14 tháng 9, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Cuộc đời vẫn còn nhiều phép màu

Quá nửa đời, tôi dày công đi tìm kiếm một sự thật, đó là cha tôi là ai, vì sao ông bỏ mẹ con tôi. Tôi cũng đã đọc quá nhiều những câu chuyện tìm cha trong chiến tranh, bởi vậy, số phận của tôi không phải là một số phận hy hữu khi được sinh ra trong chiến tranh mà giữa bố và mẹ tôi chưa từng có một đám cưới, giấy kết hôn, và họ hàng hai bên chưa từng biết mặt, gặp gỡ. Đơn giản vì lúc ấy, mẹ tôi đem lòng yêu ngay chính một anh bộ đội tên S đóng quân ở trong nhà ông bà ngoại tôi.

Kính thưa các anh, các chị trong Ban Biên tập,

Cuộc tình hy hữu bởi lẽ mẹ tôi là người con gái đẹp nhất ngôi làng hẻo lánh nơi ngọn đồi trung du Bắc Bộ xóm TL, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, và người đàn ông đã nhận ra nét đẹp rực rỡ mà e ấp của một nụ hàm tiếu đương thì ấy chính là anh Trung đội trưởng Trung đội Pháo binh đóng quân ở xóm và được phân công ăn nghỉ tại nhà ông bà ngoại tôi. Mẹ tôi xinh đẹp nhưng éo le thay lại bị mù loà. Chính vì vậy mẹ chỉ quanh quẩn trong nhà, không đi ra ngoài và chưa từng tiếp xúc với ai.

Bị mù nhưng ông trời bù cho mẹ một đôi tay khéo léo và một đôi tai thính nhạy. Mẹ chăn tằm, dệt cửi, mọi việc khâu vá thêu thùa đều làm thoăn thoắt hơn cả người khéo tay sáng mắt. Đơn vị đóng quân ở xóm ba tháng, thì chuyện tình của mẹ cũng đã chớm nở trong chừng ấy thời gian. Trong hồi ức của mẹ được bà ngoại mô tả lại, ông S là người to đậm, rất khoẻ, có nước da bánh mật. Ngoài giờ tập luyện trên thao trường, ông S luôn tranh thủ giúp mẹ tôi bổ củi, gánh nước, giã gạo, xay lúa.

Thương và cảm một người con gái nết na hiền thảo nhưng lại bất hạnh vì mù loà, nên ông S đã yêu thương mẹ thật lòng. Chính vì ở trong một nhà, ra đụng vào chạm nên tình yêu nảy nở nhanh và mạnh hơn lẽ thường. Mẹ tôi đã dâng hiến đời con gái cho ông S. Mẹ tôi có thai tôi được gần 3 tháng thì đến tháng 1 năm 1967, ông S được điều sang một đơn vị đóng quân ở gần dãy núi Bảo Đài để tập luyện đi B. Suốt một tuần trước khi đi, ông S tranh thủ giúp mẹ đủ mọi việc, và quan tâm chăm sóc mẹ rất kỹ lưỡng. Ông còn tranh thủ đi bộ ra ngoài huyện để mua thêm thực phẩm bánh trái bồi bổ cho mẹ tôi.

Ông S sang đơn vị mới, hằng ngày phải tập luyện đeo từ 20-30 viên gạch đi hành quân để tập cho quen dần với chiến trường, tuy vất vả nhưng tuần nào đến chủ nhật ông cũng cuốc bộ 4 - 5km về thăm mẹ tôi. Ông S tập luyện thêm 2 tháng nữa là vào chiến trường. Đêm trước khi hành quân đi B, ông S đội mưa to về thăm mẹ. Lúc ấy, mẹ tôi đang ngủ, tỉnh dậy thì ông S đã đứng đầu giường. Mẹ đưa tay ôm choàng lấy ông S thì mới biết ông S đang mang bộ quần áo ướt lướt thướt, trên người không có lấy một mảnh vải mưa. Mẹ tôi chỉ biết ôm lấy ông S mà khóc. Ông S dặn mẹ tôi nếu đẻ con trai hãy đặt tên là Nguyễn Quyết Thắng, còn con gái thì đặt tên là Nguyễn Hà Linh. Ông còn dặn sau này hoà bình ông sẽ về tìm mẹ con bà. Nếu không thấy ông về, coi như ông đã chết, rồi ông dúi vào tay mẹ tôi một ít tiền dặn mẹ cất đi phòng lúc sinh con.

Điều đáng nói ở đây là mẹ tôi, người con gái mới 17 tuổi, mù lòa, đã không hỏi địa chỉ cụ thể của ông S ở đâu để sau này còn đi tìm. Ông S chỉ dặn mẹ là cứ ở nhà nuôi con và đợi ông S về, sẽ đưa hai mẹ con tôi về ra mắt quê nội ở Hà Nội. Mẹ tôi đã khắc ghi trong lòng ngày ông S ra đi, đó là ngày 10/7/1967.

Mẹ tôi đã một mình sinh con trai, đặt tên tôi là Nguyễn Quyết Thắng. Làng trên xóm dưới, người thông cảm cũng nhiều mà kẻ hẹp bụng cũng không ít. Mẹ tôi mặc lòng, mặc không ít điều tiếng và thị phi của làng trên xóm dưới cam phận nuôi tôi khôn lớn và một mực tin và hy vọng ông S, bố tôi sẽ quay lại tìm hai mẹ con tôi. Hoà bình đã lâu, hai mẹ con tôi vẫn chờ đợi và mong mỏi với một niềm tin mà ngày một xa mờ héo hắt hơn. Cho đến năm 1980, khi tôi đã được 13 tuổi, sau khi bà ngoại mất, mẹ cũng lập bàn thờ lấy ngày 10/7 làm ngày giỗ của bố tôi. Mẹ nói, ông ấy đã hứa thì nếu còn sống, ông nhất định sẽ quay trở lại. Không thấy ông quay lại, coi như ông đã mất. Đàn ông, không mấy ai đành lòng bỏ con của mình đâu, huống chi ông ấy là lính Cụ Hồ.


Sự chờ đợi trong chiến tranh phải đâu là vô vọng?
Vậy là nhà tôi thêm một cái giỗ ngày 10/7 hằng năm cho người đã sinh thành ra tôi. Mẹ tôi phần vì sức khoẻ yếu, phần vì trong lòng ôm giấu một nỗi buồn xa xăm diệu vợi, sinh ra tương tư, thần khí hao tổn. Năm tôi tròn 20 tuổi, mẹ tôi bệnh nặng rồi qua đời. Trước khi mất, bà có hai điều day dứt lớn nhất chưa được thoả nguyện. Mẹ tôi đã nói với tôi trong giây phút hấp hối rằng bà không sống để đợi đến ngày thành thân cho tôi được, nhìn thấy tôi có gia đình và được bế ẵm đứa cháu đầu lòng nên điều ấy khiến bà rất đau khổ. Việc thứ hai là mặc dù làm giỗ cho bố tôi hằng năm nhưng trong thâm tâm, bà vẫn linh tính rằng ông còn sống ở đâu đó, phiêu dạt ở đâu đó và vì một lý do nào đó mà ông không thể về tìm vợ con. Vì vậy, bà muốn tôi trong hy vọng mong manh có thể tìm thấy ông ấy, người đã sinh ra tôi ở đâu đó. Bà chỉ nhớ mang máng rằng, bố tôi là người Hà Nội.

Mẹ mất, tôi đau đớn tột cùng. Tôi là đứa trẻ sinh ra đã thiệt thòi vì không có bố, giờ đến lượt sợi dây thiêng liêng máu mủ duy nhất và cuối cùng là mẹ tôi, thì bà cũng đã dứt bỏ tôi mà đi. Tôi sầu thảm mất một thời gian dài. Sau đó nhớ lời trăng trối của mẹ, tôi quyết tâm khăn gói ra Hà Nội lập nghiệp và cũng là để lần tìm người đàn ông mà mẹ tôi đã một đời tận tụy và chờ đợi. Hà Nội không quá rộng nhưng cũng đủ là biển người để cho tôi vin vào một hy vọng quá mong manh. Tôi làm nhiều việc, từ bốc vác ở chợ, đến bồi bàn. Nghĩa là có việc gì có thể kiếm ra tiền và được tiếp xúc nhiều với mọi người là tôi xin vào bằng được. ở đâu, có bất kỳ cơ hội nào tôi đều lân la hỏi về người đàn ông nhập ngũ năm 1966, vào đơn vị Pháo binh, đóng quân ở xóm TL, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tháng 7/1967 đi vào chiến trường B, có con với bà Hoàng Thị L trước khi đi B. Thế nhưng thông tin đưa ra rơi tõm vào biển người mênh mông ở Hà Nội. Không một hồi âm, không một hy vọng mỏng manh.

Ba năm lang thang ở Hà Nội, cuối cùng nhờ chăm chỉ làm việc, tôi được nhận vào một cơ sở sửa chữa và bảo dưỡng xe gắn máy cao cấp. Tôi thôi ý định tìm bố đẻ của mình, vì thấy các dữ kiện mà tôi có trở nên mông lung quá. Tại cơ sở nơi tôi làm việc, tôi đã tìm được tình yêu của mình. Người con gái tôi yêu làm kế toán trong công ty. Chúng tôi cảm mến nhau, và có sự chia sẻ đồng cảm về hoàn cảnh. Bố V là thương binh, mẹ đã tình nguyện làm vợ một thương binh nặng mù cả hai mắt và chăm sóc ông cho đến cuối đời khiến cho tôi rất cảm động. Nhưng than ôi, cuộc đời có biết bao nỗi éo le. Tại sao ông trời lại run rủi cho số phận hẩm hiu thua thiệt của tôi thêm một lần nữa đau đớn. Tại sao cha của V lại chính là cha đẻ của tôi, người đàn ông mà suốt bao nhiêu năm để cho mẹ con tôi chờ đợi héo mòn, người mà mẹ tôi lúc còn sống năm nào cũng làm giỗ.


Khi tôi đến, mọi người trong gia đình đã ngạc nhiên về ngoại hình của tôi giống bố V như đúc. Khi nghe tôi kể chuyện hoàn cảnh gia đình, cha V đã lảo đảo gục xuống bàn. Hôm ấy ông cáo mệt đi nằm sớm. Linh cảm của tôi đã đúng khi hôm sau, V bảo tôi, bố V muốn nói chuyện riêng với tôi. Trong căn phòng riêng của ông, ông ôm chầm lấy tôi và khóc nức nở. Ông đã kể cho tôi nghe đoạn đời trắc trở từ khi ông bị thương mù cả hai mắt. Ông đã nói với gia đình về chuyện ông đã có vợ và con chính là hai mẹ con tôi ở Lục Nam, Bắc Giang nhưng bố mẹ ông ấy đã khuyên ông ấy đừng nghĩ đến hai mẹ con tôi nữa. Nhờ gia đình làng xóm cưu mang giúp đỡ hai mẹ con tôi, bởi thân phận của ông hiện giờ cũng rất bi đát. Vết thương nặng ở đầu, cùng với hai con mắt đã bị mảnh bom phá huỷ, ông S giờ đây sống trong cảnh tàn phế. Nếu ông S có quay về với mẹ con tôi thì cũng chỉ mang lại sầu khổ cho mẹ con tôi mà thôi. Người mù mắt cần nương tựa vào người sáng mắt để sống, chứ hai người mù, rồi làm sao nuôi được nhau. Ông S đành ngậm ngùi nghe theo gia đình mà không đi tìm hai mẹ con tôi. Nhưng ông đã  nhờ người viết mấy bức thư gửi cho hai mẹ con tôi. Ông S rất buồn bã khi không nhận được hồi âm nào từ phía mẹ con tôi. Cho rằng, mẹ tôi cam phận hoặc đã đi bước nữa, hoặc đã thấy ông S không còn lành lặn nên gian díu thêm khổ mà không liên lạc nữa nên ông S mới đi lấy vợ. Ông S đâu biết rằng chính người nhà của ông đã cầm những bức thư của ông S và giấu biệt đi mà không gửi.

Sau buổi nói chuyện hôm ấy với ông S, tôi đã bỏ về nhà mà không một lời từ biệt với V, người yêu tôi. Thật ra, tôi không thể chịu đựng được sự thật phũ phàng và cay đắng ấy. Tôi đã chạy trốn. Nhưng, cuộc đời vẫn còn phép nhiệm mầu vô bờ. Chính mẹ của V đã đưa ông S và cả V nữa đi tìm tôi ở Lục Nam, Bắc Giang và cho tôi biết thêm phần sự thật đã cứu rỗi cả cuộc đời tôi. V chính là con riêng của mẹ V. Trước khi làm vợ ông S, bà đã có một đứa con ngoài giá thú. Vậy là mối tình giữa tôi và V không hề đứt đoạn mà ông S cùng với mẹ V đã tổ chức cho chúng tôi trong niềm vui sướng khôn tả của gia đình dòng họ. Chỉ buồn một nỗi sau đám cưới của chúng tôi ít lâu, ông S đã qua đời vì vết thương cũ tái phát. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông V đã cầm tay tôi và khóc: "Bố đã chờ đợi giây phút này quá lâu rồi, bố hoàn toàn mãn nguyện. Mong con hãy tha thứ cho bố. Không biết, tới đây, gặp mẹ con ở thế giới bên kia, mẹ con có tha thứ cho bố không".

Bây giờ, hai vợ chồng tôi đang làm việc ở cửa hiệu sửa xe máy cao cấp ở Hà Nội. Thu nhập ổn định và chúng tôi có 3 đứa con ngoan. Hạnh phúc đến với tôi như một phép nhiệm mầu.

Kính thư: Nguyễn Quyết Thắng

Theo ANTG

0 comments: