12 tháng 9, 2012

KỸ NĂNG SỐNG: Sau cái tặc lưỡi

Tôi cưới vợ năm 33 tuổi, khi sự nghiệp đã tạm gọi là đủ đầy và lòng đã chán ngán tình trường với hai cuộc tình gắn bó khá lâu nhưng chẳng đi đến đâu và vài ba cuộc hẹn hò yêu đương lợt lạt do bạn bè giới thiệu.

Vợ tôi nhỏ hơn tôi đúng một giáp, chỉ mới ra trường đi làm. Thực tình, tôi không yêu em lắm, chỉ cưới với ý nghĩ đơn giản là đã đến lúc mình phải có một gia đình với những đứa trẻ con. Tôi thấy em không thuộc dạng phụ nữ hay ghen tuông, cũng không đua đòi se sua, lại còn trẻ - đúng ý mẹ tôi - nên tặc lưỡi vậy là được rồi. Tôi không đòi hỏi hay kỳ vọng gì ở em, bởi trong mắt tôi, em còn quá trẻ con. Tôi có nhà riêng, có xe hơi, nên về kinh tế tôi chẳng trông mong em đóng góp; nếu em không giỏi việc nhà cửa, không quen nấu ăn thì tôi có thể thuê người giúp việc. Một người phụ nữ còn mong gì hơn thế?

Sau những lần khuyên bảo nhẹ nhàng không hiệu quả, vợ tôi chấp nhận một cách cam chịu. Em thậm chí còn không dám giận tôi, không trách cứ một lời khi tôi thường xuyên bỏ cơm nhà, hay trở về nhà say khướt. Điều đó càng khiến tôi bực bội, cho rằng vợ mình thật nhu nhược, yếu đuối.
Chắc chắn việc không có con không phải do mình, tôi từ chối đi khám cùng vợ. Nhưng rồi em cũng thuyết phục được tôi. Kết quả lần khám ấy như một cái tát vào mặt tôi. Tinh trùng tôi yếu, nên khó có con. Tôi cay cú bảo phòng khám ấy là lừa đảo. Nhưng, kết quả khám tại bệnh viện cũng vậy. Tôi suy sụp hoàn toàn. Có lẽ nào đây là cái giá phải trả cho thói cao ngạo, gia trưởng của tôi? Tôi nhớ lại những gì mình đã làm với vợ, nhớ những lần tôi để cho cô ấy phải một mình đối mặt với ánh mắt không hài lòng và những lời nói hờn mát từ cha mẹ chồng vì không biết đẻ. Tôi nhớ lại những lần tôi bực bội và lạnh lùng nghĩ “có đến khóc mà cũng không dám cho người khác biết” khi biết em khóc thầm bởi ấm ức và tủi thân trước lối cư xử của tôi. Trước đây, khi bạn bè nửa đùa nửa thật bảo trong hội chỉ có mình tôi dám ăn hiếp vợ, tôi phổng mũi tự hào, cho rằng mình đáng mặt đàn ông, đến giờ tôi lại nghĩ đó thật là một điều đáng xấu hổ.
 Thật may mắn, cuối cùng vợ tôi cũng có thai.

Tôi sử dụng dịch vụ sinh gia đình để được có mặt trong phòng sinh cùng vợ. Trong hơn ba tiếng đồng hồ chờ đến lúc con ra đời, tôi thật sự căng thẳng. Ám ảnh tôi nhất là tiếng rên la, gào khóc đau đớn của các sản phụ khác từ những phòng sinh đâu đó bên cạnh vọng qua rõ mồn một. Cả đời, chưa bao giờ tôi tưởng tượng ra điều đó. Phụ nữ sinh đẻ đã nhiều lần tôi xem trong phim, nhưng nghe nhiều tiếng than khóc cùng lúc như vậy, rồi tiếng van xin bác sĩ làm cách nào cho bớt đau, tiếng gào gọi mẹ ơi, chồng ơi, cả tiếng kêu cứu thảm thiết, … làm tôi thật sự làm tôi hãi hùng. Trước đó, vợ tôi đã dặn tôi đừng nắm tay em bởi khi đau, các bà bầu thường bấu mạnh lắm, bầm hết tay chồng. Nhìn vợ cứ níu lấy thành giường, cong người lên, mím môi mím lợi chịu đựng cơn đau mà mình không thể giúp được gì, tôi đau đến thắt cả ruột. Những cơn gò khiến em đổ mồ hôi thành dòng, nước mắt dàn dụa, nhưng tuyệt không kêu la nửa lời. Cái tính chịu đựng âm thầm của em giờ đây sao khiến tôi cảm thấy thương em quá đỗi. Không biết những ông chồng khác sẽ phản ứng ra sao khi trông thấy cảnh này, nhưng ngày hôm ấy, một người đàn ông vốn lạnh lùng, sắt đá như tôi đã rơi nước mắt.
Giờ đây, nhờ có em, con trai của chúng tôi lớn lên khỏe mạnh, bụ bẫm từng ngày dưới bàn tay chăm sóc chu đáo của mẹ. Và tôi, từ lúc nào, đã trở thành một người đàn ông luôn cảm thấy ấm áp và hài lòng về mái ấm thân thương của mình. Sắp đến kỷ niệm 5 năm ngày cưới, tôi không biết làm gì hơn là viết lên những lời biết ơn chân thành của mình gửi đến vợ. Cảm ơn em đã chịu thương, chịu khó và đủ bao dung để chờ đợi đến ngày tôi nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực của đời mình.

Cưới nhau được một năm, rồi một năm rưỡi, chúng tôi vẫn chưa có con. Tôi thật sự rất thất vọng. Tôi nghĩ đương nhiên là về phía tôi không có vấn đề gì, bởi người cũ của tôi từng có thai với tôi (nhưng thai chết lưu lúc năm tuần tuổi, vợ tôi không biết điều đó). Tuy không thể hiện sự thất vọng của mình bằng lời nói, nhưng tôi bắt đầu chán trở về nhà. Ngoài giờ đi làm, tôi nhập hội tennis tối hai tư sáu; tối ba năm bảy thì đi nhậu với sếp, đi gặp gỡ đối tác, đi ăn với phòng... đủ mọi lý do mà tôi có thể nghĩ ra. Cuối tuần, tôi dành thời gian cho việc ngủ nướng, cà phê với bạn, rồi đá banh, họp nhóm… Không có con, coi như cuộc hôn nhân của tôi không đạt được một nửa mục đích, tôi tự cho phép mình tự do bay nhảy, không chấp nhận một ràng buộc nào từ phía vợ.
Những tưởng vợ mình sẽ “trả đũa”, nhưng không. Em không mảy may nửa lời về chuyện ấy. Lần đầu tiên tôi nhìn nhận tính ít nói của vợ mình như một điều tốt đẹp. Rồi dần dần, tôi nhận ra thay vì khó chịu, tôi lại biết ơn cái sự nhẫn nhịn của vợ. Cô ấy vẫn không hé rằng cho mẹ tôi biết sự thật khi bà – theo thói cũ – quẩn quanh với điệp khúc “phụ nữ mà không biết đẻ thì còn làm được gì”.
Tôi tu tâm với ý nghĩ trời sẽ hết phạt mình. Những cuộc chơi bời, hẹn hò của tôi ít dần. Tôi chịu dành thời gian cho gia đình hơn. Cuối tuần, tôi chở vợ đi ăn sáng, thậm chí còn đi siêu thị mua đồ với em. Tôi chịu uống thuốc Bắc em sắc để bồi dưỡng sức khỏe. Cuối năm, tôi lên kế hoạch dành mấy ngày phép để vợ chồng đi du lịch. Ban đầu, tôi nghĩ mình nên hi sinh một chút để đền bù cho vợ, nhưng dần dà tôi nhận ra mình có phải hi sinh thứ gì đâu, bởi chính tôi cũng cảm thấy thật hạnh phúc với không khí ấm cúng, riêng tư vợ chồng.
(PNO)