Tôi tới Sapa lần đầu tiên năm 1996, trong một chuyến công tác tới Lào Cai. Khi ấy, cả vùng núi non này vẫn còn như một nàng công chúa đang ngái ngủ. Những đỉnh núi mờ sương, những chân đèo heo hút gió, những tấm lưng còng của các cô gái Mèo gùi củi và lương thực... Du lịch chưa phát triển, người dân ở đây khi ấy không biết làm gì để đủ ăn. Lên Sapa trong vòng một ngày, tối về ngủ trong cái nhà khách duy nhất của Lào Cai khi ấy. Vừa ngủ vừa run…
Lần thứ hai lên Sapa năm 2001, mùa khô. Sapa lúc ấy đã dập dìu rất nhiều khách du lịch ngoại quốc. Các bà mẹ và em gái Mèo nói tiếng Kinh không sõi, nhưng đã liến láu không tồi tiếng Anh. Chụp ảnh à, 5$ nhé, hoặc ít nhất 5k nếu bạn là người Việt.
Sapa mùa khô lạnh quay quắt, sáng sáng hơi sương mờ mịt khắp thung lũng và trên mọi nẻo phố. Tiếng chuông nhà thờ gióng giả... cũng chẳng làm tan được cái không gian bảng lảng như vờn trong mây.
Đêm thứ 7, chợ tình Sapa nửa cổ nửa kim, các cô gái Mèo Dao vẫn dập dìu áo váy, không còn tiếng khèn môi, các chàng trai Mèo đeo bên mình chiếc đài bán dẫn, vang tiếng chả rõ lời... Khách du lịch khắp phía đổ về sân Nhà thờ, ngó nghiêng hy vọng được nhìn ngắm cuộc sống tình cảm tự do và phóng khoáng, duyên dáng và nồng nhiệt ... Nhưng cuộc sống văn minh đã len lỏi vào tận nơi thâm sơn này; bạn phải trả tiền để được xem cái việc tự nhiên nhất đời là cảnh nam thanh nữ tú (dân tộc) tán tỉnh và quyến rũ lẫn nhau...
Vẫn còn quá lưu luyến, lại làm một chuyến hành trình tới Sapa. Mùa mưa tháng 8 năm 2007. Đến Lào Cai lúc trời vừa tang tảng sáng, con đường nhựa phẳng lỳ uốn lượn ôm vòng theo những dải núi trùng điệp. Đường lên Sapa không còn cảnh sạt núi lở đất như trước. Đã đi qua rất nhiều những con đèo dọc theo chiều đất nước (Đèo Ngang, Hải Vân, Cù Mông, Ngoạn Mục, Đèo Cả...), chưa ở đâu cảnh "Núi ấp ôm mây, mây ấp núi" lại hiện thực và sống động như trên con đèo này. Những đám mây như bám chặt vào đỉnh núi, không nỡ rời xa...
Sớm Sapa, khí hậu mát mẻ, mưa tí tách qua mái hiên những ngôi nhà mới mọc. Trong khi cả đoàn tranh thủ ngủ bù đêm trước vạ vật trên tàu thì kẻ ham chơi lại vội vàng chạy ào ra phố; cũng vì không đành lòng bỏ phí những ngày ngắn ngủi ở "thành phố trong sương".
Chợ Sapa xanh ngắt rau quả. Susu mập mạp. Đang mùa Táo mèo. Những trái táo nhỏ chua chát nhưng đặc biệt thơm. Táo mèo thái nhỏ, chần qua nước muối cho bớt chát, phơi se se dưới nắng nhẹ, rồi đem ngâm đường hoặc rượu. Tuyệt cú mèo.
Đầu chợ Sapa, một bà mế già rất tươi ngồi bên thúng Xôi Ngũ sắc. Hạt nếp không tròn mập và thơm lừng như nếp dưới xuôi mà thuôn dài. Những hạt nếp được nhuộm bằng củ và lá cây rừng, đỏ, vàng, tím, nâu... rất hấp dẫn. Hai ngàn một bát xôi to.
Chợ thổ cẩm. Những gian hàng thổ cẩm đủ màu sắc sặc sỡ. Những bà mế già móm mém ngồi bán hàng. Miệng chào mời mà tay cầm kim thêu thêu thoăn thoắt. Tuyệt nhiên không thấy các cô Gái Mèo thêu nữa. Mỗi cô chỉ cầm một nắm sợi đay, vừa bán hàng vừa chuốt và nối sợi không cần nhìn.
Đáng yêu nhất của Sapa không chỉ là không khí trong lành và se lạnh. Mà còn là vẻ mặt lúc nào cũng thật tươi tắn, rộn ràng và rạng rỡ của những cô gái, những em bé, những bà mẹ ... dân tộc Mèo, Dao. Dường như sự mệt mỏi của mưu sinh và những bon chen thường nhật không thấm được vào họ. Mà cũng có thể chỉ vì một cuộc sống dung dị và đơn giản đã khiến họ có cái vẻ tự tại đó chăng? Quàng chiếc váy Mèo hoa dập dìu ra ngoài quần jean, nhận được không biết bao nhiêu lời khen ngợi và hỏi thăm của chính những người phụ nữ dân tộc đáng mến ấy.
Núi Hàm Rồng. Một công trình kết hợp khá nhuần nhị giữa thiên tạo và nhân tạo. Đứng trên đỉnh núi, nơi còn được gọi là "sân mây", có thể nhìn thấy toàn cảnh Sapa trong mây. Những đám mây bay ùn ùn đến, phủ mờ kín chân núi, rồi lại bị gió thổi bạt đi. Ta đang đứng trên mây và trong mây. Vào hôm trời quang, có thể nhìn thấy đỉnh Phanxipang ngạo nghễ giữa lưng chừng trời.
Đêm Sapa. Nhiệt độ thay đổi tới 4 mùa trong ngày. Đêm co ro trong cái lạnh, ngồi cạnh một bếp lửa hồng với cô em bán hàng má đỏ hây, ăn cơm lam nướng, thịt lợn xiên nướng, trứng vịt lộn nướng, ngô nướng, nhấp một chút rượu sán nùng hay táo mèo, thấy cuộc sống như đang dừng lại.
Nhớ Sapa, nhớ hôm vào Bản Tả Phìn, các cô bé Dao má đỏ như trái táo, nói chuyện nửa kinh nửa dân tộc líu lo. Mua cho các em ít bánh, chúng sung sướng bóc bánh chia khắp cho lũ trẻ trong bản, đứa nào cũng có phần. Thấy cái vẻ hồn nhiên của chúng sao mà đáng yêu thế. Cô bé Dao nhỏ nhất, đang học lớp 5, dẫn về nhà em. Lặng người khi bước vào nhà, dù đã chuẩn bị tâm lý sẵn. Không thấy thương các em bằng thương bản thân mình. Sao phải bon chen?
Lần này lên Sapa, thấy người dân tộc đã biết cách cùng chung sống với khách du lịch hơn. Không còn mấy cảnh chèo kéo xin xỏ. Khắp nơi những chàng trai cô gái, những đứa trẻ,... diện quần áo dân tộc (mà theo lời lũ trẻ là, chúng em đi bán hàng nên mới mặc quần áo dân tộc), tự tin trò chuyện, cười đùa và hỏi thăm du khách. Ảnh chụp thoải mái. Cho gì các em cũng nhận với một vẻ hàm ơn như nhau, bất kể là bánh kẹo hay tiền. Có lẽ không phải khách nào cũng mua đồ cho các em, và tôi chẳng thấy chúng hậm hực hay lộ vẻ khó chịu như cảnh thường thấy dưới xuôi.
Nhắc tới, lại thấy muốn lên Sapa mùa lạnh này.
Đặng Thanh Vân (Thanhs)
5 comments:
Ôi sapa, thành phố trong sương !
Cảm ơn tác giả bài viết cho tôi sống lại những kỷ niệm Sa Pa
ngồi quán bar ăn thịt trâu gác bếp mới sướng chứ
công nhận lên Sa Pa ăn gì cũng thấy ngon nhể
Cảm xúc thật ngọt ngào và sâu lắng, cảm ơn tác giả Đặng Thanh Vân đã cho tôi yêu Sa Pa nhiều hơn. Đi mấy lần mà chưa có cảm nhận được cái hồn của SP
Đăng nhận xét