Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo, bố mẹ đều là công chức nhà nước. Mà công chức ngày ấy thì nghèo lắm. Không có ruộng nên cuộc sống có khi còn chật vật hơn cả nông dân.
Ở cái thời mà quà bánh cho trẻ con còn là một thứ xa xỉ, Trung thu đối với lũ trẻ nghèo chúng tôi là một cái gì đó lớn lao lắm.
Gần đến Trung thu, các anh chị trong Đoàn thanh niên của thôn thống kê số trẻ để chuẩn bị mua quà. Cả ngày hôm nay, chúng tôi háo hức chờ đợi, hỏi nhau xem năm nay chia kẹo ở nhà ai, sẽ được chia những gì... Đứa nào cũng phấp phỏng.
Buổi chiều, chỉ chờ có tiếng loa thông báo địa điểm là chúng tôi kéo đến ngay. Trong suy nghĩ của đứa trẻ tôi, nhiệm vụ phát kẹo thật lớn lao, và những người được trao nhiệm vụ ấy thì thật đáng ngưỡng mộ. Cũng chẳng nhiều nhặn gì, thường là một gói kẹo, một cái bánh đa hoặc bánh nướng, năm nào nhiều hơn thì thêm mấy cái kẹo lạc. Nhưng đối với tôi đó là cả một gia tài.
Nhà có ba anh em. Thường ngày, mẹ vốn ít mua kẹo, lại càng không khi nào mua cùng lúc đến mấy gói để mỗi chúng tôi được chia cả gói trọn vẹn. Việc sở hữu cả một gói kẹo với tôi thực sự có ý nghĩa.
Đèn ông sao luôn là món đồ chơi Trung thu thân thương và được các "em nhỏ" mọi thế hệ vừa "thèm thuồng" vừa yêu mến. Ảnh: Hoàng Phương.
Chúng tôi cũng không có đèn ông sao để rước. Và để bù đắp lại sự thiếu hụt ấy, từ trước Trung thu mấy hôm, dưới sự giúp sức của bố, chúng tôi đã cố gắng tạo ra chiếc đèn của riêng mình. Hồi đó, xà phòng thường sản xuất dưới dạng kem, đựng trong một chiếc hộp. Xà phòng hết, chiếc hộp được treo vào một cái que, đục lỗ xung quanh. Những tờ giấy bọc oản xanh đỏ được đem cắt thành hình hoa để dán trang trí. Đêm Trung thu, đặt vào đó một ngọn nến... Vậy là ba anh em tôi đã có thể thay nhau cầm chiếc đèn đi rước khắp xóm, với cả sự háo hức và niềm vui trẻ thơ trọn vẹn.
Buổi sáng Trung thu năm ấy, mẹ đi chợ về, và mắt ba anh em tôi sáng lên khi thấy trên tay mẹ cầm chiếc đèn ông sao. Chiếc đèn ông sao thực sự với những tờ giấy đủ màu sắc và chiếc cán nhuộm màu sặc sỡ. Kèm theo nó là hai chiếc cờ nhỏ hình tam giác. Ba anh em xúm quanh chiếc đèn và cả ngày hôm đó chỉ mong trời tối thật nhanh.
Nhưng đến khi rước đèn thì có một vấn đề. Ba anh em mà chỉ có một chiếc đèn. Sự háo hức về chiếc đèn ông sao đầu tiên trong cuộc đời khiến chúng tôi không thể tự giải quyết. Mẹ phải vào cuộc.
Tôi bé nhất nên được cầm đèn, còn anh và chị tôi mỗi người một chiếc cờ đi bên cạnh. Với tôi, sự phân công đó hoàn toàn hợp lý. Nhưng anh tôi lại nhận thấy việc cầm cờ đó thật nhàm chán so với chiếc đèn màu sắc kia. Còn tôi thì không thể rời chiếc đèn của mình dù chỉ một phút. Anh tôi giận dỗi bỏ về. Tôi và chị tôi cho rằng cuộc rước đèn sẽ vẫn vui mà không cần đến anh. Nhưng rồi chúng tôi cũng mau chóng nhận ra rằng việc rước đèn ông sao với hai người thậm chí còn không thú vị bằng rước chiếc đèn - hộp xà phòng những năm trước. Buổi tối Trung thu năm ấy kết thúc sớm cùng với chiếc đèn đầy màu sắc...
Giờ thì mua một chiếc đèn ông sao với tôi thật đơn giản. Nhưng Trung thu năm nào, tôi cũng mơ về chiếc đèn hộp xà phòng trong quá khứ. Bởi vì đèn ông sao thì có sắc màu sặc sỡ, còn chiếc đèn hộp xà phòng của tôi có cả một thời vất vả của mẹ, sự chăm chút của cha và tình anh em ấm áp...
(St)
0 comments:
Đăng nhận xét