30 tháng 9, 2011

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Chị chồng tôi


Ngày tôi lấy chồng, chị đã bước sang tuổi 31. Chị ăn mặc rách rưới và bẩn thỉu. Chị nói ngọng không thành tiếng. Chị phá phách mọi thứ người ta làm cho chị.

Bố mẹ chồng tôi luôn tránh cho chị gặp người lạ. Bố mẹ cũng ái ngại nhìn tôi mà rằng:

- Bố mẹ chỉ đẻ được 2 đứa con. Dù nó điện dại thì con cũng gắng giùm bố mẹ.

Nói đến đây mẹ nức nở thành tiếng.

Tôi chỉ  biết chấp nhận chứ sao dám cãi lời. Nhưng thực lòng tôi cứ thấy sờ sợ cái người đàn bà ấy.

Vậy mà ngày tôi cưới, chỉ lẻn ra ngoài đi hái những bông hoa dại rồi ngang nhiên lên trao cho tôi trước mặt bao nhiêu khách sang trọng của tôi và chồng. Tôi đã rơm rớm nước mắt mà ôm chị vào lòng.

Đêm hôm ấy, tôi cùng chồng xuống phòng chị chơi. Căn phòng ấy nhỏ và bẩn quá. Tôi thấy lạ là trên tường dán rất nhiều ảnh của chị và chồng tôi ngày nhỏ, ảnh gia đình.

Ngày nhỏ, chị thật xinh. Gương mặt trái xoan với nước da trắng ngần, đôi mắt đen láy và hàng mi cong vút. Tôi cứ băn khoăn về câu chuyện cuộc đời chị nhưng không dám hỏi vì sợ, sợ những giọt nước mắt của mẹ chồng.

Sau đám cưới được 1 tuần vợ chồng tôi lên thành phố. Cuộc sống với những bộn bề lo toan khiến tôi quên mình có một người chị chồng như thế để hỏi han, chăm sóc.

Rồi một ngày bố mẹ chồng tôi đem chị lên thành phố chữa bệnh. Căn nhà hạnh phúc của vợ chồng tôi có thêm một người đàn bà điên. Chị phá phách mọi đồ vật trong nhà.

Mỗi buổi chiều sau giờ làm việc mệt mỏi, tôi sợ không dám trở về căn nhà của chính mình. Tôi sợ cái cảm giác gần gũi chị, ghét cái cười ngờ nghệch của chị, cho dù nụ cười ấy chứng tỏ chị rất yêu quý tôi.

Có lần, tôi không hiểu sao nhưng chị tìm được cuốn nhật kí của mẹ tôi ngày trước để lại. Chị xé hết, xé cho vụn ra từng mảnh. Tôi không còn kìm nén được nên buông lời nói sỗ. Chị khóc lóc, cứ nắm tay tôi xin tha thứ nhưng tôi không chịu buông. Làm sao có thể tha thứ cho người ngang nhiên phá phách kỉ vật duy nhất mà người mẹ thân yêu của tôi để lại.

Đêm hôm đó, chị bỏ đi lang thang khiến vợ chồng tôi một phen hú hồn đi tìm. Dù không dám trách nhưng tôi biết chồng tôi đang đau lòng lắm.

Chúng tôi lo lắng thức trắng cả đêm. Và chồng tôi bắt đầu kể về chị...

Chị từng là một đứa trẻ thông minh, đáng yêu hơn bất cứ đứa trẻ nào ở làng anh ngày ấy. Chị luôn biết cách làm cho bố mẹ hài lòng, chị thương yêu anh hết mực. Chị  luôn đứng ra bênh vực anh mỗi khi anh mải chơi bị bố mẹ mắng. Năm anh 13 tuổi, chị 18. Chị dự định sẽ học xong đại học rồi nuôi anh học. Bao giờ anh ổn định chị mới lấy chồng.

Vậy mà trong ngày sinh nhật thứ 18, anh giận bố mẹ bỏ nhà đi theo bọn trai làng. Chị lao đi tìm trong đêm tối để rồi sáng hôm sau người ta thấy thân thể chị lõa lồ trên đường đê. Sau ngày ấy, chị trở nên điên dại.

Hơn 12 năm trôi qua, nỗi đau ấy cứ âm ỉ trong tâm can chồng tôi. Tôi thương chị chồng mình biết mấy...

Sáng hôm sau, vừa mở cửa tôi đã thấy chị nằm co trước cổng nhà, tay ôm một bó hoa dại không hiểu hái ở đâu. Tôi lay chị dậy mà nước mắt chan chứa: “Chị đi đâu để vợ chồng em tìm cả đêm. Chị vào nhà đi, bên ngoài lạnh lắm…”.

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Bài hát hay "Điều giản dị"

Cảm ơn nhạc sỹ Phú Quang, cảm ơn một quãng đời đã qua có em, có tôi và có một điều giản dị...

29 tháng 9, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Hạnh phúc vẫn tồn tại giữa khổ đau !?


...Tôi tự nghĩ, bên cạnh những mất mát buồn đau, hạnh phúc là thứ luôn có thật và hiện hữu. Hạnh phúc là thứ mà ông trời ban cho từng phận người. Hạnh phúc vẫn ở quanh ta đây thôi, ngay cả khi ta buồn đau mất mát, ngay cả khi ta tưởng chừng ngã khụy trong những bi kịch của đời mình...

Kính thưa các anh các chị ở quý báo!

Cách đây khá lâu, một lần tình cờ đọc trên quý báo, tôi đã đọc được một câu chuyện cuộc đời của một người phụ nữ ở miền biển Hải Phòng, chị quá xấu xí đến nỗi quá ba mươi tuổi rồi vẫn chưa từng có người yêu, không có ai dạm hỏi làm vợ… Chính một lần vào mổ u ở bệnh viện, trước nguy cơ không thể sinh con sau khi mổ, chị đã tuyệt vọng muốn tìm đến cái chết. Có một chàng trai làm nghề biển đi nuôi mẹ ốm ở bệnh viện đã thương cảm cuộc đời chị mà yêu thương chị tha thiết rồi cưới chị về làm vợ. Mặc dù chị không những xấu mà còn lớn hơn anh đến gần chục tuổi, thế nhưng anh đã rất yêu chị và ông trời thương tình khi ban cho họ hai đứa con kháu khỉnh trong khi cơ hội sinh nở của chị cực kỳ khó khăn và hy hữu.

Tôi tự nghĩ, bên cạnh những mất mát buồn đau, hạnh phúc là thứ luôn có thật và hiện hữu. Hạnh phúc là thứ mà ông trời ban cho từng phận người. Hạnh phúc vẫn ở quanh ta đây thôi, ngay cả khi ta buồn đau mất mát, ngay cả khi ta tưởng chừng ngã khụy trong những bi kịch của đời mình. Tôi đã ngẫm nghĩ rất lâu khi viết tiếp câu chuyện hạnh phúc ấy bằng chính cuộc đời tôi, để những ai đang bất hạnh ở trên đời, xin mọi người hãy tin và chờ đợi. Hạnh phúc là cái có thật và luôn hiện hữu.

Tôi sinh ra bình thường như bao đứa trẻ an lành khác. Tôi là một cô bé hoàn thiện, xinh đẹp và thông minh. Nhưng số phận đã đem đến cho tôi những tai ương dữ dội. Mười hai tuổi, bố mẹ tôi ly hôn. Mẹ tôi đã đi ra nước ngoài theo tiếng gọi của tình yêu mới. Mười hai tuổi, tôi đã trở thành một cô bé câm lặng trong nỗi đau ê chề của một người đàn ông bị bỏ rơi, bị phụ bạc là cha tôi. Tôi vô cảm, chai lỳ trong sự hành hạ về tinh thần và thể xác của một người cha yếu đuối không vượt qua được mặc cảm thân phận. Cha tôi chìm trong rượu, triền miên trong những cơn say. Cha bỏ bê công việc, suốt ngày quán xá nợ nần. Tôi một buổi đi học, một buổi đi tìm cha lúc say khướt ở một xó xỉnh nào đó, khi thì lê la tơi tả trên đường làng. Khu dân cư nơi tôi ở không ai không ném ánh mắt thương hại nhìn cha con tôi. Những ánh mắt thương hại và ghẻ lạnh. Tôi đã lớn lên trong một mặc cảm chua xót.

Năm tôi tròn 18 tuổi, một bất hạnh khủng khiếp lần nữa giáng xuống số phận. Trước ngày tôi chuẩn bị đi thi đại học thì cha tôi vì say rượu ngã xuống chiếc giếng cổ đầu làng và bị chết đuối. Tôi nhận tin dữ khi đang làm thủ tục ở trường. Tôi chạy như điên dại trở về nhà. Tôi chạy trong một trạng thái gần như vô cảm, không hiểu, không hình dung được chuyện gì đang xảy ra bởi tai ương phía trước quá lớn, quá đột ngột. Trong lúc hoảng tinh thần ấy, tai nạn khiếp đảm đã xảy ra. Tôi chạy qua đường tàu trong khi đoàn tàu đang lao tới ầm ầm. Tôi không nhìn thấy, không hề biết mặc cho người hai bên đường la lên cố ngăn cản tôi lại. Tôi chạy trong vô thức, và đôi chân của tôi đã bị đoàn tàu cán lìa.

Rất lâu sau đó tôi nằm im lìm và bất động trên giường bệnh. Ngay cả khi vết thương bị cưa hai chân đã liền sẹo, sức khỏe đã có thể hồi phục, tôi vẫn không nghĩ đến việc sẽ tiếp tục sống. Tôi suy sụp và trầm cảm nặng. Tôi gần như một người sống mà đã chết hoàn toàn về mặt ý thức trên giường bệnh, không đau khổ, không tuyệt vọng, không cảm xúc. Tôi muốn chết, muốn vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống này.

Mẹ tôi từ nước ngoài về thăm tôi. Tôi nhìn bà ấy như nhìn một người xa lạ. Sau lần duy nhất cho phép mẹ vào thăm, tôi từ chối không gặp mẹ, không liên hệ với mẹ. Mẹ tôi quay trở lại cuộc sống của bà ở nước ngoài sau khi đã cạn khô nước mắt vì sám hối trước tôi. Thứ duy nhất níu giữ tôi lại như một sợi dây mong manh neo giữ con thuyền sắp quật vào bão tố đấy là bà nội tôi. Bà đã ở bên cạnh tôi, chăm sóc cho tôi trong nỗi đau tột cùng. Vì bà mà tôi không thể dứt bỏ bà để ra đi vĩnh viễn.

Tôi không còn nhớ tôi đã sống như thế nào cho đến ngày tôi gặp một phép nhiệm mầu. Ngày đó, một người con trai đã bước vào cuộc đời tôi vô cơn cớ. Ngày mà tôi không thể lý giải nổi, tại sao ông trời sau khi đã lấy đi của tôi tất cả lại mang đến cho tôi một báu vật. Anh không phải là người sinh ra ở quê tôi. Sau này khi đã cởi mở lòng mình với anh, tôi mới biết anh chính là người có mặt trên chuyến tàu định mệnh đã nghiền nát đôi chân xinh đẹp của tôi.

Hôm đó anh lên Hà Nội chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Ngồi bên cửa sổ toa tàu, anh chứng kiến từ đầu chí cuối cảnh tôi như một chú chim tuyệt vọng lao về phía trước. Anh đã la lên hốt hoảng khi nhìn thấy tôi bay vào gầm tàu, gương mặt chết sững, miệng mấp máy gọi cha ơi. Tôi cũng không hề biết hôm ấy, anh đã xuống tàu, đã cùng với mọi người gọi xe ôm đưa tôi cấp cứu ở bệnh viện. Chính anh, một người xa lạ đã chạm vào cuộc đời bất hạnh của tôi từ những ký ức đầu tiên ấy. Và sau 1 năm tu nghiệp ở nước ngoài, lần đầu tiên về nước, anh đã về tận miền quê nơi tôi ở để tìm tôi.

Anh đã khóc khi nhìn thấy tôi sống mà như đã chết. Lần ấy đến thăm tôi, anh đã ở lại bên tôi một tuần. Anh đã vực tôi trở dậy với cuộc sống, mặc cho tôi phản kháng quyết liệt. Một tuần liền, anh kiên trì trò chuyện và thuyết phục tôi vui sống và học tập trở lại. Anh nói với tôi, em không thể trở thành người tàn phế, như thế là quá hèn. Tôi đã im lặng, đã chối từ, nhưng khi anh trở về nhà, tôi biết tôi đã sống lại một cuộc sống khác.

Lúc này tôi đã tạm quên đi cái chết trong một vài khoảnh khắc. Một vài khoảnh khắc nhỏ, tôi không chìm trong cảm giác u ám vô vị, tôi nghĩ đến anh. Anh mang cho tôi những cuốn sách dịch về những câu chuyện đời có thật trên thế giới. Những câu chuyện cảm động về những tấm gương vượt qua số phận. Tôi đã đọc những câu chuyện ấy trong những ngày u ám nhất của cuộc đời mình, đã ném nó vào góc nhà, xé bỏ nó trong nước mắt, và rồi lại tìm nhặt nó lên, ghép những trang sách rách nát lại để đọc. Tôi đã khóc rất nhiều, rất nhiều và luôn luôn muốn chết.

Sau lần gặp đó, anh trở lại nước Anh để tiếp tục học. Anh luôn viết thư động viên tôi vượt qua hoàn cảnh để sống có ích cho xã hội. Anh đã kiên trì vực tôi dậy, trao cho tôi tình yêu cuộc sống. Tôi đã gạt bỏ ý định kết thúc cuộc sống của mình. Tôi đã tự học và thi vào trường cao đẳng sư phạm nơi phố huyện. Tôi đã kiên trì học tập trong 3 năm liền và tốt nghiệp xuất sắc. Tôi được về dạy học ở trường dành cho trẻ em khuyết tật ở tỉnh nhà.

Ngày tôi về nhận công tác cũng là lúc anh lấy xong bằng thạc sỹ kinh tế ở Anh. Trở về nước, anh đã một mạch về quê tìm tôi. Anh ngỏ lời yêu tôi và xin được cưới tôi làm vợ. Anh nói số phận của anh đã thuộc về tôi kể từ ngày anh nhìn thấy tôi như con chim nhỏ tuyệt vọng lao về phía trước. Tôi đã khóc rất nhiều, và thêm một lần nữa tôi thấy mình rơi vào tuyệt vọng và đau khổ. Tôi không thể không rung động trước sự chân thành của anh. Tôi không thể không yêu anh, mơ tưởng tới anh từng giờ từng phút kể từ khi anh đến tìm tôi. Anh đẹp trai, trẻ trung và quá hoàn hảo. Anh là niềm mơ ước, nỗi khát khao của bao nhiêu người con gái khác. Anh đâu thể sinh ra để dành cho đứa con gái khiếm khuyết và bất hạnh như tôi. Tôi bàng hoàng trước lời cầu hôn của anh và tôi đã chạy trốn.

Tôi, người con gái tật nguyền, suốt ngày đi lại bằng xe lăn, chân giả, sao có thể làm vợ một người con trai hoàn hảo như anh. Tôi đã trốn chạy anh, trốn chạy mối tình lớn nhất của đời mình bằng cách gật đầu một lời cầu hôn khác. Tôi đồng ý đi đến hôn nhân với người đàn ông cũng bị cụt hai chân trong một tai nạn lao động. Anh là giáo viên dạy nghề mộc ở cùng trường.

Tôi không nói cho anh biết chuyện tôi sẽ làm đám cưới trong nay mai. Cuối tuần nào anh cũng vượt mấy chục cây số đi ôtô về quê thăm tôi. Lần ấy, anh biết chuyện tôi có ý định đi lấy chồng, lấy một người đàn ông tật nguyền khác. Không thể tưởng tượng được là anh đã làm tất cả để bảo vệ tình yêu của mình. Anh đã ôm chặt lấy tôi, đã cầu xin tôi suy nghĩ lại. Anh nói rằng tôi không yêu cái người tôi định lấy làm chồng, và anh đã đến gặp chồng sắp cưới của tôi để nói chuyện sòng phẳng về tôi. Anh không biết rằng sau những mất mát, bất hạnh và nếm trải, tôi biết tôi cần điều gì, tôi cần phải làm gì để được bình yên. Nhưng tôi đã không thể làm theo ý tôi được vì anh là người đàn ông quá tuyệt vời. Anh biết cách giành lấy người anh yêu, giành lấy hạnh phúc mà không để tuột mất.

Tôi đã mặc nhiên cho cổ tích đậu xuống cuộc đời mình, mặc nhiên hưởng những phép nhiệm mầu. Sau này, khi cưới nhau xong rồi, tôi mới biết bố mẹ anh vì phản đối cuộc hôn nhân của anh mà từ mặt anh. Đám cưới của chúng tôi, bố mẹ anh không có mặt. Nhưng điều đó không làm cản trở anh đi đến hạnh phúc với tôi. Cuộc đời tôi là cả một câu chuyện cổ tích, mà phần đẹp đẽ nhất, có hậu nhất là do anh viết nên. Sau đám cưới, anh đưa tôi ra nước ngoài sinh sống trong thời gian anh tu nghiệp lấy bằng tiến sỹ. Lấy bằng xong, anh tiếp tục làm việc ở nước ngoài. Tôi sinh cho anh hai cô con gái xinh đẹp. Chúng tôi đã có một cuộc hôn nhân hơn cả hạnh phúc.

Hai con gái tôi lớn lên ở nước ngoài. Ngày các con tôi vào đại học và đã tự lập được cuộc sống phía trước, tôi và anh quyết định trở về quê hương sinh sống. Nhưng cuộc đời luôn trớ trêu, số phận luôn trớ trêu khi một lần nữa thử thách lòng kiên nhẫn của tôi. Trên chuyến bay trở về Việt Nam, một cơn đột qụy đã mang anh đi khỏi cuộc sống này, mang anh đi khỏi cuộc đời tôi khi anh mới 43 tuổi. Tôi tưởng như mình lại chết thêm một lần nữa.

Giờ đây cuộc sống của tôi bình yên và lặng lẽ. Tôi trở lại nước ngoài để cố quên đi những kỷ niệm đau buồn, để giữ những ký ức về anh luôn xanh mãi trong ngôi nhà hạnh phúc của tôi. Dù anh không còn nữa, nhưng tôi đã rất hạnh phúc. Tôi đã hàm ơn số phận đã mang anh đến cho tôi như mang một phép nhiệm mầu. Dù tôi và anh chỉ được sống bên nhau hạnh phúc 20 năm, nhưng tôi nghĩ, 20 năm là khoảng thời gian quá dài cho một hạnh phúc vĩnh cửu. Tôi không buồn đau vì mất anh. Trái lại tôi nhớ anh nhiều hơn, sống có ý nghĩa hơn bên các con, và không lúc nào tôi không nhớ đến anh với những cảm giác hạnh phúc quá dịu ngọt. Hạnh phúc thường rất ngắn ngủi nhưng với tôi, hạnh phúc mà anh mang đến cho tôi kéo dài trong suốt cả cuộc đời.

Kính thư: Phan Thị Ân Thương

Theo ANTG

XẢ STRESS

Lời nói trước khi chết
Tóc vàng hoe bước vào cửa hàng bám chim cảnh và quyết định mua một con vẹt biết nói.
Vài ngày sau, tóc vàng hoe quay trở lại than phiền:
- Tại sao con vẹt nhà em không nói được. Anh bán cho em cái gì mà có thể giúp cho con vẹt nói được đi.
Người bán hàng nói:
- Loài vẹt phải trong tâm trạng vui vẻ chúng mới nói, hay cô em mua cái lồng mới này đi. Vẹt sẽ thích nó và nói được đấy.
Vài ngày sau, tóc vàng hoe quay trở lại, cau có:
- Con vẹt của em vẫn không nói gì được. Em nên mua thêm cái gì bây giờ?
Người bán hàng thuyết phục:
- Uhm, em mua mấy cái lúc lắc này đi. Treo chúng lên trên tường vui nhộn sẽ làm cho con vẹt nói được.
Vài ngày sau, tóc vàng hoe nức nở:
- Hu hu, con vẹt của em nói được nhưng chết rồi!
Người bán hàng sửng sốt :
- Ủa? Thế trước khi chết nó nói gì?
- Nó thều thào: "Chẳng lẽ cái cửa hàng chết tiệt đó không bán loại thức ăn nào cho vẹt sao"?

Xin nghỉ việc
Trong cơ thể ông cụ 70 tuổi, các bộ phận họp nhau lại để giải quyết chế độ hưu trí. Não làm chủ trì.
- Cho tao nghỉ thôi, đi suốt rồi mỏi lắm - Chân nói.
- Nghe cũng hợp lí, mày mà nghỉ thì đi xe lăn, cũng không sao - Não trả lời.
- Tao nữa - Tim lên tiếng.
- Mày nghỉ thì chết cả lũ à, ngu thế! - Não phản đối.
Bỗng có tiếng thều thào:
- Các bác ơi, cho em nghỉ với, em kiệt rồi.
- Đứa nào, đứa nào đấy? - Cả lũ nhao nhao
Mắt nhìn xuống bảo:
- À, tưởng thằng nào, nhưng mà mày từ năm 20 tuổi mới phải làm việc cơ mà, bọn tao làm cả đời rồi.
- Nhưng mà em phải làm việc ca 3 trong môi trường độc hại, đã thế lại nặng nhọc, hic hic.
- Là thằng nào thì ngóc đầu lên cho anh em biết mặt cái? - Não hét lên.
Bỗng giọng thều thào kia đanh lại:
- Tao mà ngóc đầu dậy được thì đã không phải xin nghỉ.

Sợ yêu
Có hai vợ chồng nhà kia vừa cưới nhau nhưng ngặt nỗi anh chồng bị bệnh nặng tai.
Đêm tân hôn, sau khi đã thỏa mãn nhu cầu, anh chồng định đánh một giấc thật đã đời để lấy lại sức. Chị vợ cũng mệt phờ quay sang bảo chồng:
- Xong hỉ? (nghĩa là "xong rồi nhỉ")
Anh chồng nặng tai nghe ra chữ "song hỉ" nghĩa là vui thêm "hai cái" nữa, cũng chiều vợ làm thêm "hai cái" nữa.
Làm xong, anh vừa định ngủ thì chị vợ lại nói:
- Ngủ hỉ?
Anh chồng lại nghe ra chữ “ngũ hỉ”, liền làm thêm 5 phát nữa.
Chị vợ lần này thực sự đã kiệt sức, hổn hển nói với chồng:
- Ngủ thật hỉ?
Lần này anh chồng lại nghe thành "ngũ thập hỉ", liền lao ra khỏi giường quỳ xuống và nói:
- Anh van em, anh lạy em! Mười hay mười lăm cái nữa thì anh cũng đã chết lăn quay rồi, bây giờ em muốn anh làm 50 cái thì anh chết mất!
(Sưu tầm)

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: CÁI BẪY CHUỘT

Một con chuột nhòm qua kẽ tường xem người nông dân và vợ anh ta đang mở gói gì đó. “Không biết cái hộp đó chứa thức ăn gì nhỉ?” con chuột tò mò. Và rồi nó hoảng hốt nhận ra đó là cái bẫy chuột.
Chạy ra sân nông trang, con chuột loan báo: “Có cái bẫy chuột trong nhà đấy nhé! Có cái bẫy chuột trong nhà đấy nhé!”

Gà thấy vậy lục cục ậm ừ, ngẩng đầu lên bảo: “Ngài chuột ơi, tôi thấy đây quả là mối nguy cho ngài đấy, nhưng nó lại chẳng hề hấn gì với tôi. Tôi chẳng bận tâm về nó đâu”.

Chuột quay sang lợn bảo: “Có cái bẫy chuột trong nhà đấy! Có cái bẫy chuột trong nhà đấy!”. Lợn tỏ ra thông cảm nhưng cũng bảo: “Tôi cũng rất tiếc, ngài chuột ạ. Nhưng tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cầu nguyện cả. Hãy cứ yên tâm là tôi sẽ luôn cầu nguyện cho ngài”.

Chuột bèn quay sang bò cái bảo, “Có cái bẫy chuột trong nhà đấy! Có cái bẫy chuột trong nhà đấy!”. Bò cái đáp: “Ồ, ngài chuột. Tôi lấy làm tiếc cho ngài lắm, nhưng điều đó chẳng liên quan gì tới tôi”.


Vậy là chuột lại quay vào trong nhà, gục đầu chán nản vô cùng khi phải một mình đối mặt với cái bẫy chuột của người nông dân.

Cho tới rất khuya đêm hôm đó, một âm thanh vang to khắp căn nhà, hệt như âm thanh khi cái bẫy sập được con mồi. Vợ người nông dân vội chạy tới xem con gì đã sập bẫy. Trong bóng tối, bà không thấy con rắn độc đã bị kẹp đuôi vào cái bẫy đó. Con rắn đớp ngay bà. Người nông dân vội vàng đưa vợ tới bệnh viện, khi trở về nhà, bà lên cơn sốt.

Ai cũng biết, người ta thường trị sốt bằng súp gà tươi, thế là người nông dân liền bắt con gà mái ghẹ để làm súp. Nhưng cơn sốt không dứt, vậy là bè bạn và hàng xóm tấp nập kéo tới thăm bà. Để mời họ ăn cơm, người nông dân đã giết thịt con lợn. Nhưng rồi vợ ông cũng không thể qua khỏi, bà chết. Có rất nhiều người đã tới viếng đám tang bà, và người nông dân lại phải tiếp tục mổ thịt con bò cái để có đủ thịt mời tất cả mọi người.

Con chuột buồn bã vô cùng khi chứng kiến tất cả những chuyện này qua kẽ tường.

Bạn thấy không, nếu lần tới, khi bạn nghe thấy ai đó nói rằng họ đang phải đối mặt với rắc rối nào đó và nghĩ rằng nó chẳng liên quan gì tới bạn, hãy nhớ tới câu chuyện này. Khi ai đó trong chúng ta bị đe dọa, tất cả chúng ta đều sẽ gặp nguy khốn. Bởi chúng ta đều liên đới với nhau trong một hành trình chung gọi là cuộc đời. Hãy để ý quan tâm tới nhau, giúp đỡ, khuyến khích nhau. Mỗi chúng ta chính là một sợi chỉ quan trọng trong tấm vải dệt của người khác.

28 tháng 9, 2011

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Phỏng vấn một cảnh sát hình sự


Phóng viên: Thưa anh, có một hiện tượng gây quan ngại cho xã hội gần đây, đó là tình trạng tội phạm gây trọng án ngày càng trẻ hoá, đúng không?

Cảnh sát: Rất đúng. Không thể phủ nhận một thực tế là nhiều hung thủ đã gây án tàn bạo lúc còn quá ít tuổi, thậm chí còn chưa vị thành niên.

Phóng viên: Phân tích vấn đề này, một nhà nghiên cứu có nói: “Đấy là hậu quả của lối giáo dục đề cao cá nhân thái quá”. Anh nghĩ sao?


Cảnh sát: Muốn trả lời câu hỏi đó, đầu tiên phải xem xét về giáo dục. Tôi không phải một nhà chuyên môn, nhưng tôi biết có hai xu hướng để rèn luyện nhân cách con người: Một là, dạy họ coi trọng những giá trị cộng đồng. Hai là, giúp họ đề cao những giá trị bản thân. Tất nhiên, hai nhân tố này không quá tách rời, mà có sự dung hoà ở một mức nào đấy. Nhưng đặc điểm chính vẫn lộ rõ nếu ta xét một cách tổng thể.

Minh họa của Lê Tâm.


Phóng viênVâng.

Cảnh sát: Ở nước ta, từ lâu, giáo dục có xu hướng đề cao tính cộng đồng. Một đứa trẻ luôn luôn được dạy dỗ phải tôn trọng, phải xem xét và thậm chí phải biết phục tùng tập thể.

Phóng viên: Điều ấy có gì sai?

Cảnh sát: Theo một số chuyên gia thì điều ấy ít nhất đã lỗi thời. Việc lúc nào cũng lấy đám đông làm thước đo dẫn tới tình trạng con người mất đi tính độc lập, tính sáng tạo độc đáo của riêng mình.

Phóng viên: Ví dụ?

Cảnh sát: Ví dụ như hầu như bất cứ một trò chơi gì, trên tivi, một thanh niên Việt Nam cũng hay phát biểu: “Tôi tới đây để giao lưu và học hỏi”. Trong khi rất nhiều đứa trẻ nước khác sẽ tuyên bố: “Tôi đến đây để chiến thắng”.

Phóng viên: Sự khác biệt nằm ở chỗ một bên tin vào xã hội, một bên tin vào bản thân?

Cảnh sát: Cũng gần như vậy. Một điều không thể phủ nhận là nhìn chung lớp trẻ của chúng ta thiếu tự tin, thiếu cá tính, thiếu khả năng lao động độc lập.

Phóng viên: Nhưng họ mạnh về ý thức cộng đồng?

Cảnh sát: Chưa chắc. Lớp trẻ của chúng ta cũng rất yếu trong việc tôn trọng luật lệ công cộng, trong việc giữ gìn nếp sống ở những nơi đông người, là những thứ đáng ra về lý thuyết họ phải mạnh hơn ai.

Phóng viên: Nghĩa là, theo anh, nói một cách thẳng thắn thì việc giáo dục con người theo lối “đám đông” đã thất bại?

Cảnh sát: Tôi không nói nó thất bại. Nhưng tôi nghĩ nó lạc hậu. Tất cả các phương tiện hiện đại trong xã hội hôm nay về thông tin đều hướng tới việc giúp cho cá nhân có nhiều cơ hội thể hiện mình chứ không ngược lại. Đó là điều chắc chắn.

Phóng viên: Trở lại những vụ án hình sự khi thủ phạm còn quá trẻ, rất dễ dàng nhận thấy chúng không tôn trọng người khác. Ý thức tập thể của chúng quá kém.

Cảnh sát: Nhà báo thân mến, nếu nhìn theo cách khác thì ý thức cá nhân của chúng cũng rất kém. Thủ phạm trẻ thường hành động mà không hề biết “tiếc” các giá trị của riêng mình.

Phóng viên: Nghĩa là những giá trị ấy đã gần như không có?

Cảnh sát: Vâng. Phần lớn thủ phạm vị thành niên theo tôi nhận xét, không được giáo dục một ý thức nào cho rõ rệt cả. Chúng phi giáo dục hoặc được giáo dục một cách hết sức cẩu thả, hay hết sức sơ sài.

Phóng viên: Có một câu cửa miệng trên báo chí thế này: “Giới trẻ đang bị ảnh hưởng của lối sống phương Tây”.

Cảnh sát: Nói như thế thật quá vội vàng. Lối sống phương Tây có rất nhiều điều tốt, và xã hội phương Tây cũng sản xuất ra rất nhiều công dân tốt. Nếu không thế thì họ đã không vượt trội trên trái đất về nền văn minh.  Tôi không bảo chúng ta phải bắt chước họ. Nhưng tôi biết chắc chúng ta cần học tập nhiều hơn phê phán cách giáo dục của họ. Mà điều này đâu cần sự quảng bá của tôi. Hãy nhìn tỷ lệ du học sinh thì biết. Số sinh viên sang các nước đó ngày một tăng, phải chăng họ đều là những kẻ ngốc?

Phóng viên: Có lẽ anh không nên để vấn đề đi quá xa.

Cảnh sát: Vâng. Không thể vì những hiện tượng tội phạm mà vội vã kết luận chúng ta phải bám lấy nguyên lý giáo dục cũ, và hô lên: Thanh niên đã bị các giá trị vật chất làm sa đọa mất rồi!

Phóng viên: Xin anh hãy để ý một thực tế: Cách đây mấy chục năm, tỷ lệ và mức độ tội phạm trong giới trẻ không như hiện nay.

Cảnh sát: Nhưng tôi tin rằng chẳng phải vì thế mà mọi người muốn quay lại cách suy nghĩ, cách quản lý và cách thể hiện mình cách đây mấy chục năm, tôi tin chắc như thế. Xu hướng giáo dục ngày càng đề cao các giá trị cá nhân, suy cho cùng chả phải do ai chọn, mà do các quy luật khách quan tạo ra.
Vừa qua, khi ở nước Anh có bạo loạn xảy ra trong giới trẻ, người ta xét thấy nguyên nhân sâu xa là những bất công trong xã hội chứ không phải những sai lầm trong giáo dục. Tôi hoàn toàn đồng ý điều đó. Bất công xã hội mới là lý do chính làm tăng tỷ lệ tội phạm. Do bất công, lớp trẻ nước Anh trở nên “không công việc, không nhà cửa, không tương lai, không sợ hãi”.

Lê Thị Liên Hoan

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Những điều nhỏ nhoi

Bỗng thấy yêu đời quá, yêu ngày xanh nắng vàng...
Bỗng thấy yêu thời gian, hạnh phúc đến nhẹ nhàng...
Yêu sao những tiếng cười, và những khi bên người...

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Hãy cứ theo đuổi giấc mơ


Khi Debbie Macomber quyết định theo đuổi giấc mơ trở thành nhà văn, cô đã thuê một cái máy chữ để trên bàn ăn, và bắt đầu đánh máy mỗi sáng trước khi bọn trẻ đến trường. Khi các con về, cô lại cất máy chữ đi và chuẩn bị bữa tối.
Khi các con ngủ, cô lại đem ra và tiếp tục công việc. Cứ như vậy suốt hai năm, bà mẹ siêu nhân này đấu tranh để trở thành nhà văn và cô yêu từng khoảnh khắc đó.

Tuy nhiên, một hôm, chồng cô, Wayne, nói: “Em à, anh rất tiếc, nhưng anh nghĩ đã đến lúc em cũng phải đi làm. Gia đình ta không thể sống thế này mãi được, không thể chỉ trông cậy vào đồng lượng của một mình anh”.

Đêm đó, trái tim Debbie như tan vỡ, nằm trên giường cô không thể ngủ được, cứ nhìn chăm chăm lên trần nhà. Debbie hiểu rằng với trách nhiệm chăm sóc gia đình, cho lũ trẻ chơi thể thao, đưa chúng đến nhà thờ và tham gia hướng đạo sinh, cộng với 40 giờ làm việc một tuần, cô sẽ không còn thời gian để viết.

Thấy được nỗi buồn của vợ, Wayne thức dậy và hỏi: “Có chuyện gì vậy?”

“Em cứ nghĩ rằng mình có thể trở thành một nhà văn, em đã thực sự nghĩ vậy.”

Wayne im lặng một hồi lâu, rồi anh thức dậy, bật đèn sáng và bảo: “Thôi được, em yêu, hãy thực hiện ước mơ của mình.”

Vậy là lại thêm hai năm nữa, Debbie trở lại với giấc mơ và chiếc máy chữ trên bàn ăn, miệt mài cho ra từng trang sách. Gia đình cô sống tằn tiện, mọi người phải mặc quần áo cũ mèm và không được đi nghỉ.

Nhưng sự hy sinh và lòng quyết tâm đó cuối cùng cũng nhận được phần thưởng xứng đáng. Sau năm năm đấu tranh, Debbie đã bán được cuốn sách đầu tiên. Rồi lại một cuốn khác. Cứ thế cho đến bây giờ, Debbie đã xuất bản hơn 100 cuốn, rất nhiều trong số đó được New York Times bầu chọn là cuốn sách bán chạy nhất, trong đó có ba cuốn đã được dựng thành phim. Bà đã có trên 60 triệu bản in và hàng triệu người hâm mộ.

Còn Wayne thì sao? Sự hy sinh của ông để ủng hộ người vợ của mình đã được trả công hậu hĩnh. Về hưu ở tuổi 50, hiện giờ ông đang dành thời gian chế tạo một chiếc máy bay trong dinh thự rộng 650 m2 của gia đình.

Các con của Debbie đã nhận được một món quà giá trị hơn nhiều vài dịp cắm trại. Khi đã lớn, họ hiểu rằng Debbie đã cho họ một món quà vô giá - sự ủng hộ và khuyến khích con cái theo đuổi giấc mơ của mình.

Theo beliefnet

27 tháng 9, 2011

XẢ STRESS: "Ranh" ngôn


Tiền có thể không mang lại hạnh phúc nhưng chắc chắn sẽ giúp sự bất hạnh của chúng ta trở nên dễ chịu hơn.

Vào đời rồi chưa hẳn đã nên người.


Bước đều quá thì dễ bị lạc lối.


Đồ cổ theo khuynh hướng hậu hiện đại.


Mọi thứ đều có lúc “quá đát”, kể cả sự chung thủy trong hôn nhân.




Cướp nhà băng không phổ biến bằng bị nhà băng cướp.


Có thể coi mình là người thành đạt khi số những người mà ta ghen tị đông nhất cũng chỉ bằng nửa số người ghen tị với ta.


Không khủng khiếp lắm nếu ta nhẵn túi và không ai cần ta cả. Khủng khiếp nhất là khi ta rất nhiều tiền mà vẫn chẳng ai cần ta cả.


(st)

GÓC LÃNG ĐÃNG: Hà Nội và những "con cá to"



Hà Nội đã tròn một nghìn năm tuổi. Một nghìn năm, quãng thời gian ấy, nếu ném vào cõi vô thủy vô chung của trời đất thì chẳng qua nó chỉ dài bằng một cái chớp mắt. Nhưng nếu đặt cạnh thời gian để sống và thời gian để chết của một đời người, thời gian của biết bao đô thị trên thế giới đã từng huy hoàng rồi tàn lụi dưới trăng, thì một nghìn năm Thăng Long- Hà Nội quả là đáng nể.

"Cổ kim vị kiến thiên niên quốc"- xưa nay chưa từng thấy có nước nào tồn tại tới nghìn năm- thì đúng vậy, một nghìn năm  Thăng Long thực tế đã được đo bằng bao lớp sóng hưng phế tràn qua, bao phen binh hỏa và tái thiết, bao cuộc chuyển giao quyền lực (rất nhiều khi là đẫm máu) giữa các vương triều.

Lịch sử dài ra, các lớp trầm tích văn hóa càng trở nên dày thêm dưới từng vuông đất Thăng Long, điều đó đem lại niềm tự hào chính đáng cho Hà Nội ngày hôm nay. Nhưng cũng có những cái đã mất đi. Có thể là sự mất mát khôn tránh do nỗi thương hải tang điền. Có thể là sự mất mát đáng tiếc do những biến cải trong nhân sinh và của nhân tâm. Không cần nói đâu xa, chỉ nhìn Hà Nội từ đầu thế kỷ XX tới nay, nhiều niềm nhớ tiếc đã ngân vang trong những người nặng lòng hoài cổ...

Hãy nói tới những cái mất có tính vật thể, có kích tấc, có thể nhìn ngắm đo đếm được. Bách hóa Tổng hợp Hà Nội- tọa lạc trên đất của Tràng Tiền Plaza bây giờ- chẳng hạn. Nguyên thủy, cửa hàng có tên là Grands Magasins Réunis (Liên hiệp đại thương điếm), do nhiều chủ hàng góp cổ phần và được chính quyền thuộc địa cấp giấy phép xây dựng vào năm 1923.

Trên thực tế, dân Hà Nội quen gọi nó bằng một cái tên ngắn gọn: nhà Goddard- lấy theo tên của một Nghị viên Quốc hội Pháp đã sang điều tra tình hình Đông Dương năm 1936. Trước năm 1945 và trong thời gian tạm chiếm, nhà Goddard là một địa chỉ mua sắm quen thuộc của giới tư sản giàu có ở Hà Nội, thậm chí có thể nói, nó là một biểu trưng của Hà thành hoa lệ.
Minh họa: Hữu Khoa.

Sau hòa bình lập lại 5 năm, vào tháng 8/1959, theo lệnh của UBND thành phố Hà Nội, nhà Goddard bị đập đi, và ngay trên đống đổ nát của nó, người ta đã xây dựng cửa hàng Bách hóa Tổng hợp. Quá trình xây dựng Bách hóa thế nào, chuyện bếp núc của việc lên bản vẽ thiết kế cho công trình ra sao v.v..., tất cả những điều đó được nhà văn Vũ Bão cho biết khá chi tiết trong bài báo "Bách hóa Tổng hợp, ca bán hàng cuối cùng" nổi đình đám một thời. Nói rõ thêm một chút: Vũ Bão viết bài này năm 1995, năm thứ 35 của Bách hóa Tổng hợp, và khi ấy thì nhà Goddard đang chuẩn bị chịu "hóa kiếp" lần thứ hai.

Chuyện sẽ chẳng là gì cả nếu trong bài báo ấy, ông nhà văn nổi tiếng tinh quái sắc sảo kia không "đỏ con mắt bên phải, ngứa con mắt bên trái" mà kêu trời về sự mong manh bất định của lần "hóa kiếp" thứ hai này: tựa vào cái liên doanh Hà Nội Plaza, người ta san phẳng Bách hóa Tổng hợp, sau đó để đối tác nước ngoài chơi bài "đặt xô rách chậu thủng" rồi cho cò đi "mơi" người mua lại để ăn chênh lệch.

Kết quả là hàng ngàn mét vuông đất ở trung tâm Hà Nội bị bỏ hoang, hàng trăm tỷ đồng bị thất thoát, cuộc sống của bao người lao động tại đây bị xóc lắc dữ dội... Những vấp váp ấu trĩ của cái thời mới làm ăn với "Tây" như vậy rồi cũng qua, giờ đây Tràng Tiền Plaza đã mọc lên. To đẹp, lộng lẫy hơn Bách hóa Tổng hợp "ngày xưa" là cái chắc, nhưng Tràng Tiền Plaza vẫn còn thua sút nếu đặt cạnh những trung tâm thương mại lớn khác ở Thủ đô hiện nay như Vincom hay Pakson.

Và còn xa nó mới đạt tới tầm quan trọng như Bách hóa Tổng hợp vài chục năm trước. Hãy đọc vài dòng hồi ức của Vũ Bão: "Sau ngày Thủ đô giải phóng, Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp được coi là pháo đài mẹ của nền thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Các ông bà nông dân ở các tỉnh lên Hà Nội thế nào cũng bắt con cháu đưa đi "Tổng hợp".

Các anh chị từ khắp mọi miền đất nước về Thủ đô thế nào cũng phải đi mua một món hàng ở "Tổng hợp", lên Thủ đô chưa đi thăm "Tổng hợp" thì coi như chưa đến Thủ đô. Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp nghiễm nhiên trở thành một điểm du lịch".

Thêm một chi tiết vui vui nữa: "Hồi đầu tháng 9 năm 1960, khi cửa hàng Bách hóa Tổng hợp vừa khai trương, người đến xếp hàng chờ giờ mở cửa đông vô kể, đặc kín cả dải hè Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Tràng Tiền. Lượng người đã đông, ba cái cửa lại nhỏ nên nhiều người chen vào xem pháo đài thương nghiệp XHCN bị tụt cả dép nhưng không tài nào cúi xuống nhặt dép được.

Về sau đội bảo vệ cửa hàng vun được một đống dép to đùng, ai quay ra nhận đôi nào thì xỏ ngay chân vào đôi ấy". Cái không khí hội hè xôm tụ như vậy, xét cho cùng, là niềm vui lấp lánh trong một thời cả nước vất vả thiếu thốn đến kỳ cùng. Chính vì thế mà nó đáng nhớ, và nó đáng giá đến mức rất nhiều người không thể tìm thấy niềm vui tương tự ở khi đặt chân tới các trung tâm thương mại bây giờ.

Tàu điện là một hình ảnh đã mất khác, một niềm nhớ tiếc khác trong thế giới tình cảm của người dân Thủ đô. Niềm nhớ tiếc cồn lên, da diết hơn gấp bội mỗi khi từ đâu đó chợt vang lên trong ta cái giai điệu nhuốm màu hồi ức: "Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya, hướng ra Đống Đa Cầu Giấy...".
Tàu điện Hà Nội chạy với tốc độ chậm, đều đều, thong thả, "không đi đâu mà vội", cái tốc độ thật hợp với nhịp sống của một thành phố được kiểm soát tốt về quy mô, nơi con người có đủ thời gian và đủ bình tĩnh để làm mọi việc trong sự ngăn nắp, và làm đến mức thật chỉn chu.

Trong một bài viết ngắn có tên "Nhớ những cái Tết lên xe điện vào chợ", nhà văn Lê Minh Khuê đã ngược về quá khứ, theo cái tốc độ đều đều, thong thả của tàu điện Hà Nội mà nhìn ngắm thành phố "một thời đạn bom". Đang chiến tranh, vậy mà dường như ở Hà Nội không hề có chỗ cho sự cẩu thả tùy tiện: "Cây Bờ Hồ như cổ thụ trong rừng phủ bóng mát lên những chiếc hầm trú ẩn công cộng. Hầm tối tăm vậy mà không có ai bày bẩn, không ai xả rác, không phải là chỗ để tá túc".

Và: "Từ trong rừng cây Bờ Hồ buổi trưa nắng thu hoe vàng, chiếc tàu điện đầu thế kỷ hai mươi chậm rãi chuông chậm rãi đi". Tàu điện đưa hành khách tới khắp các chợ của Hà Nội: Đồng Xuân, Bắc Qua, Hàng Bè, chợ Hôm, chợ Mơ... để thưởng thức những thứ quà dân dã: bún ốc, bánh đa riêu cua, bánh khúc, bún đậu mắm tôm...

Chẳng có gì đặc biệt, những thứ quà vừa với túi tiền còm của dân lao động và hợp với thời buổi lương thực bị quản lý ngặt nghèo. Có chăng chỉ đặc biệt ở điểm: là thời chiến, nhưng quà bánh bán ra cho khách được chế biến rất cẩn thận, đảm bảo cả về phẩm và lượng và sự bắt mắt. Đến mức, nó trở thành một "điểm nhấn" trong ký ức của nhà văn: "Không gia vị, không chất phụ gia, món ăn chợ Hà Nội thời chiến làm sạch sẽ- bây giờ không ai còn làm hàng ăn sạch thế- ăn một muốn ăn thêm ba.

Và điều quan trọng: món ăn làm chợ đặc biệt thanh bình. Người ta có thể mua một món hàng rồi quên. Nhưng ăn một miếng ngon ở chợ Hà Nội ngày ấy, nhiều người nhớ đến bây giờ". Trong trường hợp này, dễ thấy, chiếc tàu điện cổ lỗ đã đóng vai trò của một "vật môi giới": môi giới giữa nỗi nhớ của con người trong hiện tại với hình ảnh của Hà Nội trong quá vãng.

Sự mất đi của chiếc tàu điện có thể là một tất yếu trên phương diện phát triển xã hội, nhưng với những người đã sống cùng Hà Nội qua hai giai đoạn, sự mất đi ấy gợi cho người ta nghĩ đến những sự mất đi khác, quan trọng hơn, gây dư chấn dai dẳng hơn, tạo những vết nứt rộng và sâu hơn: đó là mất đi phong thái sống, hay "nếp" sống- một bộ phận đã hiển nhiên hợp thành giá trị văn hóa của Hà Nội. Nhưng, văn hóa là một khái niệm quá rộng.

(Nhà nghiên cứu Đoàn Văn Chúc- người đã dịch rất thành công cuốn "Vật tổ và cấm kỵ" của S. Freud- lúc sinh thời có một định nghĩa thật ngắn gọn về văn hóa: Nó là cái "vô sở bất tại", tức là bất cứ cái gì trên đời này cũng đều có phương diện văn hóa của nó cả). Vậy nên ở đây xin được thu hẹp vấn đề lại, chỉ nói tới mặt văn hóa của cái sự ăn- ngôn ngữ thời thượng gọi là "văn hóa ẩm thực"- của Hà Nội trước kia và bây giờ. Và cũng chỉ nói tới một món ăn quen thuộc thôi: món Phở.

Quả thật, hiếm có món ăn nào được các nhà văn vào cỡ đại gia nhất loạt ca tụng như phở. Hãy xem Vũ Bằng, trong "Miếng ngon Hà Nội", vẽ một bức tranh tĩnh vật về bát phở: "Một nhúm bánh phở, một ít hành hoa thái nhỏ điểm mấy ngọn rau thơm xanh biêng biếc, mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ, mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu... Ba bốn thứ màu sắc đó cho ta cái cảm giác được ngắm một bức họa lập thể của một họa sĩ trong trường phái văn nghệ tiền tiến, dùng màu sắc hơi lố lỉnh, hơi bạo quá, nhưng mà đẹp mắt".

Và đây, khi bát phở làm cho sống động những cái gai vị giác của thực khách: "Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm... Rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng cứ ngọt lừ đi, ngọt một cách hiền lành êm dịu, ngọt một cách thành thực thiên nhiên, không có chất gì là hóa học...".

Nguyễn Tuân cũng không chịu thua kém, trong bài tùy bút "Phở" rất đặc sắc, ông viết: "Dùng những hình ảnh bình dị để nói lên mùa đông ở Việt Nam tôi cho rằng không gì nên thơ bằng hình ảnh một bếp lửa hàng phở ở bến ô tô nhiều hành khách quây quanh chờ đợi bát mình, vai rụt xuống một tí, người nhún nhảy như trẻ em đang thú đời".

Và, khi lấy sự sành ăn của mình ra làm chuẩn, ông quả quyết: "Thật ra ăn phở cho đúng, đúng cái "gu" của phở, phải ăn thịt chín. Thịt chín thơm hơn thịt tái, mùi thơm miếng thịt chín mới biểu hiện đúng cái tâm hồn của phở. Thêm nữa, về mặt nhận thức tạo hình, người thẩm mỹ bao giờ cũng thấy miếng thịt chín đẹp hơn miếng thịt tái".

Thế nhưng, đó là phở của Hà Nội hơn nửa thế kỷ về trước. Nó thuần chất, không pha tạp, trọng phẩm chứ không trọng lượng, không lấy cái phổ biến đè nén cái đặc thù. Còn bây giờ? Như nhà văn Hồ Anh Thái từng khái quát trong bài "Hà Nội, con thuyền, phù sa": "Đời sống đô thị chuyển vần tốc độ chóng mặt, thức ăn khó mà chỉ dành cho thiểu số người ngâm nga nhấm nháp bên lề dòng chảy. Ăn uống cũng nhanh lên, mạnh lên, hùng hục, quần quật. Nhiều sáng kiến ẩm thực cho phù hợp thế sự".

Thì đấy, trong phở Hà Nội nay đã phổ biến phở trứng- "thứ phở giàu xổi tanh tanh"- rồi phở tổng hợp, phở mọc, phở hải sản... Kỳ lạ nhất là sự có mặt, và được phê chuẩn khá dễ dàng, của những thứ phở sau một vòng "thiên di" đã trở lại trên quê gốc của nó: phở xe lửa, phở tàu bay Cali- trong những cái bát to như cái chậu thì đây thứ phở không cách nào ăn nóng đến thìa nước dùng cuối cùng; phở Sài Gòn- thứ phở được ăn kèm với cả cây húng cây kinh giới um tùm sum suê!

Có thể nói mà không sợ quá lời, rằng bát phở cho phép ta nhìn ra những thay đổi trong nếp sống, trong văn hóa Hà Nội ngày hôm nay, thời đổi mới và hội nhập. Có những cái tưởng được thêm, nhưng thực chất lại là mất đi một cách rất đáng tiếc.

Mà, nói theo một câu ngạn ngữ của người Nga: Con cá mất là con cá to!

Hoài Nam

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Phỏng vấn một khán giả


PV: Thưa anh, gần đây anh có theo dõi vấn đề gọi là "Thảm họa nhạc Việt" không?


Khán giả: Có chứ! Với tư cách một cá nhân tham sống, muốn sống vừa lâu, vừa bình an thì phải quan tâm đến tất cả các loại thảm họa trên đời.

PV: Vậy thảm họa âm nhạc này khiến anh quyết định chạy trốn ở đâu?
Khán giả: Chả ở đâu hết. Tôi ngồi im, tôi bình tĩnh coi như không có chuyện gì xảy ra.

PV: Anh vô tâm quá.

Khán giả: Tôi không vô tâm. Tôi bình tĩnh. Muốn tránh một tai nạn, đầu tiên phải xác định nó từ hướng nào.

PV: Vậy thảm họa này?

Khán giả: Khoan đã, nguyên tắc của thảm họa ví dụ như động đất, sóng thần là gì? Là không hề báo trước, bất thình lình xảy ra, đúng không?

PV: Đúng!

Khán giả: Còn âm nhạc không hề bất thình lình. Một loạt bài hát dở, vớ vẩn về nhạc lý, ngớ ngẩn về ca từ không ào một cái đến tai người nghe, mà chúng xuất hiện từ từ, đã mấy năm nay rồi.
Minh họa của Lê Tâm.


PV: Đúng vậy.

Khán giả: Và nếu như con người vô can trước sóng thần hay động đất, thì thảm họa âm nhạc đâu có thế. Rất nhiều ca sĩ dở, rất nhiều bài hát dở, cũng đã được tung hô.

PV: Vâng.

Khán giả: Nếu không tung hô thì họ cũng bỏ mặc. Họ chả có phản ứng gì. Đấy là chưa kể một bộ phận không nhỏ báo chí còn đưa tin hăng hái, nếu một số ca sĩ, nhạc sĩ hát và sáng tác lung tung được nhiều người biết đến hơn những ai sáng tác hay.

PV: Đúng, có chuyện đó.

Khán giả: Tóm lại, các thảm họa âm nhạc này, nếu như nó có thật, thì nạn nhân cũng chính là thủ phạm một phần, chứ đâu trắng án. Cho nên đừng có kêu ầm lên, cứ như đấy là chuyện trên trời.

PV: Nghĩa là trong việc này, khán giả không vô cảm.

Khán giả: Ít ra cũng có một phần khá lớn họ không vô can.
Theo tôi, còn một ý nữa phải nói ra cho công bằng: Thiên hạ nghĩ thảm họa là những ca khúc nhố nhăng. Tôi cho rằng không phải chỉ như thế. Những ca khúc gọi là "đúng đắn" nhưng dở cũng thảm họa như thường.

PV: Ái chà.

Khán giả: Nói khác đi, chúng ta có một thói quen bất cứ chuyện gì xảy ra cũng nghĩ chỉ đám "lăng nhăng" mới có tội. Thực ra, đám "chính thống" mà làm ăn cẩu thả, sáng tác không bậy bạ nhưng nhạt phèo cũng có tội chả kém gì đám "lăng nhăng", mới phải.

PV: Tóm lại, anh đề nghị thảm họa phải chia đều?

Khán giả: Phải được nhìn nhận một cách toàn diện từ người sáng tác, người biểu diễn, người nghe, người cấp phép và người tuyên truyền, chứ không thể đổ lên đầu mấy cô hay cậu ca sĩ là xong.

PV: Nhưng cũng phải có một nguyên nhân chủ đạo chứ?

Khán giả: Nói ra thì buồn. Theo tôi, nguyên nhân chủ đạo do dân trí của ta còn quá thấp và những nghệ sĩ tài năng còn quá ít.
Quốc gia nào trong thời đại bùng nổ thông tin này cũng phải đối mặt với vấn đề "bùng nổ" tất cả các loại âm thanh, hình ảnh, đủ thứ từ vàng tới cám được tung lên mạng.
Một khi khán giả có tầm nhận thức nhất định thì họ có thể tự chọn lọc, tự định hướng được cho mình. Họ sẽ tẩy chay khiến những "tác phẩm" linh tinh không phát triển. Nhưng chúng ra không làm được như thế, khiến các nghệ sĩ "thảm họa" thấy mình cũng danh giá như ai, dẫn đến một thái độ vừa ngây thơ, vừa ảo tưởng, vừa thấp kém lại vừa… bất cần. Mà nếu xét rộng ra, chả riêng gì âm nhạc, mà văn học, điện ảnh, thời trang, mỹ thuật, v.v. cũng đầy rẫy thảm họa.
Và thảm họa của thảm họa hôm nay, theo ý kiến riêng tôi, là vấn đề chuẩn mực. Không xây dựng được một hệ thống chuẩn mực chính xác trong đánh giá và thẩm định thì thảm họa luôn rình rập, chỉ ở mức độ thấp hay cao mà thôi.

PV: Tôi nghĩ thế này anh ạ: Nếu như mỗi nghệ sĩ khi sáng tác và biểu diễn đều có lương tâm thì xã hội sẽ lành mạnh, đừng đổ cho ai cả.

Khán giả: Xin lỗi anh, theo tôi đấy lại là một câu nói rỗng tuếch.
Nhạc vớ vẩn hôm nay chủ yếu xuất phát từ tầng lớp tuổi teen. Chúng rất ít khi tự đặt câu hỏi về lương tâm, đơn giản vì phần lớn lương tâm chúng trong sáng.
Chúng chỉ lộn xộn về thẩm mỹ. Mà sự lộn xộn này chúng vừa được cổ vũ, vừa có điều kiện, vừa cảm thấy như thế mới… hiện đại(?!). Và thế là chúng làm.
Khuyên một đứa trẻ ngồi xuống suy nghĩ về lương tâm, chả khác gì khuyên một con hươu đang nhảy nhót dừng lại soi bóng xuống mặt hồ. Nó sẽ chả hiểu tại sao lại cần thế.

PV: Ôi!...

Khán giả: Thêm một ý cuối cùng: Hãy coi chừng, nếu cứ thấy cái gì khác mình thì chụp lên đầu nó cái mũ thảm họa!

Lê Thị Liên Hoa