28 tháng 9, 2011

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Phỏng vấn một cảnh sát hình sự


Phóng viên: Thưa anh, có một hiện tượng gây quan ngại cho xã hội gần đây, đó là tình trạng tội phạm gây trọng án ngày càng trẻ hoá, đúng không?

Cảnh sát: Rất đúng. Không thể phủ nhận một thực tế là nhiều hung thủ đã gây án tàn bạo lúc còn quá ít tuổi, thậm chí còn chưa vị thành niên.

Phóng viên: Phân tích vấn đề này, một nhà nghiên cứu có nói: “Đấy là hậu quả của lối giáo dục đề cao cá nhân thái quá”. Anh nghĩ sao?


Cảnh sát: Muốn trả lời câu hỏi đó, đầu tiên phải xem xét về giáo dục. Tôi không phải một nhà chuyên môn, nhưng tôi biết có hai xu hướng để rèn luyện nhân cách con người: Một là, dạy họ coi trọng những giá trị cộng đồng. Hai là, giúp họ đề cao những giá trị bản thân. Tất nhiên, hai nhân tố này không quá tách rời, mà có sự dung hoà ở một mức nào đấy. Nhưng đặc điểm chính vẫn lộ rõ nếu ta xét một cách tổng thể.

Minh họa của Lê Tâm.


Phóng viênVâng.

Cảnh sát: Ở nước ta, từ lâu, giáo dục có xu hướng đề cao tính cộng đồng. Một đứa trẻ luôn luôn được dạy dỗ phải tôn trọng, phải xem xét và thậm chí phải biết phục tùng tập thể.

Phóng viên: Điều ấy có gì sai?

Cảnh sát: Theo một số chuyên gia thì điều ấy ít nhất đã lỗi thời. Việc lúc nào cũng lấy đám đông làm thước đo dẫn tới tình trạng con người mất đi tính độc lập, tính sáng tạo độc đáo của riêng mình.

Phóng viên: Ví dụ?

Cảnh sát: Ví dụ như hầu như bất cứ một trò chơi gì, trên tivi, một thanh niên Việt Nam cũng hay phát biểu: “Tôi tới đây để giao lưu và học hỏi”. Trong khi rất nhiều đứa trẻ nước khác sẽ tuyên bố: “Tôi đến đây để chiến thắng”.

Phóng viên: Sự khác biệt nằm ở chỗ một bên tin vào xã hội, một bên tin vào bản thân?

Cảnh sát: Cũng gần như vậy. Một điều không thể phủ nhận là nhìn chung lớp trẻ của chúng ta thiếu tự tin, thiếu cá tính, thiếu khả năng lao động độc lập.

Phóng viên: Nhưng họ mạnh về ý thức cộng đồng?

Cảnh sát: Chưa chắc. Lớp trẻ của chúng ta cũng rất yếu trong việc tôn trọng luật lệ công cộng, trong việc giữ gìn nếp sống ở những nơi đông người, là những thứ đáng ra về lý thuyết họ phải mạnh hơn ai.

Phóng viên: Nghĩa là, theo anh, nói một cách thẳng thắn thì việc giáo dục con người theo lối “đám đông” đã thất bại?

Cảnh sát: Tôi không nói nó thất bại. Nhưng tôi nghĩ nó lạc hậu. Tất cả các phương tiện hiện đại trong xã hội hôm nay về thông tin đều hướng tới việc giúp cho cá nhân có nhiều cơ hội thể hiện mình chứ không ngược lại. Đó là điều chắc chắn.

Phóng viên: Trở lại những vụ án hình sự khi thủ phạm còn quá trẻ, rất dễ dàng nhận thấy chúng không tôn trọng người khác. Ý thức tập thể của chúng quá kém.

Cảnh sát: Nhà báo thân mến, nếu nhìn theo cách khác thì ý thức cá nhân của chúng cũng rất kém. Thủ phạm trẻ thường hành động mà không hề biết “tiếc” các giá trị của riêng mình.

Phóng viên: Nghĩa là những giá trị ấy đã gần như không có?

Cảnh sát: Vâng. Phần lớn thủ phạm vị thành niên theo tôi nhận xét, không được giáo dục một ý thức nào cho rõ rệt cả. Chúng phi giáo dục hoặc được giáo dục một cách hết sức cẩu thả, hay hết sức sơ sài.

Phóng viên: Có một câu cửa miệng trên báo chí thế này: “Giới trẻ đang bị ảnh hưởng của lối sống phương Tây”.

Cảnh sát: Nói như thế thật quá vội vàng. Lối sống phương Tây có rất nhiều điều tốt, và xã hội phương Tây cũng sản xuất ra rất nhiều công dân tốt. Nếu không thế thì họ đã không vượt trội trên trái đất về nền văn minh.  Tôi không bảo chúng ta phải bắt chước họ. Nhưng tôi biết chắc chúng ta cần học tập nhiều hơn phê phán cách giáo dục của họ. Mà điều này đâu cần sự quảng bá của tôi. Hãy nhìn tỷ lệ du học sinh thì biết. Số sinh viên sang các nước đó ngày một tăng, phải chăng họ đều là những kẻ ngốc?

Phóng viên: Có lẽ anh không nên để vấn đề đi quá xa.

Cảnh sát: Vâng. Không thể vì những hiện tượng tội phạm mà vội vã kết luận chúng ta phải bám lấy nguyên lý giáo dục cũ, và hô lên: Thanh niên đã bị các giá trị vật chất làm sa đọa mất rồi!

Phóng viên: Xin anh hãy để ý một thực tế: Cách đây mấy chục năm, tỷ lệ và mức độ tội phạm trong giới trẻ không như hiện nay.

Cảnh sát: Nhưng tôi tin rằng chẳng phải vì thế mà mọi người muốn quay lại cách suy nghĩ, cách quản lý và cách thể hiện mình cách đây mấy chục năm, tôi tin chắc như thế. Xu hướng giáo dục ngày càng đề cao các giá trị cá nhân, suy cho cùng chả phải do ai chọn, mà do các quy luật khách quan tạo ra.
Vừa qua, khi ở nước Anh có bạo loạn xảy ra trong giới trẻ, người ta xét thấy nguyên nhân sâu xa là những bất công trong xã hội chứ không phải những sai lầm trong giáo dục. Tôi hoàn toàn đồng ý điều đó. Bất công xã hội mới là lý do chính làm tăng tỷ lệ tội phạm. Do bất công, lớp trẻ nước Anh trở nên “không công việc, không nhà cửa, không tương lai, không sợ hãi”.

Lê Thị Liên Hoan

0 comments: