4 tháng 11, 2013

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Thà bố mẹ đừng sinh ra con

Kính thưa các cô, các chú!

Thực sự cháu rất buồn khi phải nói ra nỗi khổ tâm của mình. Cháu sống rất cô đơn và ít giao tiếp. Cháu hầu như không có bạn bè, không chia sẻ cùng ai… Cháu tự thấy cháu là đứa trẻ bất hạnh. Cháu luôn muốn bỏ nhà ra đi. Cháu muốn đi mãi mãi, biến mất khỏi căn nhà có gia đình cháu, biến mất khỏi cuộc sống này mà không để lại dấu vết gì cả. Cháu muốn ra đi, đi thật xa, thoát khỏi gia đình.


Nhiều khi cháu còn nung nấu ý nghĩ cháu sẽ chết. Cháu không tìm thấy niềm vui nào để sống, một hy vọng nào cho cuộc đời của cháu, tương lai của cháu. Thưa các cô chú! Có thể khi đọc đến đây các cô chú sẽ nghĩ là cháu tiêu cực, điên rồ, hay thiểu năng trong suy nghĩ. Tại sao một thanh niên trẻ như cháu lại có suy nghĩ tiêu cực đến vậy.

Tại sao một người con như cháu lại phải trốn thoát khỏi gia đình, trốn thoát khỏi vòng tay của bố mẹ. Có nơi nào an toàn hơn chính ngôi nhà của mình. Có ai có thể yêu thương và lo lắng cho mình hơn ngoài bố mẹ. Nhưng sự thực không phải thế đâu các cô chú ơi. Cháu rất khổ tâm khi phải nói ra chuyện của cháu. Cháu xin được kể từ đầu đến cuối câu chuyện của cháu để các cô chú rõ sự tình.

Cháu là con trai đầu lòng của bố mẹ cháu. Bố mẹ cháu sinh được hai trai một gái. Em kề cháu là em gái, năm nay cũng đã tốt nghiệp lớp 12 và đã là sinh viên năm nhất của một trường đại học lớn. Em trai út đang học lớp 10 ở một trường chuyên của thành phố. So với hai em thì cháu không được sáng dạ bằng.

Cháu học vất vả, khó khăn, đì đẹt mãi mà học lực vẫn yếu. Suốt mấy năm học cấp một cấp hai cháu gần như đội sổ trong lớp. Cháu không hiểu sao lại như vậy mặc dù cháu cũng rất muốn cố gắng để học giỏi bằng bạn bằng bè, bằng các em. Ngoại hình của cháu cũng rất khác so với hai em. Em gái cháu giống bố như đúc, xinh xắn, cao ráo, da trắng. Em vừa học giỏi vừa xinh đẹp, vừa ngoan ngoãn, bố mẹ cưng chiều em vô cùng. Em trai cháu có gương mặt giống mẹ, nhưng lại thừa hưởng dáng  người to cao mạnh khỏe của bố. Nhìn hai đứa em khôi ngô tuấn tú của cháu, không ai nói rằng cháu chính là anh ruột của chúng.

Bố mẹ cháu đều trắng trẻo, cao ráo, gương mặt thanh thoát thì cháu lại da đen, cơ thể mập phì, gương mặt to bẹt chẳng giống bố cũng chẳng giống mẹ tẹo nào. Nếu cháu xuất hiện cùng cả nhà đi đâu đó thì những ai không biết gia đình cháu trước, thế nào cũng lơ đi coi như cháu là xe ôm, hay người ăn kẻ ở trong nhà.

Có người tò mò còn hỏi bố mẹ cháu rằng cháu là cháu bên nội hay bên ngoại, là con ai ở quê mới lên à. Mỗi lần vậy bố mẹ cháu lại ngượng nghịu bảo cháu là con cả trong nhà. Mọi người nghe thấy thế ồ à ra vẻ ngạc nhiên sao nhìn cháu chẳng giống bố mẹ hay các em tẹo nào.
Ngoại hình đã mang lại cho cháu những mặc cảm tủi thân, việc học hành của cháu cũng chẳng sáng dạ. Có lẽ cả hai nguyên nhân đó đã làm cho cháu càng tự kỷ, tự ti và chán ghét bản thân vô cùng. Chính vì những mặc cảm ngại ngùng đó mà ngay cả với bố mẹ cháu cũng rất ít khi mở lòng. Cháu hay cáu gắt, bẳn tính, và đôi lúc rơi vào trạng thái bướng bỉnh lì lợm một cách vô cảm.

Cháu biết thế là sai nhưng cháu không làm sao thoát được khỏi tình trạng này.  Bố mẹ cháu không chịu hiểu cháu, giúp đỡ cháu, mà bố mẹ luôn tỏ vẻ chán nản với cháu, dồn hết tình thương yêu cưng chiều hai em bao nhiêu thì lại đối xử với cháu khó chịu, bực bội và ghẻ lạnh bấy nhiêu. Từ nhỏ đến lớn, cháu toàn bị bố mẹ la mắng, đánh đập mỗi khi chơi cùng các em làm các em khóc.

Mặc dù lỗi không phải do cháu thì hễ mà các em khóc thì đương nhiên lỗi là của cháu và cháu sẽ bị ăn đòn. Đòn roi đau đớn đã đành, bố mẹ cháu còn dằn hắt cháu bằng những câu mắng chửi mà cháu thấy chạnh lòng buồn tủi vô cùng. Những khi mẹ vắng nhà, cháu làm điều gì đó không vừa ý bố, là bố cháu lại buông những lời lẽ gây xúc phạm và tổn thương cháu.

Câu mà bố cháu thường xuyên mắng chửi cháu là: “Mày là nòi nhà ai lạc vào chứ cái nhà này đâu có cái giống vừa lì, vừa dốt như mày. Mặt mũi cứ như quân móc cống. Tao cũng đến lạ, không hiểu mẹ mày ăn gì, đi với ai mà đẻ ra cái giống đần độn như mày”. Và điệp khúc lặp đi lặp lại chát chúa, đau đớn trong tâm khảm cháu là bố cháu vừa đánh cháu, vừa hét lên: “Mày không phải là con tao, mày đúng là cái giống lạc loài”.

Cháu đau đớn vô cùng trước những lời lẽ mạt sát của bố mỗi khi mắc lỗi. Mẹ cháu không chửi cháu là mày không phải con tao như bố, nhưng mẹ luôn rủa cháu mỗi khi bà tức giận phừng phừng: “Tại sao tao lại đẻ ra một đứa con đần độn như mày”, hay là: “Mày có phải con tao không hả trời, hay tao bế nhầm mày từ nhà hộ sinh về hả. Mày xem hai đứa em của mày, có ai vừa ngu vừa xấu xí như mày đâu”.

Thưa các cô các chú. Cháu quen với sự ghẻ lạnh, với sự đối xử thô bạo, nhẫn tâm và thiếu công bằng của bố mẹ từ ngày còn bé tí. Thế nên cháu gần như lì lợm, vô cảm trước mọi đòn roi. Cháu chán học cũng vì thế, chẳng bao giờ được bố mẹ động viên, hay dạy dỗ mà chỉ có chửi và chửi. Cháu cũng chẳng buồn cố gắng bởi có cố gắng bao nhiêu cháu cũng chẳng cải thiện được tình cảm của bố mẹ đối với cháu như hai em cháu.

Cháu không hiểu vì sao bố mẹ cháu đều là trí thức, đối xử với các em cháu rất văn minh, lịch sự, dịu dàng mà với cháu dường như bao bức xúc dồn nén, bực bội, thậm chí cháu nghĩ là bao sự cộc cằn thô lỗ của bố mẹ cháu phía sau cái vỏ bọc văn minh lịch sự bố mẹ cháu trút hết cho cháu, đứa con lạc loài trong căn nhà hạnh phúc của các em cháu.

Cháu không biết trên đời này, có bao nhiêu gia đình phân biệt đối xử với các con một cách thậm tệ như gia đình cháu? Có bao nhiêu đứa trẻ bất hạnh vì sự phân biệt yêu ghét quá tàn nhẫn của bố mẹ như cháu. Chắc chắn là không ít đâu cô chú ạ, vì hằng ngày cháu lên mạng thấy những vụ án trong gia đình, những cách hành xử thiếu kiểm soát của thanh thiếu niên cho thấy họ là những đứa trẻ lớn lên trong một nền tảng thiếu cân bằng, nếu không nói là bị bạo hành, bất hạnh trong chính gia đình của mình.

Nhiều khi cháu hận bố mẹ cháu. Càng ý thức được thân phận, tình cảm của bố mẹ dành cho mình cháu càng sống cô đơn, thui thủi, hầu như chẳng giao tiếp với ai. Đến năm lớp 11, cháu kiên quyết bỏ học, cháu không đi học nữa vì cháu sợ phải đến lớp, sợ phải đối diện với sự kém cỏi trong học tập của cháu, sợ phải tiếp xúc với bạn bè.

Nghe bạn bè tâm sự chuyện bố và mẹ chiều chuộng yêu thương, hay sợ bạn bè hỏi về tình cảm của bố mẹ cháu đối xử với cháu ra sao.v.v.v. Cháu không muốn đến lớp vì cháu thấy đến lớp là một cực hình, ở đó cháu luôn phải đối diện với sự kém cỏi và nỗi bất hạnh mà cháu luôn muốn che giấu.

Quyết định bỏ học dở chừng của cháu đã làm cho bố mẹ cháu điên lên. Bố đánh cháu hộc cả máu mũi và bắt mẹ đưa cháu vào khoa tâm thần để khám xem thần kinh của cháu có vấn đề không. Cháu thề là cháu không bị tâm thần, thần kinh cháu không có vấn đề gì cả, thế nhưng cháu vẫn phải nhập viện 1 tháng với chứng bệnh bác sỹ kết luận là “rối loạn trầm cảm”. Từ đó, bố mẹ cháu coi cháu như một bệnh nhân thần kinh, như thể loại tàn phế, không bình thường. Từ đó trở đi, thay vì thay đổi cách cư xử với cháu, bố mẹ cháu coi cháu như một kẻ bỏ đi, không đáng quan tâm cũng không hy vọng gì.

Cháu ước cháu đừng sinh ra trên cõi đời này. Cháu ước cháu không phải làm con của bố mẹ cháu để gánh nặng hôm nay bố mẹ cháu phải mang vì có một đứa con chậm tiến như cháu. Cháu bỏ nhà ra đi mấy lần, lần nào bố cháu cũng tìm cháu về và đánh cho một trận hộc máu mũi. Bố cháu luôn dọa sẽ nhốt cháu và trại thương điên ở Trâu Quỳ, và đến lúc ấy cháu sẽ ở đó vĩnh viễn. Cháu rất sợ hãi và vì thế các cuộc trốn nhà bỏ đi của cháu càng dày đặc hơn.

Mỗi lần trốn nhà đi, cháu lại phải lấy trộm một ít tiền của bố mẹ để mua đồ ăn. Hành động trộm tiền đó của cháu càng làm cho bố mẹ cháu coi khinh cháu như một thứ bỏ đi, nhân cách tồi tệ không thể cải tạo được. Cháu biết tất cả nhưng lì lợm trước tất cả. Cháu chỉ muốn ra đi, cháu không biết phải đi đâu, làm gì, cháu chỉ muốn được ra khỏi nhà và giải thoát khỏi nỗi khổ đau làm đứa con lạc loài của gia đình cháu. Hai em cháu rất ngoan và học giỏi, là niềm tự hào của bố mẹ cháu. Còn cháu, là nỗi tủi hổ của bố mẹ cháu. Cháu rất ít khi nói chuyện với các em. Phần vì mặc cảm, phần vì từ nhỏ đến lớn, cháu bị mặc định trong mắt bố mẹ và các em là người con, người anh chậm tiến, lạc loài. Hai em cháu cũng không gần gũi với cháu, nhưng các em không đối xử tệ với cháu như bố mẹ, không cho cháu bị đau ốm hay bệnh hoạn về tinh thần, ít nhất là như vậy.

Thưa các cô các chú. Cháu luôn có một tâm trạng khước từ gia đình, khước từ bố mẹ, khước từ các em. Những trận bỏ nhà đi liên miên của cháu khiến cho bố mẹ cháu càng điên đầu. Bố cháu tìm cháu về và xích cháu lại trong nhà. Còn mẹ cháu thì coi  cháu như thành phần bỏ đi. Không có một ai hỏi cháu cần gì, cháu suy nghĩ ra sao, cháu mong muốn điều gì và tâm trạng của cháu hiện tại.

Bố mẹ coi cháu như một đứa con có vấn đề về thần kinh nên càng ngày càng đối xử không công bằng với cháu. Thậm chí càng ngày càng thô bạo khi doạ đưa cháu đi nhà thương điên. Cháu chưa một lần hé miệng tâm sự hay bày tỏ thái độ phản đối của mình trước bố mẹ. Bố mẹ cháu đều là trí thức, lẽ ra họ phải hiểu hơn ai hết các con của mình cần gì, muốn gì, khả năng của chúng đến đâu. Bố mẹ cháu không thể đòi hỏi cháu phải đẹp trai giỏi giang như hai em của cháu khi mà tạo hoá không ban cho cháu những đặc ân đó.

Phải làm một đứa con kém cỏi hơn trong một gia đình hoàn hảo, cháu cũng khổ lắm chứ, có sung sướng gì đâu. Tại sao là những bậc trí thức, có học thức, có địa vị xã hội đàng hoàng mà bố mẹ cháu lại đối xử với cháu không khác gì những kẻ vô học, thiếu hiểu biết, thiếu nhân ái.
Thực sự chuyện của cháu kể ra khó ai có thể tin đó là sự thật nhưng lại là sự thật mười mươi ngay trong gia đình cháu cô chú ạ. Cháu tin trong xã hội này, còn có biết bao những đứa trẻ bất hạnh như cháu do cách đối xử thiếu công bằng đến mức nhẫn tâm của bố mẹ cháu. Thật ra, mặc dù cháu là kẻ ít giao tiếp với bên ngoài, là thanh niên ít bộc lộ cảm xúc và chia sẻ với ai, nhưng cháu có một người bạn tâm giao luôn chung thủy và lắng nghe cháu, đó là chiếc máy tính nối mạng internet.

Cháu lên mạng đọc nhiều, nghiên cứu nhiều và cháu có tham gia các mạng xã hội bằng những nick ảo. Trong cái thế giới ảo đó, cháu được phép sống rất thật với cuộc đời số phận và những nỗi bất hạnh của cháu trong một gương mặt khác. Ở đó, những người bạn bè ảo của cháu đã lắng nghe, chia sẻ và khuyên cháu một lần hãy nói chuyện với bố mẹ và đối diện với vấn đề của cháu. Chính vì vậy mà cháu đã viết thư gửi cho các cô chú để hỏi ý kiến các cô chú cháu nên làm như thế nào để giải thoát khỏi tình trạng đau khổ này. Cháu rất mong nhận được hồi âm của tòa soạn.
Kính thư.
Kẻ mắc chứng tự kỷ và trầm uất nặng 
(Cháu xin phép cô chú cho cháu để cái tên ảo này vì cháu chưa sẵn sàng để đối diện với cuộc sống thực. Đây cũng chính là nick của cháu trên mạng xã hội đấy cô chú ạ).



LỜI BBT
Chàng trai mắc chứng trầm uất thân mến! Chúng tôi nghĩ rằng, có lẽ không có lời tâm sự nào thật hơn, sâu sắc hơn và giãi bày tận cõi lòng mình những tâm sự đầy ẩn ức một cách cụ thể và tận cùng hơn là bức thư này. Chúng tôi muốn gửi bức thư này của cháu tới tay bố mẹ cháu, để họ có thể đọc được tâm sự và nỗi lòng của con trai họ. Cháu không cần phải làm gì thêm, không cần phải tìm phương hướng giải quyết, không cần phải loay hoay việc phải bắt đầu giải quyết vấn đề của mình từ đâu. Hãy bắt đầu từ bức thư này. Bức thư đã nói lên tất cả, đầy đủ mọi thông điệp mà cháu muốn gửi gắm. Hãy để cho bố mẹ cháu đọc và hiểu được vấn đề của cháu, phản ứng của cháu.
Cháu nói đúng, không phải ông bố, bà mẹ trí thức nào cũng biết yêu thương con cái mình đúng cách, có phương pháp dạy dỗ và giáo dục con cái mình đi đúng hướng. Không phải cứ là trí thức thì sẽ biết cách cư xử có văn hoá với người thân yêu của mình. Chúng tôi chưa được gặp gỡ bố mẹ cháu để tìm hiểu, nên không dám đưa ra một phán xét nào cả. Nếu chỉ căn cứ vào câu chuyện của cháu thì bố mẹ cháu đã sai trong phương pháp nuôi dạy cháu. Sự phân biệt trong đối xử tình cảm với các con của những ông bố bà mẹ không phải là câu chuyện hiếm, thậm chí xảy ra rất nhiều trong xã hội này.
Đó cũng chính là nguyên nhân của những bi kịch thảm án gia đình mà hằng ngày chúng ta chứng kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nên đây cũng là một thông điệp quan trọng để bố mẹ cháu nếu đúng như cháu kể trong bức thư trên sẽ sớm nhận thức và sửa sai khi chưa quá muộn. Chúc cháu tìm được niềm vui sống và hạnh phúc trong chính gia đình của mình. Thân mến!

(Cand)

0 comments: