23 tháng 8, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Xin mẹ hãy tha lỗi cho con! (Phần 1: Hạnh phúc ngắn ngủi)

Kính thứ quý tòa báo!

Tôi viết bức thư này gửi đến quý báo khi mà cuộc đời tôi coi như mọi thứ đã an bài. Trên đầu tôi, giờ đã có lẫn 2 thứ tóc, tôi đã toan bước sang tuổi xế chiều. Tôi cũng nghĩ rằng, mình viết bức thư này quá muộn cho một sự sám hối lương tâm, cho một lời nguyện cầu xin tha thứ. Có lẽ tại tính tôi cố chấp.

Có lẽ tại tôi quá tự trọng, và còn nhiều thứ tại vì nữa... Thú thật, cho đến lúc này tôi mới đủ rộng lòng viết bức thư này gửi tới quý toà báo, gửi tới mẹ tôi và cầu xin bà một sự tha thứ. Nhưng với mẹ tôi, không biết giờ đây, lời hối lỗi quá muộn mằn này của tôi có ý nghĩa gì với người nữa không? Dẫu biết quá muộn để nói lời xin tha thứ này nhưng mẹ ơi, muộn vẫn còn hơn không.

Thưa quý toà báo!
Tôi hiện nay đang định cư ở một tỉnh miền núi hẻo lánh của Trung Quốc. Tôi rời Việt Nam cách đây 20 năm, khi ấy, tôi chỉ vừa chớm bước sang tuổi 16. Tôi sang Trung Quốc theo lời của một người đàn bà lớn tuổi rủ rê tôi, mà sau này khi đã lớn thêm một chút, đã ê chề với cuộc sống tha hương tôi mới biết người đàn bà ấy có tên gọi chung chung là mẹ mìn. Và tôi cũng mới biết rằng, những người đàn bà rủ rê con gái trẻ lừa sang Trung Quốc bán cho các khu nhà chứa, hay bán cho một người đàn ông già không cưới nổi cô vợ Trung Quốc phải môi giới tìm vợ Việt Nam thì được gọi là mẹ mìn. Tôi đã mang cả cuộc đời tôi cho một mẹ mìn năm tôi 16 tuổi chỉ vì thù hận mẹ.

Quý toà báo sẽ hỏi tôi vì sao tôi rời gia đình ra đi khi trong lòng lại mang một nỗi oán hận về mẹ. Tôi xin được kể ra đây cùng quý báo mọi nỗi khổ của tôi, của mẹ tôi, của gia đình tôi, những điều mà từ bấy đến nay tôi chỉ muốn chôn giấu trong lòng, muốn vùi vào lãng quên để không bao giờ phải ứa nước mắt mỗi khi chạnh lòng nhớ lại. Tôi sinh ra trong một gia đình nền nếp ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ông bà tôi là nhà giáo, mẹ tôi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm và làm nghề dạy học. Bố tôi đi bộ đội về, sau đó học tiếp đại học và có việc làm ổn định. Bố mẹ tôi cưới nhau khi mẹ tôi còn rất trẻ, 21 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học ra trường. Bố tôi hơn mẹ tôi 7 tuổi, khoảng cách tuổi tác như vậy cho một cuộc sống gia đình là tương đối ổn. Tôi ra đời trong niềm hạnh phúc của bố mẹ tôi. Như mọi đứa trẻ khác, tôi lớn lên trong tình yêu thương đầy ắp của cả bố lẫn mẹ, tôi là một đứa trẻ hạnh phúc.

Nhưng, cuộc đời luôn có những chữ "nhưng" oái oăm và đau khổ. Năm tôi lên 4 tuổi, có một sự chuyển đổi lớn trong công việc của bố mẹ tôi, và cả gia đình chúng tôi chuyển lên TP HCM. Bố tôi vào thành phố trước, có việc làm ổn định và đúng 1 năm sau chuyển cho cả 2 mẹ con tôi lên. Bố mẹ tôi nhanh chóng ổn định cuộc sống và mua được một ngôi nhà nhỏ trong thành phố.

Tất cả gia đình ông bà và các chú thím đều mừng cho gia đình nhỏ của chúng tôi. Cuộc sống êm đềm trôi qua, nhưng chính đằng sau sự êm đềm ấy là những đợt sóng gió ngầm mà ngay cả người trong cuộc cũng không lường trước được. Càng lớn tôi càng nhận ra có một khoảng trống là lạ ngày một nới rộng ra ở giữa bố mẹ tôi. Mẹ tôi quá xinh đẹp, mẹ có một gương mặt và nhan sắc đẫm chất đàn bà.

Nhìn mẹ, ai mới thoáng gặp lần đầu cũng bị chinh phục bởi vẻ dịu dàng, nét đẹp đàn bà khêu gợi, quyến rũ và đằm thắm. Ngược lại với nhan sắc mặn mà của mẹ, bố tôi cũng có nét duyên thầm, nhưng ngoại hình của bố chân quê, cục mịch, bố lại hơi thấp, da đen, tính tình thật thà chất phác, không như nét yêu kiều duyên dáng của mẹ.

Ngày trẻ, nhìn ảnh cưới của bố mẹ, trông hai người không chênh lệch lắm, nhưng sau khi đi bộ đội về, bố mắc một căn bệnh lạ, da tay và cổ bị sần sùi tróc vảy trông rất mất thẩm mỹ. Không biết căn bệnh lạ này có phải bị ảnh hưởng chất độc da cam còn sót lại ở những cánh rừng Tây Ninh không mà da của bố rất xấu, lại vừa tái mét như bị sốt rét rừng triền miên. Thỉnh thoảng, những ngày trở trời, bệnh của bố lại bùng phát, sùi lên ở hai bên cánh tay và cổ nên trông bố rất dị tướng.


Căn bệnh lạ của bố mỗi ngày mỗi nặng lên, bố đi hết viện này đến viện khác để chữa trị và uống thuốc nhưng bệnh chỉ đỡ được phần nào chứ không khỏi hẳn. Mỗi khi hai bố mẹ xuất hiện bên nhau, mọi người vẫn thường tấm tắc khen mẹ xinh và bảo rằng, bố đúng là như mèo mù vớ cá rán. Thậm chí có nhiều người vẫn đùa dai bố rằng hoàng tử cóc cưới được công chúa xinh đẹp. Mỗi lần nghe mọi người chế có phần hơi quá lên như thế vậy, bố chỉ cười hiền khô.

Bố vẫn vô tư, bệnh tật, đi bên cạnh mẹ xinh đẹp mà không hay biết rằng những đổi thay từ phía mẹ đã bắt đầu chớm hình thành và mỗi ngày một lộ rõ. Cuộc sống của mẹ thay đổi hẳn kể từ ngày lên thành phố. Mẹ tiếp xúc với nhiều người hơn, thế giới của mẹ rộng mở hơn, và mẹ cũng có nhiều người đàn ông ngưỡng mộ nhan sắc của mẹ hơn. Mẹ bắt đầu ngại khi đi chơi cùng bố và con, mẹ ngại đi đến nhà người quen cùng bố, mẹ ngại xuất hiện cạnh bố ở những nơi công cộng, những bữa tiệc đông người như đám cưới, giỗ chạp v.v.

Mẹ đã thay đổi và cũng chỉ duy nhất mẹ biết điều đó, còn hai bố con tôi vẫn hồn nhiên yêu mẹ đến vô cùng. Cho đến một ngày, con, đứa con gái bé bỏng mới lên 8 tuổi của mẹ đã chứng kiến cuộc nói chuyện đau đớn của bố và mẹ lúc nửa đêm. Một cuộc nói chuyện để rồi sau đó gieo vào trái tim tôi một vết thương sâu không bao giờ lành, một sự đổ vỡ không cách nào cứu chữa nổi.

Đêm ấy, mẹ đã nói với bố rằng mẹ xin bố cho phép mẹ được ra đi khỏi cuộc hôn nhân của hai người. Mẹ trót nhỡ đã yêu một người đàn ông khác. Giờ đây mẹ sống cùng bố chỉ là một cuộc sống đồng sàng dị mộng, mẹ không chịu nổi khi phải lừa dối bố, sống một cuộc đời giả tạo. Mẹ muốn được ly hôn bố, được giải thoát khỏi cuộc sống hiện tại với một cuộc hôn nhân mà tình yêu đã chết để sống một cuộc đời thật.(còn nữa)
Trịnh Thị Thương. Thư gửi từ Tân Cương- Trung Quốc
Theo ANTG

0 comments: