Ai đến nhà tôi đều ngạc nhiên vì gia đình tôi có một bà giúp việc quá lạ. Lạ bởi vì bà nhiều khi có quyền hành còn cao hơn vợ chồng chúng tôi. Nhưng chuyện này chỉ lạ với vợ và bạn bè vợ tôi, còn tôi xem chuyện này là bình thường từ lâu rồi.
Bà Thuật ở với ông bà tôi từ hồi bé, sau trận đói năm 1940, nhà bà không còn ai, bà tôi phải gỡ bà từ tay người mẹ đã chết đói của bà để mang về nuôi. Họ nhà tôi là hậu duệ của cụ Phan Bá Vành (Ba Vành), vị anh hùng khởi nghĩa nông dân bị chết vì có gã con nuôi phản bội nên từ đó trong họ có lời nguyền không nhận con nuôi. Nếu không, bà Thuật đã là con nuôi của ông bà tôi.
Ngày ông nội tôi và ông chú phục kích đánh và giết tên Pháp đầu tiên của châu Tuấn Lệ, Bắc Giang, bà Thuật là người đưa cơm, gánh đạn để ông tôi nằm mai phục cả tuần trời. Sau khi hạ được tên quan ba của Pháp, ông tôi trúng đạn, bà Thuật lúc đó mới trên 10 tuổi mà không hiểu bằng cách nào đã cõng ông tôi luồn rừng chạy hàng chục km, trốn thoát khỏi tay bọn ngoại bang lang sói… Sau khi Điện Biên Phủ thắng lợi, đến giai đoạn cải cách ruộng đất, ông tôi bị quy địa chủ. Vì là “người ăn, kẻ ở” trong nhà, nên bà Thuật được chọn làm người tố khổ, tố cáo những “tội ác” của ông bà tôi. Biết thế, bà Thuật trốn vào trong rừng, uống nước suối, ăn quả rừng, bắt chuột sống qua ngày, để không phải “tố cáo tội ác” của những người đã nuôi dưỡng, cưu mang mình…
Với nghĩa tình ấy, bà Thuật đã trở thành “nguyên lão tam triều” của gia đình tôi, bà đã từng bế ẵm, chăm sóc từ bố tôi đến tôi và giờ là đến các con của tôi. Từ khi bà Thuật đến nhà, vợ tôi bảo: “Em thấy mình cứ như người thừa” bởi bà Thuật chăm quá, suốt ngày quét dọn, nấu nướng. Và cũng vì bà… chăm quá nên nhiều lúc vợ tôi lại thấy… khó chịu. Có một hôm, vợ tôi thì thào:
- Anh xem thế nào bảo bà Thuật đừng có lục tủ của vợ chồng mình như thế nữa. Mấy lần em về giữa buổi thấy bà ấy lục tủ vợ chồng mình. Em kiểm tra chưa thấy mất thứ gì nhưng lo lắm.
Tôi hoảng hồn, tôi sống với bà từ bé nên tôi biết bà là người thật thà nhất quả đất này, có lẽ giờ bà có tuổi nên sinh lẩn thẩn chăng? Nghĩ thế nên có hôm, tôi thử tạt về nhà giữa buổi xem sao. Thì ra vợ tôi nói đúng, bà Thuật đang mở tủ quần áo của hai vợ chồng rồi lúi húi làm cái gì đó, tôi đằng hắng thì bà Thuật quay ra: “Cháu đã về đấy ư?”. Tôi bảo: “Bà tìm gì trong tủ của cháu thế?”. Bà Thuật cười:
- Tiên sư anh! Tủ nhà anh chị thì có gì để cho tôi lục. Hôm nọ, vào phòng thấy cái tủ mở toang, tôi định khép lại thì thấy quần áo để lộn xộn, chả chịu gấp cho gọn gàng vào. Vì thế, dạo này, tôi cứ phải kiểm tra rồi gấp quần áo lại cho anh chị luôn.
Hóa ra là thế, bà Thuật vẫn quen nếp ở quê nên thấy có việc bừa bãi là xắn tay dọn dẹp chứ đâu có phải gian tham gì. Tôi về kể lại chuyện cho vợ nghe, vợ tôi ngượng lắm. Và cũng từ hôm ấy, mỗi khi cất quần áo, cô nàng đều ngồi tỉ mỉ gấp lại ngay ngắn trước khi cho vào tủ.
Nhưng cũng chỉ được một thời gian, vợ tôi lại bảo:
- Anh bảo với bà Thuật đi nhé, nói chuyện với vợ chồng mình mà bà cứ một câu “Tiên sư anh… tiên sư chị…”, bọn bạn cơ quan đến chơi nhà mình về đồn là vợ chồng mình bị người giúp việc chửi như hát hay mà không dám làm gì.
Góp ý với bà Thuật thì bà cười: “Ừ! Bác cứ có cái tật chửi yêu như thế đấy. Từ nay bác xin sửa chữa. Tiên sư bố anh chứ, sao không nói cho bác sớm?”.
Lại thêm bao lần vợ tôi chấp nhặt những chuyện không đâu với bà Thuật, mãi về sau tôi cũng chẳng thèm để ý nữa nhưng vẫn thắc mắc không hiểu sao vợ tôi lại thích “gây sự” với bà Thuật đến thế.
Bỗng một hôm, tôi đi công tác nhưng về sớm hơn một ngày, trời đã khuya nên tôi lặng lẽ mở cửa, cất xe thì bỗng nghe thằng con tôi với mẹ nó nói chuyện trong phòng ngủ, vợ tôi bảo:
- Cu Tí hôm nay ngủ với mẹ nhé, bố đi công tác, mẹ ngủ một mình nên sợ ma.
- Không! Con ngủ với bà Thuật cơ, con ngủ với bà thì bà gãi lưng cho, còn ngủ với mẹ, mẹ toàn ngủ trước thôi, chán lắm.
- Ngủ với mẹ đi rồi mẹ mở Ipad cho chơi điện tử.
- Thế mẹ cho con mượn Ipad chơi điện tử, chơi xong con nằm với mẹ 10 phút rồi con sang ngủ với bà Thuật.
- Thằng này lại dám mặc cả với mẹ cơ à? Ngủ với mẹ rồi mai mẹ cho đi siêu thị, mẹ mua robot siêu nhân cho.
- Ứ vào! Con về ngủ với bà Thuật để bà kể con nghe chuyện cụ mình đi đánh Pháp cơ. Hôm qua bà đang kể đến đoạn cụ mình cưỡi ngựa từ trong rừng xông ra thì con lại ngủ mất. Hôm nay, con phải nghe bà kể nốt…
- Thằng này giỏi! Thế thì sang phòng bà Thuật đi, từ giờ đừng bao giờ được đòi ngủ với mẹ nữa nhá.
- Vâng! Con có đòi ngủ với mẹ đâu, mẹ đòi ngủ cùng con thì có.
Nghe xong câu chuyện của hai mẹ con, tôi hiểu ra phần nào lý do vợ tôi vẫn hay “hục hặc” với bà Thuật, hóa ra, cô ả “ghen” vì con tôi quá quý bà “giúp việc”. Hơn nữa cũng bởi tại tôi cũng quá vô tâm. Các món ăn của bà Thuật nấu, vì biết tính tôi từ nhỏ nên bà nấu rất vừa miệng, tôi khen ra mặt. Còn các loại món ăn vợ nấu, nhiều khi ăn không quen nhưng tôi lại “phũ phàng vùi dập”, chê tơi tả nên làm vợ tôi buồn. Hơn thế nữa, có chuyện gì buồn vui, tôi đều tâm sự với bà Thuật cả. Xét cho cùng thì tôi có mối giao tình bền chặt với bà, còn vợ tôi thì bà Thuật cũng chỉ là “người dưng nước lã”, đâu phải họ hàng ruột thịt gì. Muốn hai người có sự thông cảm, yêu thương nhau cần phải có thời gian.
Từ hôm ấy, theo đúng lời dạy của mẹ: “Mọi mối quan hệ trong gia đình, tốt hay dở thì cũng đều từ người đàn ông trong nhà có biết điều tiết hay không?”. Tôi phải cẩn thận từ lời ăn tiếng nói để vợ không tủi thân. Rồi đến một hôm, vợ tôi ốm nhẹ, tôi quyết liều xin đi công tác mấy hôm để bà Thuật ở nhà chăm sóc vợ.
Sau một tuần, khi tôi về, nhà cửa im ắng lạ thường. Vợ tôi đã khỏe nhưng mặt nghiêm trọng lạ thường, cô nàng giơ ngón tay lên môi: “Suỵt! Anh đừng nói to, để bà Thuật nghỉ ngơi. Mấy hôm em ốm, bà ấy phải quần quật lo đưa con mình đi học, làm việc nhà, thuốc thang cho em. Khi em khỏi bệnh thì bà cũng lăn ra ốm. Em vừa bóp chân cho bà ấy ngủ. Khổ thân bà Thuật, tham việc quá. Em nghĩ thương và có lỗi với bà quá”.
… Tự rót thưởng cho mình ly bia sau mấy ngày công tác mệt nhọc, thấy đời vui đến lạ. Thế mới biết, để những người mình thương yêu cũng yêu thương nhau cần phải có cách xử sự khéo léo và thật tâm.
Thế mới biết, nếu bà chủ và người giúp việc mà không đoàn kết với nhau là hỏng cả.
(PNVN)
0 comments:
Đăng nhận xét