặt xanh xao và đôi mắt quầng thâm là những ấn tượng đầu tiên khi mọi người gặp Phượng.
Ngồi tần ngần một lát nhìn lên di ảnh của mẹ trên bàn thờ, Phượng tủi thân nói: "Cũng sắp đến ngày mãn tang cho mẹ rồi, mà em chẳng biết lấy gì để lo cho mẹ đây! Tội thân mẹ quá! Thôi em đành ngậm ngùi chịu tội với mẹ vậy! Mong mẹ hãy hiểu cho hoàn cảnh bi đát của em".
Khéo léo thắp một bó hương, em chia cho chúng tôi cùng thắp lên bàn thờ của mẹ, rồi em khẩn: "Kính mẹ! Mẹ và bố mất đi, một mình con phải sống trong khổ sở trăm bề. Con đã ráng hết sức để vật lộn với thực tại, nhưng không sao có thể khá lên được. Hiện tại, cuộc sống của con vẫn ám đạm và tương lai thì mịt mờ. Mẹ có linh thiêng về phù hộ, độ trì cho con có một sức khỏe dồi dào, trí lực thông minh, học tập thật giỏi để sớm thoát khỏi cảnh côi cút trong bần hàn, cơ cực này." Em vừa ngớt lời, từng tiếng nấc liên tiếp bật ra nghẹn ngào nơi cổ họng khiến chúng tôi không kìm nổi lòng mình, òa khóc theo em.
Năm nay, Phượng đang học lớp 12 trường THPT Gia Phố. Em cho hay, nhà trường, thầy cô và bạn bè đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ em trong học hành. Nhìn lên những tấm giấy khen về thành tích học sinh tiên tiến qua các năm của em treo trên vách tường ẩm mốc, chúng tôi càng khâm phục ý chí vươn lên nghịch cảnh của em. Giá như em còn mẹ cha đỡ đần, chắc hắn cô bé giàu nghị lực này sẽ còn lập nên nhiều thành tích học tập khác khiến ai cũng trầm trồ. Dẫu hoàn cảnh bi cực là vậy, nhưng năm nay Phượng vẫn quyết tâm thi đậu vào ngành Luật trường Đại học Vinh. Em tâm sự: "Chỉ có con đường học tập thật tốt mới có cơ may cho em một tương lai tươi sáng. Dù khó khăn thế nào em cũng gắng sức vượt qua!".
Phải một mình đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức hiện tại, giấc mơ bước vào giảng đường đại học của Phương khó có thể trở thành hiện thực nếu không có sự vào cuộc giúp đỡ của những tấm lòng thiện nguyện.
hia tay em ra về lúc màn đêm bắt đầu buông xuống, lời bài hát "Dấu chấm hỏi" của nhạc sỹ Thế Hiển từ nhà ai đó vang lên: "Cha ơi, cha là ai? Mẹ ơi, mẹ là ai? Đêm khuya, bên hè vắng, đứa bé mồ côi, đang nằm co ro, như dấu chấm hỏi, đặt giữa cuộc đời..." cứ day dứt, ám ảnh mãi trong tâm trí mỗi người khi nghĩ về số phận mồ côi đơn độc, thui thủi một mình của em Thanh Phượng ở miền sơn cước nghèo khổ này.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Mã số 1350: Em Nguyễn Thị Thanh Phượng, xóm 2, xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh
Điện thoại: 01695.692.881
|
0 comments:
Đăng nhận xét