20 tháng 12, 2012

CHUYỆN KHÓ TIN CÓ THẬT: Cuộc đời em trai tôi đã bị đánh cắp


Tôi đã đắn đo rất nhiều khi viết ra câu chuyện của em trai tôi, đứa em mà cả gia đình tôi, họ tộc tôi vô cùng yêu thương, tự hào và kỳ vọng. Cũng vì quá yêu thương em, niềm tự hào của gia đình dòng họ, mà chỉ có tôi, người duy nhất biết rõ câu chuyện của em, nhưng tôi đã phải ngậm ngùi nuốt đắng, nuốt cay, nén đau khi phải chấp nhận một sự thật đắng lòng này...

Kính thưa quý tòa soạn!

Phải chấp nhận một sự thật thì chuyện đã đành, đằng này tôi còn vạn bất đắc dĩ cực chẳng đã làm một điều còn khổ tâm hơn là dung túng cho một sự dối trá của gia đình em trai tôi để cha mẹ tôi được tự hào với niềm hạnh phúc của mình với bà con làng xóm, với cô bác chú dì họ tộc nốt những năm tháng ít ỏi còn lại trên cõi đời này.

Cha mẹ tôi đều là những người nông dân thứ thiệt quanh năm cắm mặt cho đất bán lưng cho trời ở một vùng quê bán sơn địa ở HT. Nhà nghèo lắm, cha mẹ tôi sinh được 5 người con nhưng rồi chiến tranh, đói rách nghèo khổ và bệnh tật đã tước đoạt đi của cha mẹ tôi 3 người con, chỉ còn lại mỗi hai chị em tôi. Hai anh đầu mẹ tôi sinh rồi không nuôi được vì bệnh tật. Thời chiến tranh, điều kiện y tế không được như bây giờ. Nhưng cha mẹ tôi bị di chứng khá nặng nề về tinh thần lớn nhất là sau cái chết của cậu em trai út 16 tuổi bị đuối nước trong một trận đắm đò năm xưa trên đường đi đến trường. Vụ đắm đò cách đây chừng 10 năm ở dòng sông quê tôi đã nhấn chìm hơn 40 sinh mạng là các em nhỏ tuổi đời từ 7 đến 17 tuổi nổi tiếng khắp cả nước. Mỗi lần xem bản tin ti vi, nghe đâu đó có một vụ đắm đò, tôi lại nổi hết da gà, nghĩ đến cha mẹ tôi chết đi sống lại trong tai nạn năm xưa ấy của em tôi.


Dồn hết công sức, cha mẹ nuôi ba chị em tôi lớn lên. Bữa cơm, bữa khoai, độn cà mặn, ba chị em cứ thế lấm láp lớn lên với đồng ruộng, trầy trật nuôi chữ. Cả ba chị em đều chăm ngoan học giỏi, ngay từ bé đã là niềm tự hào của cha mẹ họ hàng ở vùng nông thôn HT. Nhưng nhà nghèo quá, học hết lớp 10, tôi là chị cả phải đi làm thêm, chạy chợ, để nuôi hai em ăn học. Mọi hy vọng cả nhà dồn cho em trai, đứa con trai duy nhất của cha mẹ vừa là cháu đích tôn của ông bà nội, sau này là tộc trưởng của cả dòng họ. Em trai tôi dường như cũng xác định được vị trí vai trò quan trọng của mình nên đã nỗ lực để vượt lên số phận nông dân nghèo khổ của cha mẹ.

Khi em trai tôi đỗ vào Đại học Luật ở Hà Nội, em gái đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Huế, thì tôi mới nghĩ đến thân phận mình. Tôi hiểu, không học thì sẽ không có tương lai. Nhưng việc học hành dở dang, vì tôi xác định tất cả dành để nuôi cho hai em thành đạt, còn bản thân tôi, phấn đấu được đến đâu hay đến đó. Tôi lúc đó làm Bí thư chi đoàn xã. Khi hai em tốt nghiệp đại học ra trường, em gái tôi về dạy học tại một huyện trong tỉnh HT, còn em trai tôi do kết quả học tập xuất sắc được một đơn vị liên quan đến ngành Luật pháp của trung ương đã nhận vào làm việc.

Khi cả hai em đã ổn định công việc, một đứa được ở lại thủ đô Hà Nội, một đứa đã yên bề công việc dạy học ở tỉnh nhà, lúc này tôi mới có thể rảnh rang, không chịu áp lực lo kiếm tiền để phụ giúp cha mẹ nuôi em ăn học nữa mà tiếp tục phấn đấu cho bản thân. Tôi đi học Đại học tại chức buổi tối để hoàn thiện bằng cấp của mình. Do phấn đấu tốt, tôi được điều ra công tác thanh niên ở tỉnh. Tôi lập gia đình đầu tiên, rồi đến em gái út. Chồng của em gái út tôi cũng công tác trong ngành giáo dục. Nói chung là gia đình em gái út tôi khá ổn thỏa và hạnh phúc. Hai vợ chồng đều đi dạy học, đồng lương giáo viên dù eo hẹp nhưng cũng đủ sống. Chồng em gái út tôi dạy toán rất giỏi, nên học sinh đến tìm học ôn thi đại học đông, có uy tín nên kinh tế của hai vợ chồng cũng đủ chi tiêu. Gia đình em tôi khá chuẩn mực gia giáo, được bạn bè đồng nghiệp và các em học sinh tín nhiệm.

Tôi lập gia đình đầu tiên nhưng cũng khá muộn ở tuổi xấp xỉ 30. Chồng tôi ở bên quân đội. Anh hiền lành, chỉn chu. Gia đình chồng tôi bố mẹ đều làm trong ngành quân đội, khá gia giáo và chuẩn mực. Họ rất quý thông gia là cha mẹ tôi, và ngưỡng mộ gia đình tôi vì sự học hành phấn đấu của cả ba chị em. Tôi bắt đầu đi lên từ công tác đoàn rồi được cân nhắc đề bạt giữ chức vụ vừa vừa ở một đơn vị chuyên trách công tác phụ nữ. Tôi luôn dạy các em về truyền thống gia giáo và đạo hiếu của những người con với gia đình. Trong nhà việc lớn việc nhỏ các em đều hỏi xin ý kiến tôi với tư cách là chị cả và các em gần như nhất nhất nghe theo sự tư vấn định hướng của tôi trong những việc quan trọng trong đời. Cha mẹ tôi cũng rất hay hỏi ý kiến tôi trong mọi việc từ việc nội đến ngoại, việc gia đình đến họ hàng nội tộc. Tôi vừa là người chị cả, vừa là linh hồn của đại gia đình, là nơi quy tụ các em về với cha mẹ, quê hương, nội tộc.

Em trai tôi lập gia đình muộn. Mãi tới 30 tuổi mới bắt đầu yêu và cưới vợ. Có lẽ do ảnh hưởng từ tôi, với lại cũng xác nhận được vị trí trọng trách của người con trai duy nhất trong gia đình, nên em tôi đã mải mê phấn đấu, theo đuổi sự nghiệp, lập nghiệp trước rồi mới lập thân. 30 tuổi, em trai tôi đã được cân nhắc vị trí Vụ phó, mua được một căn nhà dù chỉ 30m vuông đất nhưng ở thủ đô Hà Nội đó là giấc mơ cả đời phấn đấu. Em làm nhà, nhập hộ khẩu Hà Nội đâu đó đàng hoàng rồi mới tính chuyện kiếm vợ. Mặc cho cha mẹ tôi giục giã nhiều nhưng em trai tôi tâm sự muốn ổn định tất cả rồi mới nghĩ đến lập gia đình. Thấy em kiên định với lập trường đó, tôi cũng đã ủng hộ em bằng cách nói chuyện để cha mẹ hiểu.

Em trai tôi ở xa, nên việc riêng tư yêu đương của cá nhân mình là do một mình em tự tìm hiểu. Nhưng với một thanh niên thông minh, đường hoàng và tốt bụng như em, tôi tin em đủ năng lực để lựa chọn nửa kia của đời mình. Em cũng thường tâm sự với tôi chỉ tìm hiểu những cô gái cùng quê HT để mỗi lần về quê là thăm được cả hai quê luôn. Với lại tìm hiểu người quê mình để có sự đồng cảm riêng, sự thông hiểu và chia sẻ phong tục tập quán. Em tôi kể, có mấy người bạn của em tôi lấy vợ người thành phố, mỗi lần về quê vợ lấy cớ nuôi con nhỏ, đường sá xa xôi nên ngại về, thành ra lễ tết, giỗ chạp toàn phải thui thủi về nhà một mình vì vợ nại ra đủ lý do để không phải về quê. Trường hợp này trong thực tế đã có rất nhiều rồi, và em tôi khá thấm thía với những tâm sự, những nỗi niềm của bạn bè nên nguyện vọng tìm vợ cùng quê hương là điều có thể hiểu và thông cảm cho em. Với lại mong muốn của em cũng hợp với nguyện vọng của cha mẹ tôi, và bản thân tôi, em gái của chúng tôi.

Nhưng thật oái oăm là em chưa kịp tìm được “người cùng quê” trong mộng nào để giới thiệu với gia đình tôi, cha mẹ tôi, lấy ý kiến từ chị gái và em gái thì em tôi đã điện thoại cho tôi và hối hả báo tin: Chị ơi, em đã yêu rồi. Nhưng dành cho chị một bất ngờ ngạc nhiên nhé. Người yêu, vợ hiền tương lai của em không phải là người cùng quê mình đâu. Người Bắc chị ạ, nhưng cô ấy ngoan và xinh lắm.

Qua điện thoại líu ríu, em trai tôi tuôn ra một tràng dài hết chuyện nọ xọ chuyện kia trong một tâm trạng hưng phấn tột độ. 30 tuổi, lần đầu tiên yêu, và tôi biết, em tôi đang đạt đến trạng thái đỉnh điểm của men tình ngây ngất nên mới có những cuộc điện thoại bất thường đầy ắp cảm xúc như vậy.

Tóm lại loáng thoáng qua những cuộc điện thoại líu ríu của em, tôi có thể hiểu rằng, em trai tôi đã phải lòng say đắm một cô bé sinh viên năm cuối Khoa Văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội (Bây giờ là Đại học KHXH&NV). Hai đứa cách nhau 8 tuổi nhưng không quá quan trọng vì em trai tôi mặc dù 30 tuổi nhưng em có dáng người cao ráo, nước da trắng bảnh trai, trông em rất trẻ trung và  thư sinh. Ngày đi học em được biệt danh là con mọt sách, khi đi làm biệt danh này cũng không thay đổi. Em không nhiều bạn gái, không đa tình mặc dù có ngoại hình khá hấp dẫn. Có lẽ do tính cách ít nói, chân chất, có phần thật thà thô vụng của người con trai xuất thân từ miền quê nghèo HT nên trong mục tán gái, em thua hẳn những anh chàng xấu trai hơn nhưng lại bẻm mép hơn. Vì vậy tôi vẫn thường đùa em, đường tình ái của em vẫn còn khờ khạo lắm.

Cách cú điện thoại báo tin em có người yêu đến chừng vài ba tháng sau đã thấy em dẫn cô bé sinh viên người yêu về quê để ra mắt gia đình lấy ý kiến. Khỏi phải nói cha mẹ tôi mừng vui đến thế nào vì trong tâm khảm, cha mẹ tôi chỉ có một mong ngóng khắc khoải cho em tôi sớm thành thân, lập gia đình, sinh con đẻ cái để cha mẹ yên lòng. Em trai tôi lại là đích tôn của ông bà nội, nên việc lập gia đình, sinh con lại càng vô cùng quan trọng đối với cha mẹ tôi. Ngày em trai tôi dẫn cô bé sinh viên về ra mắt gia đình tôi đã rất lo. Bao nhiêu ý nghĩ cứ chợt đến trong đầu. Tôi chỉ lo em trai tôi chọn lầm người, rồi sẽ rắc rối biết bao nếu cha mẹ tôi không bằng lòng, bản thân tôi không tin tưởng, em gái tôi không đồng ý thì sẽ khổ cho em tôi biết bao nhiêu. Lo lắng đan xen, nghĩ suy rồi tưởng tượng với bấy nhiêu hồi hộp… Vợ chồng tôi và vợ chồng em gái tôi đều xin nghỉ việc để đi chợ, về nấu nướng quây quần tụ họp ở nhà cha mẹ tôi để đón khách.

Nhưng trái với tất cả những lo lắng của tôi. Tôi gần như thở phào nhẹ nhõm, trút được gánh nặng trong lòng khi nhìn thấy gương mặt của cô gái sinh viên mà em trai tôi phải lòng. Đúng là cô bé xinh thật, ăn mặc rất giản dị nhưng nền nã và đẹp. Cô bé người Bắc, cho tôi xin được giấu địa chỉ bởi nếu nói ra hết tôi e rằng ai đó gần gũi với gia đình tôi, khi đọc được câu chuyện này sẽ nhận ra là chuyện của gia đình tôi mất, mặc dù tôi đã cố gắng làm sai lệch một vài chi tiết để cho không ai liên tưởng đến gia đình tôi nữa. Mặc dù mới về quê người yêu lần đầu tiên, nhưng cô bé tỏ ra không phải là người lạ. Cô bé nhanh nhảu bắt chuyện với mọi người, xắn tay sà vào bếp cùng chị và em của người yêu để cùng làm cơm, trò chuyện như người một nhà. Ngay cuộc gặp gỡ đầu tiên cô bé đã xóa đi mọi định kiến cổ hủ trong gia đình tôi, bố mẹ tôi về việc ngại và sợ con dâu người Bắc.

Chúng tôi đã có một bữa cơm ra mắt thật vui vẻ và chan hòa. Tôi có cảm giác như cô bé này là một thành viên của gia đình tôi tự bao giờ rồi. Sự thân thiết, không khách sáo và cư xử khéo léo, tài ăn nói cộng với sự tinh tế của người Bắc đã làm xiêu lòng người chị cả hay lo nghĩ như tôi. Đã chinh phục được cha mẹ tôi, và em gái út khá là để ý từng ly từng tí của chúng tôi. Với lại gia đình bố mẹ tôi đều là nông dân, cơ ngơi nhà cửa đều đạm bạc, nếu không muốn nói là nghèo. Tôi và em gái tôi cũng rất sợ là hoàn cảnh nhà chúng tôi đơn sơ chất phác và nghèo vậy, thì người yêu của em trai tôi ngại nghèo, sợ khổ mà chê. Nhưng thật may mắn, cô bé đã đón nhận gia đình người yêu và những tình cảm nồng hậu chân thành của gia đình nhà chồng một cách khéo léo có phần hồ hởi. Cả gia đình tôi, ai cũng nhẹ lòng thầm mong cho em trai tôi có được một người vợ như mong muốn một người con dâu hiếu thảo.

Ngày em trai tôi ra Hà Nội, tôi dặn dò em kỹ lưỡng. Em nên về bên gia đình người yêu tìm hiểu thật kỹ gia đình nhà người ta. Chớ nên vội vàng. Cứ về tìm hiểu trước, có gì sau này tính chuyện xa hơn nữa thì anh chị sẽ đưa bố mẹ ra chơi cùng. (Còn nữa).

Theo ANTG

0 comments: