Sau đám tang của mẹ hai, cha tôi thâm trầm và lặng lẽ nhiều hơn, có cảm giác như cuộc sống với ông là cõi vô thường. Ông thường nói với tôi về đạo Phật, về trí tuệ nhân sinh của Khổng Tử, về ngũ thường và kỷ cương của nhân luân… Cha tôi cũng lý giải sự nghiệt ngã của mẹ cả với tấm lòng nhân hậu rằng, gần chục năm nay mẹ cả đi hết chùa này chùa khác với tất cả sự thành tâm, mong từ cõi tâm linh phù hộ có được một người con.
Đối với thân phận một người phụ nữ như mẹ cả mà không sinh được một người con nối dõi tông đường thì dưới áp lực đè nặng của cả dòng họ là một tội lỗi, một nỗi đau đớn không thể nói bằng lời. Điều đó làm cho tính tình mẹ cả thay đổi, thất thường, mọi người phải hiểu, thông cảm và chia sẻ với mẹ cả. Tôi thì nghĩ, mẹ hai mất đi cũng là cách tự giải phóng cho mình khỏi cuộc đời cơ cực buồn thảm. Từ nay bà sẽ siêu thoát, gió mưa, dông bão, mưu toan cuộc đời trần tục trở thành vô nghĩa. Bà mất đi, để lại trong lòng tôi một nỗi xót đau, một sự băn khoăn day dứt gặm nhấm tôi từng ngày là trước khi lâm chung bà muốn trăng trối với tôi điều gì mà không thể được. Có phải đó là điều sống để dạ, chết mang theo không?
Tôi lớn lên nhiều người nói tôi có đôi tai to như tai Phật, đôi mắt sâu và sáng của cha, cái miệng duyên như của mẹ hai và cái trán dô của chú H. Hôm mẹ tôi mất, trong tay nải của bà có mấy bộ quần áo của bà và một cái quần rách nát của chú H. đã được vá víu giặt giũ sạch sẽ và gấp gọn gàng. Sau này, khi đã trưởng thành, tôi không lúc nào nguôi nhớ đến chú H và đau đáu mong mỏi lần tìm cho được tung tích của chú.
Sau này công việc của tôi liên quan đến tình hình kinh tế đối ngoại nên tôi có điều kiện ra nước ngoài thường xuyên để nghiên cứu kinh tế các nước tư bản. Trong những chuyến công tác, tôi đã bằng các mối quan hệ trong và ngoài nước để nhờ lần tìm bằng được tung tích của chú H. Tôi đã nhận được thư của một người bạn phúc đáp việc tôi nhờ:
"N thân mến! Cách đây 3 tháng, cậu có nhờ tôi nhân dịp đi Guyane để viết về cái địa ngục giam giữ các sỹ phu yêu nước Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, nơi những người nông dân Việt Nam được chiêu mộ đi nộp thuế máu trong các đồn điền cao su, giúp cậu tìm hộ tung tích chú H. Để tìm được tung tích chú H, tôi phải đi từ Đông sang Tây, từ Bắc đến Nam hòn đảo nằm chênh vênh giữa Đại Tây Dương này mới tìm được một ông lão, bạn cùng thế hệ với chú, cùng ra khơi trên một chuyến tàu, cùng làm một chỗ, ăn ngủ một lán trại, cùng vui buồn trong gian khó.
Chú là người tốt hiếm có trên đời này, giúp được ai là giúp không tính toán thiệt hơn. Chỉ có điều chú sống khép kín, không có gia đình ruột thịt, không có tài sản gì đáng giá. Đố ai moi được chuyện riêng tư của chú. Cách đây 10 năm, sau một cơn sốt rét vàng, chú mất trí nhớ hoàn toàn. Hiện nay chú sống với một người con nuôi da nâu bản xứ, một hòn máu ông nhặt được ở một đống rác ngoài chợ đem về cưu mang nuôi nấng thành người. Hai mảnh đời bất hạnh một già một trẻ cùng hợp lại thành một mảnh đời cũng bất hạnh không hơn kém, dựa vào nhau mà sống dù lay lắt, đói nghèo.
Ông lão bạn chú H than, sao người tốt thế mà lại khổ. Tôi đã thay mặt cậu đi thăm chú. Một cuộc hội ngộ và đối thoại không lời về một khoảng cách không gian nửa vòng trái đất và thời gian nửa thế kỷ kéo dài. Có bao nhiêu điều muốn nói nhưng trùm lên tất cả là sự im lặng nặng nề, mặc cho ngoài kia gió và sóng biển Đại Tây Dương gào thét trong cơn biển động. Chú ngồi đó, đôi mắt đục mờ, nhìn một khoảng trời mông lung đất khách quê người, bất động như một con người sáp, chả còn nhớ gì về quá khứ và nghĩ gì về tương lai, ngày về với đất nước mà có thể chú đã canh cánh trong lòng suốt bao nhiêu năm nay. Tôi thay cậu bắt bàn tay đầy chai sạn nhưng lạnh lẽo không còn sức sống của chú ra về, truyền vào chú một ít hơi ấm tình quê".
Từ đó, tôi không bao giờ còn trở đi trở lại với câu hỏi lớn thường day dứt trong lòng. Tôi là ai. Bí mật đó đã cùng với người sống và người chết chôn vùi vào lòng đất. Được cha thường xuyên dạy dỗ, tôi học giỏi thông minh hơn người.
Năm 1944, tôi thi đỗ vào ban tú tài trường Lyce' Khải Định, một trường nổi tiếng ở Huế, quy tụ hầu hết các học sinh ưu tú của miền Trung đất nước. Thời kỳ này, tôi đang say mê với con đường học vấn, với những hoạt động cộng đồng, hướng đạo sinh, truyền bá quốc ngữ từ thiện. Nhưng ngày nào cũng vậy, trên đường đi học về, tôi thường bắt gặp một thiếu nữ xinh đẹp, lúc thì mặc áo dài màu thiên thanh, lúc thì tím Huế, màu áo của nữ sinh Trường Đồng Khánh, dáng dấp rất e lệ, quyến rũ. Tôi thường mơ màng nhớ về bóng hồng mình đã gặp.
Thế rồi, định mệnh lạ lùng, trong một buổi trưa tháng 5 nắng như đổ lửa hắt vào những chùm phượng vĩ đỏ chói chang trên cung đường Jules Ferry đẹp nhất ở Huế. Từ xa, đang đạp xe đi, tôi thấy một cô gái ngã nắng ngất xỉu trên vỉa hè. Tôi vội vàng đạp xe lại thì nhận ra đó là thiếu nữ mà hằng ngày tôi vẫn mê mải ngắm nhìn mỗi khi đi học về. Tôi thuê xe kéo đưa cô về tận nhà ở Vĩ Dạ, bên nách nhà của nhà thơ Hàn Mặc Tử, một thi sỹ mà những vần thơ của ông khiến bao nhiêu cô gái chàng trai xao xuyến và rung động vì sự tò mò. Tôi cũng không ngờ, số phận và định mệnh đã nắm tay tôi và cô gái kia để buộc chúng tôi lại bằng một sợi dây tơ hồng vấn vít chúng tôi, thử thách hoàn cảnh éo le nghiệt ngã của chúng tôi suốt trong những thăng trầm dằng dặc của một kiếp người. (còn nữa)
Theo ANTG
0 comments:
Đăng nhận xét