21 tháng 9, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Tôi đã tìm lại được các con của mình


Một năm mới nữa đã lại đến. Mùa xuân đang tới gần hơn. Tôi như cảm nhận được hơi ấm của mùa xuân trong làn gió đông băng giá. Không có tết năm nào, tôi không dành những khoảng lặng trước thềm năm mới để ngẫm nghĩ về cuộc đời của mình.

Kính thưa các anh, các chị trong BBT!
Tôi năm nay tuổi đã cao, quỹ thời gian không còn nhiều nữa, mà sự sống chỉ còn leo lét trong nay mai mà thôi. Tôi nghĩ, việc cần làm của tôi lúc này là kể cho tất cả mọi người cùng nghe câu chuyện của mình, kẻo rồi, mai này gần đất xa trời lúc nào không hay, lại thấy ân hận vì chưa chia sẻ được.

Tôi sinh ra và lớn lên ở làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội. Mọi biến cố lớn của đời tôi xảy ra liên tiếp từ khi tôi lập gia đình. Tôi lấy chồng năm 17 tuổi, chồng tôi là một bác sỹ, làm việc cho chính quyền Pháp thời đó. Vợ chồng tôi lần lượt sinh hạ được 3 người con. Sau năm 1954, chồng tôi đi sang Pháp để tu nghiệp tiếp. Lúc tiễn chồng đi, tôi không hề biết mình đã mang thai. Nhưng kể từ ngày tiễn chồng đi, từ đó, tôi không bao giờ còn nhận được tin tức của chồng.

Tôi vốn là con gái làng hoa, nhà bố mẹ nghèo, ba đời trồng hoa, nên lớn lên chỉ biết trồng hoa chứ không biết làm nghề gì khác. Khi chồng tôi ra đi, anh ấy chỉ nói với tôi rằng sang đến nơi, xem địa chỉ cụ thể như thế nào, thì anh sẽ gửi thư về. Tôi tin chồng, nghe lời chồng, và chỉ  biết chờ đợi nhưng tin tức của chồng vẫn bặt vô âm tín. Bụng tôi càng ngày càng lớn. Láng giềng xung quanh đàm tiếu chê cười, cho rằng chồng đi vắng tôi theo trai ăn nằm với trai rồi chửa hoang. Tôi rất đau khổ, nhưng đành cắn răng chịu đựng nuốt nước mắt và uất hận vào trong. 

Cuộc sống ở miền Bắc sau năm 1954 vô cùng gian khổ. Số tiền lương mà chồng tôi để lại nuôi mấy mẹ con rồi cũng hết. Từ ngày tôi lấy chồng, sống bằng tiền lương của chồng nên bỏ nghề trồng hoa. Bây giờ chồng ra đi, bốn mẹ con không còn tiền để sống, bụng lại chửa vượt mặt rất cơ cực. Nhà bố mẹ chồng thì nghi ngờ cái thai trong bụng nên không đoái hoài đến cơ cảnh của 4 mẹ con. Nhà ngoại thì đều nghèo xác xơ, sống nhờ vào những luống hoa phập phù lúc thất bát.

Ngày tôi vào viện sinh nở cũng là lúc trong nhà kiệt quệ không còn cái gì để bán nữa. Hai đứa con lớn nheo nhóc, đói ăn, đứa thứ ba mới 2 tuổi bị sốt phải đưa vào viện, lòng dạ và tinh thần tôi rối bời như tơ vò. Tôi sinh đôi cùng lúc được hai cô con gái. Trước đó, tôi đã có ba đứa con trai, lần này, sinh được một đôi con gái, tôi thật vui mừng khôn xiết. Nhìn hai đứa bé đỏ hỏn, niềm vui chưa kịp đến thì nỗi tuyệt vọng vì gia cảnh của mình đã làm cho tôi phải rơi lệ.

Tình thế của tôi lúc đó thực bi đát, đứa thứ 3 đang phải vào viện, hai đứa lớn đang đói ăn ở nhà. Giờ lại thêm hai đứa trẻ mới lọt lòng mẹ, một mình tôi làm sao nuôi nổi các con đây. Tôi còn nhớ bà hộ sinh tên là Nụ, người đã đỡ đẻ cho tôi lúc ấy, khuyên tôi cho 2 đứa nhỏ đi để lấy tiền nuôi 3 đứa còn lại, nếu không cả nhà sẽ chết đói. Tôi không còn cách nào khác đã phải nghe theo lời bà Nụ tìm cách cho hai đứa bé đi. Thật may, bà Nụ đã tìm được hai gia đình hiếm con và đưa hai đứa trẻ cho hai gia đình đó.

Tôi còn nhớ như in, bà Nụ đưa cho tôi một ngàn đồng tiền người ta cảm ơn. Bà Nụ nói với tôi, đừng liên lạc và đừng tìm con. Đã cho đi rồi, phải tuyệt đối giữ chữ tín, để cho nhà người ta yên tâm nhận con về nuôi, coi như con đẻ. Đừng làm gì xáo trộn cuộc sống riêng của nhà người ta. Phải cố quên đi việc mình đã có hai đứa con này. Tôi cầm tiền mà ruột đau như cắt, nước mắt tuôn lã chã.

Tôi về lại làng Ngọc Hà, đi trồng hoa thuê, kiếm tiền rau cháo qua ngày nuôi 3 đứa con. Thời gian này, tôi suy sụp một cách khủng khiếp. Tôi không biết tại sao chồng tôi lại bỏ mẹ con tôi ra đi mà không một hồi âm, không một tin tức. Hay chồng tôi đã bị tai nạn chết bên xứ người. Hay gia đình nhà chồng tôi vì nghi ngờ mà tìm cách tin cho chồng tôi về cái thai trong bụng tôi ngày chồng tôi ra đi tôi chưa nhận biết mình đã mang thai. Bao nhiêu câu hỏi nghi ngờ giày vò tôi khiến cho mái tóc tôi bạc trắng, người gầy xác xơ. Gia đình nhà chồng sau đó cũng dọn đi đâu mất, không liên lạc lại nữa. Tôi đã sống những năm tháng rất khó khăn, các con tôi học hết cấp 2 đều phải bỏ học về trồng hoa cùng mẹ.

Cuộc sống vô cùng khốn khó, tôi cũng chẳng còn nhiều thời gian để nhớ về người chồng biệt vô âm tín. Nhưng trong lòng tôi thì canh cánh một nỗi đau xé lòng về hai đứa con của tôi đang lưu lạc tới phương trời nào. Thời gian ngày một dần trôi, các con tôi đều đã lớn và đều đã tìm được việc để làm, cuộc sống của tôi không còn phải đói ăn từng bữa nữa, dù vẫn còn rất nghèo khổ. Đến lúc này, nỗi ân hận giày vò trong tôi quá mức, tôi quyết định đi tìm bà Nụ chỉ để cầu xin bà nói cho tôi biết các con tôi giờ đang ở đâu, tôi có thể đến nhìn thấy chúng lớn lên, bình yên và hạnh phúc trong vòng tay của người khác là tôi mãn nguyện. Tôi không có ý định giành giật lại con của mình. Nhưng éo le thay, khi tôi tìm đến bà Nụ thì bà đã mất. Bà không để lại bất kỳ một giấy tờ gì, hay lời nhắn nhủ gì về lai lịch hai đứa con tôi.


Ba mươi năm sau, kể từ ngày tôi rứt ruột đem cho đi hai đứa con của mình, bỗng dưng một ngày, có một người phụ nữ đến tìm tôi và khẩn khoản đề nghị tôi đến bệnh viện Việt-Xô có người cần gặp. Linh cảm làm cho tôi run rẩy, tôi vội vàng đồng ý ngay và cập rập đi theo người phụ nữ ấy đến bệnh viện. Ở bệnh viện, một cuộc gặp gỡ trùng phùng đẫm nước mắt. Tôi nhìn thấy một người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi, mái tóc đã bạc phơ nằm thiêm thiếp trên giường bệnh. Bên cạnh là một thiếu phụ chừng 30 tuổi, có cả chồng và con trai ở bên. Người phụ nữ nằm trên giường bệnh thấy tôi đến, ra hiệu cho tôi tới gần bên.

Tôi thấy nước mắt bà lăn dài trên đôi gò má bợt bạt. Bà cầm tay cô con gái chừng 30 tuổi, đặt vào lòng tay tôi. Bà vừa khóc vừa run run cất lời: "Cảm ơn bà đã mang đến cho tôi niềm hạnh phúc mà hạnh phúc ấy lẽ ra là của bà. Suốt 30 năm qua, lúc nào tôi cũng nghĩ đến bà, người phụ nữ tôi chưa từng gặp mặt. Tôi đã hưởng trọn niềm hạnh phúc của bà với ý nghĩ rằng, mình xứng đáng được hưởng. Nhưng rồi, nỗi day dứt của tôi cứ ngày một đầy lên. Tôi đã tự hứa với mình, một ngày nào đó sẽ nói hết sự thật với con gái tôi rằng mẹ không phải là mẹ đẻ của con. Mẹ là mẹ nuôi của con và giục con gái tôi đi tìm bà. Chính bà Nụ đã trao cho tôi toàn bộ địa chỉ của bà, để một ngày nào đó, khi bà Nụ chết đi, có ai đó cần tìm đến với sự thật thì vẫn còn chìa khóa trong tay. Tôi đã giữ chiếc chìa khoá ấy 10 năm nay, với một ý nghĩ, tôi sợ mất đứa con gái yêu quý của mình. Bây giờ tôi biết mình không còn được bao lâu trên cõi đời này nữa, tôi sợ tôi không kịp làm điều này là nói cho con gái tôi biết sự thật".

Tôi đứng chết lặng trong bệnh viện, ôm lấy con gái của tôi giờ đây đã làm mẹ mà khóc như mưa như gió. Sau đó vài ngày, mẹ nuôi của con gái tôi mất. Trong di chúc, bà để lại toàn bộ tài sản của bà cho con gái tôi. Tôi đã như được sinh ra thêm lần nữa vì tìm được con, và thấy con mình được nuôi dạy tử tế và sống hạnh phúc. Con gái tôi đã tìm cách giúp đỡ ba anh trai còn khó khăn hơn, và đón tôi về ở cùng. Tôi đã từ chối con vì tôi không muốn làm xáo động cuộc sống của con gái tôi. Dù chỉ có công sinh thành, không có công nuôi dưỡng, nhưng con gái tôi đã gần gũi với tôi như hai mẹ con chưa từng có 30 năm đoạn trường xa cách. Tôi thầm cảm ơn trời phật đã mang nhiều ân huệ đến cho số phận tôi. Nhưng cuộc sống của tôi vẫn chưa thể nào trọn vẹn khi tôi còn một đứa con gái nữa là chị em sinh đôi hiện giờ vẫn còn lưu lạc ở phương trời nào. Tôi đem chuyện kể với con gái tôi và bàn bạc với con tìm cách nào để tìm được chị, cho chị em anh em nhận nhau, mẹ con nhận nhau thì có chết tôi mới nhắm được mắt.

Tôi cũng không thể ngờ được rằng, trong thời gian này, đứa con gái còn lại của tôi đang tìm đường trở về quê hương. Thật kỳ lạ, một sự trùng hợp ngẫu nhiên và rất nhiều sự trùng hợp khác nữa về đứa con sinh đôi của tôi. Cháu cũng vừa được bố mẹ nuôi người Hoa cho biết sự thật về nguồn gốc của mình. Người nhận nuôi con gái tôi là một cặp vợ chồng người Hoa, không có con. Sau khi nhận con nuôi, họ trở về nước sinh sống. Khi tuổi cao sức yếu, ông bà quyết định nói cho cháu biết gốc gác của cháu là ai, mẹ ruột của cháu vì sao mà phải dứt ruột đem cho con mình. Cũng như trường hợp kia, bà Nụ, người đàn bà giàu lòng nhân ái đã đưa địa chỉ, nhân thân, quê quán và gốc gác của mẹ đẻ cháu, cho gia đình nhận nuôi cháu và để họ tự nguyện làm điều phúc đức. Bà Nụ làm việc này xuất phát từ tấm lòng nhân hậu của một người mẹ. Bà mong muốn, là không được tiết lộ, không được để người cho con  biết được ai là người nhận nuôi con mình để tránh rắc rối về sau. Thế nhưng trước khi mất, bà Nụ đã lặng lẽ gửi địa chỉ của tôi cho hai gia đình đó.    
  
Thêm một cuộc trùng phùng của gia đình tôi chan chan nước mắt. Tôi tìm lại được hai đứa con gái sinh đôi, khỏi phải nói, tôi hạnh phúc biết chừng nào. Con gái tôi một đứa không biết nói tiếng Việt, nhưng không hề gì, tình mẫu tử đã nhanh chóng đưa chúng tôi lại bên nhau trong một gia đình ấm cúng. Giờ đây cả gia đình tôi đã đoàn tụ. Tôi không bị mất bất kỳ một đứa con nào cả. Chúng đã trở về và quây quần bên tôi. Riêng con gái có bố mẹ nuôi người Hoa thì vẫn sống ở Trung Quốc với bố mẹ nuôi. Một năm cháu dành hai kỳ nghỉ đông và nghỉ hè đưa vợ chồng con cái về Việt Nam quây quần bên mẹ. Ba con trai của tôi cuộc sống đã đổi thay, kinh tế khá giả lên rất nhiều nhờ sự giúp đỡ của gia đình bố mẹ nuôi của hai con gái tôi. Cả gia đình tôi đều sống trong đề huề, hạnh phúc không cùng.

Thỉnh thoảng tôi vẫn phải tự cấu véo vào tay mình, để xem có phải tôi đang sống trong một giấc mơ hay không. Lần nào, cấu xong, nhìn lên bức ảnh của 5 đứa con nay đã là 5 gia đình quây quần bên nhau mà tôi phóng to treo giữa nhà, tôi lại bật khóc. Tôi khóc hu hu như một đứa trẻ vì không tin nổi tại sao cuộc đời lại cho tôi quá nhiều hạnh phúc đến thế. Còn về chồng tôi, đã từ lâu tôi không nghĩ về ông ấy nữa. Trong sâu thẳm, tôi tự nghĩ, chắc phải có lý do nào đó mà ông ấy phải làm cái việc đau lòng là chối bỏ quá khứ. Dẫu thế nào, tôi vẫn tha thứ cho ông ấy và càng thấy thương chồng tôi nhiều hơn. Những năm tháng qua, chắc ông ấy đã sống một đời sống cũng chẳng hạnh phúc gì.
                              Kính thư: NTV

Theo ANTG

0 comments: