19 tháng 8, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Thiên tình sử cuộc đời (Phần cuối- Kết thúc có hậu)

Khó khăn lắm, tôi mới lấy lại được thăng bằng sau cuộc hôn nhân đổ vỡ. Ngoài vùi mình trong công việc, trong đời sống tình cảm, một phần tôi cố gắng chôn chặt những năm tháng hạnh phúc ít hơn đau khổ của tôi với L, một phần tôi sống bằng những hoài niệm cũ về mối tình trong trắng với Tấm.

Để giúp giải tỏa nỗi đau sau khi ly hôn, tôi đã có những lần làm người lữ hành cô độc đi đến những nẻo vùng xa xôi của Tổ quốc. Tôi muốn tìm lại được sự cân bằng trong chính tâm hồn mình. Vả lại gặm nhấm nỗi cô đơn tận cùng cũng là một cách để tôi thấu hiểu hơn về những được mất, hợp tan trong cuộc đời này. Lý giải và chịu đựng được mọi mất mát đau khổ, bản thân tôi nhẹ lòng hơn, thanh thản hơn để sống tiếp quãng đời còn lại thật ý nghĩa.
Hai năm sau ngày ly hôn, có một lần, tôi tình cờ gặp lại L đang ôm một đứa con nhỏ dạo chơi trong công viên gần nhà. Đứa con giống mẹ như hai giọt nước, kháu khỉnh như một thiên thần nhỏ. Thấy người lạ, nó nhoẻn cười toe toét, đâu biết trước nó là những con người với tấn bi kịch của quá khứ.

Tôi giơ tay đón đứa bé vào lòng trong một nỗi lóng ngóng khó tả. Mới ngày nào, mùi hương quen thuộc của L với những đứa con tôi, sao giờ đây, trong hoàn cảnh trớ trêu này, tôi thoáng nỗi ngậm ngùi chua xót. Chúng tôi ngồi lại bên nhau. Lúc này L đã lấy lại được thăng bằng, cô đã mở lòng với những tâm sự sâu kín. Hoá ra, lúc tôi ở nước ngoài về, L đã mang thai với người đàn ông ấy. L đã quá yêu, cô hy vọng đứa con sẽ là sợi dây ruột thịt thiêng liêng ràng buộc tình yêu giữa hai người. Nhưng người yêu của L không muốn sự có mặt của đứa con. Cuộc sống phóng túng của một người đàn ông quá nhiều hoài bão và khát vọng thật khó mà nắm giữ. Họ không thể nào đi đến một sự thống nhất. L kiên quyết giữ lại đứa con. Đứa con ra đời, tình yêu lãng mạn tan vỡ không tìm thấy bến bờ hạnh phúc. Cuộc sống của L chơi vơi giữa hai bến bờ. Thực lòng, tôi rất muốn giúp đỡ L, nhưng L vốn rất tự trọng, cô ấy không bao giờ nhận sự giúp đỡ của tôi.

Tôi viết thư cho con gái ở Thụy Điển đề nghị con động viên mẹ, bù đắp tinh thần cho mẹ và giúp đỡ thêm về mặt vật chất cho mẹ và em. Một tháng sau, tôi nhận được thư của con gái: "Cha thân yêu. Con đã nhận được thư cha. Con thực sự xúc động và cảm ơn về tấm lòng nhân hậu và bao dung của cha đã dành cho mẹ và em bé bỏng. Người phụ nữ dù cứng cỏi đến đâu cũng không tránh khỏi những giây phút yếu đuối mềm lòng trước cám dỗ nhiều chiều của cuộc đời…

Gia đình ta tan vỡ đã làm cho con sốc nặng và quá ư đau khổ. Nhưng cha biết đấy, giờ đây con đã lớn, đã từng trải, con hiểu và tha thứ cho tất cả lỗi lầm của mẹ. Cuộc đời của mẹ cũng là bài học cho con trên bước đường đời. Con đã có sự giúp đỡ mẹ cả tinh thần lẫn vật chất một năm nay. Mẹ con là người tự trọng và kiêu hãnh, lúc đầu mẹ từ chối nhưng sau đó con đã thuyết phục được mẹ. Giờ đây con chỉ xót lòng mỗi khi nghĩ đến hoàn cảnh một thân một mình cơm niêu nước lọ của cha. Những lúc vết thương tái phát, trái gió trở trời, nghĩ đến cha một mình đơn độc con lại khóc. Cầu mong cho cha sớm tìm được người bạn hiền để có thể chia sẻ với cha trong quãng đời còn lại.

Con báo cho cha một tin vui ấm lòng. Con đã liên lạc được với chị C.P ở Vientiane, hai chị em thương quý và hiểu nhau lắm. Chị nói đã nhận được thư cha và biết tin cha mẹ tan vỡ. Chị rất thương cha và cũng đã có thư chia sẻ an ủi cha. Cả hai chị em con tin rằng, cha là người mạnh mẽ, cha sẽ vượt qua những cơn bão lòng để làm lại cuộc sống mới. Chồng và con trai con đều khỏe và gửi lời hỏi thăm cha. Con gái yêu của cha. Lan".

Tôi đọc thư con gái trong nước mắt vui mừng vì thấy thực sự con đã trưởng thành. Lúc này tôi nhớ đến C.P, giọt máu rơi của tôi đang còn ở đất Lào với một tâm trạng cồn cào, da diết. Tôi mời anh Chăm Pô và xin phép anh cho con gái C.P sang Việt Nam thăm Hà Nội và Huế, quê cha đất tổ. Cuộc trùng phùng của mấy cha con thật cảm động, không làm sao nói hết được tâm trạng từng người…

Về công việc, trong hoàn cảnh lúc đó, vì có con gái kết hôn với người nước ngoài, tôi chủ động xin thôi mọi chức vụ về làm chuyên viên trong nhóm nghiên cứu và điều hành luật đầu tư nước ngoài. Vốn đã quen với cuộc đời trầm bổng, lúc lên voi, lúc xuống đất nên tôi thấy thanh thản vô cùng, dành nhiều thời gian cho công việc nghiên cứu mà mình yêu thích.

Tháng 8/1990, tôi rời sân bay Tân Sơn Nhất đi Paris dự một cuộc họp thương mại và đầu tư quốc tế. Khi kết thúc hội nghị, một chị Việt kiều đến gặp tôi, tự giới thiệu là Hồng, bạn của Tấm năm xưa. Hồng nói Tấm mới từ Thụy Sỹ sang Paris trông nhà cho con một năm nay. Hồng dúi cho tôi mẩu giấy ghi số điện thoại và số nhà của Tấm rồi vội vã theo chồng đi mất.

Đến lúc này, tôi vẫn chưa nhớ ra Hồng chính là người bạn năm xưa đã cho tôi biết thông tin Tấm bị ốm sau khi tôi gửi Tấm bài thơ tỏ tình nhưng mấy ngày tôi không gặp mặt Tấm, không thấy Tấm đi học. Hồi đó, Hồng là cứu cánh của tôi trong những giây phút lòng tôi cồn cào lửa đốt với nỗi nhớ thương lo lắng.

Ông trời thật trớ trêu. Bao nhiêu năm nay kết hợp với những chuyến công tác khắp năm châu bốn biển, hễ đến nơi nào có ai tên là Uất Kim Hương, tôi đều tìm đến với hy vọng mong manh biết đâu đó chính là Tấm. Tôi đã gặp bao nhiêu khuôn mặt, bao nhiêu số phận cảnh đời có tên Uất Kim Hương mà tuyệt đối không có Tấm. Sự tìm kiếm của tôi trải dài cùng năm tháng, đã đến lúc tưởng là vô vọng nhất thì hy vọng lại đột ngột đến trong tay. Tôi cầm mẩu giấy Hồng dúi cho bước về nhà mà hụt chân mấy lần ngã bươu đầu u cả trán mà chẳng thấy đau. Tâm trạng lâng lâng như người say rượu. Tôi có nên gặp Tấm không, cô ấy đã có gia đình rồi, liệu gặp lại có gây xáo động lớn trong cuộc sống của Tấm không.

Đang rối bời tâm trạng thì bỗng chuông điện thoại réo. Tôi bắt máy và nghe giọng Tấm từ đầu dây bên kia mà lòng òa ra nức nở. Vừa trả lời câu hỏi của Tấm, Tấm đã hét lên trong điện thoại rồi cứ thế sụt sùi nức nở khóc. Cô nói vừa biết tin tôi từ Hồng là gọi cho tôi ngay.
Chúng tôi ào đến bên nhau mà không thể chờ đợi thêm giây phút nào nữa. Xe vừa đưa tôi đến nhà Tấm thì đã thấy Tấm đợi tôi ngoài cổng. Vào đến phòng khách, chúng tôi ôm chầm lấy nhau sau 40 năm xa cách, và cứ thế Tấm nức nở khóc, nước mắt giàn giụa như trẻ thơ.
Tôi nói với Tấm còn 15 tiếng nữa là tôi bay về nước, Tấm vội vã nói như nghẹn, hôm nay chúng mình hãy dành tất cả thời gian ít ỏi này để kể cho nhau nghe đoạn đời thăng trầm 40 năm qua.


Tấm kể từ lúc tôi đi kháng chiến, Tấm đã tự coi mình là con dâu trong nhà tôi, Tấm qua lại chăm sóc cha tôi như con dâu hiếu thảo. Năm 1953, không hiểu từ đâu, cha tôi đã gọi Tấm tới nhà và báo cho Tấm tin rằng tôi đã hy sinh. Tấm đau khổ tột cùng, suy sụp tinh thần. Trong lễ cầu siêu cho tôi, Tấm xin phép để tang cho tôi như là một người chồng.

Sau sự kiện đó cả cha tôi và cha Tấm đều trọng bệnh liên tiếp. Mặc dù được bác sỹ Hoàng tận tình cứu chữa nhưng cả hai đều không qua khỏi. Tấm đau khổ quá, bỏ nghề dạy học lên chùa Từ An nương nhờ cửa Phật cho yên phận cuộc đời. Nhưng số kiếp Tấm còn nặng nợ trần gian. Chính những lúc khổ đau nhất, bác sỹ Hoàng đã ở bên cạnh Tấm để cứu giúp. Anh Hoàng đỗ bác sỹ về Huế hành nghề. Số phận đã đưa đẩy hai người đến với nhau trong sự xô dạt của cuộc đời. Hoàng và Tấm lấy nhau và dắt díu nhau vào Sài Gòn, sau đó sang định cư ở Thụy Sĩ. Hai người có với nhau một con trai duy nhất tên là Mẫn. Cháu nối nghiệp bố học y khoa và đang hành nghề bác sỹ ở Alger. Hoàng là một bác sỹ tài năng, cứu được thiên hạ mà không cứu nổi bản thân mình. Hoàng mất đã 10 năm nay do một căn bệnh hiểm nghèo.

Thời gian chạy nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Mười lăm tiếng bên nhau chúng tôi đã trò chuyện với nhau, chia sẻ với nhau và dắt nhau đi một số địa danh nổi tiếng ở Paris. Ở nơi phương trời xa, tôi và Tấm đã dành cho nhau tất cả những tình cảm dồn nén của 40 năm dâu bể cộng lại. Sáng sớm hôm sau, tôi lên máy bay trở về nước. Tôi đã viết cho Tấm bài thơ chung thủy để gửi Tấm: 

"Bao nhiêu năm em đã xa anh/ Ở phương nào giữa trời cát bụi/ Để anh ôm mối tình trần trụi/ Suốt một đời ngày đợi đêm mong/ Mảnh vườn xưa em ươm còn đó/ Đợi em về tắm nắng thu phai/ Đùa với gió ru tình em hát/ Gội hương đêm thơm ngát mái đầu/ Căn phòng nhỏ cuối đông lạnh giá/ Đôi hồng đào hé nụ tầm xuân/ Dù có là tuyết hay băng/ Vẫn ấm lòng lửa tình cháy bỏng/ Bao nhiêu năm muôn đường xa vạn nẻo/ Bạc mái đầu vẫn nghĩ đến em/ Tình yêu xưa ấm nồng se lạnh/ Núi có dời cũng khó chuyển lay".

Hai năm sau, tôi nhận được quyết định nghỉ hưu. Theo đề nghị của lãnh đạo Bộ, tôi được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng ba, ghi nhận sự đóng góp của tôi trong suốt cả cuộc đời với cách mạng. Đây là sự việc nằm ngoài mong mỏi của tôi, vì thế tôi rất hạnh phúc. Tấm bay về Huế và tìm tôi để cùng trở về mảnh đất quê cha đất tổ. Tình yêu của Tấm và tôi như đại dương không thể tách rời mà còn nối lại. Chúng tôi không thể sống xa nhau thêm nữa, không thể sống với Huế bằng hoài niệm, nơi mà chúng tôi gửi gắm cả tuổi thanh xuân và mối tình trong sáng đầu đời. Chúng tôi mua lại khu vườn của cha mẹ Tấm và xây lại căn nhà cũ. Chúng tôi cố gắng phục hồi lại một căn nhà như xưa với những bụi Uất Kim Hương thơm ngát.

Bằng mọi nỗ lực, cả tôi và Tấm đã kết nối lại được tất cả các con trở về bên nhau chứng kiến cho mối tình của cha mẹ chúng. Cuối cùng, đại gia đình cũng đã tổ chức được một bữa tiệc đông đủ tại Huế trong ngày sinh nhật Tấm. Con trai Mẫn dắt theo vợ Pháp, con gái tôi dắt theo người chồng Thụy Điển, C.P dắt theo ông chồng Lào. Các con và cháu đủ sắc tộc, màu da ngồi quây quần bên ông bà chúc phúc cho chúng tôi trong niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Ngày qua ngày, thỉnh thoảng, người ta thấy có hai vợ chồng già dắt nhau lên chùa Thiên Mụ, ngôi chùa huyền thoại phủ bụi thời gian, gắng kết đời sống tâm linh với dòng Hương Giang thơ mộng và mấy trăm năm xa xưa của một thời chúa Nguyễn đi mở cõi. Lặng lẽ đứng nhìn mây trời nước non và lắng nghe tiếng chuông chùa nguyện hồn ai buông lững lờ trong ráng nắng chiều tà.
Trông họ rất hạnh phúc vì tình yêu làm gì có tuổi.

0 comments: