“Hôm nay con đi mua cháo, con sang tít cái quán bên kia đường. Mua 5000 mà bằng 7000 ở quán gần viện đấy mẹ ạ. Đi xa tí nhưng tiết kiệm được hẳn 2000 mẹ nhỉ?”. Nghe con hồn nhiên kể chuyện, nước mắt chị lại lã chã rơi...
Ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Hà Nội) này, dường như ai cũng quá quen cậu bé Cường, 11 tuổi bị ung thư máu nhưng cứ đến bữa cơm là tự xách cặp lồng đi mua cháo ăn. Cả ngày, cậu bé chỉ ngong ngóng chờ đến tối để được đấm lưng cho mẹ. Cậu bé biết, để có tiền chữa bệnh cho bố và cho mình, hàng ngày mẹ cậu phải nhặt chắt chiu từng đồng lẻ từ xe nem chạo của gia đình.
Dưới vạt nắng hè vắt qua khung cửa sổ, cậu bé say sưa với cuốn truyện tranh. Một tay giữ cuốn truyện. Tay kia lủng lẳng dây dợ truyền máu. Cái đầu lí lắc, cái mắt nheo nheo. Nụ cười trong vắt của cậu giữa cái nắng cuối hạ oi ả bên người mẹ gầy gò, lam lũ như một bức tranh đối nghịch ở chốn bệnh viện lúc nào cũng đông đúc người là người.
Người mẹ chấm nước mắt kể: “ Chưa học hết kỳ đầu tiên của lớp 1 thì các bác sĩ phát hiện cháu bị ung thư máu. Gần 4 năm rồi, nằm viện nhiều hơn ở nhà. Nó có biết chữ đâu, nhưng thích được đi học lắm”. Nhìn người đàn bà này, không ai nghĩ chị mới qua cái tuổi băm, chị gầy tới mức người ta nghĩ chị đang bơi trong bộ đồ cũ kỹ kia. Sự héo úa nằm trong ánh mắt, trong giọng nói và nén lại trong những tiếng thở dài….
Lấy chồng rồi lần lượt 2 đứa con, 1 trai một gái ra đời khỏe mạnh và xinh xắn. Với chị Đặng Thị Thơm bấy nhiêu đã là hạnh phúc dù anh chạy xe ôm, chị đi bán hàng rong. Dù cả gia đình chị sống chen chúc, bữa cơm bữa cháo trong căn nhà hơn chục mét vuông ở ngõ chợ Khâm Thiên.
Năm 2007, tất cả chao đảo rồi vỡ vụn khi các bác sĩ phát hiện ra cháu Nguyễn Văn Cường – đứa con lớn của chị bị ung thư. 1 năm sau, anh Nguyễn Văn Thăng – chồng chị có những biểu hiện bất thường về tâm lý. Anh thường xuyên đánh đập vợ con và nói năng không tự chủ. Ban ngày, anh rong xe đi lang thang, tối về nhà, cứ nhìn thấy vật dụng gì là anh đập phá.
Cháu Cường kết thúc đợt điều trị, mặc cho con còn yếu, đầu phừng phừng sốt, anh cầm đũa cả đánh tới tấp cả 3 mẹ con và đuổi ra khỏi nhà. Đêm đông lạnh lẽo,một tay ôm đứa con lớn, một tay siết chặt đứa con nhỏ, cả 3 mẹ con ngồi run cầm cập ngoài sân . Lòng chị tê tái…
Với những biểu hiện ngày càng nặng, gia đình quyết định đưa anh Thăng tới bệnh viện Trâu Quỳ chữa trị. Con đường đi vốn đã khó nay lại càng khó hơn. Trước chồng khỏe, còn chạy xe ôm kiếm dăm ba chục 1 ngày đỡ đần. Nay gánh hàng rong của chị không những để nuôi con mà còn nuôi cả chồng.
Với chiếc xe đạp cũ, khi mặt trời còn chưa ló dạng chị tất tả đi lấy hàng. Ngày nắng, ngày mưa, mồ hôi, nước mắt… bấy nhiêu có là gì khi thằng anh còn đang héo hon truyền hóa chất, con em đang vàng mắt vì đói. Ban ngày đi chợ, chỉ có buổi tối chị mới dắt đứa con gái vào viện được. Sức người đàn bà nghề nghiệp không ổn định chẳng thể kham nổi gánh nặng gia đình, nhất là khi vật giá leo thang từng ngày. Cắn chặt môi, chị phải gửi đứa con thứ hai là cháu Nguyễn Thị Dung vào làng trẻ SOS để con chị được ăn 3 bữa 1 ngày, được ngủ trong nhà chứ không phải ngủ trên ghế đá bệnh viện và quan trọng là nó được đi học.
Cháu Nguyễn Văn Cường bị ung thư ở thể N2 nên không có thuốc đặc trị chỉ truyền hóa chất định kỳ. Cũng may có bảo hiểm hộ nghèo nên mỗi lần vào viện, Cường chỉ phải mất từ 7-8 triệu đồng. Dù vậy, số tiền vẫn là quá lớn đối với một gia đình mà nguồn thu nhập chính là từ gánh nem chạo trị giá chưa tới 1 triệu đồng.
Để có tiền chữa bệnh cho con, cho chồng, chị Thơm đã phải bán chiếc xe máy – phương tiện kiếm sống của chồng lúc còn khỏe – rồi vay mượn tứ phương. Có những lúc đường cùng, chưa vay được, chị đánh liều lấy tiền của bạn hàng gửi lấy hàng giúp để nộp viện phí để rồi bị người ta nhiếc mắng không tiếc lời….
11 tuổi, 5 năm chiến đấu kiên cường với những tế bào ung thư, cậu bé Cường học được cách tự chăm sóc bản thân và lạc quan với bệnh tật. Chính cậu bé 11 tuổi này chứ không phải ai khác nói với chị Thơm rằng:
“Các bác sĩ sẽ chữa cho con khỏi bệnh, rồi con sẽ đi học, đi làm kiếm tiền trả nợ và nuôi bố mẹ”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Chị Đặng Thị Thơm, số nhà 15, ngõ 178, ngách 80/36, Ngõ Chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội.
ĐT: 01687.014.769
hoặc Ban biên tập CLB NĐT IRS
1 comments:
Không thích chỉ thương
Đăng nhận xét