PV: Thưa anh, gần đây anh có theo dõi vấn đề gọi là "Thảm họa nhạc Việt" không?
Khán giả: Có chứ! Với tư cách một cá nhân tham sống, muốn sống vừa lâu, vừa bình an thì phải quan tâm đến tất cả các loại thảm họa trên đời.
Khán giả: Có chứ! Với tư cách một cá nhân tham sống, muốn sống vừa lâu, vừa bình an thì phải quan tâm đến tất cả các loại thảm họa trên đời.
PV: Vậy thảm họa âm nhạc này khiến anh quyết định chạy trốn ở đâu?
Khán giả: Chả ở đâu hết. Tôi ngồi im, tôi bình tĩnh coi như không có chuyện gì xảy ra.
PV: Anh vô tâm quá.
Khán giả: Tôi không vô tâm. Tôi bình tĩnh. Muốn tránh một tai nạn, đầu tiên phải xác định nó từ hướng nào.
PV: Vậy thảm họa này?
Khán giả: Khoan đã, nguyên tắc của thảm họa ví dụ như động đất, sóng thần là gì? Là không hề báo trước, bất thình lình xảy ra, đúng không?
PV: Đúng!
Khán giả: Còn âm nhạc không hề bất thình lình. Một loạt bài hát dở, vớ vẩn về nhạc lý, ngớ ngẩn về ca từ không ào một cái đến tai người nghe, mà chúng xuất hiện từ từ, đã mấy năm nay rồi.
Minh họa của Lê Tâm. |
PV: Đúng vậy.
Khán giả: Và nếu như con người vô can trước sóng thần hay động đất, thì thảm họa âm nhạc đâu có thế. Rất nhiều ca sĩ dở, rất nhiều bài hát dở, cũng đã được tung hô.
PV: Vâng.
Khán giả: Nếu không tung hô thì họ cũng bỏ mặc. Họ chả có phản ứng gì. Đấy là chưa kể một bộ phận không nhỏ báo chí còn đưa tin hăng hái, nếu một số ca sĩ, nhạc sĩ hát và sáng tác lung tung được nhiều người biết đến hơn những ai sáng tác hay.
PV: Đúng, có chuyện đó.
Khán giả: Tóm lại, các thảm họa âm nhạc này, nếu như nó có thật, thì nạn nhân cũng chính là thủ phạm một phần, chứ đâu trắng án. Cho nên đừng có kêu ầm lên, cứ như đấy là chuyện trên trời.
PV: Nghĩa là trong việc này, khán giả không vô cảm.
Khán giả: Ít ra cũng có một phần khá lớn họ không vô can.
Theo tôi, còn một ý nữa phải nói ra cho công bằng: Thiên hạ nghĩ thảm họa là những ca khúc nhố nhăng. Tôi cho rằng không phải chỉ như thế. Những ca khúc gọi là "đúng đắn" nhưng dở cũng thảm họa như thường.
PV: Ái chà.
Khán giả: Nói khác đi, chúng ta có một thói quen bất cứ chuyện gì xảy ra cũng nghĩ chỉ đám "lăng nhăng" mới có tội. Thực ra, đám "chính thống" mà làm ăn cẩu thả, sáng tác không bậy bạ nhưng nhạt phèo cũng có tội chả kém gì đám "lăng nhăng", mới phải.
PV: Tóm lại, anh đề nghị thảm họa phải chia đều?
Khán giả: Phải được nhìn nhận một cách toàn diện từ người sáng tác, người biểu diễn, người nghe, người cấp phép và người tuyên truyền, chứ không thể đổ lên đầu mấy cô hay cậu ca sĩ là xong.
PV: Nhưng cũng phải có một nguyên nhân chủ đạo chứ?
Khán giả: Nói ra thì buồn. Theo tôi, nguyên nhân chủ đạo do dân trí của ta còn quá thấp và những nghệ sĩ tài năng còn quá ít.
Quốc gia nào trong thời đại bùng nổ thông tin này cũng phải đối mặt với vấn đề "bùng nổ" tất cả các loại âm thanh, hình ảnh, đủ thứ từ vàng tới cám được tung lên mạng.
Một khi khán giả có tầm nhận thức nhất định thì họ có thể tự chọn lọc, tự định hướng được cho mình. Họ sẽ tẩy chay khiến những "tác phẩm" linh tinh không phát triển. Nhưng chúng ra không làm được như thế, khiến các nghệ sĩ "thảm họa" thấy mình cũng danh giá như ai, dẫn đến một thái độ vừa ngây thơ, vừa ảo tưởng, vừa thấp kém lại vừa… bất cần. Mà nếu xét rộng ra, chả riêng gì âm nhạc, mà văn học, điện ảnh, thời trang, mỹ thuật, v.v. cũng đầy rẫy thảm họa.
Và thảm họa của thảm họa hôm nay, theo ý kiến riêng tôi, là vấn đề chuẩn mực. Không xây dựng được một hệ thống chuẩn mực chính xác trong đánh giá và thẩm định thì thảm họa luôn rình rập, chỉ ở mức độ thấp hay cao mà thôi.
PV: Tôi nghĩ thế này anh ạ: Nếu như mỗi nghệ sĩ khi sáng tác và biểu diễn đều có lương tâm thì xã hội sẽ lành mạnh, đừng đổ cho ai cả.
Khán giả: Xin lỗi anh, theo tôi đấy lại là một câu nói rỗng tuếch.
Nhạc vớ vẩn hôm nay chủ yếu xuất phát từ tầng lớp tuổi teen. Chúng rất ít khi tự đặt câu hỏi về lương tâm, đơn giản vì phần lớn lương tâm chúng trong sáng.
Chúng chỉ lộn xộn về thẩm mỹ. Mà sự lộn xộn này chúng vừa được cổ vũ, vừa có điều kiện, vừa cảm thấy như thế mới… hiện đại(?!). Và thế là chúng làm.
Khuyên một đứa trẻ ngồi xuống suy nghĩ về lương tâm, chả khác gì khuyên một con hươu đang nhảy nhót dừng lại soi bóng xuống mặt hồ. Nó sẽ chả hiểu tại sao lại cần thế.
PV: Ôi!...
Khán giả: Thêm một ý cuối cùng: Hãy coi chừng, nếu cứ thấy cái gì khác mình thì chụp lên đầu nó cái mũ thảm họa!
0 comments:
Đăng nhận xét