28 tháng 9, 2012

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: "Chỉ là giấc mơ" với giọng hát Uyên Linh



KỸ NĂNG SỐNG: Từ bi với chính mình



Ngậm ngùi bởi tiếc nuối tuổi trẻ đã trôi qua lúc nào không hay! Ngậm ngùi phải chi hồi đó thế này thế khác... Hình như ta chẳng bao giờ thực sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai. Nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ ! Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú ! Tóm lại, ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại.


 Từ ngày "thế giới phẳng", ta còn sống với đời sống ảo. Ta ngồi đây với bạn nhưng chuyện trò với một người nào khác, cười đùa, nhăn nhó, giận dữ, âu yếm với một người nào khác ở nơi xa. Khi bắt lại câu chuyện thì nhiều khi đã lỡ nhịp! Hiểu ra những điều tầm thường đó, tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa! 
Hiện tại thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai. Dĩ nhiên, không phải trốn chạy già mà hiểu nó, chấp nhận nó, thưởng thức nó. Khi biết "enjoy" nó thì quả có nhiều điều thú vị để phát hiện, để khám phá.
Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75! Vậy sao ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải....nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!
Ta cũng có thể gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch... Cơ thể ta cứ tiến triển theo một "lộ trình" đã được vạch sãn của nó, không cần biết có ta! Mà hình như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ. Trái lại nếu biết thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn. Anh chàng Alexis Zorba nói: " Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn với. Cho nó nghỉ với. Đó là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó ăn, nó nghỉ, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi" (Nikos Kazantzaki).
Từ ngày biết thương "con lừa" của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi... cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá ! Một người cô tôi mắc bệnh "ăn không được", "ăn không biết ngon" vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương bà quá, mua toàn sữa Mỹ mắc tiền cho uống! Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được? Giá nghèo một chút còn hay hơn! Cá kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn bà ăn thấy ngon, thấy sướng! Tôi cũng biết cho con lừa của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như sạc pin vậy. Sạc không đủ ma đòi pin ngon lành sao được!
Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên! (Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền!) trong bài Cư trần lạc đạo, (ở đời mà vui đạo)! Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp !
Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải cảnh giác!

Cũng nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đấu óc bắt đầu kém sắc sảo. Tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai. Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ sắc sảo hoài ai chịu cho nổi! Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe, không thì đóng lại mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy, không thì khép lại. Thế là "căn" hết tiếp xúc được với "trần". Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu, cũng thực tập ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!
Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây hẳn là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành. Cái mà người xưa gọi là "hoa đốm hư không" chính là nó. Tưởng hoa đốm của trời, ai dè trong mắt mình! Chỉnh cái "tưởng" của ta nhiều khi làm hại ta. Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua. Dĩ nhiên có những chuyện phải ra ngô ra khoai, nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.
Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả! 

Tóm lại, chấp nhận mình là mình và Từ Bi với mình một chút. 
(St)

27 tháng 9, 2012

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: Chuyện tình kỳ lạ trong cuộc đời đắng cay của mẹ (Kỳ II)

Chuyện tình kỳ lạ trong cuộc đời cay đắng của mẹ (Kỳ I)

Giấc mơ thiếu nữ và ước vọng trở thành cô giáo dạy văn cấp III của mẹ tôi đã bị dập tắt một cách phũ phàng. Mẹ đối diện với thực tại bi thảm. Không niềm tin vào tình yêu, quá đau đớn bởi sự bội bạc của người tình, và tuyệt vọng vì tình trạng sức khoẻ của bản thân. Mẹ tôi giờ đây trở thành người con gái tàn phế, phải tạm thời rời giảng đường đại học để rong ruổi cùng cha mẹ già trong hành trình đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác với hy vọng phục hồi được chức năng đôi chân.


Mặc dù ông bà ngoại đã gặp Ban giám hiệu nhà trường nơi mẹ đang học đại học để trình bày hoàn cảnh của mẹ và xin bảo lưu kết quả học tập của mẹ trong 1 năm qua nhưng mẹ nhất quyết không bao giờ có ý định trở lại giảng đường để tiếp tục giấc mơ trở thành cô giáo của mình. Mẹ chìm nghỉm trong các bệnh viện, trong những cơn đau đớn thể xác và sự hành hạ ghê gớm về tinh thần. Từ một cô gái sôi nổi, vui tính và nhiều ước mơ, mẹ biến thành một người hoàn toàn khác. Mẹ tự ti, đau khổ, thu mình và luôn nghĩ đến cái chết. Mẹ không buông hy vọng chữa bệnh, phục hồi chức năng nhưng không có nghĩa là mẹ không bám riết lấy ý nghĩ sẽ tìm cách tự tử để kết thúc tình trạng chán chường, bi đát này.

Khi tất cả bạn bè, người thân của mẹ đều không thể đến bên mẹ, ở cùng mẹ và động viên mẹ nhiều được nữa vì họ còn phải trở về bận bịu với công việc học hành, phấn đấu; về với cuộc sống riêng tư thì người còn lại duy nhất sau cùng bên cạnh mẹ, đó là cha. Cha bị đuổi học do nhận là người yêu của mẹ, người gây ra tai nạn và hậu quả đáng tiếc cho mẹ. Cha quyết định đi học nghề và làm thợ sửa chữa xe máy. Những ngày tháng vất vả đó, cha luôn ở bên cạnh mẹ để động viên tinh thần mẹ vượt qua bất hạnh. Ông bà ngoại tôi vẫn căm ghét và hận thù cha, không tha thứ cho tội lỗi của cha nên đã không chấp nhận cho cha tôi đến thăm nom mẹ. Đến lúc này mẹ tôi mới nói ra với ông bà ngoại tôi tất cả sự thật. Ông bà ngoại tôi lặng người bàng hoàng trước những thú nhận của mẹ.

Khi nghe xong câu chuyện của mẹ, ông ngoại tôi đã đã nói với mẹ tôi rằng: “Con ơi, con nợ người ta cả cuộc đời con rồi, cha mẹ còn nợ người ta một gánh nặng oán hận mà cha mẹ đã gieo cho họ. Biết lấy gì để chuộc lỗi đây hả con”. Nói rồi ông ngoại khóc. Ông đi tìm cha tôi rồi quỳ trước mặt cha tôi tạ lỗi. Cuộc gặp gỡ, ông ngoại tôi dứt khoát quỳ trước cha, một chàng thanh niên trẻ chỉ đáng tuổi con của ông để xin cha tôi tha thứ cho sự hiểu lầm và những gì mà ông bà ngoại tôi đã gây ra cho cha tôi. Cha cuống quýt đỡ ông dậy rồi cả cha và ông đều khóc. Cha chỉ nói với ông ngoại tôi một điều duy nhất: “Xin cha cho phép con chăm sóc HT. Con thương cô ấy nhiều lắm”. Cha chỉ nói được có vậy mà ông ngoại tôi lại quỳ xuống đất khóc nức nở.

Cha vừa đi học, vừa đi làm thêm ở trung tâm sửa chữa xe máy. Cuối ngày, cha lại vào viện với mẹ, đi lại chăm sóc mẹ tận tình chu đáo như một người chồng, đó là điều mà cả mẹ, bạn bè của cha và mẹ, của ông bà người thân xung quanh đều không thể lý giải nổi. Một thanh niên trẻ trung, trong trắng, đầy sức sống, chưa từng có người yêu theo đúng nghĩa, lại quyết tâm dành hết tình cảm, tình thương và cả tương lai tươi sáng ở phía trước cho một người con gái đã tàn phế cả cơ thể, lẫn tinh thần bởi những vết sẹo tâm hồn và thể xác không bao giờ liền vết được. Không ai hiểu nổi tại sao cha lại quyết định gắn bó cả cuộc đời với mẹ. Gia đình của cha tôi biết chuyện đã phản đối kịch liệt. Ông bà nội tôi còn lên nhà nói với bà ngoại tôi rằng: “Ông bà đã đau khổ khi gần như mất đi một người con, ông bà đừng để cho chúng tôi cũng đau khổ như ông bà khi mất thêm một đứa con nữa. Chúng tôi không muốn nhìn thấy con mình bất hạnh”.

Mặc cho ông bà nội van xin, khóc lóc, thậm chí dọa từ mặt, cha tôi vẫn thương mẹ tôi, người con gái tật nguyền ngồi trên chiếc xe lăn với bao vết thương lòng vây kín trong tâm hồn. Mẹ tôi không chịu nổi sự đàm tiếu của dư luận, sự phản ứng thường tình của xóm giềng, sự mặc cảm thân phận, mẹ đã bí mật bỏ nhà ra đi trên chiếc xe lăn đau khổ của mẹ. Không ai hình dung được mẹ có thể quyết liệt bỏ nhà ra đi với tình trạng cơ thể như vậy. Mẹ bỏ đi đâu được với hai bàn tay trắng và đôi chân tật nguyền không thể tự vệ sinh cá nhân. Cả nhà đổ đi tìm, cha tôi ngược xuôi tất tả lên những chuyến xe Nam - Bắc để tìm mẹ. Tuyệt nhiên không thấy tăm dạng của mẹ ở nơi đâu. Cả nhà đã nghĩ đến tình huống xấu nhất rất có thể mẹ đã tìm cách tự tử. Ông bà ngoại tôi đi báo công an về sự mất tích của mẹ. Cha tôi ngược xuôi sông ngòi, ngược xuôi những nơi mà cha dự đoán có thể mẹ nghĩ dại mà tìm đến cái chết, hoặc không ngoại trừ tình huống mẹ tá túc ở đâu đó sống cuộc đời ẩn dật để trốn tình cảm của cha, trốn những dằn vặt trong lòng.

Không ai biết được rằng, mẹ đã bí mật nhờ một người quen cùng cảnh ngộ từng điều trị trong bệnh viện với mẹ liên hệ với trung tâm những người khuyết tật ở tận ĐL. Mẹ đã nhờ người quen mua vé xe đưa mẹ lên xe tuyến Bắc - Nam để vào tận trung tâm dành cho người khuyết tật này. Mẹ muốn đi xa quê, rời bỏ quá khứ đau buồn, đoạn tuyệt với cha để cha có thể có cơ hội đến với những người con gái lành lặn khác, để cuộc đời cha có thể có được hạnh phúc đích thực. Chứ không phải là cả đời cha phải chia sẻ bất hạnh và khổ đau với mẹ. Nhưng mẹ đã nhầm. Tình yêu của cha mạnh hơn bão, nặng hơn núi, sâu hơn biển. Cha tìm mẹ ròng rã suốt hai năm. Cứ mấy tháng một lần, khi dành dụm được chút tiền lương từ trung tâm sửa chữa xe máy, cha lại nghỉ vài tuần để đi tìm mẹ.

Cũng may công việc sửa chữa xe máy của cha hồi đó là một công việc rất tốt, thịnh hành, có thu nhập cao. Cha khéo tay, giỏi nghề nên ngoài việc làm ở trung tâm, cha còn có những khách hàng tới nhà để sửa chữa nên tiền cha kiếm được không phải là ít. Thế nhưng ròng rã 2 năm, bao nhiêu tiền kiếm được, cha tiêu phí hết vào chuyện đi tìm mẹ. Không một ai lý giải nổi tình yêu của cha với mẹ. Trong tim cha duy nhất chỉ có mẹ, dù mẹ có tàn phế đến vậy, tâm hồn đã từng nhàu nát vì yêu như vậy thì cha cũng chỉ muốn có mỗi mẹ mà thôi.

Có lẽ ông trời cảm thương tấm lòng mênh mông biển trời của cha, và tình yêu mà cha dành cho mẹ nên đã để hai người tìm thấy nhau chăng. Không có một trung tâm khuyết tật nào mà cha không tìm cách liên lạc hỏi thăm bằng thư từ, bằng điện thoại về một người con gái bị liệt hai chân tên HT, địa chỉ, quê quán cụ thể. Cuối cùng cha đã đến được trung tâm nơi mẹ đang tá túc ở tận miền rừng núi ĐL. Lần đầu tiên sau 2 năm bỏ quê ra đi, gặp cha mẹ bị ngất xỉu. Khi tỉnh lại, cứ thế là khóc, nước mắt tuôn rơi. Mẹ cũng không thể hiểu nổi vì sao cuộc đời từng đắng cay với mẹ lại có thể cho mẹ có được sự ngọt lành. Đó là diễm phúc lớn tình yêu trong sáng, cao thượng và nhiều hy sinh của một chàng trai trẻ tự nguyện yêu thương mẹ, gắn kết cuộc đời lành lặn của họ với cuộc đời tật nguyền của mẹ. Người con trai ấy đã có mặt bên cạnh mẹ những lúc mẹ gặp tai họa, ở bên mẹ khi cuộc đời mẹ chìm trong bể khổ, và vượt qua bao ngăn trở quyết liệt đi tìm mẹ với một tình yêu không gì có thể ngăn trở nổi.

Cha và mẹ đã có được nhau trong hoàn cảnh như vậy, sau bao kiên trì của cha. Để cho mẹ đỡ tự ti với hoàn cảnh và bản thân cha đã ở lại ĐL lập nghiệp. Cha đã xin vào trung tâm khuyết tật làm việc và mở một cửa hiệu sửa chữa xe máy nho nhỏ vừa để kiếm thêm thu nhập nuôi mẹ, vừa để dạy nghề miễn phí cho những người đàn ông khuyết tật tại trung tâm. Cha đã tìm đến được ngôi nhà cho mẹ nương náu và cha đã ở lại hy sinh vì mẹ, để có thể yên tâm thương lo cho mẹ suốt cả cuộc đời. Các cô chú ở trong trung tâm đã đón nhận cha như đón nhận một phép mầu của cuộc đời mẹ, và cả những cuộc đời khuyết tật khác ở trung tâm này. Các anh chị ơi, viết đến đây, tôi bật khóc. Nước mắt hạnh phúc cứ chảy ra giàn giụa trên gương mặt mà không ngăn nổi. Tôi chia sẻ ra những cảm xúc thực lòng này không biết mọi người có cho là tôi tự nhiên quá không. Nhưng đó là những gì tuôn trào trong tôi lúc này. Tự bản thân tôi mỗi lần nghĩ đến cha vẫn run rẩy trong lòng với ý nghĩ tại sao cuộc đời lại may mắn ban cho chúng tôi một người cha có một không hai trên đời như thế.

Cha mẹ sinh ra tôi và một em trai nữa. Hạnh phúc đã ban xuống cuộc đời của mẹ tròn đầy khi cho mẹ hai đứa con của cha. Mặc dù bị liệt nửa người như vậy nhưng khả năng sinh nở và làm mẹ của mẹ vẫn bình thường. Cũng có thể là ông trời đã rón tay làm phúc thêm cho mẹ, để mẹ thực hiện được thiên chức của người phụ nữ, sinh được cho cha hai con. Bù lại cho tình yêu trời biển của cha với mẹ. Mẹ không đi lại được, mọi việc vệ sinh cá nhân, rồi mang thai sinh nở đều do cha phải lo. Chúng tôi ra đời trên tay cha, và cũng chỉ một mình cha là chủ yếu, chăm sóc chúng tôi từ khi còn đỏ hỏn cho đến lúc trưởng thành.

Nhưng cuộc đời của mẹ chưa hết những phép mầu. Khi chúng tôi lên 5 tuổi, cha gặp cha con một cụ thầy lang dân tộc tình cờ khi đi qua đường xe bị hỏng ghé qua cửa hàng cha tôi để sửa chữa. Nhìn thấy mẹ tôi ngồi trên xe lăn, ông thầy lang đã bấm huyệt cho mẹ và sau khi bấm huyệt xong đã quả quyết với cha tôi có thể chữa cho mẹ đi lại được nhưng gia đình phải thật kiên trì. Cha không hy vọng nhiều nhưng vẫn theo cụ vào núi lấy thuốc cho mẹ uống. Sau 1 năm trời ròng rã uống thuốc của cụ lang này, mẹ tôi đã tự đứng dậy và đi lại được. Tự làm được những việc lặt vặt như vệ sinh thân thể cá nhân, rồi đi lại trong nhà. Tuy nhiên do bị liệt khá lâu nên hai chân của mẹ yếu hơn song mẹ đã tự đi lại được khoảng cách ngắn trong nhà đã là một điều quá sức tưởng tượng. Bây giờ hai chân mẹ vẫn yếu, chỉ là đi lại trong nhà thôi, không đi được đâu xa nhưng dù sao mẹ không còn quá phụ thuộc vào chiếc xe lăn nữa. Mẹ quá sung sướng, trẻ khoẻ ra bội phần và càng yêu cha hơn, trân trọng tình cảm của cha đã dành cho mẹ. Mẹ luôn nói với chúng tôi, ông trời đã thương mẹ mà mang cha đến cho mẹ. Cha đã cứu đời mẹ, kiếp này mẹ không trả ơn cho cha nổi. Hạnh phúc của cha mẹ tôi đến lúc này là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu, chiến đấu với số phận. Một hạnh phúc quá lớn không dễ dàng có thể có được.

Cha mẹ tôi đã sống hạnh phúc bên nhau trong gần 25 năm qua. Các con đều đã lớn, có công ăn việc làm. Năm nào tết đến, cả nhà tôi cũng theo cha mẹ về quê ăn tết. Ông bà nội ngoại hai bên đã hết phân vân với cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi và rất tự hào về người con hiếu thảo như cha tôi. Vậy đó, câu chuyện tình kỳ lạ trong cuộc đời của mẹ tôi là vậy. Rất nhiều lần tôi đã tự hỏi trên đời này có được mấy người đàn ông như cha tôi. Thế nhưng, càng lớn lên, đi nhiều, đọc nhiều, tiếp xúc nhiều, tôi cũng hiểu ra rằng, trên đời còn vô vàn những người tốt. Lòng tốt ấy có thể là kỳ lạ, là bất bình thường, thậm chí trái với tự nhiên song vẫn xảy ra và như một phép mầu kỳ diệu mang hạnh phúc đến cho những người không may mắn phải không ạ?.
(CAND)

26 tháng 9, 2012

GÓC LÃNG ĐÃNG: Sa Pa - Thành phố trong sương

Tôi tới Sapa lần đầu tiên năm 1996, trong một chuyến công tác tới Lào Cai. Khi ấy, cả vùng núi non này vẫn còn như một nàng công chúa đang ngái ngủ. Những đỉnh núi mờ sương, những chân đèo heo hút gió, những tấm lưng còng của các cô gái Mèo gùi củi và lương thực... Du lịch chưa phát triển, người dân ở đây khi ấy không biết làm gì để đủ ăn. Lên Sapa trong vòng một ngày, tối về ngủ trong cái nhà khách duy nhất của Lào Cai khi ấy. Vừa ngủ vừa run…

Lần thứ hai lên Sapa năm 2001, mùa khô. Sapa lúc ấy đã dập dìu rất nhiều khách du lịch ngoại quốc. Các bà mẹ và em gái Mèo nói tiếng Kinh không sõi, nhưng đã liến láu không tồi tiếng Anh. Chụp ảnh à, 5$ nhé, hoặc ít nhất 5k nếu bạn là người Việt. 

Sapa mùa khô lạnh quay quắt, sáng sáng hơi sương mờ mịt khắp thung lũng và trên mọi nẻo phố. Tiếng chuông nhà thờ gióng giả... cũng chẳng làm tan được cái không gian bảng lảng như vờn trong mây. 

Đêm thứ 7, chợ tình Sapa nửa cổ nửa kim, các cô gái Mèo Dao vẫn dập dìu áo váy, không còn tiếng khèn môi, các chàng trai Mèo đeo bên mình chiếc đài bán dẫn, vang tiếng chả rõ lời... Khách du lịch khắp phía đổ về sân Nhà thờ, ngó nghiêng hy vọng được nhìn ngắm cuộc sống tình cảm tự do và phóng khoáng, duyên dáng và nồng nhiệt ... Nhưng cuộc sống văn minh đã len lỏi vào tận nơi thâm sơn này; bạn phải trả tiền để được xem cái việc tự nhiên nhất đời là cảnh nam thanh nữ tú (dân tộc) tán tỉnh và quyến rũ lẫn nhau... 

Vẫn còn quá lưu luyến, lại làm một chuyến hành trình tới Sapa. Mùa mưa tháng 8 năm 2007. Đến Lào Cai lúc trời vừa tang tảng sáng, con đường nhựa phẳng lỳ uốn lượn ôm vòng theo những dải núi trùng điệp. Đường lên Sapa không còn cảnh sạt núi lở đất như trước. Đã đi qua rất nhiều những con đèo dọc theo chiều đất nước (Đèo Ngang, Hải Vân, Cù Mông, Ngoạn Mục, Đèo Cả...), chưa ở đâu cảnh "Núi ấp ôm mây, mây ấp núi" lại hiện thực và sống động như trên con đèo này. Những đám mây như bám chặt vào đỉnh núi, không nỡ rời xa...

Sớm Sapa, khí hậu mát mẻ, mưa tí tách qua mái hiên những ngôi nhà mới mọc. Trong khi cả đoàn tranh thủ ngủ bù đêm trước vạ vật trên tàu thì kẻ ham chơi lại vội vàng chạy ào ra phố; cũng vì không đành lòng bỏ phí những ngày ngắn ngủi ở "thành phố trong sương".

Chợ Sapa xanh ngắt rau quả. Susu mập mạp. Đang mùa Táo mèo. Những trái táo nhỏ chua chát nhưng đặc biệt thơm. Táo mèo thái nhỏ, chần qua nước muối cho bớt chát, phơi se se dưới nắng nhẹ, rồi đem ngâm đường hoặc rượu. Tuyệt cú mèo.

Đầu chợ Sapa, một bà mế già rất tươi ngồi bên thúng Xôi Ngũ sắc. Hạt nếp không tròn mập và thơm lừng như nếp dưới xuôi mà thuôn dài. Những hạt nếp được nhuộm bằng củ và lá cây rừng, đỏ, vàng, tím, nâu... rất hấp dẫn. Hai ngàn một bát xôi to.

Chợ thổ cẩm. Những gian hàng thổ cẩm đủ màu sắc sặc sỡ. Những bà mế già móm mém ngồi bán hàng. Miệng chào mời mà tay cầm kim thêu thêu thoăn thoắt. Tuyệt nhiên không thấy các cô Gái Mèo thêu nữa. Mỗi cô chỉ cầm một nắm sợi đay, vừa bán hàng vừa chuốt và nối sợi không cần nhìn.

Đáng yêu nhất của Sapa không chỉ là không khí trong lành và se lạnh. Mà còn là vẻ mặt lúc nào cũng thật tươi tắn, rộn ràng và rạng rỡ của những cô gái, những em bé, những bà mẹ ... dân tộc Mèo, Dao. Dường như sự mệt mỏi của mưu sinh và những bon chen thường nhật không thấm được vào họ. Mà cũng có thể chỉ vì một cuộc sống dung dị và đơn giản đã khiến họ có cái vẻ tự tại đó chăng? Quàng chiếc váy Mèo hoa dập dìu ra ngoài quần jean, nhận được không biết bao nhiêu lời khen ngợi và hỏi thăm của chính những người phụ nữ dân tộc đáng mến ấy.

Núi Hàm Rồng. Một công trình kết hợp khá nhuần nhị giữa thiên tạo và nhân tạo. Đứng trên đỉnh núi, nơi còn được gọi là "sân mây", có thể nhìn thấy toàn cảnh Sapa trong mây. Những đám mây bay ùn ùn đến, phủ mờ kín chân núi, rồi lại bị gió thổi bạt đi. Ta đang đứng trên mây và trong mây. Vào hôm trời quang, có thể nhìn thấy đỉnh Phanxipang ngạo nghễ giữa lưng chừng trời.

Đêm Sapa. Nhiệt độ thay đổi tới 4 mùa trong ngày. Đêm co ro trong cái lạnh, ngồi cạnh một bếp lửa hồng với cô em bán hàng má đỏ hây, ăn cơm lam nướng, thịt lợn xiên nướng, trứng vịt lộn nướng, ngô nướng, nhấp một chút rượu sán nùng hay táo mèo, thấy cuộc sống như đang dừng lại.

Nhớ Sapa, nhớ hôm vào Bản Tả Phìn, các cô bé Dao má đỏ như trái táo, nói chuyện nửa kinh nửa dân tộc líu lo. Mua cho các em ít bánh, chúng sung sướng bóc bánh chia khắp cho lũ trẻ trong bản, đứa nào cũng có phần. Thấy cái vẻ hồn nhiên của chúng sao mà đáng yêu thế. Cô bé Dao nhỏ nhất, đang học lớp 5, dẫn về nhà em. Lặng người khi bước vào nhà, dù đã chuẩn bị tâm lý sẵn. Không thấy thương các em bằng thương bản thân mình. Sao phải bon chen?

Lần này lên Sapa, thấy người dân tộc đã biết cách cùng chung sống với khách du lịch hơn. Không còn mấy cảnh chèo kéo xin xỏ. Khắp nơi những chàng trai cô gái, những đứa trẻ,... diện quần áo dân tộc (mà theo lời lũ trẻ là, chúng em đi bán hàng nên mới mặc quần áo dân tộc), tự tin trò chuyện, cười đùa và hỏi thăm du khách. Ảnh chụp thoải mái. Cho gì các em cũng nhận với một vẻ hàm ơn như nhau, bất kể là bánh kẹo hay tiền. Có lẽ không phải khách nào cũng mua đồ cho các em, và tôi chẳng thấy chúng hậm hực hay lộ vẻ khó chịu như cảnh thường thấy dưới xuôi.

Nhắc tới, lại thấy muốn lên Sapa mùa lạnh này.

Đặng Thanh Vân (Thanhs)


MIẾNG VỠ MẢNH ĐỜI: Cụ bà 90 tuổi bại liệt sống dựa vào con mù lòa, ngớ ngẩn

“Thương thay cũng một kiếp người”
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Kia vào một buổi chiều muộn.

Ngôi nhà của cụ Kia không có cửa mà được che chắn phập phành bằng bạt và mấy tấm phên cũ. Bên trong là xoong nồi nằm lăn lóc, nham nhở quần áo, dép guốc, bao bì, cỏ cây khô… và những thứ hỗn độn khác nằm chen lấn lối đi. Bóng tối và đủ mùi hôi hám chiếm lĩnh hết không gian. Ở giữa gian nhà, một đống củi dở khô dở ướt nằm bên bếp than bụi bặm, khói mù mịt.
Trên chiếc giường với manh chiếu rách rưới, cụ Kia đang nằm thở yếu ớt, chân tay co quắp, mắt đầy những ghèn. Thân hình khô đét của cụ bất động trên đống quần áo ruồi nhặng bu đầy. Thỉnh thoảng hai tay cụ khẽ quờ quạng, đôi mắt mấp máy như người đã thiếu ăn, thiếu uống từ rất lâu…

Cùng ở trong nhà, bà Trần Thị Thiên (68 tuổi, con gái cụ Kia) bị mù lòa đang mò mẫm hai tay dưới nền nhà, lần kiếm cây đèn và quẹt lửa để nhóm bếp nấu cơm tối. Khuôn mặt bà Thiên đen thui, nhem nhốc màu than củi.

Trong căn nhà trống tuềnh toàng, chúng tôi kiếm tìm quanh chỉ thấy một cái cốc uống nước bằng nhựa mất quai chẳng mấy sạch sẽ. Nhà cụ Kia không có điện cũng không có nước để uống…

Sống vì lo mình chết thì con chết theo

Cố gượng người dậy, cụ Kia quệt vội những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt hốc hác, tiều tụy kể: “Khổ lắm! Nhiều bữa bà con hàng xóm đi ra đồng hết nên không có ai để nhờ đi chợ, gửi mua ít tôm tép, bó rau về nấu ăn. Già mới nhờ hắn (con gái-PV) đi chợ. Từ nhà đến chợ chỉ cách có 4 cây số nhưng hắn đi từ nửa buổi trưa đến 3-4 giờ chiều, có chị hàng xóm đi làm đồng về thấy té ngửa ngoài đầu đường nên dẫn về giùm. Cả ngày hôm ấy phải nhịn ăn… Bà con thương tình đem đến gói mì tôm cho ăn qua bữa”.

Hướng đôi mắt mờ đục về phía có tiếng động (phía con gái), cụ nói trong hơi thở đứt quãng: “Già, già lớn tuổi rồi. Già có chết cũng được. Nhưng già chỉ sợ khi già chết đi thì ai sẽ lo cho hắn. Hắn ngớ ngẩn đã đành lại thêm mù lòa nữa chắc khó mà sống lâu được. Già có cần cái chi nhiều đâu. Già chỉ mong sao có chỗ mô đó thương tình dẫn con gái già vào nuôi giùm cái. Nếu già đi thì ít lâu sau hắn cũng đi theo già cho coi…”.

Người dân xóm nghèo này đã quá quen thuộc với hoàn cảnh hai mẹ con cụ Kia hằng ngày phải dìu nhau lê lết, thậm chí bò cả trên nền đất để thổi lửa, nấu cơm, nấu cháo lấy miếng ăn “tồn tại” qua ngày.

Ông Nguyễn Diện (85 tuổi, hàng xóm với cụ Kia) nói: “Cùng là bạn già với nhau nên tui hiểu rõ nỗi khổ của bả (cụ Kia-PV). Sống sao được với mấy đồng trợ cấp, mấy ký gạo hỗ trợ. Nuôi thân đã không đủ lại còn đèo bòng thêm cô con gái… Bà con nơi đây ai cũng thương cho hoàn cảnh bả hết nên thường xuyên cử người qua chăm sóc, giúp đỡ. Bả yếu lắm rồi. Lỡ bả có đi nửa đêm cũng không ai hay biết… Nghĩ mà thương!”.

Ông Nguyễn Vinh, Tổ trưởng tổ 5 cho biết: “Ở cái xã nghèo này thì gia đình cụ Kia là khổ nhất. Cụ được liệt vào diện hộ nghèo đặc biệt nhận trợ cấp 180.000đ/tháng và các suất hỗ trợ khẩn cấp khác. Địa phương còn nghèo, còn nhiều người khốn khó, sự giúp đỡ cũng chỉ có vậy”.

Màn đêm buông xuống, ánh đèn dầu hiu hắt không đủ để soi tỏ 2 gương mặt mờ nhạt....

Mong nhận được những tấm lòng hảo tâm của mọi người!
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Cụ Nguyễn Thị Kia, Tổ 5, Thôn Hưng Lộc, Xã Bình Định Nam, Huyện Thăng Bình, Tỉnh Quảng Nam.


25 tháng 9, 2012

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Truyện rất ngắn



Hễ nhà có dịp dự đám, nó thường vòi vĩnh xin theo. Thấy nhà bạn có giỗ vui vầy, nó thắc mắc với bà: “Sao nhà mình không có giỗ như nhà người ta hả nội?”. Nội mỉm cười rồi cốc vào đầu nó: “Khi nào bà mất thì cháu sẽ được ăn giỗ, cháu có vui không?”. Nó giật mình, thàng thốt .

Bây giờ nhà nó cũng có giỗ. Mọi người xúm xít quây quần. Riêng nó thấy buồn, ray rứt. Giá mà nó được gặp lại bà, dù chỉ một lần, bà ơi!
(St)

KỸ NĂNG SỐNG: Cam siêu rẻ tràn phố Hà Nội


Giá bán mỗi kg từ 10.000 đến 15.000 đồng và được quảng cáo là "cam ngọt Hà Giang", nhưng theo những người trong nghề, thực chất đây là loại cam nhập từ Trung Quốc, chưa rõ chất lượng.

Trên các tuyến đường ven đô, xe bán cam rong xuất hiện nhiều.
Tất cả những người bán hàng đều khẳng định đây là loại cam ngọt của Hà Giang.
Nhưng giá không quá 15.000 đồng một kg.
Một kg cam loại này được tầm 4 đến 5 quả, có nơi bán với giá chỉ 5.000 hoặc 7.000 đồng, tương đương 1.000 đồng mỗi quả.
Một người bán dạo tiết lộ, mỗi ngày anh bán được trên một tạ, doanh thu hơn 1,5 triệu đồng.
Theo những người bán trái cây trong quầy, loại cam giá rẻ trên là của Trung Quốc, với giá nhập chỉ từ 3.000 đến 6.000 đồng/kg. Loại cam Trung Quốc vỏ mỏng, màu xanh hơi vàng, tép rất mọng nước, màu vàng chanh và đặc biệt là không có hạt. Ảnh bên trái là quả cam khi vừa bổ ra, còn ảnh phải là cam sau khi đã để hơn một ngày trong phòng.
Loại cam Sài Gòn có vỏ dày hơn, sần sùi, màu sẫm và khi bổ ra có hạt. Màu sắc thịt cam cũng đậm hơn so với cam Trung Quốc. Giá hiện nay dao động từ 40.000 đến 60.000 đồng/kg, tính ra mỗi quả cam Sài Gòn có giá bằng... một kg "cam ngọt Hà Giang".
Cam nguồn gốc không rõ ràng là loại quả mới xuất hiện, sau khi người tiêu dùng được cảnh báo về lựu, nho chứa hóa chất độc từ Trung Quốc. Những quả lựu to, nhìn căng mọng và nặng khoảng 0,5 kg với giá bán 20.000 đồng/kg được người bán hàng giới thiệu là trồng ở quê.
Câu hỏi đầu tiên của nhiều bà nội trợ đặt ra cho các hàng bán rong là nguồn gốc, có phải từ Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, những mặt hàng này vẫn khá hút khách hàng thu nhập thấp.
(vnexpress)

24 tháng 9, 2012

KỸ NĂNG SỐNG: Cha giàu, cha nghèo – những điều không thể bỏ qua


Chào bác bạn. Chắc hẳn ai trong số chúng ta tìm hiểu về khoa học làm giàu đều một lần nghe đến cuốn sách Dạy con làm giàu của Robert T Kiyosaki. Để giúp những thành viên chưa từng một lần đọc cuốn sách này, mình sẽ tóm lược một số phần quan trọng và cảm thấy tâm đắc nhất trong sách để giúp các bạn, các  bậc phụ huynh có thêm nguồn tham khảo về một trong những lĩnh vực cần dạy con trẻ trước khi bước vào đời. Không những thế, những kiến thức quý báu trong cuốn sách có thể giúp thay đổi đáng kể bản thân chúng ta đấy!
Trong cuốn sách “Dạy con làm giàu” (Rich dad, poor dad) của Robert T Kiyosaki, tác giả luôn đưa ra tự tương phản giữa hai người cha của ông, một người giàu và một người nghèo – một người cha ruột và một người cha nuôi (cha của Mike – bạn Kiyosaki). Cha ruột Kiyosaki đã có bằng thạc sĩ, còn người cha nuôi thì chưa học hết lớp tám, nhưng cả hai người đều thành công trong sự nghiệp và có ảnh hưởng đến người khác. 
Cả hai đều khuyên bảo ông rất nhiều điều, nhưng những lời khuyên đó không giống nhau. Cả hai đều tin tưởng mãnh liệt vào sự học nhưng lại khuyên ông học những khóa học khác nhau. Song, chính hai người cha đó đã chỉ cho con cái của họ và sau này là chúng ta – những độc giả yêu mến Kiyosaki thấy được những quan điểm trái ngược nhau giữa một người giàu và một người nghèo, từ đó mọi người sẽ suy nghĩ, so sánh và lựa chọn những hướng đi đúng đắn bản thân.
Cả hai người cha này đều có một điểm chung là khi bắt đầu tạo dựng sự nghiệp, họ đều phải đấu tranh với chuyện tiền nong, nhưng họ có những quan điểm khác nhau 180 độ về tiền bạc. Sau đây mình sẽ liệt kê cho mọi người thấy một số điểm khác biệt giữa cách nghĩ của một người cha giàu và một người cha nghèo như thế nào nhé.
Cha nghèo
Cha giàu
- Ham mê tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu;
- “Con không mua nổi thứ ấy đâu”.

- Khuyên con phải học cho giỏi thì mới được làm việc ở những công ty tốt;
- “Ngôi nhà là số đầu tư nhiều nhất và là tài sản lớn nhất của gia đình”;
- Trả hóa đơn đúng hạn nhưng là người trả đầu tiên;
- Vật lộn để tiết kiệm từng đồng một;
- Dạy con cách viết một lá đơn xin việc thế nào cho ấn tượng để có thể tìm được việc làm tốt;
- Nói với con: “Con sẽ không bao giờ giàu lên nổi”;
- Muốn con học hành chăm chỉ, có thứ hạng chuyên môn cao để có công việc tốt, kiếm được nhiều tiền.
- Dạy con làm việc vì tiền.
...
- Thiếu thốn tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu;
- “Nghĩ xem làm thế nào để mua được thứ đó”.
- Khuyên con học cho giỏi thì mới mua được những công ty tốt;
- “Ngôi nhà cũng là một khoản tiền phải trả, và nếu ngôi nhà là khoản đầu tư lớn nhất của con thì con gặp rắc rối rồi đây”;
- Trả hóa đơn đúng hạn nhưng là người trả sau cùng;
- Chỉ làm một việc đơn giản là đầu tư.
- Dạy con cách viết một dự án kinh doanh tài chính như thế nào để có thể tạo ra công việc.
- “Con là một người giàu, mà người giàu thì không làm những việc đó...”
- Khuyến khích con học để trở nên giàu có, để hiểu tiền bạc làm việc như thế nào và học cách bắt tiền bạc phải làm việc cho mình;
- Dạy con bắt tiền bạc làm việc cho mình;
...


Ngoài ra, ở những chương đầu tiên của cuốn sách, người cha giàu còn dạy con cái cách thức tránh được những cạm bẫy lớn nhất của cuộc đời liên quan đến tiền bạc; dạy con không làm việc vì tiền; cách nhìn ra cơ hội mà người khác không thấy...
Có vẻn vẹn 6 bài học lặp đi lặp lại theo thứ tự đơn giản mà người cha nuôi – cha giàu đã dạy cho Robert Kiyosaki và được ông trình bày tỉ mỉ trong cuốn sách này thôi. Mình sẽ giúp những ai chưa từng đọc “Dạy con làm giàu” từ từ nắm bắt nội dung và những giá trị cốt lõi tác giả truyền tải trong cuốn sách.
(hoclamgiau)

21 tháng 9, 2012

GÓC LÃNG ĐÃNG: Đàn ông như thế mới là đàn ông

Bình sinh, cho đến bây giờ đã sang bên kia dốc cuộc đời, mình vẫn thường tự cho mình là kẻ không đến nỗi phải xấu hổ, với danh phận của một thằng đàn ông.



Trong mắt vợ, mình là một người đàn ông đích thực, đáng để chăm sóc yêu chiều. Trong mắt mình, mình là thằng đàn ông hơn rất nhiều thằng đàn ông khác. Mặc kệ chuyện thiên hạ thờ ơ với thiên phận đàn ông, riêng mình, thầm tự đắc về cái chất đàn ông của mình.

Ấy thế mà bỗng có một ngày đẹp trời, trên một phiên chợ vùng cao, mình bị choáng váng vì tự thấy xấu hổ với mình, khi ngồi nghe trộm câu chuyện của hai người đàn ông xa lạ.
Bên một chiếc bàn gỗ mốc thếch, mình ngồi uống rượu với một người bạn. Anh này thạo nhiều thứ tiếng dân tộc, vì đã một thời chuyên đi thu mua nấm rừng, thảo quả trong các bản làng, xuất sang Trung Quốc.


Bàn bên cạnh, có hai người đàn ông mặc quần áo chàm, vừa nốc từng bát rượu đầy, vừa chằm chằm nhìn vào mặt nhau. Ngồi né ra xa một chút, là một người phụ nữ váy áo thêu xanh đỏ, khắp người đeo không biết bao nhiêu vòng bạc lủng lẳng.

Suốt đến gần nửa tiếng đồng hồ, chỉ thấy có một anh chàng nói, khi thì giận dữ khi thì nghẹn ngào, có lúc lại đắm chìm trong ưu tư như bị men rượu nhấn chìm.

Can rượu to trên bàn đã vơi quá nửa, bỗng hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau, nức lên rưng rức. Cái bàn ọp ẹp chao nghiêng làm hai bát rượu đổ tóe ra sàn.

Lẳng lặng nhìn hai gã đàn ông quá say, người đàn bà cúi xuống, nhặt những chiếc bát đặt lên bàn, rồi lẳng lặng mở nút cái can nhựa cao đến hai gang tay, nghiêng can rót rượu đầy tràn hai miệng bát.

Xong xuôi, lại trở về chỗ, lẳng lặng nhìn bâng quơ ra rặng núi giăng ngang trước mặt.
Thấy cảnh lạ lùng, mình thì thầm hỏi anh bạn xem chuyện gì đang xảy ra.
Thì ra hai gã đàn ông này chính là “tình địch” của nhau, theo cái cách định nghĩa ngu ngốc của người dưới xuôi chúng ta. Một anh là chồng, còn một anh là người yêu cũ của người đàn bà đang ngồi đây.

Nhìn kỹ ra thì cô vẫn còn khá trẻ, nhưng vẻ tiều tụy và cam chịu, làm cho ta nghĩ rằng đấy đã là một thiếu phụ nhan sắc đang tàn.

Chiều tối ngày hôm qua họ đã xuống đến chợ. Như nhiều đôi khác, hai vợ chồng này buộc ngựa vào một góc bên quán, ăn một bữa no nê rồi chia tay nhau.

Sáng hôm nay, họ lại tìm về quán cũ theo lệ thường, để rồi sẽ lại ăn một bữa, trước khi túc tắc dắt ngựa đi về.

Thế nhưng lần này, cô vợ không về quán một mình, mà dẫn theo anh người yêu cũ.
Thế là ba người ngồi cùng nhau. Hai người đàn ông và một người đàn bà.


Anh bạn mình ngồi xây mặt ra cửa, nhưng căng tai về phía bàn bên để nghe và cố hạ giọng dịch cho mình nghe, từng câu nhát gừng đứt quãng của người đàn ông, đang vừa nói vừa uống một cách đầy bức xúc.

Anh bạn mình còn phải tóm tắt cả câu chuyện đã xảy ra trước khi tôi hỏi, thế nhưng vẫn theo kịp được khúc sau, vì anh kia cứ nói một câu lại uống một hớp, rồi lại gật gật cái đầu, như đang cố vắt ra các ý nghĩ lộn xộn, nằm đâu đó bên trong óc mình.

Mình vừa nín thở để nghe và cố sắp xếp các lời dịch của anh bạn. Cuối cùng, thì mình hiểu được đại khái câu chuyện giữa hai người đàn ông: Một người chỉ nói, vừa nói vừa nghẹn ngào, một người cúi gằm mặt xuống vừa nghe vừa cắn chặt hàm răng. Bỏ qua những câu vòng vo mà mình không nhớ, mà cũng không hiểu hết ý, thì tóm tắt lại là như sau:

- Thằng Xín Thau kia, mày uống hết cái bát ấy đi rồi nghe tao nói. Suốt đêm qua tao đau tức cái tim, đau quặn cái ruột. Tao đi theo vợ mày về đây tìm mày!.
- ............
- Cái ngày bố mày theo ông thầy cúng, đưa mày đến đón vợ mày về, tao buồn muốn chết. Tao đã bắn hết cả một túi thuốc, nhồi hết đạn chì thì nhồi sỏi sạn vào mà bắn. Đáy nòng vỡ ra, sẹo trên má tao vẫn còn đây này!.
- ............
- Sau khi cưới, vợ mày nó bảo rằng tao đừng buồn, mày thương vợ lắm. Tao tin nó quá, thế là tao vui!.
- ..............
- Phiên chợ trước, tao được tin nhắn là phiên này vợ chồng nhà mày sẽ đi. Tao đắp vội mấy khúc bờ ruộng cho xong, tao bỏ cái đám cưới trong bản để ra đây gặp vợ mày!.
- .............
- Mày phải biết. Khi đi ra chợ tao vui quá, bỏ không bắn hai con chim to trên cành, bỏ không bắn một con nhím to trong bụi. Tao chỉ nghĩ đến cái lúc được gặp vợ mày. Thật đấy. Tao vẫn còn thương con vợ mày lắm mà!.
- .............
- Đến lúc tao tìm được con vợ mày, tao vui đến chảy cả nước mắt. Tao lại hát lại cái bài, mà ngày xưa lần đầu, tao hát vào bên tai con vợ mày, cái đêm đầu tiên tao gặp được nó!.
- ..............
- Thế mà, dắt nhau đi rồi, đèn tao chiếu vào tận mặt, mà tao không còn nhận ra nó là cô con gái đẹp nhất bản. Giàng ơi!. Ngày xưa cái mặt ấy tròn như trăng rằm, hai cái vú nó tròn to như hai quả dưa chín, cái tay nó đẹp như mình con trăn trên cây, tiếng nó cười hay như chim hót làm nắng cũng cười theo, cái váy nó thơm như hoa rừng làm bướm cũng bay theo!.
- ..............
- Giàng ơi!. Đêm qua tao chỉ thấy mặt nó cong méo như trăng hạ tuần, ngực nó nhăn như hai quả bí héo. Nó không cười, nó chỉ muốn khóc. Tao đau cái tim tao quá! Giàng ơi!.
- ................
- Mày nói đi!. Là thằng đàn ông, mắt mày có nhìn thấy vợ mày nó khổ hay không? Là thằng đàn ông, mày có thấy vợ mày nó buồn hay không?.
- ...............
- Mày là thằng tốt số nhất đời!. Mày sinh vào lúc nào mà mày lấy được vợ mày?. Mày thật là có cái tội to!. Hôm nay tao định đánh mày, tao thương con vợ mày quá!.
- ................
- Lần này tao mang hai bao ngô giống. Tao không bán nữa. Mày mang về đi mà trồng. Phiên chợ sau tao gửi phân bón vào cho!
- .................
- Đến kỳ ngô ra bắp tao bảo mày cách đặt bẫy. Tao có bài thuốc, bẫy sập là lợn rừng ngấm thuốc không chạy được đâu!. Tao sẽ cho mày!. Nếu nhím sập bẫy, mày bắt nguyên cả con mang ra chợ. Có người mua ngay. Ba cái dạ dày nhím sống, là đổi được một con lợn giống to!..
- ................
- Mày không được lười. Mày đói thì tao kệ mày, nhưng vợ mày thiếu thóc, thiếu ngô là tao đánh mày đấy!.
- ..............
- Thằng Xín Thau kia!. Mày có phải là thằng đàn ông hay không?
- ..............
Nhìn hai gã đàn ông gục đầu vào nhau, rưng rức khóc trên hai bát rượu đã cạn khô, mình thấy thật là khó tả. Nhìn sang người đàn bà lẳng lặng ngồi bên, mình không đọc được những ý nghĩ gì đang ẩn hiện trong đầu cô ta. Phải chăng là vừa hạnh phúc vừa tủi thân, phải chăng là vừa ái ngại vừa thương xót cho cả hai gã đàn ông của cô?


Rất lâu về sau, một lần mình đem câu chuyện này kể cho vợ nghe. Vợ mình thở dài, cầm cái điều khiển tắt phụt màn hình vô tuyến, đang lải nhải vô duyên và bâng quơ nói:
- Đàn ông như thế mới là đàn ông!

(MTH)


KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Đẹp mê hồn Hà Nội mùa lá vàng trải thảm

Hà Nội vào thu, những hàng sấu trên các tuyến phố như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay,… bắt đầu trút lá vàng. Cả đoạn đường trải thảm một màu vàng tươi. Những gánh hàng rong, những bước chân học trò, hình ảnh lũ trẻ nô đùa với lá... tạo thành bức tranh thu tuyệt đẹp của thủ đô.


Hà Nội bắt đầu vào mùa sấu trút lá vàng.
Khắp các tuyến phố như Trần Phú, Phan Đình Phùng, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng... được trải một lớp thảm màu vàng ruộm.
Lá vàng vương vấn những bước chân học trò...
Lá vàng quấn theo chân gánh hàng rong.
Gió thu gom lá vàng bên vệ đường.
Lúc những trái sấu bắt đầu chín vàng và rụng xuống cũng là lúc lá vàng trút xuống.
Những hình ảnh đặc trưng của mùa thu Hà Nội.
(ST)

20 tháng 9, 2012

KỸ NĂNG SỐNG: Tránh xa những thói quen xấu trong bữa tối


Ở Việt Nam, bữa tối thường là bữa chính, vì vậy các bà nội trợ chuẩn bị khá nhiều thức ăn cho gia đình mình.
Bạn đói và bạn thèm ăn mọi thứ, vậy là bạn ăn bất cứ thứ gì mình thấy. Như vậy có tốt không? Câu trả lời là không. Bởi đây chỉ là một trong những thói quen xấu mà chị em cần bỏ qua.
 
Bạn bắt đầu ngày mới với một bữa sáng lành mạnh nhằm cung cấp năng lượng để làm việc cả ngày. Đến trưa, bạn dành cho mình một bữa ăn nhẹ như salad, hoa quả...
 
Nhưng vào bữa tối, sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn cảm thấy rất đói và sẵn sàng ăn bất cứ món ăn nào có sẵn trên bàn ăn. Điều đó sẽ làm tăng trọng lượng cơ thể, gây ra một số bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
 
Đây đúng là một sai lầm khá nghiêm trọng và bạn cần sửa ngay. Ngoài ra, bạn cũng nên biết thêm một số thói quen bị cho là không tốt và không khoa học đối với sức khỏe.
 
Ăn quá nhiều
 
Ở Việt Nam, bữa tối thường là bữa chính, vì vậy các bà nội trợ chuẩn bị khá nhiều thức ăn cho gia đình mình.
 
Lối sinh hoạt đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất của gia đình bạn. Bởi, buổi tối thường là thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Nếu tiếp nhận quá nhiều chất dinh dưỡng, cơ thể bạn sẽ không thể hấp thụ hết. Điều đó sẽ gây ra nhiều bệnh như béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp…
 
Vì vậy, bữa tối bạn chỉ nên ăn vừa phải mà thôi.
 
Ăn quá ít
 
Ý thức được rằng ăn quá nhiều vào buổi tối sẽ không tốt, nhiều người lại chọn cách ăn thật ít nhằm mục đích hoặc là giảm cân hoặc là tránh bị béo phì.
 
Nhưng chúng ta không thể ăn quá ít bởi sự trao đổi chất của cơ thể diễn ra liên tục. Bạn sẽ cảm thấy đói cồn cào vào ban đêm, vậy là nếu bạn tự thưởng cho mình một bữa ăn no nê thì sẽ đồng nghĩa với việc công cuộc giảm cân của bạn thất bại và thậm chí còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
 
Vậy nên, bạn cần dừng lại ngay chế độ ăn kiêng không khoa học đó nhé. Thay vào đó, bạn hãy lên một thực đơn cân bằng với đầy đủ dưỡng chất vào ban ngày. Còn bữa tối, hãy áp dụng cho mình những bữa ăn nhẹ vừa đủ để bạn không bị quá no hoặc quá đói.
 
Không ăn rau, trái cây
 
Trong thành phần của rau, trái cây có nhiều vitamin, chất xơ và rất ít calo. Ăn nhiều rau và trái cây giúp da bạn hồng hào, sáng mịn. Chất xơ trong rau tạo điều kiện cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru đồng thời cũng giúp hệ tim mạch phát triển khỏe mạnh.
 
Mỗi tối, thay vì những thực phẩm nhiều đạm, đường, chất béo thì bạn nên ăn nhiều rau hơn.
 
Ăn quá muộn
 
Một bữa ăn quá muộn và quá nhiều chất dinh dưỡng cũng góp phần trong các nguyên nhân gây ra bệnh như sỏi thận, dạ dày, béo phì...
 
Đi ngủ với “ cái bụng căng tròn” sẽ khiến cơ thể bạn dễ bị rối loạn. Bởi lúc ngủ cũng là lúc các dây thần kinh và các hệ trao đổi chất trong cơ thể cần nghỉ ngơi. Ăn quá nhiều trước khi đi ngủ sẽ khiến lượng thức ăn trong dạ dày không được tiêu hóa hết.
 
Vậy nên, hãy tạo cho mình những thói quen tốt trong ăn uống, nhất là với bữa ăn tối để luôn khỏe mạnh nhé.
 
(Afamily)

XẢ STRESSSSSSSSSSS








19 tháng 9, 2012

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Bài hát hay "Nhìn những mùa thu đi"

Nhìn những mùa thu đi  là nhạc phẩm bất tử về mùa thu mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho kho tàng âm nhạc VN. 

"Nhìn những mùa thu đi 
em nghe sầu lên trong nắng và lá rụng ngoài song 
nghe tên mình vào quên lãng 
nghe tháng ngày chết trong thu vàng .."




"...Nhìn những lần thu đi 
tay trơn buồn ôm nuối tiếc 
nghe gió lạnh về đêm 
hai mươi sầu dâng mắt biếc 
thương cho người rồi lạnh lùng riêng..."  

Có rất nhiều ca khúc lấy hình ảnh là một buổi chiều thu, nhưng trong Nhìn những mùa thu đi  mua thu hiện ra rất chậm “đơn côi bàn tay quên lối, đưa em về nắng vương nhè nhẹ”. Trong cuộc đời của mỗi con người, ai rồi cũng sẽ phải đón nhận những mùa thu đi qua và “nghe tên mình vào quên lãng”. Mùa thu đến và đi để lại bao cảm xúc bâng khuâng, ngậm ngùi. 

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Chuyện tình Chứng & Khoán

Sau khi vợ chồng Chứng - Khoán bị bắt, con cháu bơ vơ, nheo nhóc. Một bọn cơ hội, tạm đặt tên là “Hội bán khống” cũng nhân đó dậu đổ bìm leo.



Đã lâu lắm rồi, không rõ ở vùng nào, một phú ông có cô con gái tên Khoán đã đến tuổi gả chồng. Phú ông kén rể rất lạ: Ai mà chăn con cóc không nhảy ra khỏi đĩa trong một tuần hương thì người đó sẽ được làm rể.
    Đã có nhiều người trong vùng đến thử tài nhưng đều thua cuộc.
    Một dịp, có chàng trai tên Chứng đến làm công cho phú ông. Chàng trai khỏe mạnh, lại thông minh nên con gái phú ông yêu mến lắm…
    Ngày kia, phú ông lại tổ chức kén rể. Hôm thi tài, thấy chàng trai làm công tham dự, phú ông lên mặt bảo:
    - Mày thi không được thì công mày làm lâu nay không được tính, rõ chưa!
    Chứng mới hỏi lại:
    - Thế nếu con thi mà thành thì ông tính thế nào?
    Trước nhiều người, phú ông không thể nói khác, bèn cao giọng:
    - Thì mày lấy con gái ông, ông còn nhường cả tài sản cho mày.
    Cuộc thi diễn ra thật hấp dẫn. Phú ông sai con gái đem ra một lồng cóc thả vào đĩa. Các ứng viên, mỗi người một cái que mà chăn. Que thì bé, đĩa thì nông, nên thoắt một cái, nó nhảy ra khỏi đĩa. Đã có đến mười người thi đều thất bại. Đến lượt Chứng thì trong lồng chỉ còn con cóc cuối cùng. Lạ thay, khi được bỏ vào đĩa, cóc ngồi lim dim, chốc chốc lại gật gù có vẻ khoái trá lắm! 
    Đã trót mạnh mồm, phú ông buộc phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nhưng trong bụng suy nghĩ lung lắm: quái lạ, cóc có phải nắm xôi đâu mà ngồi im như thóc thế nhỉ? 
    Dân làng cũng lấy đó làm sự lạ mà bàn tán mãi không thôi. Chỉ có Chứng và Khoán là nháy mắt nhìn nhau. Hóa ra, trước khi đem lồng cóc ra, Khoán đã nhét vào miệng một con mấy vê thuốc lào. Cóc say thuốc “tự phê” trong đĩa, mắt chớp chớp, miệng đớp đớp y như cái anh gì ngồi múa trong xe ô tô mà dân tình bàn tán vừa rồi.
    Những bài học rút ra từ câu chuyện này: Thứ nhất, trong các chuyện cổ tích, tất cả những người nghèo đều… giỏi. Địa chủ, phú ông, quan lại… thi thố gì đều mắc lỡm họ cả (chả hiểu tại sao, họ giỏi mà cứ nghèo?). Thứ hai, những người nghèo này rất hay kiếm được món thừa kế rất sộp. Thứ ba, làm gì thì làm, muốn chắc thành công thì phải có… tay trong!
    Và như mọi câu chuyện khác, chàng trai nghèo và con gái phú ông nên vợ nên chồng, tiếp quản tài sản của bố vợ rồi đẻ ra một lũ con cháu lít nhít… Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Một ngày, vùng ấy bị tấn công. Lực lượng này sử dụng toàn… xe Tăng. Những chiếc xe Tăng cực kỳ hiện đại: loại xe Tăng chạy bằng Xăng gọi là Xăng Tăng; xe Tăng chạy bằng dầu gọi là Dầu Tăng; rồi thì Điện Tăng, Gas Tăng, Vàng Tăng… vân vân và vân vân...
    Như thường lệ, sau những choáng váng ban đầu, dân làng đào hầm vót chông, sôi sục chống Tăng. Ngay cả kế sách vườn không nhà trống (không ăn gì) cũng được đem ra sử dụng. Nhưng đói quá không chịu nổi nên kế này đành bỏ…
    Lại nói đến gia đình Chứng - Khoán. Từ khi được tiếp quản tài sản của phú ông thì ruộng cả ao liền, trâu bò dê chó cứ tự nảy nở sinh sôi. Vợ chồng con cái đêm lướt sàn vàng, ngày lên sàn chứng, cuộc sống êm ả trôi qua trong bạc tiền… Nhưng cũng từ đó mà sinh ra chơi bời vô độ, nên chân teo bụng ỏng, mắt mũi mờ đục. Ngày trước, thị lực còn nhìn được ba bốn chục mét, nay tầm nhìn xa chỉ… T+3, T+4 mét là cùng!      
    Chính vì mắt kém, nên gặp trận càn của bọn Tăng, vợ chồng bị bắt đầu tiên. Nhiều người như anh em nhà Nhỏ - Lẻ, vợ chồng Tiết - Kiệm, hay cả mấy cậu ngoại quốc ngụ cư, cũng vì tình làng nghĩa xóm mà xông ra giải cứu. Nhưng đã chả cứu được mà lại còn bị bắt làm con tin.
    Sau khi vợ chồng Chứng - Khoán bị bắt, con cháu bơ vơ, nheo nhóc. Một bọn cơ hội, tạm đặt tên là “Hội bán khống” cũng nhân đó dậu đổ bìm leo. Chúng lý sự rằng, của cải trước đây chả phải Chứng - Khoán tự làm ra mà là lấy của phú ông, còn phú ông cũng cướp của dân nghèo. Nên giờ chúng chỉ làm cái việc phân phối lại, giúp “xì hơi” một quả bong bóng sắp vỡ mà thôi!
    Mặc cho dân làng phản đối, bọn bán khống vẫn trơ trơ. Lấy mãi quen tay, nên chẳng cứ tài sản nhà Chứng - Khoán mà chúng còn phạm cả sang nhà Địa - Ốc, Vàng - Đô… Mèo già hóa cáo, chúng còn nghĩ ra đến lắm mẹo mực để qua mặt dân làng. Cứ một bọn lại có một “kho hàng” ở những nơi kín đáo để oa trữ của gian…
    Nhưng con giun xéo lắm cũng quằn, vừa rồi các cụ cao niên trong làng đã nhóm họp và lập ra một… hương ước. “Lệ làng” ghi rõ, từ nay “yêu cầu” và “khuyến cáo” những kẻ bán khống phải nghiêm chỉnh, “cảnh báo” nếu phát hiện sai phạm nặng có thể gô cổ giải lên quan. Nghe đâu, đã có kẻ bị lôi ra đình phạt vạ vì phạm lệ làng… Nhưng có nhẽ mức phạt còn nhẹ, nên bọn cóc khác vẫn nhờn mà nhảy nhót lung tung!
    Trở lại chuyện vợ chồng nhà Chứng - Khoán từ ngày bị bắt làm con tin, khi được thả thì mắc chứng trầm uất nên suốt ngày ủ rũ. Chưa kể thị lực ngày càng kém nên đi đâu cũng dò dẫm, mò mẫm, nhìn thương lắm… 
    Những bài học rút ra từ câu chuyện này: Thứ nhất, xưa nay, kỵ nhất là để miếng mỡ trước miệng mèo rồi “khuyến cáo” nó phải nâng cao tinh thần đạo đức. Thứ hai, muốn mèo không ăn vụng, một là phải cho nó ăn no. Hai là dụng công đứng rình rồi quất thật đau khi nó chưa kịp chùi mép (kiểu như Trạng dạy mèo). Thứ ba, giữa lúc thực phẩm ê chề thì miếng mỡ cũng chả quý báu gì. Cứ mở cửa cho cả họ nhà mèo ăn thoải mái. Vài bữa ngấy ngán, nhìn thấy mỡ có khi vái dài.
    (ĐTCK)