25 tháng 8, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Xin mẹ hãy tha lỗi cho con! (Phần 2: Sự oán hận)

Kính thưa quý báo! Một đứa trẻ con mới lên 8 tuổi nhưng tôi cũng đủ nhạy cảm để hiểu điều gì đang và đã xảy ra giữa bố mẹ. Tôi sững sờ, khủng hoảng tinh thần và lúc đấy chỉ trào lên một nỗi lo lắng tột độ là bố mẹ mà bỏ nhau, tôi ở cùng với ai. Tôi không thể có mẹ mà không có bố, và cũng không thể có bố mà không có mẹ được. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu được mọi sự đổ vỡ của bố và mẹ sẽ gieo lên đầu con trẻ thơ ngây những ảnh hưởng di chứng nặng nề đến mức nào.

Tiếp theo đó là những ngày bố tôi sống trong đau đớn tột cùng. Bố tôi gầy đi, hốc hác, không ngủ được hằng đêm, và đêm nào ông cũng trở dậy đốt thuốc lá, nước mắt đàn ông chảy trong đêm lặng lẽ. Bố không muốn ly hôn, bố không muốn mất gia đình, không muốn con gái của bố khổ. Bố tìm mọi cách để níu kéo, để thuyết phục mẹ trở về nhưng tất cả gần như vô vọng. Lúc đó tôi đã căm thù mẹ, tôi đã thấy mẹ tôi là một người đàn bà độc ác, một người mẹ đáng khinh.

Cuộc ly hôn đau đớn của bố mẹ tôi kéo dài đúng 4 năm. Mỗi lần ra toà, bố tôi lại xin mẹ tôi nghĩ lại. Bố nói, mẹ có thể có cuộc sống riêng tư, chỉ xin mẹ đừng phá vỡ gia đình, con gái sẽ bị tổn thương. Chỉ cần mẹ đồng ý không ly dị, bố chấp nhận tất cả mọi thiệt thòi như hiện tại.

Mỗi lần như vậy, thẩm phán đều đứng về phía bố, cho rằng, vì bố đi bộ đội về, bị ảnh hưởng chất độc da cam nên mắc phải căn bệnh lạ. Hoàn cảnh của bố đáng thương, người vợ không nên phụ bạc chồng để ra đi tìm hạnh phúc mới. Chính vì thế mà mẹ không thể ly hôn được bố, nhưng cuộc sống của bố mẹ đã nguội lạnh từ lâu, hai bố mẹ không bao giờ ngủ cùng nhau nữa.

Năm tôi 12 tuổi, bố tôi quyết định không níu kéo mẹ nữa, bố tôi buông xuôi cho số phận và đồng ý để cho mẹ tôi ra đi tìm kiếm cuộc sống mới. Sau khi ly hôn được 1 năm, căn bệnh da của bố lại tái phát. Lần này bố không đi viện chữa trị, mặc cho bệnh huỷ hoại bản thân. Không lâu sau, bố ốm và mất do căn bệnh ung thư da.
Tôi buộc phải về sống cùng mẹ và người tình của mẹ tôi gọi là cha dượng. Từ đó tôi mang một nỗi hận thù mẹ. Nỗi hận thù ấy càng ngày càng lớn, càng pha lẫn sự khinh bỉ mẹ, căm thù mẹ và tôi hứa với bố một ngày nào đó tôi sẽ trả thù mẹ. Tôi tự hứa với mình, lớn lên thêm một chút nữa tôi sẽ thanh toán món nợ thù hận với mẹ xong, rồi sẽ ra đi, sẽ thoát khỏi cuộc sống hiện tại bên cạnh mẹ.

Bốn năm sống một cuộc sống khác, một cuộc sống vỡ toác đối với bản thân một đứa trẻ vừa mất gia đình, mất người cha yêu thương và mất luôn cả người mẹ dịu hiền. Mẹ giờ đây đã thuộc về người đàn ông khác. Mẹ sinh thêm em bé nữa và tôi trở thành một đứa trẻ lạc loài đau khổ và oán hận tất cả thế giới này.
Và thêm một chuyện nữa mà tôi không sao lý giải nổi, ấy là mẹ đi khỏi cuộc hôn nhân của bố, lập gia đình mới được 1 năm, sau khi bố ốm, mẹ thường xuyên trốn nhà về thăm bố và khóc. Lần nào cũng vậy, mẹ tất tả về nhà, vội vội vàng vàng bắc nồi cháo, giặt cho bố con tôi mớ quần áo. Mẹ vừa làm vừa khóc, nước mắt tràn đẫm gương mặt xinh đẹp. Tôi không hiểu sao mẹ lại khóc.

                                                                                      Tôi không chấp nhận thực tại và oán hận người đã sinh ra mình
Bây giờ mẹ đã bỏ được người chồng có ngoại hình gớm ghiếc bởi căn bệnh lạ, để cưới được người đàn ông trẻ trung, đẹp trai, là trai tân, mẹ sống sung sướng thế cớ sao mẹ phải lén lút quay trở về thăm bố và lần nào cũng sợ hãi, lần nào cũng khóc. Tôi chỉ muốn hét lên, đuổi mẹ ngay khỏi nhà của bố và tôi. Tôi muốn nhổ thẳng vào mặt mẹ rằng, bà đừng đến đây, đừng giả vờ nước mắt cá sấu, đừng có làm bộ làm tịch, đừng có động vào bất cứ món đồ nào của bố con tôi.

Tôi ghét bà, tôi căm thù bà, tôi khinh bỉ bà. Điều mà tôi không thể hiểu nổi, không thể chấp nhận nổi là tại sao mỗi lần mẹ về, bố không nói gì cả. Bố không quở trách mẹ, không đuổi mẹ đi ngay ra khỏi nhà. Bố vẫn ăn bát cháo mẹ nấu, vẫn mặc thứ quần áo mẹ đã giặt vội vàng, vẫn lặng lẽ để cho mẹ được ngồi trong căn nhà của bố con tôi dẫu chỉ để khóc.

Lúc đấy tôi thấy bố hèn quá, bố không có bản lĩnh, không đủ sức mạnh để đuổi người đàn bà lăng loàn mà tôi buộc phải gọi bằng mẹ ra khỏi nhà. Tôi đã căm giận thêm cả bố nữa biết bao. Tôi đã chạy ra khỏi nhà, dứt khoát không ăn bữa cơm mẹ nấu, không giáp mặt mẹ. Mỗi lần như vậy, tôi lại trốn đi một góc đâu đó nơi bụi cây để khóc cho hả dạ.

Tôi đã nhiều lần đau đớn tự hỏi mà không tự trả lời được vì sao mẹ lại có thể bỏ bố, một người tốt, tử tế, yêu thương mẹ vô cùng, trân trọng mẹ hơn chính cả cuộc sống của bố để đến với một người đàn ông khác. Tôi nung nấu ý định lớn lên chút nữa tôi sẽ bỏ nhà ra đi thật xa, để cho mẹ không còn có tôi như mẹ đã hắt hủi bố. Để cho mẹ phải ân hận vì mẹ đã xoá sạch dấu vết của một phần cuộc đời mẹ. Mà có gì đau đớn hơn khi phải cố quên đi một đoạn đời hạnh phúc của mình. Tôi đã nung nấu ý định trả thù mẹ, trả thù cuộc đời khốn khổ của tôi.
Trịnh Thị Thương. Thư gửi về từ Tân Cương, Trung Quốc
(còn nữa)
Lời BBT ANTG:
Bạn đọc thân mến! Chúng tôi nhận được bức thư khá dài của chị Trịnh Thị Thương, chị nói là hiện tại chị đang ở Tân Cương, Trung Quốc. Bức thư viết tay nguệch ngoạc đẫm nước mắt của chị được đóng dấu bưu điện của nước ngoài, cho thấy bức thư được gửi từ phương xa về. Ngoài việc tâm sự với chúng tôi nỗi khổ đau của chị, cuộc đời éo le của chị, chị còn kể rất nhiều cuộc sống hiện tại, sự vất vả tha phương mưu sinh cũng như thực tế nghiệt ngã mà chị đã và đang trải qua nơi đất khách quê người.

Mỗi chúng ta khi sinh ra đã có một số phận. Không ai nói trước được mình sẽ bình an hạnh phúc. Nếu chúng ta cứ lấy oán báo oán thì không biết hệ lụy và đau khổ sẽ gieo rắc đến đâu trên đường đời chúng ta đi. Câu chuyện của chị Trịnh Thị Thương là một ví dụ điển hình cho việc chúng ta cứ đi tìm oán để trả oán. Nhà Phật đã dạy phải lấy ân báo oán, có như thế oán hận mới rửa sạch, con người ta mới sống thanh thản vui vầy và tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống này.

Số phận của chị Trịnh Thị Thương ra sao kể từ ngày bước chân ra khỏi căn nhà của mình. Mẹ chị Thương sẽ sống nốt quãng đời còn lại như thế nào, mọi dâu bể trên đầu hai người đàn bà có mối liên hệ máu mủ ruột rà ấy éo le ra sao, xin mời bạn đọc theo dõi nốt ở phần tiếp theo.

0 comments: