Một bà cụ 87 tuổi mù bẩm sinh, suốt một đời chỉ khao khát một lần nhìn thấy ánh sáng và con đường mình vẫn đi ăn xin hàng ngày. Khi nhận được số tiền từ thiện hơn 38 triệu đồng, bà kêu lên: “Xin mọi người đừng gửi tiền cho tôi nữa!”.
Hơn 3 tháng trước đây, một tờ báo điện tử đăng bài viết về bà cụ Trịnh Thị Nhượng ở xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, 87 tuổi, một thân một mình mò mẫm ăn xin suốt một đời trên đường quê. Có khi bà bị xe đâm, có khi bà bị ngã, nhưng khỏi một cái là bà phải lê thân ra đường đi xin ăn, không thì chết đói. Nhìn bức ảnh bà cụ già khiếm thị, lưng còng gập trong chiếc áo nâu, lại đọc thêm về gia cảnh của bà, nhiều bạn đọc của báo đã thương xót mà gửi biếu bà chút tiền từ tâm.
Báo cho biết đã chuyển cho bà 4 đợt tiền, tổng cộng là hơn 38 triệu đồng, và lần gặp mới đây nhất, cụ bà Trịnh Thị Nhượng đã xin nhờ báo chuyển lời: “Tôi đã 87 tuổi rồi, cũng không còn sống được bao nhiêu. Với số tiền mà Báo Điện tử Kiến Thức về trao tặng và một số khoản từ nhiều địa chỉ trong và ngoài nước gửi về, tôi đã có cuộc sống ấm no đến cuối đời rồi. Tôi nghĩ cuộc sống cũng còn nhiều trường hợp nghèo khổ hơn tôi, cần được chia sẻ. Vì thế các nhà hảo tâm xin đừng gửi tiền cho tôi nữa, mà dành tiền, quà đó gửi đến các số phận bất hạnh khác để họ cũng được hạnh phúc như tôi. Thông qua tòa soạn, tôi xin gửi lời cảm tạ chân thành nhất đến tất cả các tấm lòng hảo tâm từ mọi miền đất nước, bà con hải ngoại đã gửi tiền về gia đình tôi”.
Bà cụ Trịnh Thị Nhượng mò mẫm trên con đường đi ăn xin |
Bài viết về lời cầu xin của bà cụ ăn xin mù lòa 87 tuổi được đăng lên không khác gì một tiếng chuông ngân vang trong cộng đồng. Ai cũng xúc động vì lời cầu xin đầy lòng tự trọng của bà cụ, và ai cũng biết, ở thời buổi này, một con người kìm giữ được sự ham muốn tiền tài như cụ thật là khó thấy.
Cụ Nhượng cả đời chưa bao giờ có được số tiền lớn như vậy, cụ bảo từ giờ đến cuối đời, mình đã ấm no, nên xin các nhà hảo tâm hãy dành tình thương cho những người nghèo khổ hơn cụ. Một con người hiểu biết và có tấm lòng nhân ái rộng lớn như vậy, thiết tưởng cũng là hiếm có trên đời này.
Lại nhớ đến bao nhiêu trường hợp lợi dụng tình thương của mọi người để kiếm tiền, để lừa đảo, có những nhà giàu có hẳn hoi, mà vẫn luồn lách đủ kiểu đủ trò để được lên truyền hình từ thiện khóc lóc không có tiền chữa bệnh. Những trường hợp ấy, nói với họ về lòng tự trọng là một điều xa xỉ và khôi hài.
Có rất nhiều người nghèo, nhưng không phải ai cũng có được sự ứng xử đúng mực với lòng từ thiện như bà cụ Nhượng. Tôi biết có trường hợp một đứa bé gái bị bệnh tim, nhà nghèo, không có tiền, cha mẹ bé đã xin bệnh viện đưa con về để chết. Nhưng có nhà hảo tâm đã bỏ ra 40 triệu đồng cho cô bé chữa bệnh, để cứu lại một con người. Ca mổ thành công, nhưng số tiền còn dư ra 9 triệu, gia đình cô bé chẳng cần hỏi ý kiến nhà hảo tâm, lên xin viện số tiền còn lại để đem về.
Nhà hảo tâm ấy đã tâm sự với tôi, rằng anh rất buồn, anh chỉ ao ước gia đình cô bé đó, đến gặp anh và nói một lời: “Chỗ tiền còn lại ấy, xin bác để dành chữa cho những đứa trẻ khác cũng mắc bệnh hiểm nghèo như con tôi”, thì có lẽ anh còn cho họ thêm. Cách ứng xử “cạn nghĩ” đó khiến anh hơi thất vọng. Tôi đã phải an ủi anh, rằng dù sao họ cũng là một gia đình quá nghèo, và nhiều khi cái nghèo đã khiến họ không thể suy nghĩ được xa hơn cuộc sống chật vật của mình, không thể nghĩ cho người khác, dù chỉ một chút thôi.
Nói như thể để thấy không phải ai cũng có tấm lòng như cụ Nhượng. Một người đàn bà thất học, từ khi lọt lòng mẹ đã không được nhìn thấy ánh sáng, vậy mà lại sáng hơn rất nhiều người sáng. Những người có chức có quyền, miệng nói ra những lời có gang có thép nhưng lòng tham thì không biết thế nào là đủ, những người chỉ lo cho tấm thân mình, những người mờ mắt vì đồng tiền tới mức không biết sống thế nào cho đúng đạo làm người. Xã hội ngày nay đang đầy rẫy những con người như thế.
Tôi đọc câu chuyện về bà cụ mà thương đến thắt lòng, bởi cái ước mơ: “Tôi chỉ ước ao một lần được nhìn thấy con đường mà tôi vẫn mò mẫm bò đi hàng ngày để đi xin ăn”. Một người cả đời chìm trong bóng tối như bà, chắc sẽ không ước ao có nhiều tiền bằng ước ao được nhìn thấy ánh sáng. Tôi dám cam đoan rằng cụ Nhượng sẽ đổi cả gia tài mà cuối đời cụ có nhờ lòng thiện của mọi người chỉ để được một lần nhìn thấy ánh sáng ngập tràn trên con đường quen thuộc của cụ. Tôi ước ao có một nhà hảo tâm nào có phép thần thông để biến ước mơ của cụ Nhượng thành sự thật. Nhưng chắc có lẽ điều đó thật khó khăn.
Cụ bà mù lòa nghèo khó đã đem đến cho tất cả chúng ta một bài học vô giá về lòng tự trọng, về sự biết đủ, về khát khao hướng về ánh sáng. 38 triệu đồng đủ cho bà một cuộc sống ấm no đến tận cuối đời nhưng cho dù không có số tiền thơm thảo ấy, lòng tự trọng vẫn đủ dùng cho bà đến suốt cuộc đời. Và đó là một cuộc đời đáng kính trọng.
(Sưu tầm)
0 comments:
Đăng nhận xét