Em trai tôi đã không vội vàng chấm dứt cuộc hôn nhân của nó. Em đã nghe lời tôi, và bấy lâu nay em vẫn ở cùng với gia đình của nó. Em không nói thêm hay tâm sự gì thêm với tôi cả. Bản thân tôi cũng không nỡ hỏi thêm em điều gì sợ lại khoét sâu vào nỗi đau của em.
Kính thưa các anh các chị trong BBT ANTG!
Bằng linh cảm của một người phụ nữ đã từng trải, tôi tin chắc rằng, em trai tôi đã yêu thương và thực lòng khát khao một đám cưới hạnh phúc. Cha mẹ tôi, dặn dò em trai tôi nhất quyết “lấy vợ thì phải xem tông”. Tông ở đây có nghĩa là tổ tông, là dòng họ, gia đình. Con nhớ phải lên tận nhà người yêu tìm hiểu gia cảnh. Dặn dò vậy nhưng trong thâm tâm cả nhà tôi nghĩ, đã là sinh viên đại học, hẳn con nhà gia giáo, chắc chắn cái nền gốc cơ bản phải là tốt. Thời của chúng tôi, đỗ đại học là rất hiếm, có khi cả một huyện chỉ được vài người đỗ đại học. Thế nên, trở thành sinh viên đại học rất có giá và được nhiều người ngưỡng mộ.
Theo như em trai tôi kể lại thì em về thăm quê người yêu được đúng 1 ngày thì phải trở về Hà Nội vì nơi T. nộp đơn xin việc người ta xét kết quả học tập của .T nên đã gọi T. tới phỏng vấn để đi làm. Đây là cơ hội lớn nên T. và em không thể bỏ qua. Em trai tôi cũng kể sơ qua về gia đình T.. Bố mẹ T. công tác gì đó ở địa phương, hôm em trai tôi lên thì cả bố và mẹ lại có công chuyện đột xuất đi công tác. Tiếp chàng rể tương lai của họ là hai vợ chồng ông bác. Nói chung gia cảnh nhà T. cũng thuộc dạng trung lưu ở vùng rừng núi Tây Bắc. Sau cuộc đi thăm gia đình T. về, em trai tôi tiếp tục đưa người yêu về quê thưa với cha mẹ tôi việc tổ chức đám cưới vì tình cảm hai đứa đã quá sâu đậm rồi.
Thời của chúng tôi là những năm tháng mở cửa, mọi lễ nghĩa cẩn thận, rườm rà và có phần khắt khe của thời phong kiến cơ bản đã được người dân nhận thức và loại bỏ bớt cho hợp với xu thế chung của xã hội. Với lại cha mẹ tôi rất tin tưởng em, tự hào vì những gì từ trước tới nay em trai tôi đã phấn đấu, đã làm cho gia đình hoàn toàn hài lòng và nể phục em. Chính vì thế khi con trai đưa người yêu về xin phép tính chuyện đám cưới thì rất phấn khởi. Họ tộc nhà tôi đã cử từ bác trưởng họ và một vài người có vai vế quan trọng trong họ cùng cha tôi thành lập đoàn đầy đủ lệ bộ hành quân lên Tây Bắc vừa là đi chơi thăm họ nhà gái, vừa là đặt vấn đề coi như đó là lễ ăn hỏi của nhà trai đối với nhà gái để cho phép đôi trẻ nên vợ nên chồng.
Mọi chuyện cứ diễn ra nhanh và tiếp nối như dòng chảy của cuộc sống và sự kiện. Ông bà sui gia thoạt nhìn trông không giống cán bộ địa phương gì cả. Trông họ hiền lành, không hoạt bát, không nói năng đưa đẩy gì nhiều. Có thể tiếng Kinh của họ không thạo lắm, hoặc giả, họ giữ lễ là nhà gái nên cũng không quá xoắn xuýt trong câu chuyện với họ nhà trai. Tôi cùng đi trong đoàn với bên nhà trai, cũng cố gắng để tìm hiểu thêm về gia đình vợ tương lai của em trai tôi nhưng rất khó.
Ở trên vùng Tây Bắc này, các hộ gia đình cách nhau đôi khi cả nửa cây số, nên hàng xóm cũng không bận tâm quá nhiều về việc riêng tư của nhau. Không như ở dưới xuôi, nhất là vùng miền Trung nơi gia đình tôi ở. Hàng xóm có bất kỳ việc gì là cả làng cả xã xúm xít lại, nhất là việc dựng vợ gả chồng cho con cái thì khỏi phải nói, ngay cả đám hỏi, hay về xem mặt thì trẻ con cũng đã bu lại xúm xít xem mặt cô dâu hoặc chú rể. Hàng xóm xung quanh thì kiểu gì cũng phải mời qua uống bát nước chè xanh rôm rả chuyện trò.
Mọi việc cũng nhanh chóng được vợ chồng ông bác thay mặt bố mẹ cô dâu định đoạt. Bên nhà gái bàn là tổ chức cưới ở Hà Nội nơi đôi trẻ làm việc rồi sau đó về nhà trai liên hoan xóm giềng. Khi nào mọi việc xong hết thì hai vợ chồng về bên nhà gái liên hoan vài mâm cỗ gọi là chào họ hàng. Còn nếu khó khăn vất vả quá, đường sá đi lại xa xôi thì bớt cái việc lại mặt nhà gái cũng không sao.
Vậy là đám cưới em trai tôi được tiến hành tốt đẹp. Tôi chỉ có một chút lăn tăn gợn lên trong lòng một nỗi buồn vu vơ là nhà vợ em trai tôi xa xôi quá, hai đứa muốn về thăm 2 quê đều rất vất vả, rồi thông gia cũng ít có dịp đi lại. Nhưng nhìn thấy đôi trẻ hạnh phúc mãn nguyện, quấn quýt bên nhau thì tôi lại ấm lòng. Chỉ có điều lạ là đám cưới của chúng nó, tôi không thấy bạn bè của cô dâu nhiều, ngoại trừ lèo tèo dăm bảy người.
Không thấy bên cơ quan cô dâu mặc dù nghe nói cô dâu đã xin được việc làm ở một nhà xuất bản nào đó ở Hà Nội. Đám cưới bên nhà gái chỉ có mỗi bố mẹ cô dâu lên dự chứ không thấy mặt mũi vợ chồng ông bác đâu. Hỏi em trai thì em trả lời rằng, do xa xôi quá nên bên nhà gái không ai đi được. Hỏi đồng nghiệp ở cơ quan cô dâu đâu thì em trai tôi bảo vợ chồng bàn nhau không mời vì em dâu tôi mới xin được đi làm nên không muốn làm phiền cơ quan. Hỏi bạn bè sinh viên của cô dâu đâu thì em trai tôi bảo chúng nó ra trường tán loạn đi xin việc mỗi đứa một nơi nên vợ em cũng không gửi được giấy mời cho bạn bè được.
Những lăn tăn của tôi không có thời gian để suy nghĩ kiểm định với nó bởi sau đám cưới được hơn 5 tháng, em dâu tôi sinh được một bé gái đầu lòng. Cả gia đình tôi đều yên ổn với cảm giác em trai tôi đã có được một tổ ấm hạnh phúc trọn vẹn. Cả hai vợ chồng đều có công việc ở Hà Nội, đều là cán bộ công chức. Khi con gái đầu lòng của vợ chồng em trai tôi được 1 tuổi rưỡi thì em dâu tôi lại có thai và sinh thêm một bé trai. Khỏi phải nói, gia đình tôi mừng vui khôn xiết đến thế nào khi đã có được đứa cháu đích tôn nối dõi.
Nhưng có đâu ngờ, chỉ 3 năm sau đám cưới, em trai tôi đã một mình trở về nhà và nói chuyện với tôi trong một bộ dạng suy sụp đến tận cùng. Câu chuyện của em là thế này: Em trai tôi đã bị vợ mình lừa suốt cả một quá trình. T., vợ của em trai tôi chưa hề học hết bậc THPT chứ chưa nói đến là đại học. Những năm tháng cô ấy bảo là sinh viên đại học KHXH&NV chẳng qua là nói dối. Bố mẹ T. cũng không phải là cán bộ. T. cũng chưa từng được bất kỳ một cơ quan nào nhận vào làm việc cả mà màn kịch lừa đảo này do cô ta dựng ra hết để mục đích kiếm được một tấm chồng tử tế và nhập được hộ khẩu vào Hà Nội.
Lý do để em trai tôi phát hiện ra màn kịch lừa đảo này là suốt 3 năm chung sống và có hai mặt con với nhau, chưa bao giờ T. mang chuyện cơ quan về kể với chồng, hay có một sinh hoạt nào ở cơ quan vợ, T. mời chồng đi. Ngay như việc sinh nở hai đứa con, đứa đầu thì bảo rằng mới vào cơ quan nên không quen thân ai, nên không ai tới mừng cháu. Đến khi sinh đứa thứ 2 vẫn không thấy có một cơ quan đoàn thể nào đến thăm hỏi nên em trai tôi sinh nghi. Hằng ngày em trai tôi vẫn chở T. đến phố Nguyễn Du để làm việc, chiều lại đón về thế nhưng chưa một lần nào cô ấy mời chồng vào cơ quan. Điều mà em trai tôi sinh nghi ngờ nữa là sau khi sinh đứa thứ 2, hầu như T. ở nhà không hề đi làm nhưng khi tôi hỏi thì T. vẫn nói dối trơn tru là T. vừa đi làm về.
Quá nghi hoặc hành tung bí ẩn của vợ, em trai tôi đã vào cơ quan làm việc của vợ mình để tìm hiểu cho ra nhẽ thì té ngửa ra cơ quan NXB này chưa bao giờ từng ký hợp đồng làm việc với một cô gái tên T. như CMND mà tôi cung cấp. Tá hỏa, em trai tôi chạy đến Trường Đại học KHXH&NV để tìm hiểu thì được Phòng Đào tạo của trường cho biết không có một sinh viên nào có hộ khẩu, CMND như T. đã từng tốt nghiệp ở đây 3 năm về trước.
Mang tất cả những bằng chứng trên về nói chuyện với vợ, không ngờ T đã thản nhiên nói với chồng: “Đã nhiều lần em định thú nhận hết tất cả với anh để em khỏi mệt mỏi chạy mãi theo màn kịch mà em đã tạo ra để nhằm chiếm được anh, trở thành vợ của anh mà em chưa có dịp. Em sinh liền hai đứa con nên chưa có thời gian để nói với anh tất cả. Đúng là em chưa từng học một trường đại học nào, em chưa từng làm việc ở một cơ quan nào. Trước đây, em chỉ là một tiếp viên trong các quán bar, nhà hàng. Em gặp anh trong một bữa tiệc mà em phục vụ. Tự nhiên nhìn thấy gương mặt hiền lành tử tế của anh, em đã tìm hiểu và vạch ra kế hoạch chinh phục anh. Em muốn trở thành vợ của anh, một cán bộ nhà nước ở Trung ương để từ bỏ quá khứ đau khổ, buồn bã, khổ sở. Khi anh lên nhà em lần đầu tiên, em đã thuê người và thuê luôn gia đình đó nói dối là bác em để tiếp anh. Thực tế giai đoạn đó bố mẹ em còn đang ở trong tù vì tội buôn thuốc phiện. Khi cưới nhau, em cũng phải thuê người đóng giả là bố mẹ em vì ông bà còn 2 năm nữa mới mãn hạn tù. Em đã đóng kịch, đã làm tất cả những gì em cho là đúng nhất vì em muốn lấy anh, muốn thay đổi số phận mình. Bây giờ anh đã biết tất cả thì em cũng đành chấp nhận. Với lại đã đến lúc em phải cho anh biết sự thật vì cứ thế này mãi em cũng mệt. Em có với anh hai đứa con rồi xin anh hãy suy nghĩ kỹ. Anh có thể tha thứ cho em để em vẫn được là vợ của anh, mẹ của các con anh không, đó là quyền của anh."
Tôi nghe chuyện của em trai tôi mà như bị sét đánh ngang tai. Tôi đã hỏi em: “Bây giờ em muốn thế nào”. Em trai tôi đã nói với tôi rằng, em muốn ly hôn và kết thúc tất cả. Tôi, mặc dù trong lòng vô cùng tổn thương và đau đớn song vẫn phải dằn lòng khuyên em: “Chị nghĩ em cứ bình tĩnh đừng quyết định vội vàng. Nếu em chưa có 2 đứa con, chị sẽ không khuyên em điều gì. Nhưng có con rồi, em đừng vội vàng mà ảnh hưởng đến các con, ảnh hưởng đến cha mẹ già, ảnh hưởng đến sự nghiệp của em. Hãy cứ nghĩ thật kỹ đã em ạ”.
Em trai tôi đã không vội vàng chấm dứt cuộc hôn nhân của nó. Em đã nghe lời tôi, và bấy lâu nay em vẫn ở cùng với gia đình của nó. Em không nói thêm hay tâm sự gì thêm với tôi cả. Bản thân tôi cũng không nỡ hỏi thêm em điều gì sợ lại khoét sâu vào nỗi đau của em. Biết em vẫn sống chung với vợ con, vẫn duy trì gia đình, tôi hiểu em trai tôi đã phải đánh mất mình rất nhiều mới có được quyết định ấy. Em trai tôi đã hy sinh vì các con của mình.
Nhưng kể từ bấy đến nay, dễ chừng dăm sáu năm trôi qua, tết nào em trai tôi cũng về nhà một mình, hoặc cùng với hai con mà không có vợ đi cùng. Em trai tôi ít nói hơn, lặng lẽ hơn, và cũng già nhanh hơn. Tôi hiểu rằng những gì em đã trải qua quá nặng nề đối với em. Tôi chỉ nói với em duy nhất một điều rằng: “Nếu không thể ly hôn được vì con, thì em có thể tha thứ cho vợ mình vì các con, và hai đứa có thể sống tốt cuộc đời còn lại để sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ”.
Nhưng không hiểu sao, từ bấy đến nay, nhìn em trai tôi, tôi luôn có một cảm giác em trai tôi vẫn chưa thể lấy lại được cuộc đời của chính nó. Cuộc đời của em trai tôi đã bị đánh cắp.
Kính thư: N.T.N.
(theo ANTG)
0 comments:
Đăng nhận xét