Chuyện tình kỳ lạ trong cuộc đời cay đắng của mẹ (Kỳ I)
Giấc mơ thiếu nữ và ước vọng trở thành cô giáo dạy văn cấp III của mẹ tôi đã bị dập tắt một cách phũ phàng. Mẹ đối diện với thực tại bi thảm. Không niềm tin vào tình yêu, quá đau đớn bởi sự bội bạc của người tình, và tuyệt vọng vì tình trạng sức khoẻ của bản thân. Mẹ tôi giờ đây trở thành người con gái tàn phế, phải tạm thời rời giảng đường đại học để rong ruổi cùng cha mẹ già trong hành trình đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác với hy vọng phục hồi được chức năng đôi chân.
Mặc dù ông bà ngoại đã gặp Ban giám hiệu nhà trường nơi mẹ đang học đại học để trình bày hoàn cảnh của mẹ và xin bảo lưu kết quả học tập của mẹ trong 1 năm qua nhưng mẹ nhất quyết không bao giờ có ý định trở lại giảng đường để tiếp tục giấc mơ trở thành cô giáo của mình. Mẹ chìm nghỉm trong các bệnh viện, trong những cơn đau đớn thể xác và sự hành hạ ghê gớm về tinh thần. Từ một cô gái sôi nổi, vui tính và nhiều ước mơ, mẹ biến thành một người hoàn toàn khác. Mẹ tự ti, đau khổ, thu mình và luôn nghĩ đến cái chết. Mẹ không buông hy vọng chữa bệnh, phục hồi chức năng nhưng không có nghĩa là mẹ không bám riết lấy ý nghĩ sẽ tìm cách tự tử để kết thúc tình trạng chán chường, bi đát này.
Khi tất cả bạn bè, người thân của mẹ đều không thể đến bên mẹ, ở cùng mẹ và động viên mẹ nhiều được nữa vì họ còn phải trở về bận bịu với công việc học hành, phấn đấu; về với cuộc sống riêng tư thì người còn lại duy nhất sau cùng bên cạnh mẹ, đó là cha. Cha bị đuổi học do nhận là người yêu của mẹ, người gây ra tai nạn và hậu quả đáng tiếc cho mẹ. Cha quyết định đi học nghề và làm thợ sửa chữa xe máy. Những ngày tháng vất vả đó, cha luôn ở bên cạnh mẹ để động viên tinh thần mẹ vượt qua bất hạnh. Ông bà ngoại tôi vẫn căm ghét và hận thù cha, không tha thứ cho tội lỗi của cha nên đã không chấp nhận cho cha tôi đến thăm nom mẹ. Đến lúc này mẹ tôi mới nói ra với ông bà ngoại tôi tất cả sự thật. Ông bà ngoại tôi lặng người bàng hoàng trước những thú nhận của mẹ.
Khi nghe xong câu chuyện của mẹ, ông ngoại tôi đã đã nói với mẹ tôi rằng: “Con ơi, con nợ người ta cả cuộc đời con rồi, cha mẹ còn nợ người ta một gánh nặng oán hận mà cha mẹ đã gieo cho họ. Biết lấy gì để chuộc lỗi đây hả con”. Nói rồi ông ngoại khóc. Ông đi tìm cha tôi rồi quỳ trước mặt cha tôi tạ lỗi. Cuộc gặp gỡ, ông ngoại tôi dứt khoát quỳ trước cha, một chàng thanh niên trẻ chỉ đáng tuổi con của ông để xin cha tôi tha thứ cho sự hiểu lầm và những gì mà ông bà ngoại tôi đã gây ra cho cha tôi. Cha cuống quýt đỡ ông dậy rồi cả cha và ông đều khóc. Cha chỉ nói với ông ngoại tôi một điều duy nhất: “Xin cha cho phép con chăm sóc HT. Con thương cô ấy nhiều lắm”. Cha chỉ nói được có vậy mà ông ngoại tôi lại quỳ xuống đất khóc nức nở.
Cha vừa đi học, vừa đi làm thêm ở trung tâm sửa chữa xe máy. Cuối ngày, cha lại vào viện với mẹ, đi lại chăm sóc mẹ tận tình chu đáo như một người chồng, đó là điều mà cả mẹ, bạn bè của cha và mẹ, của ông bà người thân xung quanh đều không thể lý giải nổi. Một thanh niên trẻ trung, trong trắng, đầy sức sống, chưa từng có người yêu theo đúng nghĩa, lại quyết tâm dành hết tình cảm, tình thương và cả tương lai tươi sáng ở phía trước cho một người con gái đã tàn phế cả cơ thể, lẫn tinh thần bởi những vết sẹo tâm hồn và thể xác không bao giờ liền vết được. Không ai hiểu nổi tại sao cha lại quyết định gắn bó cả cuộc đời với mẹ. Gia đình của cha tôi biết chuyện đã phản đối kịch liệt. Ông bà nội tôi còn lên nhà nói với bà ngoại tôi rằng: “Ông bà đã đau khổ khi gần như mất đi một người con, ông bà đừng để cho chúng tôi cũng đau khổ như ông bà khi mất thêm một đứa con nữa. Chúng tôi không muốn nhìn thấy con mình bất hạnh”.
Mặc cho ông bà nội van xin, khóc lóc, thậm chí dọa từ mặt, cha tôi vẫn thương mẹ tôi, người con gái tật nguyền ngồi trên chiếc xe lăn với bao vết thương lòng vây kín trong tâm hồn. Mẹ tôi không chịu nổi sự đàm tiếu của dư luận, sự phản ứng thường tình của xóm giềng, sự mặc cảm thân phận, mẹ đã bí mật bỏ nhà ra đi trên chiếc xe lăn đau khổ của mẹ. Không ai hình dung được mẹ có thể quyết liệt bỏ nhà ra đi với tình trạng cơ thể như vậy. Mẹ bỏ đi đâu được với hai bàn tay trắng và đôi chân tật nguyền không thể tự vệ sinh cá nhân. Cả nhà đổ đi tìm, cha tôi ngược xuôi tất tả lên những chuyến xe Nam - Bắc để tìm mẹ. Tuyệt nhiên không thấy tăm dạng của mẹ ở nơi đâu. Cả nhà đã nghĩ đến tình huống xấu nhất rất có thể mẹ đã tìm cách tự tử. Ông bà ngoại tôi đi báo công an về sự mất tích của mẹ. Cha tôi ngược xuôi sông ngòi, ngược xuôi những nơi mà cha dự đoán có thể mẹ nghĩ dại mà tìm đến cái chết, hoặc không ngoại trừ tình huống mẹ tá túc ở đâu đó sống cuộc đời ẩn dật để trốn tình cảm của cha, trốn những dằn vặt trong lòng.
Không ai biết được rằng, mẹ đã bí mật nhờ một người quen cùng cảnh ngộ từng điều trị trong bệnh viện với mẹ liên hệ với trung tâm những người khuyết tật ở tận ĐL. Mẹ đã nhờ người quen mua vé xe đưa mẹ lên xe tuyến Bắc - Nam để vào tận trung tâm dành cho người khuyết tật này. Mẹ muốn đi xa quê, rời bỏ quá khứ đau buồn, đoạn tuyệt với cha để cha có thể có cơ hội đến với những người con gái lành lặn khác, để cuộc đời cha có thể có được hạnh phúc đích thực. Chứ không phải là cả đời cha phải chia sẻ bất hạnh và khổ đau với mẹ. Nhưng mẹ đã nhầm. Tình yêu của cha mạnh hơn bão, nặng hơn núi, sâu hơn biển. Cha tìm mẹ ròng rã suốt hai năm. Cứ mấy tháng một lần, khi dành dụm được chút tiền lương từ trung tâm sửa chữa xe máy, cha lại nghỉ vài tuần để đi tìm mẹ.
Cũng may công việc sửa chữa xe máy của cha hồi đó là một công việc rất tốt, thịnh hành, có thu nhập cao. Cha khéo tay, giỏi nghề nên ngoài việc làm ở trung tâm, cha còn có những khách hàng tới nhà để sửa chữa nên tiền cha kiếm được không phải là ít. Thế nhưng ròng rã 2 năm, bao nhiêu tiền kiếm được, cha tiêu phí hết vào chuyện đi tìm mẹ. Không một ai lý giải nổi tình yêu của cha với mẹ. Trong tim cha duy nhất chỉ có mẹ, dù mẹ có tàn phế đến vậy, tâm hồn đã từng nhàu nát vì yêu như vậy thì cha cũng chỉ muốn có mỗi mẹ mà thôi.
Có lẽ ông trời cảm thương tấm lòng mênh mông biển trời của cha, và tình yêu mà cha dành cho mẹ nên đã để hai người tìm thấy nhau chăng. Không có một trung tâm khuyết tật nào mà cha không tìm cách liên lạc hỏi thăm bằng thư từ, bằng điện thoại về một người con gái bị liệt hai chân tên HT, địa chỉ, quê quán cụ thể. Cuối cùng cha đã đến được trung tâm nơi mẹ đang tá túc ở tận miền rừng núi ĐL. Lần đầu tiên sau 2 năm bỏ quê ra đi, gặp cha mẹ bị ngất xỉu. Khi tỉnh lại, cứ thế là khóc, nước mắt tuôn rơi. Mẹ cũng không thể hiểu nổi vì sao cuộc đời từng đắng cay với mẹ lại có thể cho mẹ có được sự ngọt lành. Đó là diễm phúc lớn tình yêu trong sáng, cao thượng và nhiều hy sinh của một chàng trai trẻ tự nguyện yêu thương mẹ, gắn kết cuộc đời lành lặn của họ với cuộc đời tật nguyền của mẹ. Người con trai ấy đã có mặt bên cạnh mẹ những lúc mẹ gặp tai họa, ở bên mẹ khi cuộc đời mẹ chìm trong bể khổ, và vượt qua bao ngăn trở quyết liệt đi tìm mẹ với một tình yêu không gì có thể ngăn trở nổi.
Cha và mẹ đã có được nhau trong hoàn cảnh như vậy, sau bao kiên trì của cha. Để cho mẹ đỡ tự ti với hoàn cảnh và bản thân cha đã ở lại ĐL lập nghiệp. Cha đã xin vào trung tâm khuyết tật làm việc và mở một cửa hiệu sửa chữa xe máy nho nhỏ vừa để kiếm thêm thu nhập nuôi mẹ, vừa để dạy nghề miễn phí cho những người đàn ông khuyết tật tại trung tâm. Cha đã tìm đến được ngôi nhà cho mẹ nương náu và cha đã ở lại hy sinh vì mẹ, để có thể yên tâm thương lo cho mẹ suốt cả cuộc đời. Các cô chú ở trong trung tâm đã đón nhận cha như đón nhận một phép mầu của cuộc đời mẹ, và cả những cuộc đời khuyết tật khác ở trung tâm này. Các anh chị ơi, viết đến đây, tôi bật khóc. Nước mắt hạnh phúc cứ chảy ra giàn giụa trên gương mặt mà không ngăn nổi. Tôi chia sẻ ra những cảm xúc thực lòng này không biết mọi người có cho là tôi tự nhiên quá không. Nhưng đó là những gì tuôn trào trong tôi lúc này. Tự bản thân tôi mỗi lần nghĩ đến cha vẫn run rẩy trong lòng với ý nghĩ tại sao cuộc đời lại may mắn ban cho chúng tôi một người cha có một không hai trên đời như thế.
Cha mẹ sinh ra tôi và một em trai nữa. Hạnh phúc đã ban xuống cuộc đời của mẹ tròn đầy khi cho mẹ hai đứa con của cha. Mặc dù bị liệt nửa người như vậy nhưng khả năng sinh nở và làm mẹ của mẹ vẫn bình thường. Cũng có thể là ông trời đã rón tay làm phúc thêm cho mẹ, để mẹ thực hiện được thiên chức của người phụ nữ, sinh được cho cha hai con. Bù lại cho tình yêu trời biển của cha với mẹ. Mẹ không đi lại được, mọi việc vệ sinh cá nhân, rồi mang thai sinh nở đều do cha phải lo. Chúng tôi ra đời trên tay cha, và cũng chỉ một mình cha là chủ yếu, chăm sóc chúng tôi từ khi còn đỏ hỏn cho đến lúc trưởng thành.
Nhưng cuộc đời của mẹ chưa hết những phép mầu. Khi chúng tôi lên 5 tuổi, cha gặp cha con một cụ thầy lang dân tộc tình cờ khi đi qua đường xe bị hỏng ghé qua cửa hàng cha tôi để sửa chữa. Nhìn thấy mẹ tôi ngồi trên xe lăn, ông thầy lang đã bấm huyệt cho mẹ và sau khi bấm huyệt xong đã quả quyết với cha tôi có thể chữa cho mẹ đi lại được nhưng gia đình phải thật kiên trì. Cha không hy vọng nhiều nhưng vẫn theo cụ vào núi lấy thuốc cho mẹ uống. Sau 1 năm trời ròng rã uống thuốc của cụ lang này, mẹ tôi đã tự đứng dậy và đi lại được. Tự làm được những việc lặt vặt như vệ sinh thân thể cá nhân, rồi đi lại trong nhà. Tuy nhiên do bị liệt khá lâu nên hai chân của mẹ yếu hơn song mẹ đã tự đi lại được khoảng cách ngắn trong nhà đã là một điều quá sức tưởng tượng. Bây giờ hai chân mẹ vẫn yếu, chỉ là đi lại trong nhà thôi, không đi được đâu xa nhưng dù sao mẹ không còn quá phụ thuộc vào chiếc xe lăn nữa. Mẹ quá sung sướng, trẻ khoẻ ra bội phần và càng yêu cha hơn, trân trọng tình cảm của cha đã dành cho mẹ. Mẹ luôn nói với chúng tôi, ông trời đã thương mẹ mà mang cha đến cho mẹ. Cha đã cứu đời mẹ, kiếp này mẹ không trả ơn cho cha nổi. Hạnh phúc của cha mẹ tôi đến lúc này là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu, chiến đấu với số phận. Một hạnh phúc quá lớn không dễ dàng có thể có được.
Cha mẹ tôi đã sống hạnh phúc bên nhau trong gần 25 năm qua. Các con đều đã lớn, có công ăn việc làm. Năm nào tết đến, cả nhà tôi cũng theo cha mẹ về quê ăn tết. Ông bà nội ngoại hai bên đã hết phân vân với cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi và rất tự hào về người con hiếu thảo như cha tôi. Vậy đó, câu chuyện tình kỳ lạ trong cuộc đời của mẹ tôi là vậy. Rất nhiều lần tôi đã tự hỏi trên đời này có được mấy người đàn ông như cha tôi. Thế nhưng, càng lớn lên, đi nhiều, đọc nhiều, tiếp xúc nhiều, tôi cũng hiểu ra rằng, trên đời còn vô vàn những người tốt. Lòng tốt ấy có thể là kỳ lạ, là bất bình thường, thậm chí trái với tự nhiên song vẫn xảy ra và như một phép mầu kỳ diệu mang hạnh phúc đến cho những người không may mắn phải không ạ?.
(CAND)
0 comments:
Đăng nhận xét