20 tháng 11, 2013

Miếng vỡ mảnh đời: Nâng niu những mảnh đời bất hạnh

Trong gần 35 năm qua, bằng tất cả tấm lòng của người mẹ, chị Trần Thị Ngọc Xinh luôn tận tụy nâng niu, chăm sóc những đứa trẻ mắc bệnh bại não do hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin. Ở phòng nuôi dưỡng nạn nhân bại não của Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi và Nhiễm chất độc (NTMC và NCĐ) da cam/đi-ô-xin Cần Thơ, chị là người phụ nữ duy nhất trụ được lâu đến thế…
Trung tâm NTMC và NCĐ Cần Thơ hiện nay đang quản lý, nuôi dưỡng 80 đối tượng thuộc diện trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS, nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin trên địa bàn Cần Thơ và các địa phương khác. Để tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, trung tâm tạm thời phân nhóm đối tượng (theo độ tuổi, giới tính, tình trạng bệnh tật) gồm: Nhóm sơ sinh, nhóm tâm thần, nhóm bại não, nhóm mẫu giáo và nhóm tự phục vụ. Riêng nhóm bại não hiện có 13 đối tượng, độ tuổi từ 3 đến 33, chị Xinh là một trong 3 người được giao chăm sóc, nuôi dưỡng nhóm này.
Cái “nghề” nó lựa chọn mình…

Đầu năm 1978, lãnh đạo Trung tâm NTMC và NCĐ lúc bấy giờ đưa chị Xinh đến phòng nuôi dưỡng nạn nhân bại não. Giới thiệu xong, vị lãnh đạo chỉ nói ngắn gọn: “Em cứ về suy nghĩ kỹ, được thì tuần sau vào làm!”. “Con gái tuổi mười tám đôi mươi, lần đầu tiếp xúc với trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin ai mà không cảm thấy… rờn rợn, nhất là các cháu bị dị dạng. Nhưng quan sát các cháu một lúc, người tôi run lên, tôi đã khóc thật nhiều vì thương các cháu, những sinh linh bé bỏng, vô tội…”, chị kể.
 

Chị Trần Thị Ngọc Xinh bón thức ăn cho các em bị bại não

Sau rất nhiều lần đắn đo, cân nhắc, bỏ qua mọi lời can gián của người thân, chị Xinh quyết định đến với phòng nuôi dưỡng nạn nhân bại não. “Lúc ấy trong đầu tôi chưa hề có ý niệm về nạn nhân của chất độc da cam, của cuộc chiến vừa qua. Tôi chỉ nghĩ các cháu đáng thương kia đang cần có thêm bàn tay chăm sóc. Lòng tôi cứ thôi thúc, mình phải cố làm điều gì đó để góp phần xoa dịu nỗi đau cho các cháu”, chị Xinh nói.
Gần 35 năm qua, chưa bao giờ chị Xinh xa các cháu bại não quá một tuần lễ, trừ những lúc chị đi tập huấn chuyên môn ngắn hạn hoặc vào bệnh viện chăm sóc người mẹ bị đột quỵ. Chị Xinh có đến 8 anh chị em, chị là người duy nhất đến nay chưa lập gia đình. Nhà chị cách trung tâm khoảng 3km, hằng ngày chị đi làm từ 6 giờ 30 phút đến hơn 18 giờ mới có mặt ở nhà. Buổi tối chị được “ưu tiên” không phải ở lại trực vì còn phụ giúp gia đình chăm sóc mẹ già bị liệt nửa người 21 năm.
Chị Xinh thật thà tới mức, ngay cả lương chính của mình được hưởng bao nhiêu chị cũng không nắm rõ, chỉ biết tổng thu nhập mỗi tháng được hơn 3 triệu đồng. Ông Bùi Tiến Trung, Giám đốc Trung tâm NTMC và NCĐ nói: “Tuy hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng chị Xinh rất có tinh thần trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Về phía trung tâm, do lực lượng còn thiếu so với nhu cầu thực tế, nhất là ở bộ phận chăm sóc trực tiếp, nên việc sắp xếp ca trực, nuôi bệnh gặp một số trở ngại. Hầu hết các cô phải trực tăng ca, số giờ dư trong tháng, trong năm vượt cao hơn mức quy định rất nhiều”.
Tiếp xúc với chị, chúng tôi tò mò hỏi ngày xưa chị có hẹn hò với ai không, có người yêu không, sao đến bây giờ chị vẫn độc thân? Nét mặt chị thoáng buồn, ngay sau đó lại bật cười, trả lời chúng tôi mà như đang nói với chính mình: “Tôi bận rộn vầy thì còn thời gian đâu mà hò hẹn, để ý tới ai. Với lại tuổi trẻ nó trôi qua nhanh quá, mình không kịp nhận ra thì vuột mất rồi”. Lại hỏi, chứ không phải những người con trai cùng trang lứa, họ biết chị gắn bó với các cháu tật nguyền nên lẩn tránh? Chị cười, nửa đùa nửa thật: “Có khi thiệt vậy à nghen. Nhà báo vô đây chụp hình, quay phim hoài, họ đưa tôi lên báo, lên truyền hình. Ngay cả người thân xem cảnh tôi chăm sóc các cháu mà còn e ngại nữa là. Nhưng cái nghề nó lựa chọn mình rồi, biết làm sao được…”. Bỗng có tiếng hét thất thanh của một cháu bé phía cuối phòng khiến chúng tôi cũng giật mình. Chị Xinh bỏ dở câu chuyện với chúng tôi, lật đật chạy đến bên đứa bé, ôm nó vỗ về, miệng nói liên hồi: "Mẹ đây, mẹ đây con…".
Tấm lòng người mẹ
 “Tại Trung tâm NTMC và NCĐ, công việc cực nhọc, vất vả nhất đều tập trung ở phòng nuôi dưỡng nạn nhân bại não. Do di chứng của chất độc da cam/đi-ô-xin, ngoài bại não, các cháu còn mang thêm nhiều căn bệnh quái ác trong người”, ông Bùi Tiến Trung chia sẻ. Vì thế các chị chăm sóc nạn nhân bại não gần như không có thời gian để nghỉ ngơi.
Bước chân vào phòng, tiếng rên la, tiếng khóc thét vô thức và vẻ ngoài biến dạng của các nạn nhân bại não khiến ai cũng mủi lòng. Chúng tôi thấy trên chiếc giường nhỏ nơi góc phòng, một “đứa bé” đầu nhọn như quả dưa, cho cả bàn tay xương xẩu vào miệng, cặp mắt vô thức chẳng biết nhìn về đâu. Chị Phan Thị Kim Thoa nhẹ nhàng bế "cháu" dậy vì đã tới giờ ăn. Chị Thoa nói: “Cháu này tên là Liên, đã 33 tuổi, nhưng hình hài vẫn là đứa bé mới lên 5 tuổi thế này”. Chị Thoa trước cũng công tác ở phòng nuôi dưỡng nạn nhân bại não, vừa nghỉ hưu năm 2012, giờ chị là “tình nguyện viên” vào giúp chị Xinh chăm sóc các em.
Ngay giữa phòng, chị Xinh đặt hai em nằm lên đùi mình, xúc từng thìa cháo cho các em ăn. Em bên trái mỗi lần nuốt cháo lại khóc thét lên đau đớn, chiếc lưỡi to đầy vòm họng như cuộn sóng. Những hạt cháo li ti bắn ra, đậu đầy trên tóc, trên mặt chị Xinh. “Mất thời gian nhiều nhất là khi bón cháo cho các cháu ăn, có đứa phải bón từng thìa, gần 4 giờ đồng hồ mới ăn xong được bát cháo. Nếu không kiên nhẫn, không hiểu ý sẽ không bảo đảm được chế độ dinh dưỡng cho các cháu”, chị Xinh cho biết.
 “Hiểu ý”, theo chị Xinh là biết được tập tính, thói quen của từng em. Rồi chị nói vanh vách: Bé Hân cuống họng nhỏ lại không được thẳng, bé Trúc thường lên cơn động kinh trong khi ăn, bé Như lưỡi to khó cho cháo vào miệng…
Các cháu ở Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi và Nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin Cần Thơ.

Cho các em ăn, uống thuốc xong lại quay ra thay tã lót, lau mình, làm vệ sinh cho các em, mỗi em một ngày thay từ 3 đến 5 lần tã lót. Chị Xinh nói: “Ngay cả buổi trưa chúng cũng không ngủ, cứ lăn lộn liên tục. Tôi phải thường xuyên đi kiểm tra, xem cháu nào bài tiết thì thay tã ngay, để lâu mất vệ sinh và ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu”.
Nhìn chị Xinh nhỏ nhẹ bón từng thìa cho các em, bạn Nguyễn Thúy Hạnh, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ xúc động: “Em và nhóm bạn thường tới đây vào dịp cuối tuần, các em ở các nhóm khác trong Trung tâm rất hồn nhiên, được đi lại, chơi đùa. Nhưng các em ở nhóm bại não thì rất tội nghiệp vì chỉ biết nằm một chỗ, đến cả khi ăn cũng đau đớn. Em rất cảm phục những người như chị Xinh, chị thật sự là người mẹ hiền chăm lo sự sống cho các em”. "Tôi đã nhiều lần được trung tâm phân công theo chăm sóc các cháu mỗi khi phát bệnh, hoặc chuyển viện điều trị, tôi biết sự sống của các cháu rất có giới hạn. Riêng trong tháng 7 và 8 này, hai cháu Phước, Sơn đã vĩnh viễn ra đi. Vậy nên chăm lo, yêu thương, vỗ về các cháu được lúc nào tốt lúc đó, bao nhiêu cũng là chưa đủ…", chị Xinh tâm sự.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bùi Tiến Trung cho biết: "Vì công việc vất vả, đặc thù ở phòng nuôi dưỡng nạn nhân bại não nên trung tâm đang gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Năm 2012, có hai sinh viên mới ra trường nộp hồ sơ xin việc. Đúng một ngày trước khi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ ra quyết định tuyển dụng, chúng tôi bố trí để các em đến làm quen công việc. Không ngờ hôm sau, các em… lẳng lặng đi luôn, không một lời giải thích. Tôi tin chắc chị Xinh không bao giờ nghe được câu chuyện này, khi thấy tôi đưa máy ảnh lên chụp hình chân dung, chị nói: "Năm tới vào đây em không gặp được chị đâu, vì chị sắp nghỉ hưu rồi. Nhưng ngày cuối tuần, chị sẽ tự nguyện có mặt để tiếp tục chăm sóc những đứa trẻ tội nghiệp…".

theo qdnd.vn

0 comments: