31 tháng 8, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Xin mẹ hãy tha lỗi cho con! (Phần cuối: Sự ân hận)

Kính thưa các anh, các chị trong Ban biên tập! 
Cổ nhân đã có câu đại ý là: Hạnh phúc vay mượn thì thường không bền lâu, điều đó muôn đời đúng với những cô gái trẻ có số phận như tôi. Hạnh phúc hiện tại mà người đàn ông tốt bụng mang đến cho tôi có ai ngờ đâu đó lại là cạm bẫy đưa tôi liên tiếp từ tai họa này đến tai họa khác.
Không biết có phải vì thực lòng yêu tôi, quá yêu tôi, sợ mất tôi hay muốn chiếm hữu tôi cho riêng mình mà anh đã phạm vào một sai lầm là không nói thật với tôi anh đã có gia đình hoàn hảo, có một cuộc sống hiện tại tốt đẹp.
Anh cố tình, hoặc bất đắc dĩ mà phải cố tình lừa dối tôi, vẽ ra trước mắt tôi một viễn cảnh tươi đẹp rằng, đợi anh thu xếp xong công việc sẽ đưa tôi về ra mắt gia đình rồi tiến hành hôn lễ với tôi. Một hạnh phúc đẹp như mơ, rồi tôi, cô lọ lem trong câu chuyện cổ tích thời hiện đại gặp được một thương gia giàu có để lấy làm chồng và có cuộc sống hoàn hảo.

Sau này, trong một phần nhỏ của ký ức đau đớn nhất, thỉnh thoảnh vẫn duềnh lên làm tôi ngạt thở, ấy là lúc tôi nghĩ đến anh, tình yêu duy nhất, đầu đời của tôi, tham vọng và khao khát mạnh mẽ nhất của tôi. Tôi đã không lý giải nổi tại sao anh lại hèn đến thế khi đi lừa dối một cô gái vừa chuộc về từ động quỷ, một cô gái dù là vì ép buộc thì vẫn coi là gái điếm, gái bán hoa mà thôi.
Tại sao anh lại nỡ đi lừa dối một người con gái không có gì cho bản thân cả, một cô gái trắng trơn đến tấm lòng trinh tiết cũng chẳng còn. Tại sao anh cần phải mệt óc mà lừa dối tôi, một cô gái không đáng anh phải nhọc công dàn dựng kịch bản về tình yêu, hạnh phúc.
Tôi có đáng gì đâu để anh phải làm vậy. Nhưng lúc ấy, trái tim bầm dập những thương tổn của tôi vẫn cố níu kéo trong tâm thức một chút gượng gùng ít ỏi của niềm kiêu hãnh con gái, rằng chỉ vì yêu, và vì tình yêu mà con người ta thay vì mạnh mẽ cũng có thể trở nên yếu đuối và đớn hèn.

Tôi sống trong hạnh phúc tuyệt đỉnh với tình yêu vay mượn đó chỉ được 1 năm thôi, thì vợ của người đàn ông đó tìm đến tôi. Không như những gì tôi kịp tưởng tượng. Mọi thứ bay khỏi căn hộ xinh đẹp của tôi, không còn một thứ đồ gì có thể tồn tại nổi dưới sự cuồng loạn của một người đàn bà khi cảm thấy vật sở hữu quý giá nhất của mình vừa bị ai đó lăm le chiếm đoạt.
Người đàn bà đó, sau này tôi có dịp gặm nhấm lại tất cả những cảm giác cũ, tôi cho rằng chị ta cũng đã bầm dập bao lần trong những cuộc chiến chống những kẻ xâm phạm lãnh thổ và chiếm đoạt chồng mình. Bởi vậy mà thêm một cuộc chiến nữa, có là gì đâu đối với độ lạnh lùng và tàn nhẫn của người đàn bà bị phản bội.
Chị ta đến và kéo theo 5 thanh niên đầu trọc, mặt mũi đầy sẹo. Không có gì có thể tồn tại nổi sau cơn điên của đòn ghen. Tôi với một bộ quần áo xơ tướp, mặt mũi sưng vù bê bết máu me, trên người không một chút giấy tờ tuỳ thân, không một đồng cắc nhỏ đã  bị tống ra khỏi căn hộ trong sự ê chề, đau đớn và nhục nhã.
Chấm hết những giấc mơ. Lạ lùng, cứ những lúc bị dồn ép đến tận cùng của nỗi đau, tôi lại nhớ đến mẹ với một nỗi căm thù xương tuỷ. Tôi nguyền rủa mẹ, vì bà mà cuộc sống của tôi mới đến nông nỗi này. Nỗi căm hận cứ thế chất chứa, chất chứa ngày một đầy lên như một khối đá hoá thạch trong tâm hồn tôi. Khi tỉnh lại, tôi mới biết tôi nằm dưới một gầm cầu cạnh bãi rác của ngoại ô thành phố.

Có lẽ, ngày hôm đó, tôi trong một bộ dạng bầm dập, tinh thần bị khủng bố quá sức chịu đựng nên tôi đã bước đi một cách vô thức như một người điên. Dường như, thiên hạ xung quanh cũng đã nhìn tôi như nhìn 1 người điên vì không có người con gái nào rách rưới, bệ rạc hơn tôi đi ngoài đường chăng. Tôi đã thoát qua những hiểm nguy, cạm bẫy của con người  trong một thế giới hỗn tạp xung quanh mình nhờ vẻ ngoài kinh khủng của ngày hôm ấy. Tôi sống sót được lại nhờ một người đàn ông làm nghề nhặt rác ở thành phố.
Sau này, sau này, và mãi sau này, khi hoảng hốt chạy trốn cơn truy đuổi của người đàn bà kia thật xa, thật xa tôi mới kịp nhận ra mình đang có một người bạn đồng hành che chở cho mình thật tốt bụng. Ông ta chở che tôi khỏi đòn ghen của người đàn bà kia tỏa ra khắc mọi ngõ ngách thành phố để tìm tôi, để bằng mọi giá tống khứ tôi khỏi lãnh địa, nơi có gia đình của vợ chồng chị ta.

Ông đã giấu tôi mọi ngóc ngách, mọi nơi có thể để tránh sự dòm ngó làm thịt của tay chân người đàn bà cuồng ghen ấy. Trong nhục nhã, khốn đốn, người đàn ông ấy đã san sẻ cho tôi những mẩu bánh vụn, những đĩa cơm trắng từ những đồng tiền nhặt nhạnh từ nghề rác.
Đến lúc này, khi đã trốn thật xa cái thành phố chết tiệt kia, tôi mới nhìn rõ mặt người đàn ông lam lũ ấy. Một gương mặt râu ria lởm chởm, già hơn tôi hàng chục tuổi vì sự cam phận nghèo hèn ngự trị trên gương mặt. Tôi đã tội nghiệp cho ông ấy đến mức bằng lòng để ông ấy dắt về nhà. Cuộc đời tôi, nổi trôi theo số phận mà tôi chẳng thiết cưỡng lại.
Tôi tự nguyện ở lại một miền quê nghèo khó, xa lắc xa lơ thành phố nơi tôi tứa máu vì tin vào tình yêu của một người đàn ông đầu đời. Tôi cam phận làm vợ người đàn ông lớn hơn mình chục tuổi vì thương cảnh mẹ goá con côi của họ, và nếu như tôi không bằng lòng làm vợ anh ta thì có lẽ suốt đời người đàn ông nghèo này không bao giờ lấy nổi vợ vì không có tiền.

Cuộc đời tôi không biết có còn mong gì hơn khi rốt cục thì tôi cũng có một gia đình, có hai đứa con gái xinh xắn và ngoan ngoãn. Ngày ngày công việc chính là ở nhà, làm vườn, nội trợ cho chồng cho con, và phụ giúp chồng lên núi làm nương làm rẫy. Cuộc sống đạm bạc, nghèo, nguyên sơ và u buồn giữa một miền rừng núi biên giới Trung Quốc. Chồng tôi, kể từ ngày có vợ, đặc biệt là có được 2 đứa con gái sinh đôi, ông coi tôi và các con như món trúng số độc đắc của mình.
Việc sinh đôi 2 đứa con gái thay vì 2 đứa con trai là một nỗi mừng vui khôn tả của chồng tôi. Ông ấy sợ nếu tôi sinh con trai, số phận của các con trai sẽ không khác gì bố là vì nghèo, vì hiếm con gái mà không lấy được vợ. Mọi yêu thương, người đàn ông thiếu thốn tình cảm đã dồn hết cho gia đình, vợ con. Tình yêu thương của một người đàn ông dồn ắp lên cuộc sống của mẹ con tôi, cho tôi một cảm giác yên ổn, bình an và ấm lòng.
Tôi còn mong chờ gì hơn thế nữa? Số phận tôi đã an bài.
Tôi may mắn hơn vạn người phụ nữ tha phương khác vì tôi có thứ quý giá nhất, đó là những đứa con.
Thế mà tâm hồn tôi vẫn trống rỗng. Trái tim tôi vẫn hun hút lạnh bởi một vực sâu không gì lấp đầy. Bản chất của con người là vậy,  không bao giờ biết bằng lòng với thực tại. Có cái này, lại muốn có thêm cái khác nữa. Con người ta nếu không biết đủ, không bằng lòng với thực tại thì sẽ gặp bi kịch mà thôi. Mọi bi kịch đều bắt nguồn từ những ham ước không thoả mãn của con người.

Tôi không hiểu sao, tình yêu của chồng con vẫn không đủ lấp đầy vực trống trong tâm hồn tôi, trái tim tôi. Tôi ít nói, lặng lẽ nhiều. Nhiều khi chồng tôi nói ông ấy sợ những khoảng trống trong tôi, ông ấy lo lắng một ngày tôi sẽ bỏ đi mất và mang các con của ông ấy ra đi. Có một lần khi nằm cạnh nhau, ông ấy nói với tôi như vậy và bưng mặt khóc hu hu trước sự ngỡ ngàng của tôi.
Tôi không biết nỗi lo sợ trong chồng tôi liệu có thành hiện thực hay không. Chỉ biết rằng, càng lớn tuổi hơn, có con, có gia đình, tôi càng nghĩ nhiều đến gia đình của tôi ngày xưa, nghĩ đến bố và mẹ. Khi tôi kịp nếm trải tất cả mọi thứ, kịp hiểu cuộc đời trầm luân dâu bể thế nào thì cũng là lúc tôi bắt đầu biết cảm thông cho mẹ, xót xa mẹ.
Nhưng sự thông cảm, thấu hiểu và cảm giác căm hận hoàn toàn khác nhau, tách biệt nhau. Tôi không thể vì hiểu mẹ hơn mà bớt đi căm hận đối với mẹ. Đó là một cảm giác làm tôi tắc thở, làm tôi nhói đau, làm cho tôi trào nước mắt mỗi khi đêm về. Tôi cô đơn giữa một đất nước xa lạ, bên những người xa lạ, bên một người chồng không thể nào gần hơn những gì có thể, và bên những đứa con chỉ biết líu lo tiếng Trung Quốc với bố.
Tôi dạy các con nói tiếng Việt nhưng, khi nghe các con vì ngại mẹ, sợ mẹ mà cặm cụi học tiếng Việt để rồi phát âm ngọng líu ngọng lô cho mẹ vui, tôi lại chạnh lòng… Nhiều lúc, tôi rơi vào cảm giác cô đơn kinh khủng. Càng cô đơn, càng nhớ đến mẹ, sợi dây néo giữ tình mẫu tử của tôi với mẹ giờ giăng qua mấy phương trời xa lắc liệu có còn?

Tôi mấy lần định viết thư về cho mẹ. Mỗi lần cầm bút tôi lại khóc. Bản thân tâm trạng tôi quá phức tạp, tôi không biết nói gì với mẹ cả, yêu thương cũng dở, mà căm hận cũng sai. Tôi thậm chí không biết mình sẽ bắt đầu với mẹ như thế nào. Tôi đã ra đi khỏi mẹ từ năm 16 tuổi, đến bây giờ, 24 năm đã trôi qua, các con của tôi đã lớn, đã đến tuổi thiếu nữ, đã bắt đầu hỏi mẹ rất nhiều về tổ tiên, về gia đình của mẹ, về ông bà ngoại. Tôi không dám kể nhiều và chi tiết cho các con về gia đình, về nguồn cội. Tôi lưỡng lự, đắn đo, sợ các con chưa đủ trưởng thành để hiểu câu chuyện lưu lạc của mẹ, để hiểu và tha thứ cho sự hận thù của mẹ. Tóm lại là tôi sợ.
Nhưng những năm tháng ân hận, giày vò không làm cho tôi hạnh phúc. Tôi sợ hãi phải đối mặt với thực tế. Tôi sợ hãi khi nói ra sự thật với các con hay đối diện với mẹ. Mẹ tôi còn sống hay đã mất, mẹ có còn ở lại ngôi nhà cũ nữa không hay mẹ đã chuyển đi. Tôi không biết phải tìm cách liên lạc với mẹ như thế nào. Mẹ có đau khổ vì mất tôi trong 24 năm qua không? Điều kiện kinh tế của gia đình hiện tại của tôi không đủ để cho tôi có thể đưa cả gia đình về Việt Nam để tìm lại mẹ, tìm lại cội nguồn.

Tôi biết, mình có thể bắt đầu bằng một bức thư này gửi tới toà báo. Có thể đây là cơ hội để tôi có thể có được những quyết định tiếp theo. Nhưng trên hết tất cả, tôi muốn gửi tới mẹ lời xin lỗi. Mẹ ơi, những năm tháng qua con đã sống trong sự dày vò bất lực . Con đã quá sai rồi phải không mẹ. Con xin mẹ hãy tha thứ cho con.
Kính thư. Trịnh Thị Thương. Thư gửi từ Tân Cương- Trung Quốc
Lời BBT ANTG:
Bạn đọc thân mến! Trên đây là toàn bộ những trải lòng về cuộc đời của chị Trịnh Thị Thương. Bạn đọc có thể gửi về những góp ý, những trao đổi để giúp cho chị Thương có những quyết định đúng đắn tiếp theo cho cuộc đời mình. Còn với chị Thương, chúng tôi, những người trong Ban biên tập chỉ muốn nói với chị một điều giản dị như thế này thôi.
Chị hãy nhanh chóng tìm mọi cách để đưa chồng và các con của chị trở về Việt Nam, thắp hương cho ba chị, báo cho ba chị biết giờ chị đã có cuộc sống bình an và có chồng con đề huề. Việc quan trọng nữa là đã đến lúc chị cần phải dẹp bỏ hết những oán hận trẻ con đã làm cho đầu óc chị tăm tối quá lâu. Những oán hận chỉ đẻ ra oán hận, và sống với oán hận dài như thế thì cuộc đời chị sẽ khổ, sẽ bi lụy hơn mà thôi.
Chúng tôi tin rằng, bản thân chị bỏ ra đi đã là một đòn trừng phạt quá oan nghiệt với mẹ chị rồi. Mẹ chị đã khóc hết nước mắt vì mất con, đã giày vò hằng đêm, đã rất đau khổ. Chúng tôi tin rằng kể từ ngày chị ra đi, mẹ chị cũng không còn lấy phút giây nào bình yên và hạnh phúc nữa. Hãy mau tìm cách liên lạc với mẹ, nếu không chị sẽ là người con đáng trách nhất trên đời và mọi sự tha thứ chúng tôi sợ rằng đều đã quá muộn. Chúc chị sớm trở về tìm mẹ và đoàn tụ gia đình.

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Đâu phải bởi mùa thu...

Thành phố nhỏ và hiền như bàn tay con gái, thành phố trầm mặc cổ kính như một nỗi buồn đã xa. Tĩnh lặng, yên bình. Không thể biết khi nào mùa thu đã tới, cũng chưa thể nắm bắt hình hài của mùa mới vừa sang.

Chỉ lắng nghe âm thanh dịu dàng một bài hát cũ, để những ngón tay miết nhẹ lên giai điệu và lòng thì thầm nhắc khẽ: “Thu rồi…”


                               

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Truyện ngắn hay



Viết cho cha
Con xin tiền đóng học phí học bằng B Anh văn. Cha nói: "Để cha tính".
Một lần sau giờ học, lũ bạn rủ con đi uống nước.
Ngồi trong quán, con giật mình khi thấy dáng một người rất quen - cha của con. Cha chạy honda ôm sau giờ làm việc. Con trách mình sao quá vô tâm.

Lãi
Quán rất nghèo, lèo tèo dăm chai nước. Hiếm hoi mới có vài người khách.
Con trai càu nhàu:
- Chín muời năm rồi, chẳng thấy lời lãi gì cả, chỉ tổ nhọc thân. Đã bảo u dẹp quách đi cho rồi. Rõ khổ.
Bà mất vì lao phổi. Con trai dỡ quán bỏ, thấy một cuộn giấy cất kỹ trên hốc kèo. Mở ra, một dòng chữ nghuệch ngoạc: "Lãi của quán, dành cho con". Gần ba triệu. Tờ giấy run bần bật.

Nhớ mẹ
Mẹ tôi bị chứng lở miệng. Mỗi lần bị lở mẹ ăn rất khó khăn. Khi ấy mẹ chỉ thích có tô cháo hành hoa cho dễ nuốt nhưng tôi thường tìm cớ né tránh để khỏi phải nấu. Thấm thoát mẹ mất cũng đã gần 10 năm.
Mấy hôm nay nuốt thức ăn thấy đau đau. Soi gương thấy hóa ra miệng có vết lở giống như mẹ ngày trước. Cầm tô cháo hành mà nước mắt tôi cứ lăn dài.

Mẹ ghẻ
Cô tôi muộn chồng vì quá dữ tánh, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy dượng, đã góa vợ.
6 tuổi, Lộc về với mẹ ghẻ, làm đủ việc mà lằn roi mới vẫn chồng lên dấu đòn cũ...
Lộc 15 tuổi, dượng chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi nên ngày mở cửa mả, cô đuổi khéo:
- Có muốn về với bà ngoại mày không?
Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:
- Con đi rồi, mẹ ở với ai?
Sau câu nói, dường như bà mẹ ghẻ thì ở lại với nấm mồ , còn cô tôi về, đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm - rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con thân thương như một phép màu...

Khoảng cách
Anh lớn hơn nàng già con giáp. Sợ cảnh chồng già vợ trẻ sau này, anh dằn lòng nói lời chia tay. Nàng nước mắt lưng tròng.
Ba năm sau, nàng cũng lên xe hoa. Chồng nàng bằng tuổi anh.
- Sao ngày xưa em không giữ anh lại? Giọng anh đầy tiếc nuối và trách móc.
Nàng nhìn anh trân trối:
- Cứ nghĩ anh không muốn cưới em...
(St)

IRS thông báo nghỉ giao dịch nhân dịp Quốc Khánh 2/9/2011


Công ty Chứng khoán IRS trân trọng thông báo tới Quý nhà đầu tư về việc nghỉ giao dịch nhân dịp Quốc khánh 2/9/2011.

Nhân dịp Quốc khánh 2/9/2011, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ nghỉ giao dịch vào thứ Sáu (ngày 2/9/2011) và sẽ tổ chức giao dịch trở lại từ thứ Hai (ngày 5/9/2011).

Theo đó, IRS cũng sẽ nghỉ giao dịch vào thứ Sáu (ngày 2/9/2011) và giao dịch trở lại từ thứ Hai (ngày 5/9/2011).

Kính chúc Quý nhà đầu tư có kỳ nghỉ lễ vui vẻ và hạnh phúc!

IRS trân trọng thông báo!

30 tháng 8, 2011

MIẾNG VỠ MẢNH ĐỜI: MẸ KHÓC ĐỂ NUÔI CON CƯỜI

Cả tháng trời, 2 mẹ con ăn cơm trắng với muối hột. Thấy vậy, người hàng xóm mách:” Đưa nó lên làng trẻ tật nguyền ở, có khi được ăn cơm với đậu với thịt”. Chỉ vậy thôi, nhưng cứ đến bữa là thằng bé nhất quyết không chịu ăn.
Mẹ ôm con vỗ về:” Không đi đâu cả, có chết đói cũng không đi”. Thằng bé cười ngờ nghệch, ú ớ đòi ăn cơm….
***
Những mảng vôi bám trên tường tơi tả rụng. Giọt nắng xuyên qua những lỗ thủng trên mái ngói vào nhà. Vài chiếc bát mẻ, đũa mốc chỏng chơ ở góc nhà...Đó là nơi chui ra chui vào của người đàn bà hơn 60 tuổi ốm yếu, hom hem lại thêm chứng điếc lác nặng và đứa con tật nguyền. Đời người có lúc thăng lúc trầm nhưng cuộc đời bà Hoàng Thị Thỉnh (thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) lại là chuỗi dài những đắng cay hờn tủi…

Lấy chồng sinh con. Đó là thiên chức, là hạnh phúc của người phụ nữ. Nhưng sau khi kết hôn, bà Thỉnh phải mòn mỏi đợi chờ gần hai chục năm trời mới có được mụn con…Một đứa con trai trắng trẻo biết cười từ khi lọt lòng mẹ. ..Dù muộn mằn, những tưởng thế đã là hạnh phúc...

Rồi, hạnh phúc ấy vỡ vụn, từng mảnh vỡ cứa thẳng vào trái tim đôi vợ chồng đã qua cái tuổi tứ tuần khi “niềm mong ước” của ông bà có những biểu hiện không bình thường do ảnh hưởng của chất độc da cam. Em Nguyễn Văn Mạnh từ bé đã hay ốm vặt, sốt trớ quanh năm, chân tay teo tóp, trí tuệ không phát triển. Mạnh không nói cũng chẳng đi được...



Với bà Thỉnh, Mạnh là “niềm an ủi không tròn trịa” mà cuộc đời trao cho bà

Con người ta mỗi lớn mỗi khôn, con mình ngày lại ngày vẫn bò lê bò càng, tự cười tự khóc trước hiên nhà, lòng người đàn ông đã từng một thời vào sinh ra tử nơi chiến trường ác liệt chết lặng đi…

Nghĩ phận hẩm hiu, ông bà nhận thêm một cháu gái về nuôi cho nhà cửa bớt phần cô quạnh. Khi Mạnh được 10 tuổi cũng là lúc ông đổ bệnh nặng. Gia cảnh nghèo khó, chẳng có tiền để đi bệnh viện, ông chỉ nằm ở nhà chữa bệnh bằng dăm ba loại lá nhì nhằng…

Một ngày mưa gió, ông dặn bà hôm nay ông mệt, bà đừng đi làm ở nhà trông con kẻo nó bò ra sân ướt người. Ông đi nằm. Và rồi ông mãi mãi không dậy được nữa, bỏ lại bà với 2 đứa con thơ . “ Khổ lắm, ông nhà tôi trước khi chết mà có được ăn uống gì đâu. Là con ma đói cô ạ”. Bà nấc nghẹn khi nhắc đến ông.

Nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào 3 sào ruộng và số tiền Nhà nước trợ cấp hàng tháng dành cho Mạnh. Cũng may có đứa con gái nuôi phụ bà công việc đồng áng, mẹ con bữa rau bữa cháo nuôi nhau. Năm 2008, cô con gái nuôi lấy chồng, chỉ còn lại bà Thỉnh và đứa con trai tật nguyền sống câm lặng trong căn nhà nát.



Cuộc đời nhiều đắng cay, hờn tủi nhưng nước mắt chỉ rơi khi nghĩ về chồng về con.

Bà thì ngày càng già yếu đi, lưng còng, mắt mờ, tai cũng không nghe rõ. Số phận dường như dành nhiều đắng cay cho người đàn bà này khi tiếp tục cướp đi một thành viên nữa trong gia đình. Tháng 7/2011, con gái nuôi của bà mất do tai nạn giao thông. Khi đó, trong bụng chị còn có một bào thai 3 tháng tuổi.

“ Thỉnh thoảng chị nó về thì có thêm miếng đậu, không thì chỉ có cơm nhạt thôi. Mà con bé, lấy chồng cũng có giàu sang gì cho cam, phải nhịn ăn nhịn uống, nhìn trước nhìn sau mới dám về với mẹ với em. Giờ thì muốn về cũng không về được nữa rồi…”. Nước mắt của người đàn bà bất hạnh ấy dường như chỉ rơi khi nghĩ, khi nói về chồng, về con!

Với bà Thỉnh, đứa con dù có tật nguyền nhưng hiện tại nó là niềm an ủi lớn nhất đối với bà. Đói khát là thế nhưng cứ nói đưa đi đâu là Mạnh lại nhất quyết không chịu ăn để được ở nhà với mẹ. Cả hai mẹ con, một già 1 trẻ, 1 câm 1 điếc…nhưng vẫn có những cách giao tiếp riêng…Bà có thể sống được, có lẽ cùng là nhờ thế.



Cậu bé Mạnh ngu ngơ cười, ngu ngơ khóc năm nay đã bước sang tuổi 22

Tình yêu bà dành cho con, như tình yêu của loài cá chuối, cả đời đắm đuối vì con. Bà sợ nếu bà gục xuống thì chẳng có ai chăm sóc con bà. Với bà, việc tự tay tắm rửa, đút cơm rồi tìm cách cho nó từ trong nhà ra hiên, từ hiên vào trong nhà mỗi ngày cũng là một hạnh phúc!

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Bà Hoàng Thị Thỉnh – Thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
ĐT: 0240 3552 534 ( Bác Sơn – hàng xóm của bà Thỉnh)

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Đến với bài thơ hay "Hoa Sữa"


Tuổi mười lăm em lớn từng ngày,
Một buổi sáng bỗng biến thành thiếu nữ.
Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ,
Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ.

Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu,
Mùi hoa sữa tan trong áo em và mái tóc.
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt,
Vậy mà tan trong sương gió mong manh.

Tại mùa thu, tại em hay tại anh?
Tại sang đông không còn hoa sữa?
Tại siêu hình tại gì không biết nữa?
Tại con bướm vàng có cánh nó bay?

Đau khổ nhiều nhưng éo le thay.
Không phải thời Romeo và Juliet,
Nên chẳng có đứa nào dám chết,
Đành lòng thôi mỗi đứa một phương.

Chỉ mùa thu còn trọn vẹn yêu thương,
Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ,
Hương của tình yêu đầu nhắc nhở,
Có hai người xưa đã yêu nhau...

Tác giả: Nguyễn Phan Hách



.

29 tháng 8, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Xin mẹ hãy tha lỗi cho con! (Phần 3: Trượt dốc)

Sự hận thù và cố chấp đã khiến tôi mê muội và trượt dốc...
Tôi đã cảm thấy tổn thương vô cùng trong những ngày tháng về sống với mẹ và cha dượng. Sau khi bố mất, mẹ đưa tôi về cùng bà. Tôi nhớ hôm sau tuần chay cho bố, mẹ nói với tôi sẽ đưa tôi về sống với mẹ. Trong lòng tôi không hề muốn điều đó, nhưng bố mất rồi, tôi lâm vào cảnh bơ vơ, chỉ còn có mẹ là nơi nương tựa duy nhất.
Buồn thay nơi nương tựa ấy lại là chốn mà tôi căm thù, tôi không muốn trở về. Nhưng với con bé 12 tuổi như tôi, tôi làm sao tự tồn tại được mà không có bố hay mẹ.Tôi gạt nước mắt, lầm lỳ theo mẹ về nhà của mẹ và cha dượng. Bữa cơm tối ấy dọn ra, mẹ tôi ngân ngấn nước mắt nói với tôi: "Từ nay, chú Q. sẽ thay bố chăm sóc mẹ con mình. Con hãy coi chú Q. như một người ruột thịt". Tôi cúi gằm mặt vào bát cơm. Nước mắt tuôn lã chã. Tôi nhớ bố, tôi chỉ muốn được chết theo bố, không ai có thể thay thế bố trong tôi được.
Chú Q. không ôm tôi vào lòng an ủi, có lẽ chú cũng khó xử. Chú chưa từng có một gia đình, có vợ và có con trước khi đến với mẹ, chú cũng không đủ từng trải và kinh nghiệm để xử lý những tình huống khó. Tôi đoán, trong thời khắc này, chú lại càng bối rối hơn.
Và trong ánh nhìn ngài ngại của chú dành cho tôi, tôi, con thú non đã trúng thương quá nhạy cảm để linh giác được rằng, chú Q. sẽ không yêu tôi như bố tôi yêu tôi, chú Q. là người xa lạ, không thuộc về tôi, không thuộc về gia đình tôi. Trong tiềm thức của tôi lập tức đã thiết lập một rào chắn ngăn cách giữa tôi và chú. Một rào chắn tỉnh táo và đầy cảnh giác.
Tôi ngồi vào mâm cơm cúi gằm mặt trong cái nhìn ngại ngùng của chú Q, khoảng xa cách giữa hai người xa lạ không thể và không bao giờ lấp đầy trong tâm hồn non nớt bé bỏng của tôi. Tôi sống cùng với gia đình mới của mẹ được 4 năm thì vĩnh viễn bước ra khỏi nơi đó. Lúc này mẹ đã có thêm em bé trai Su Su. Mẹ có thêm nhiều mối quan tâm, nhiều bận bịu. Chú Q. không như bố, chú mạnh mẽ, gia trưởng và hay thể hiện quyền lực làm chồng với mẹ.
Mẹ yêu chú Q., yêu gia đình mới của mình, mẹ chật vật chạy đua với thời gian để làm tròn vai trò một người vợ, người mẹ mẫu mực, yêu chồng, chăm con và gương mẫu ở cơ quan. Bởi vậy nên dĩ nhiên mẹ có muốn cũng không còn thời gian dành cho đứa con gái giống bố y tạc của mẹ. Đứa con gái luôn là sự hiện diện quá khứ buồn bã của mẹ mà mẹ đã tìm cách chạy trốn, tìm cách chối bỏ và lãng quên.
Tôi đã ít nói, lại ngày càng lặng lẽ hơn, thu mình hơn. Trong 4 năm sống cùng với gia đình của mẹ, tôi không hiểu vì sao mẹ lại trở thành một con người hoàn toàn khác như vậy. Khác với bố, một mực chăm sóc mẹ mà không nhận lấy chút đền đáp của mẹ, chú Q. luôn mong muốn mẹ phải chiều chuộng chú, chăm sóc chú chăm sóc bé Su Su.
Chỉ cần mẹ làm chú phật lòng, phật ý việc gì đó, chú đã giận dỗi, đã quát ầm lên. Chỉ cần bé Su Su khóc, mẹ chưa kịp về, hay tôi bận học bài, không để ý tới em, là y như rằng tối về, chú Q. đã bóng gió chì chiết mẹ. Mỗi lần như vậy mẹ lại khóc. Mà mỗi lần mẹ bật khóc thì chú Q. lại nói những câu nói thô lỗ làm cho mẹ đau lòng.
Đại khái những câu như: "Cô hối hận rồi hả", "Tôi không tốt bằng chồng cũ của cô đâu" v.v và mỗi lần như vậy, mẹ lại khóc. Mẹ rất yêu chú Q., hay có thể mẹ tự trọng với quyết định của mình cho nên mẹ chịu đựng hết tính khí thất thường trẻ con của chú, mẹ nhẫn nhịn và miệt mài yêu thương cái gia đình mới của mẹ. Cho dù cái gọi là tình yêu cuồng si của mẹ ngoài những giây phút vui vẻ ngắn ngủi bên nhau, còn lại là những đêm mẹ nằm khóc ướt gối, sáng ra mắt mẹ sưng húp.
Mẹ khóc đấy rồi lại tất bật với yêu thương đấy. Nhiều lúc tôi thấy mẹ như con ngựa mang trên mình một cỗ xe tình yêu quá cỡ chạy miệt mài trên đường trường. Để miệt mài yêu thương cái gia đình mới của mẹ, nhiều khi tôi thấy tâm hồn mẹ trầy xước, tôi thấy vết thương lòng của mẹ rỉ máu.
Bởi không ít khi mẹ kêu tôi chở lên thăm mộ bố. Mỗi lần như vậy, tôi ghét mẹ, không muốn đi nhưng tôi nhỏ quá, chưa tự đi được một mình nên lại phải cắn răng theo mẹ lên thắp hương cho bố vì nhớ bố. Những lần lên nghĩa trang với bố, mẹ phải nói dối chú Q. là mẹ đi công việc này nọ, hay là đưa tôi đi khám, đi học thêm.
Nếu chú Q. mà biết mẹ lên nghĩa trang đốt hương cho bố, thế nào chú cũng nói kháy, nói bóng nói gió rằng "Hối hận rồi hả", Cô thấy sai lầm rồi phải không". Những lời nói của chú Q như nhát dao cứa vào lòng mẹ. Tôi không hiểu nổi tại sao người lớn lại phức tạp đến vậy. Yêu nhau, mê nhau như điếu đổ, làm tất cả để có nhau, có nhau rồi thì tìm mọi cách để hành nhau cho đớn đau thêm, tủi nhục thêm sao.
Những việc quá bình thường như yêu tôi, qua lại bên nội thực hiện các nghĩa vụ bình thường thế mà chú Q. cũng cáu giận, cũng gây áp lực cho mẹ khiến mẹ phải nói dối. Nhiều lúc, tôi muốn hét vào mặt mẹ, tại sao mẹ lại lựa chọn một cuộc sống như thế chứ. Tại sao, mẹ không còn là mẹ nữa, không còn là người bình thường nữa. Lên đến nơi, mẹ thường ngồi ôm tôi trước mộ bố mà khóc.
Tôi không hiểu nổi những giọt nước mắt lúc ấy của mẹ. Tôi chỉ càng thấy ghét mẹ hơn. Tôi không mảy may xót thương mẹ, hay chia sẻ với mẹ. Lúc đó tôi còn bé quá, tôi quá nhỏ để không thể lý giải được vì sao mẹ lại bỏ bố đến với chú Q., tại sao mẹ từ bỏ một cuộc sống bình yên, không nước mắt, không tiếng quát tháo của bố để đến với một cuộc sống nhiều bão.
Tôi quá nhỏ để không hiểu được con đường đi, hay nói đúng hơn là chiều dài của tình yêu, những diễn biến trong tình yêu, hôn nhân và những ngóc ngách bí ẩn của cuộc sống gia đình, cái gọi là hậu tình yêu. Lúc đó tất cả những giọt nước mắt của mẹ đều làm cho tôi đinh ninh rằng mẹ đã hối hận, mẹ đã sai lầm, mẹ phải trả giá cho tất cả những lựa chọn điên rồ nhất mà mẹ đã chọn.
Lòng tôi nguội tanh, lạnh lẽo mỗi khi đứng trước mẹ. Càng nhớ bố, tôi càng trào lên một nỗi căm hận mẹ. Tôi chỉ có một ước muốn ra đi thật nhanh, thật xa để mẹ không còn có tôi trên đời. Và tôi đã làm điều đó vào năm 16 tuổi.
Mười sáu tuổi, tôi giống mẹ nên dậy thì sớm và nhan sắc đã trở nên rực rỡ. Một lần lên TP HCM chơi với chúng bạn, tôi bị sập bẫy buôn người của một mẹ mìn. Điều đáng nói là bà mẹ mìn này chỉ hơn tôi có 4 tuổi, và đã thuyết phục tôi bỏ nhà ra Hà Nội rồi vượt biên ra nước ngoài làm người mẫu bằng chính câu chuyện cuộc đời của chị ta khiến cho tôi tin sái cổ lại còn khóc sướt mướt khi đồng cảnh ngộ.
Cũng có hoàn cảnh y chang như tôi, ba má bỏ nhau, ra tòa đùn đẩy nhau nuôi con nên chị ta hận đời mà bỏ đi ở mướn kiếm sống từ nhỏ. Nay chị ta may mắn được giới thiệu qua làm người mẫu ở Hồng Kông, đang tính kiếm thêm bạn có ngoại hình xinh đẹp qua bên đó hành nghề người mẫu. Mười sáu tuổi, tôi vẫn chỉ là một bé gái miền Tây thật thà, ai bảo sao tin vậy. Tôi đã tiêu huỷ cuộc đời mình từ đó, kể từ phút giây trao thân mình cho bà mẹ mìn hơn tôi 4 tuổi.
Tôi thực hiện kế hoạch trả thù mẹ nhanh đến mức khó tin. Chỉ có hai bộ quần áo trong chiếc ba lô học trò, tôi bước ra khỏi gia đình của mẹ từ đó, và một đi không có cơ hội để ngoái lại. Và như mọi người đã hình dung ra kết cục của cuộc đời những cô gái trẻ bị lừa bán ra nước ngoài ra sao rồi, đích đến của họ là những nhà chứa.
Thiên đường làm người mẫu ở Hồng Kông của tôi là một nhà chứa bẩn thỉu ở một tỉnh miền núi của Trung Quốc. Tôi đã trả thù mẹ bằng cách trở thành một gái bán dâm, lưu lạc nơi xứ người trong tủi nhục, cay đắng và nước mắt. Tôi bị bán cho dăm bảy chủ chứa, lưu lạc hàng chục nhà chứa. Mỗi ngày tiếp 10 đến 15 lượt khách, chẳng khác nào một con vật sống không ra sống.
Càng ngập ngụa trong bùn lầy nhơ nhớp của xã hội, tôi càng căm thù mẹ tôi. Chính vì bà chạy theo tình yêu của mình, mà bà đã giết bố con tôi, đẩy tôi lâm vào cảnh khốn cùng này. Những năm tháng sống trong các nhà chứa, ai hỏi tôi về gia đình, bố mẹ, tôi đều nói tôi mồ côi, không có bố và mẹ, chỉ có một mình.
Tôi càng hận mẹ tôi hơn khi không có một manh mối nào cho biết mẹ tôi vì quá lo sợ mất tôi mà đi tìm con, tìm giọt máu bà đứt ruột đẻ ra. Không một manh mối nào cho tôi biết rằng mẹ đau đớn khi tôi biến mất, mẹ cuống cuồng lên báo đài để nhắn tìm tôi.
Những ngày sống trong tủi nhục ê chề, niềm an ủi duy nhất của tôi là nghe đài radio để biết được tin tức ở đất nước mình, và điều tôi ấp ủ ngóng đợi trong lòng là biết đâu qua đài radio, tôi sẽ nghe được lời nhắn tìm con của mẹ tôi. Nhưng đợi chờ và mong mỏi của tôi là vô vọng.
Thực tâm trong lòng tôi rất nhớ mẹ, muốn quay trở về nhà, muốn được mẹ cứu thoát khỏi động quỷ này nhưng lòng tự trọng và những gì tôi tự hứa với mình không cho phép tôi tìm cách liên lạc với mẹ. Ngược lại, mỗi lần tình cảm của tôi trào dâng lên nỗi nhớ mẹ là lòng tôi lại càng căm hận mẹ hơn, vì mẹ mà tôi ra nông nỗi này. Lâu dần sự chai lỳ về những nỗi đau thể xác, về nỗi ô nhục, và cả sự chai lỳ trong tâm hồn đã làm cho tôi trơ ra như một cái cây khô đã chết hết sự sống.
Tôi sống không ước vọng, không có tương lai, như một người đã quên mình từ lâu, quên luôn cội nguồn và gốc gác. Nhưng nhan sắc của tôi lại không đồng thuận với ý thức của tôi để có thể cho phép tôi tự quên đi bản thân mình. Nó luôn đánh thức tôi, gào thét vật vã trong tôi về sự tồn tại của chính mình.
Bằng chứng cho sự đánh thức ấy là rất nhiều người đàn ông tìm đến tôi trong những cuộc mua bán tình. Quá nhiều khách tìm đến tôi khiến cho tôi tơi tả trong vòng xoáy cuộc đời. Nhiều ông khách thừa tiền, thiếu tình đã đi lại với tôi thường xuyên và hứa hão cho tôi một cuộc sống tốt đẹp. Thế rồi, trong vũng bùn dơ dáy ấy, tình yêu cũng le lói đến với tôi từ một khách làng chơi.
Người đó còn trẻ, chỉ hơn tôi độ 10 tuổi, là một doanh nhân thành đạt của Trung Quốc. Mỗi 1 tuần anh tìm đến với tôi một lần, mang theo cảm giác về tình yêu mà tôi chưa từng có bao giờ. Anh thường bỏ tiền mua tôi cả tối hôm ấy và đưa tôi đi chơi, ăn uống các nhà hàng sang trọng.
Có những dịp, anh mua tôi 1 tuần và mang tôi đi trong những cuộc du lịch ngắn ngày của anh. Anh nói với tôi, đợi anh thu xếp xong, anh sẽ chuộc tôi khỏi động quỷ này và cho tôi một cuộc sống khác, anh sẽ cưới tôi làm vợ. Đó là khoảng thời gian 2 năm hạnh phúc của tôi. Lần đầu tiên, trái tim chai lỳ, vô cảm của tôi biết run lên trước một người đàn ông.
Dẫu hoàn cảnh gặp nhau, đến với nhau thật trớ trêu nhưng dù sao tình yêu cũng đã đâm chồi trên khô hạn. Khoảng thời gian đó, tôi được sống đúng nghĩa như một người con gái bình thường, được yêu và hạnh phúc. Anh chuộc tôi ra khỏi động quỷ, thuê cho tôi một căn hộ nhỏ và anh đến với tôi hằng tuần. (còn nữa)      
Trịnh Thị Thương. Thư gửi về từ Tân Cương, Trung Quốc

KỸ NĂNG SỐNG: "XOA DỊU" CHỨNG THẤP KHỚP

Ngoài sử dụng các loại thuốc chống viêm, một số cử chỉ nhỏ dưới đây có thể giúp những người bị thấp khớp cảm thấy dễ chịu hơn!


Mượn nhiệt
Khi các khớp xương bị đau, hơi nóng có thể làm giảm bớt sự đau đớn. Tắm nước nóng cũng chính là cách hay để xoa dịu nỗi đau khớp.
Còn khi xuất hiện cảm giác nóng rát ở khớp xương, hơi lạnh sẽ giúp giảm bớt sự khó chịu

“Nạp căng” omega-3
Omega-3 có khả năng kháng viêm, giảm đau. Cá béo, dầu cải, lạc, vừng, hạt dẻ, quả hạch chính là những nguồn giàu Omega-3.

Chế độ ăn giàu vitamin C
Với khả năng chống ôxy hoá, vitamin C bảo vệ các tế bào trong đó có các tế bào ở khớp xương.
Để cung cấp đủ vitamin C cho cơ thể, hãy thường xuyên đưa vào thực đơn hàng ngày các loại trái cây như kiwi, cam quýt cũng như các loại rau xanh, củ quả như cải bắp, khoai tây, ớt ngọt…

Theo dõi cân nặng
Thừa cân khiến bệnh hư khớp nặng nề và trầm trọng hơn, nhất là ở các khớp đầu gối và khớp háng vì đây là những vùng “gánh nặng” nhất trên cơ thể.
Hãy theo dõi để duy trì cân nặng ổn định cho cơ thể, nếu không hãy cố gắng giảm cân một chút.

Lựa chọn giày phù hợp
Đế giày mềm mại làm nhẹ bớt đi các va chạm, tác động từ bên ngoài và bảo vệ các khớp xương.

Vận động ngay khi có thể
Khi cơn đau khớp đi qua, hãy tận dụng mọi thời gian có thể để vận động phù hợp với khả năng sức khoẻ cơ thể.
Các môn như đi bộ, thể dục, yoga… đều tốt để duy trì hệ cơ và và bảo vệ hệ khớp. Đặc biệt, bơi lội là môn thể thao lý tưởng đối với các bệnh nhân thấp khớp.

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Có con sóng đã xa bờ


Em dễ tính đến ngạc nhiên. Chẳng bao giờ em giận dỗi. Vì thế mà anh cứ yêu em theo cảm nhận của riêng anh. Cho đến một ngày, em không giận mà ra đi…

                      
Em là người đến sau. Trước em, một người con gái đã khắc quá sâu hình ảnh cô ấy vào từng ngóc ngách, từng lối nhỏ trái tim anh. Em hình như cũng biết điều đó. Em biết rằng anh bị từ bỏ chứ không phải anh không còn yêu. Nhưng em chẳng quan tâm.

Khi trái tim anh nhỏ lệ vì cuộc tình đầu tiên, em đến. Rất nhẹ nhàng như thể em hiện hữu chỉ để làm lành vết thương đó. Anh yêu em nhanh chóng. Cả anh và em đều biết nỗi đau là chất xúc tác cho tình yêu này. Em không trách móc, cũng không hờn giận. Em mặc nhiên đồng ý.

Trong suốt cuộc tình của chúng mình, em luôn cười. Anh không nhớ đã bao lần vì mải nghe một bản nhạc, mải ngắm một đồ vật quen thuộc mà người con gái đó từng thích khiến anh lỡ hẹn với em. Em chờ cả tiếng đồng hồ dưới trời nắng gắt. Anh phóng xe đến và nghĩ có thể em đã tức giận mà bỏ về. Nhưng em vẫn ở đó, mặt đỏ ửng lên vì nắng chiếu vào bỏng rát. Anh lúng túng không biết phải giải thích thế nào với em để em không giận. Nhìn thấy anh, em cười hớn hở: “Anh ơi, đi uống nước mía nha”. Anh ngây người vì không nghĩ mình được “tha” dễ dàng đến thế.

Chúng mình hẹn hò, anh luôn là người được lựa chọn địa điểm. Và lần nào cũng như một sự vô thức, anh chở em đi qua hết thảy những con đường, những nơi đong đầy kỉ niệm của anh và cô ấy. Trong khi em tíu tít chạy loanh quanh khám phá một ngôi chùa cổ kính, anh chỉ lặng đi ngồi nghĩ về những gì đã qua. Lần nào đi chơi, em cũng như đi một mình.

Sinh nhật em anh tặng những món quà chẳng có ý tưởng hay sự đầu tư nào. Anh làm mọi thứ như một thủ tục. Người ngoài nhìn vào, thấy anh vẫn là một người yêu tận tụy: nhường nhịn em, hiền khô, không quên tặng quà ngày lễ, đưa em đi chơi, đi ăn uống… Nhưng chỉ có em biết rằng trong tình yêu đó, anh là một cái bóng vật vờ không cảm xúc.

Em thường chọc anh cười mỗi lúc anh ngồi trầm ngâm. Em nghĩ ra đủ thứ trò tinh nghịch. Em như một cơn gió lém lỉnh kiên quyết làm cho tà áo ai đó phải bị hất tung lên. Anh phì cười rồi kéo em vào lòng. Bờ vai em nhỏ thon nằm trọn trong vòng tay anh. Em là một cô bé dễ thương để ai gặp cũng cảm thấy thật đáng yêu. Anh khẽ ngửi mùi hương trên mái tóc dài ngang vai của em. Thật dễ chịu. Anh chưa bao giờ thử nghĩ xem tình cảm anh dành cho em là gì. Nó chắc chắn có dáng dấp của tình yêu, nhưng đôi khi anh thấy như một điểm tựa, một niềm an ủi, một bến bờ bình yên. Anh cứ có cảm giác nó không phải tình yêu đích thực, cái thứ tình cảm mà anh không thể có được với người con gái ấy mới là thứ tình yêu ám ảnh đời anh. 

Lẽ ra anh sẽ không bao giờ có cơ hội được làm em buồn nhiều đến thế. Anh luôn lỡ hẹn, anh đi chơi với tâm trạng bất thần, anh quên dành cho em sự chăm sóc và quan tâm chu đáo. Em cứ luôn cho anh cái quyền làm em tổn thương. Nhiều lúc anh thấy mình quá vô tâm, anh đã nhận ra được giọt nước mắt đầy đắng cay sau nụ cười cố làm ra vẻ trong veo của em. Nhưng em chẳng trách gì, anh cũng kệ.

Anh đưa em đi biển. Vẫn bờ biển năm xưa anh đi cùng người ấy. Em hào hứng lắm. Bọn mình thuê một phòng, nhưng không có chuyện gì xảy ra. Với em, anh luôn muốn tận ngắm sự trong trắng đến thuần khiết mà em có.

Anh và em ngồi trước biển. Em say sưa nói về sóng biển và bờ cát. Hình như em nói rằng muôn đời sóng vẫn hướng về bờ cát, ru bờ bằng những cái vỗ êm ái, nhưng có thể một ngày, con sóng nào đó sẽ ra khơi. Anh mơ màng để hồn bay về miền quá khứ. Khoảnh khắc em dừng lại không nói gì và chờ đợi, phải đến mười phút anh mới nhận ra sự khác biệt. Anh hỏi: “Sao em không nói gì vậy?”. Em cười:

- “Em vẫn im lặng mà, ngắm biển đi anh”.

Anh nghĩ thế thật, và im lặng. Tối, bọn mình về phòng nghỉ. Mỗi người một giường.

Sáng. Anh cảm thấy chói lòa cả mắt bởi ánh sáng mặt trời rọi thẳng vào phòng. Anh dậy nhưng không thấy em đâu. Tờ giấy trên bàn đặt ngay ngắn:

“Cảm ơn anh vì tất cả những gì anh đã mang đến cho cuộc sống của em Em đã hi vọng có thể để bóng hình chị ấy thôi không còn ám ảnh anh bằng chính nụ cười và con người em. Nhưng em không làm được. Em phải ra đi. Hãy để lòng mình bình yên anh nhé. Em hi vọng có một người con gái sẽ thay thế được mọi kỉ niệm của anh. Hôn anh lần cuối”.

Anh lao ra phía biển, biển sáng sớm vắng người, tim anh đau nhói. Khi chia tay người đó, anh thấy mình đau vì bị phụ bạc. Nhưng giờ anh mới thấy mình trống rỗng như không tồn tại. Anh cần em.

Sóng vẫn vỗ về phía bờ cát, nhưng hình như có cơn sóng nào đó đã xa bờ. Có quá muộn khi nhận ra điều đó?
(St)

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: “Tôi có thể ngủ khi gió thổi”


Cách đây nhiều năm, có một người nông dân làm chủ một dải đất dài dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Ông liên tục đăng quảng cáo tìm người làm thuê, nhưng hầu hết mọi người không muốn làm bởi họ sợ những cơn bão khủng khiếp.
 

Tuy nhiên, một ngày nọ, cũng có người đàn ông thấp lùn, trung tuổi đến xin làm việc tại trang trại. Người chủ trang trại bèn hỏi: “Anh có phải là một tá điền giỏi không?”. Người đàn ông thấp lùn liền trả lời: “Tôi có thể ngủ khi gió thổi”. 

Mặc dù bối rối bởi câu trả lời này nhưng cũng thật khó để tìm được người làm thuê ở đây nên người chủ trang trại đồng ý thuê anh ta. Người đàn ông nhỏ bé làm việc rất chăm chỉ ở trang trại, ông bận rộn từ sáng sớm đến chạng vạng tối, khiến ông chủ rất hài lòng. 

Nhưng đến một đêm, người chủ trang trại nghe gió rít thổi từ ngoài khơi. Ông vội nhảy ra khỏi giường và đi gọi tá điền của mình: “Dậy mau, bão đang đến, hãy đi buộc tất cả các cột dây lại trước khi gió thổi bay mọi thứ”. Tuy nhiên người tá điền bình thản trở mình và trả lời: “Không, thưa ông. Tôi đã nói rồi, tôi có thể ngủ khi gió thổi”. 

Nổi giận trước thái độ thờ ơ của người tá điền nhưng không còn thời gian để đôi co, chủ vội vã ra ngoài để chuẩn bị đối phó với cơn bão. Nhưng thật ngạc nhiên, ông phát hiện ra mọi thứ đã được che đậy, phủ bạt một cách cẩn thận. Những con bò ở trong kho thóc, gà đã được nhốt vào chuồng và mọi cánh cửa được chốt cẩn thận. Mọi thứ đều ổn thỏa và chắc chắn, dù gió mạnh cũng khó mà thổi bay được. Giờ thì người chủ trang trại hiểu được câu nói của người tá điền. Ông quay lại giường ngủ ngon lành khi gió vẫn đang gầm rít ngoài khơi.

Khi đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và thể chất, bạn không có gì để lo sợ cả. Bạn có thể ngủ khi gió thổi qua cuộc sống của bạn không?

Theo SCRb

26 tháng 8, 2011

XẢ STRESS: BẮC - TRUNG - NAM: CHUNG MỘT MÁI NHÀ

Hài kịch "Chung một mái nhà" với sự thể hiện của các nghệ sĩ: Chí Tài, Uyên Chi, Bé Tí, Hương Thuỷ sẽ đem lại cho chúng ta những tiếng cười thật sự thoải mái!

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Những ngả đường đẹp như trong mộng!


Đôi khi, có những con đường mang vẻ đẹp mê hoặc tới mức chúng ta không cần biết nó sẽ dẫn đi đâu.


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
(St)

XẢ STRESS

Chủ đề chính
Trong một cuộc họp. Một vị giáo sư chuẩn bị thuyết trình thì ở dưới ồn ào quá. Ông không chịu được bèn nói:
– Mả cha các đồng chí…
Hội trường bắt đầu im ắng một chút nhưng vẫn khá ồn.
Ông nói tiếp:
– Mả ông các đồng chí…
Hội trường im ắng dần. Còn một số người vẫn tiếp tục nói như không nghe thấy gì.
Vị giáo sưu lại tiếp:
– Mả cụ các đồng chí…
Cuối cùng thì toàn bộ hội trường im phăng phắc. Thấy vậy ông mới đủng đỉnh nói:
– … đều bị bọn giặc giày xéo trong chiến tranh… Hôm nay chúng ta trao đổi về tội ác của bọn giặc trong chiến tranh đối với nhân dân ta.

Ai
Một chuyến xe có một người phụ nữ đứng tuổi , một cô gái trẻ , và ba chàng trai . Lúc xe đi qua đường hầm tối bỗng nghe tiếng 'chụt'và "bốp" .
Người phụ nữ đứng tuổi chợt nghĩ " giới trẻ bây giờ ghê thật ".
Cô gái trẻ nghĩ "tại sao bà ta được hôn mà mình không được hôn ".
Chàng trai thứ nhất nghĩ "vào hầm lần nữa mình lại hôn ".
Chàng trai thứ hai nghĩ "dám hôn tao nữa tao sẽ tát tiếp cho gãy hết răng luôn ".
Chàng thứ ba nghĩ "tao mà biết thằng nào vừa tát tao thì nó tới số rồi.

Chết vì mê gái
Tại đồn công an, tên trộm ngồi viết bản tường trình sự việc đã xảy ra.
Báo cáo các anh công an, em xin thành khẩn khai báo như sau:

Đêm ngày…., mây vắng, trời trong, trăng sáng, như kế hoạch vạch sẵn, em nhẹ nhàng đột nhập vào một căn hộ thuộc một chung cư sang trọng. Theo thám thính trước, chủ căn hộ là một phụ nữ trẻ, đẹp, độc thân, không nghề nghiệp nhưng lại cực lắm tiền. Cũng theo thám thính thì hôm đó em chủ này sẽ ngủ rất say sau buổi chơi đêm hoành tráng cuối tuần tại vũ trường Bốc Lửa.
Qua ánh trăng mờ ảo hắt xiên xiên, phòng khách căn hộ được bài trí thật xa hoa, sang trọng. Sau khi nín thở, lắng tai nghe động tĩnh, em liền triển khai ngay các thao tác nghiệp vụ cơ bản, song vẫn không tìm được thứ em muốn (tiền, vàng, đồ trang sức, điện thoại di động...). Em nhẹ nhàng, rón rén vén rèm phòng ngủ. Phòng ngủ có người, một người. Người này (chắc chắn là em chủ) ngủ rất say. Với một gã chuyên nghiệp như em, cẩn thận không bao giờ thừa, em rút con dao i-nox sáng loáng ra (cho chắc ăn). Tay trái cầm dao, tay phải khoắng. Chả mất nhiều thời gian để em có được thứ em mong muốn: Một bóp đầy tiền cả VND lẫn USD, một điện thoại Mobiado. Bẫm rồi! Chuồn thôi.
Bỗng, đúng lúc ấy, em chủ cựa mình giọng mơ màng: "Chàng hói khổng lồ của em về rồi à?" Như một phản xạ không điều kiện, em lập tức vung con dao sáng loáng lên. Người trên giường tiếp: "Đồ quỷ tham lam, lại không đi tắm đi à. Em hết chịu nổi rồi".
Trời đất, ông địa ơi! Giờ em mới nhìn kỹ! Chiếc váy ngủ mỏng hơn cánh ve sầu không che được một tòa thiên nhiên đang phập phồng nhăm nhe đốt cháy cả căn phòng. Người đâu mà xinh thế hả trời. Khúc nào ra khúc đấy! Chỗ cần lồi là lồi - chỗ cần lõm là lõm. Trắng - nuột - mướt. Giá mà anh cán bộ có mặt cùng em lúc ấy.
"Nhanh lên! Đừng bật đèn nha cưng"...Ôi..ôi …Tuân lệnh! Tuân lệnh! Em lao vào nhà tắm. Em cố ý đóng cửa và vô tư xả nước ào ào y như gã hói khổng lồ nào đó. Em hình như là đang trên mây.
Bỗng tim em như chùng xuống và rơi tõm xuống đáy sâu tột cùng của sợ hãi. Có tiếng khoá cửa phía ngoài phòng tắm. Một giọng nữ cao vang lên lạnh lẽo trong đêm: "A lô, 113 đó phải không"....

Và, thưa anh công an, giờ thì em đang ở đây.