8 tháng 8, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Thiên tình sử cuộc đời (Phần 3: Uất Kim Hương xứ Huế)

Trong sự gặp gỡ của tôi với bóng hồng ấy, tôi nghĩ hoàn toàn do số phận và định mệnh sắp đặt. Khi cấp cứu cô gái và đưa cô về nhà nghỉ dưỡng, qua trò chuyện với bố mẹ cô, tôi mới được biết cô tên là Tấm, đang là học sinh năm thứ 3 Trường nữ sinh Đồng Khánh Huế.
Vì mê tích truyện Tấm Cám mà cha mẹ cô đặt tên con gái yêu là Tấm những mong con xinh đẹp, dịu hiền và cuộc đời có gian truân thế nào vẫn may mắn. Khi đi học, Tấm đổi tên là Uất Kim Hương, loài hoa chịu được nắng mưa, sống ở những vùng đất khô cằn sỏi đá vẫn rực rỡ. Cha mẹ Tấm được bà con lối xóm yêu mến gọi là ông bà Giáo Thụ vì tấm lòng nhân ái, hay giúp đỡ bà con.

Sau cuộc gặp gỡ duyên phận ấy, tôi và Tấm thân nhau. Hai đứa thường chờ nhau đi học và tan trường cùng về. Tấm rất đẹp, nét đẹp nền nã, kín đáo, dịu dàng, mông lung khó nắm bắt được của một nữ sinh Huế vào tuổi dậy thì. Người cô mảnh mai, đôi môi hồng luôn vương vất nụ cười, đôi mắt trời cho ướt mi sâu lắng xanh thẳm đáy đại dương, hai má lúm đồng tiền, hàm răng khểnh có duyên, mái tóc đen dài óng ả thả ngang lưng, xõa kín bờ vai mảnh dẻ dáng đi thướt tha yêu kiều. Trong chiếc áo dài trắng, trông cô thuần khiết như giọt sương mai. Tấm như người con gái trong mộng tưởng của tôi. Tình cảm đã thầm kín e ấp mà vô cùng mãnh liệt. Song thời gian trôi qua, chúng tôi chưa ai dám nói với ai lời yêu. Sau nhiều lần trăn trở, đến lúc không thể kìm nén hơn, tôi đã đánh liều tỏ tình với người con gái tôi yêu bằng một bài thơ viết đi viết lại không dưới hàng chục lần:

"Em là ai?/ Sao em có đôi mắt/ Như dòng suối trong vắt/ Những chiều anh tắm mát/ Em là ai?/ Sao môi em đỏ thắm/ Như vườn xưa nắng ấm/ Anh sống ngày ấu thơ/ Em là ai?/ Sao mi em đẫm sương/ Như đường nét quê hương/ Anh từng tô màu sắc/ Em là ai?/ Sao tóc em nhẹ bay/ Như hàng tre lắt lay/ Theo chiều gió trước ngõ/ Em là ai?/ Sao dáng em mảnh mai/ Như bóng người con gái/ Anh trộm nhớ đêm dài"

Thư gửi đi nhưng không có hồi âm. Lòng tôi như lửa đốt.

Những ngày sau đó, không thấy Tấm đi học. Tôi như người lên cơn sốt, mộng mị, đêm mơ gặp Tấm, đuổi theo gọi mà cô như nàng tiên lúc ẩn lúc hiện. Trong lúc buồn lo đó, tôi gặp Hồng, bạn của Tấm, Hồng nói cho tôi biết Tấm bị ốm mấy ngày hôm nay rồi. Mấy hôm sau gặp lại, Tấm tủm tỉm cười trao cho tôi cuốn "Chuyện tình Lan và Điệp". Tôi mừng rỡ, không còn biết hy vọng hay thất vọng. Trong ánh nắng giữa trưa hè mỏng manh như thuỷ tinh, tôi như đang đứng khát giữa sa mạc Sahara đó đây nổi lên từng cơn bão cát.

Em là đóa uất kim hương trong trắng, mỏng manh...

Sau một thời gian sống trong phấp phỏng chờ đợi, cuối cùng, tôi cũng được mẹ Tấm đồng ý cho gặp mặt. Cha mẹ Tấm chỉ nói, thanh niên phải có chí lớn, nam nữ thụ thụ bất thân. Cha Tấm xuất thân trong gia đình Nho giáo, là người học vấn uyên thâm, ông giảng giải và trò chuyện với tôi về học vấn hàng giờ liền, tôi như một tín đồ đắm chìm trong những tri thức uyên bác và lời giảng minh triết của ông. Cha mẹ Tấm chỉ có mình Tấm, lại là con gái nhưng ông nhất quyết không lấy vợ hai dù bị áp lực của dòng họ. Ông bà đem học vấn cho Tấm, một đặc quyền thường dành cho nam giới bấy giờ. Ông bà dạy cô theo khuôn phép công dung ngôn hạnh. Chúng tôi được phép làm bạn với nhau.

Những phút sau giờ học, chúng tôi được đi chơi với nhau khắp thành Huế. Tình cảm của hai đứa trong veo như một giọt sương buổi sáng mai. Chúng tôi nắm tay nhau đi chơi bên bờ sông Hương, trèo lên đồi thông Thiên An, qua chùa Thiên Mụ. Tấm mơ màng nghe tôi thổi sáo bài Tiếng địch sông Ô. Những đêm trăng sáng, chúng tôi bên nhau chìm trong cái tĩnh lặng sâu đến độ không miêu tả và lý giải được… Tôi đã viết những dòng thơ tình tặng Tấm:

"Huế trầm mặc, trăng thượng huyền mờ ảo/ Dòng sông Hương lao xao ánh bạc lững lờ trôi/ Đẹp diệu kỳ, tôi yêu trăng chả nói nên lời/ Thánh thiện, liêu trai, mối tình tí bụi đời chẳng dính/ Yêu trăng, nhiều đêm dài tôi ngồi hoá đá/ Giữa muôn trùng ánh sao, giữa vạn ngàn ảo ảnh..."

Khi Tấm đến tuổi cập kê, có một sự kiện xảy ra. Xưa, cha mẹ Tấm có lời hẹn ước gả con cho nhau nếu sinh con khác giới với người bạn vong niên là ông phán Tài. Lời hẹn cách đây 20 năm trong một cuộc rượu. Chẳng ngờ 20 năm sau, ông phán Tài từ Thụy Sỹ về nhắc lại lời hẹn cũ vì ông có người con trai tên là H đang học đại học Y khoa sắp tốt nghiệp về nước. Chuyện hôn nhân không phải không gây nên bao suy nghĩ trong lòng cha mẹ Tấm vốn là những người trọng lời hứa và giữ chữ tín. Tương lai của H đã rõ ràng, còn tôi lúc này vẫn đang mông lung. Thế nhưng cha mẹ của Tấm đã để Tấm quyết định việc hôn nhân hệ trọng, mong con gái hạnh phúc với lựa chọn của riêng mình.

Trong lúc đấy, việc hứa hôn của cha tôi và một người bạn trong triều đình Huế ở bên gia đình tôi lại căng thẳng hơn. Cha và mẹ cả tôi coi như đã định đoạt việc hôn nhân của tôi, chẳng cần biết tôi có đồng ý hay không. Khỏi phải nói cả tôi và Tấm trải qua những ngày căng thẳng, đấu tranh quyết liệt để giữ được chính kiến của mình. Cuối cùng thì tôi và Tấm đã thuyết phục được các bậc phụ huynh để đến với nhau. Sau khi bàn bạc hai gia đình đi đến quyết định tháng 6/1946 sẽ làm lễ hỏi và 2 tháng sau làm lễ cưới cho tôi và Tấm. Chúng tôi hồi hộp chờ đón giây phút hạnh phúc ngỡ đã cầm nắm được trong lòng bàn tay. Nhưng than ôi, người định không bằng trời định. Tháng 4/1946 mẹ Tấm bị ốm rồi mất đột ngột. Không lâu sau đó, mẹ cả tôi cũng mất. Là gia đình Nho giáo, chúng tôi hiểu chữ Hiếu là Thiên chi kinh, Địa chi nghĩa, Nhân chi hạnh. Tức là Hiếu là sách của Trời, Nghĩa của đất, Hạnh của người nên không thể cưới chạy tang mà phải chờ mãn tang.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công như một cơn cuồng phong ồ ạt lôi kéo thanh niên chúng tôi vào cuộc đời mới, đánh thức khát vọng được chứng tỏ mình. Tôi tham gia vào Đội Thanh niên tiền tuyến. Cha tôi và cha Tấm đều rất ủng hộ. Tháng 9/1946 tôi được lệnh ra Hà Nội học lớp sĩ quan tham mưu. Lần đầu tiên kể từ khi yêu nhau, chúng tôi nếm mùi biệt ly. Sau khi mẹ mất, Tấm nghỉ học chăm cha vì cha cô cũng đã già yếu. Ngày tiễn biệt, Tấm xếp hành lý cho tôi lặng lẽ đặt vào va ly những kỷ vật hẹn ước tình yêu Tấm dành cho tôi. Không kìm nén được tình cảm, lần đầu tiên chúng tôi phá rào ôm chặt lấy nhau, Tấm cắn vào vai tôi tứa máu. Đó là vết sẹo tình yêu Tấm gửi cho tôi và tôi mang theo trong suốt cả cuộc đời mình. Tiễn tôi đi, Tấm để mặc những giọt nước mắt lăn dài trên má. Một con nhạn trắng lạc bầy xẹt qua vườn nhà, điềm báo ứng cho nối hoài thương ly biệt.

Từ tháng 9 cho đến đầu tháng 12/1946, tôi và Tấm thường xuyên viết thư cho nhau, nặng lòng hẹn ước ngày về. Đến ngày 19/12/1946, chiến tranh toàn quốc nổ ra, tôi và Tấm mất liên lạc với nhau. Tôi rút khỏi Thủ đô Hà Nội theo chân những người lính Vệ quốc. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, phần lớn thời gian tôi ở Lào trong đoàn quân tình nguyện. Ở đây, tôi đã có một trận suýt chết trong lần đi nghiên cứu trận địa bị địch phục kích. Cậu cận vệ đã bắn đến viên đạn cuối cùng và lấy thân mình che chở cho tôi. Cậu ấy hy sinh, còn tôi bị thương (còn nữa). 


Theo ANTG