Dù “Thị trường còn lắm éo le. Nhân sâm thì ít, rễ tre thì nhiều”, nhưng mình vẫn tự hào là NĐT chứng khoán Việt Nam, vẫn đầy tự tin… yêu tháng cô hồn. Và điều quan trọng nhất là khi ta đã trải qua cả năm… cô hồn chứng khoán thì tháng nào chả là tháng ngâu, mà phải kiêng cữ hả trời!
Mình kịch liệt phản đối những quan điểm cho rằng, tháng 7 mưa ngâu là tháng bết bát, khó khăn, chỉ năng kiêng cữ mà quên chuyện làm ăn. Không, đó là một luận điệu phản khoa học và buồn cười. Hẳn là có địa chỉ từ… những tay buôn vàng mã.
Với mình, tháng ngâu luôn ngọt ngào và êm ái. Tất nhiên, sự ưa thích nào cũng có căn nguyên. Mấy chục năm trước, khi còn là đứa trẻ trâu, tháng 7 mưa nhiều nên cỏ lên xanh. Trâu ăn một lúc là bụng to kềnh càng. Mấy thằng tai quái còn nghĩ ra trò ngâm trâu xuống sông cho bụng nở thêm tí nữa, thế là tha hồ cào cào, châu chấu. Và còn cái nguyên cớ quan trọng hơn là trẻ con quê nghèo vốn đói. Tháng 7 lại có ngày xá tội vong nhân cúng cô hồn. Cúng xong thế nào cũng có mục cướp cháo thí, cướp bỏng ngô. Cái sự “cướp bóc” quyết không thể hung dữ bằng dân cướp cô hồn Sài Gòn nay, nhưng cũng sôm phết. Hình như miếng gì ăn của thiên hạ cũng ngon và dễ vào thì phải (không tin cứ hỏi các chuyên gia pha loãng trên sàn chứng khoán mà xem… he he…).
Thế nên dù nhiều người thích tháng Giêng, vì đó là bắt đầu của năm mới, là dịp công sở nghỉ làm, người người thăm hỏi, tiệc tùng. Tháng 7 với mình vẫn là nhất.
Còn cái việc kiêng cữ. Dẫu chẳng phải hạng báng bổ, nhưng mình đồ rằng đó là do thói quen làm ra cả. Tháng ngâu, đúng là từ xưa người ta không làm các việc khởi công, động thổ. Nhưng hỏi tại sao thì hầu như không ai biết. Chỉ nói, thấy người ta kiêng thì kiêng. Mình trộm nghĩ, căn nguyên là do tháng này mưa gió sụt sùi, thợ xây nghỉ chơi dài, còn gia chủ cứ è cổ ra mà trả công (ngày xưa làm gì có khoán như bây giờ, chỉ có làm công nhật). Nhưng nếu thế thì cũng chỉ Bắc Kỳ mưa gió rả rích, chứ đất phương Nam nắng vẫn hanh vàng, gió vẫn lồng lộng. Can gì mà kiêng cữ!
Còn nếu bảo phải kiêng cưới hỏi vì là tháng mưa ngâu, sợ bị chia loan rẽ thúy như Ngưu Lang - Chức Nữ, thì lại xin bàn nhảm thế này: tháng 7 là tháng đoàn tụ mới đúng. Bởi tháng này, trời cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp lại nhau sau cả năm xa mặt, cách lòng. Tại sao lại nói là xấu cho cưới hỏi nhỉ? Họ được đoàn tụ cơ mà! Nếu trời có khóc thì cũng là giọt nước mắt trùng phùng. Các cụ chả bảo, “khóc như cô gái được đi lấy chồng” cơ mà.
Là dân chứng khoán, năm nay, tháng cô hồn này, mình lại càng thấy an lành. Nhưng là vì những lẽ khác, cũng hơi khỉ khỉ. Này nhé, tháng ngâu, nhiều người kiêng cữ cưới vợ gả chồng, xây nhà xây cửa, mật độ đi ăn cơm bụi giá cao thưa hẳn. Nói ra thì bảo nhỏ nhặt, chứ giữa lúc chứng khoán đi xuống bền vững thế này, bớt đi khoản nào mát mặt khoản ấy.
Tháng 7, mình bỗng trở thành người chồng, người cha tử tế. Bớt hẳn món nhậu nhẹt bê tha. Lý do: mưa gió thế mà rượu chè đêm hôm cũng ngại. Được cái mấy ông bạn bia cỏ cũng yếu bóng vía, không dám đi chơi đêm; có đi chơi đêm thì ngại réo gọi nhau, sợ ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi… Vậy là bỗng nhiên có nhiều ông vốn đi về như ma xó bỗng trở thành… người chồng nhân dân.
Bà xã mình năm nay bỗng dưng cũng thích cái tháng ngâu bị nhiều người ghét. Cái mặt nặng chình chịch từ ngày thịt lợn lên hơn trăm ngàn một cân, mấy hôm nay tươi hẳn. Hóa ra tháng cô hồn, bà con ngại tổ chức sự kiện rình rang. Vật giá vì thế cũng có phần dễ thở. Đến mấy bác bán điện vốn oai như cóc mà tháng này còn phải kêu ế vì người ta đình lại sản xuất - kinh doanh. Nói gì đến mấy ông hàng thịt, mấy bà hàng cá. Nhìn mấy phản thịt ế sưng, vợ mình sướng, chả bù cho cái lúc vừa bán vừa chửi như hát hay!
Lan man sang chuyện chứng khoán. Tháng ngâu, NĐT ta ít mua, ít bán. Cổ phần, cổ phiếu có xuống, có lên thì cũng chỉ nhúc nhích tí tỉnh. Chính vì vậy, nói nhỏ với các bác DN có ý định lên sàn. Muốn lên thì giờ này gõ chiêng là hợp nhất trong năm. Ít nhất thì cổ phiếu có xuống cũng không đến mức thê thảm như một bác lên sàn 17 phiên thì 16 phiên… đo sàn mấy tháng trước. Mà mưa gió thế này, nếu ngại lên sàn lên xới ngắm bảng điện thì cũng có cái cớ thời tiết. Bác nào là dân đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì hẳn là phải cảm ơn cái điệu mưa này lắm. Suốt ngày ru rú ở nhà. Vợ có thắc mắc thì chỉ cần hất hàm đánh mắt ra đường. Khỏi cần giải trình, giải thích. Tốn calories!
Tháng 7 mình cũng đỡ thấy tội cho nhà quản lý. Dân đầu tư nghĩ rằng, tháng cô hồn nên thị trường có xuống cũng chẳng mấy kêu ca. Chính sách, quy chế ra muộn muộn tí thì người ta cũng tặc lưỡi, tháng ngâu ấy mà! Vội gì mà ký mới cọt! Các anh, các chị ở CTCK cũng thấy nhẹ nhàng phần nào, tháng ngâu có lỗ thêm tí nữa cũng là tại… thiên tai, thời tiết. Hoặc bét ra thì cũng có thể tặc lưỡi… thôi, cúng cho cô hồn!
Mà dẫu lỗ lã gì thì các NĐT chứng khoán cũng nên tự hào vì tháng 7 này có thể ta đang trực tiếp tham gia phá nhiều kỷ lục: kỷ lục về thanh khoản thấp nhất, kỷ lục thị trường khiến NĐT nước ngoài sợ nhất, thị trường khiến NĐT trong nước thua lỗ nhiều nhất, kỷ lục in giấy lấy tiền nhiều nhất, kỷ lục về những câu nói bất hủ nhất (kiểu như, để chứng khoán lên cho vui thì việc gì phải cứu)… Rất có thể, với những kỷ lục ấy, UNESCO sẽ nghiên cứu công nhận thị trường xứ ta là di sản văn hoá phi vật thể chứ chẳng chơi.
Vì vậy, dù “Thị trường còn lắm éo le. Nhân sâm thì ít, rễ tre thì nhiều”, nhưng mình vẫn tự hào là NĐT chứng khoán Việt Nam, vẫn đầy tự tin… yêu tháng cô hồn. Và điều quan trọng nhất là khi ta đã trải qua cả năm… cô hồn chứng khoán thì tháng nào chả là tháng ngâu, mà phải kiêng cữ hả trời!
(ĐTCK)
0 comments:
Đăng nhận xét