6 tháng 2, 2014

NHỊP SỐNG IRS: Tổng giám đốc IRS: Ưu điểm của CTCK nhỏ là có thể quan tâm đến từng khách hàng

Các CTCK chú trọng vào hoạt động tự doanh nhiều hoặc kiểm soát rủi ro về mặt tài chính không tốt thì ngay bản thân công ty lớn cũng bị ảnh hưởng nhiều và phải tái cơ cấu.


Nhân dịp Tết Giáp Ngọ 2014, chúng tôi có dịp phỏng vấn ông Trần Hữu Chung, Tổng giám đốc CTCK Quốc Tế Hoàng Gia (IRS) về hoạt động của công ty trong năm 2013 và định hướng trong năm 2014.
Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã lãnh đạo IRS được hơn 1 năm, trong 1 năm qua ông cảm thấy hài lòng và không hài lòng về điều gì ở công ty?
Ông Trần Hữu Chung: Năm vừa qua trong bối cảnh khó khăn nhưng với sự nỗ lực của toàn thể lãnh đãnh đạo và nhân viên, IRS đã đạt được kết quả rất khả quan như doanh thu hoạt động môi giới IRS tăng 2,5 lần, thị phần tăng 2 lần, doanh thu tài chính tăng 2 lần, tư vấn tài chính DN tăng 2,5 lần, kết quả kinh doanh năm 2013 có lãi.
Năm vừa qua IRS phối hợp cùng với đối tác Navisoft nâng cấp phần mềm giao dịch với nhiều tính năng, tiện ích online phù hợp với nhu cầu nhà đầu tư cá nhân, đồng thời nâng cao chất lượng quản trị rủi ro đối với mảng dịch vụ tài chính.
Năm 2013 có thể coi là năm mà hoạt động tái cơ cấu các CTCK nhỏ diễn ra rất khốc liệt, ông làm thế nào để dẫn dắt IRS có thể đứng vững trong cơn bão tái cơ cấu trong năm 2013?
Các CTCK chú trọng vào hoạt động tự doanh nhiều hoặc kiểm soát rủi ro về dịch vụ tài chính không tốt thì ngay bản thân công ty lớn cũng bị ảnh hưởng nhiều và phải tái cơ cấu như SBS chứ không chỉ CTCK nhỏ. Nhỏ hay lớn không quan trọng bằng khả năng kiểm soát rủi ro như thế nào. 
Định hướng của IRS không tự doanh và chú trọng vào hoạt động dịch vụ nên trong năm qua IRS đã xây dựng và nâng cấp được hệ thống phần mềm, ngoài tiện ích cung cấp cho NĐT online còn có chiều sâu liên quan đến việc kiểm soát rủi ro, xây dựng hệ thống nền phía dưới để IRS trong năm tới có thể tăng tốc mà vẫn kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả
Đối với CTCK việc kiểm soát rủi ro là số một, lãnh đạo công ty và nhân viên hiểu biết điều này và có bước đi thận trọng. Đó ko phải là sợ mà là đi chắc chắn. 
Thị trường tốt lên nên cơ hội cho CTCK vẫn còn nguyên, công ty nhỏ có ưu điểm là chi phí thấp nên nếu quản lý khéo thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn sẽ cao mang lại hiệu quả cho các cổ đông. Về mặt nguồn vốn của công ty vẫn giữ được trong năm vừa qua, ngoài ra HĐQT dự kiến sẽ bổ sung nguồn vốn để đáp ứng sự tăng trưởng trong năm tới.
Bản thân IRS sống bằng môi giới, nhưng 63% đang thuộc về 10 CTCK lớn, miếng bánh thị phần đang ngày càng thu hẹp, liệu chỉ với mảng môi giới công ty có bù đắp hết chi phí không thưa ông?
IRS đi bằng con đường tiết kiệm chi phí, kết hợp với đối tác nội xây dựng hệ thống Core theo kiểu “may đo” riêng nên chi phí đầu tư core không quá lớn. Ngòai ra chúng tôi tối ưu hóa các hoạt động back để giảm chi phí và chú trọng công tác chăm sóc khách hàng.
Trong năm vừa rồi IRS tổ chức đào tạo chiến lược đầu tư cho NĐT của mình và trình độ của NĐT IRS năm vừa rồi có rất nhiều khác biệt, khi khách hàng gắn bó cả ở hiệu quả đầu tư và ở việc chăm sóc khách hàng thì khách hàng sẽ gắn bó mãi với IRS. Chúng tôi không cạnh tranh về thị phần, thị phần sẽ tự đến.
Cách giữ chân khách hàng của IRS có gì khác biệt và tăng trưởng số lượng khách hàng mới trong năm 2013 ra sao thưa ông?
Chúng tôi giữ chân khách hàng cũng như tăng trưởng số lượng khách hàng mới qua các hoạt động sự kiện và chăm sóc khách hàng, hoạt động này được các nhà đầu tư đánh giá rất cao.
Ưu điểm CTCk nhỏ là có thể quan tâm đến từng khách hàng một, quan hệ giữa IRS và nhà đầu tư khá bền vững, NĐT ở IRS coi công ty như nhà của họ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn và sinh hoạt thành một cộng đồng.
Trong năm 2013, số lượng tài khoản mặc dù tăng không nhiều, khoảng trên 200 tài khoản, tuy nhiên họ active gần hết.
Ông làm thế nào giữ chân nhân sự trong khi các CTCK lớn cạnh tranh về lương, quy mô?
IRS có định hướng phát triển nhân sự, đào tạo tuyển mới và xây dựng cơ chế hoạt động lương theo kinh doanh tuy nhiên khác biệt của IRS là chú trọng đến sự phát triển ổn định, có người phù hợp và không phù hợp, những người muốn có giá trị dài hạn bền vững, ổn định có một chỗ làm ấm cúng và thu nhập ổn định sẽ gắn bó với công ty.
Công ty huy động vốn cho vay margin như thế nào thưa ông?
Tiền mặt của công ty hiện còn nhiều, chúng tôi cho vay lãi suất cạnh tranh vừa đủ, từ 14-15%/năm, nhờ HĐQT dành nhiều ưu ái nên cung cấp vốn với lãi suất rẻ để IRS cho vay, chúng tôi hấp thụ đến đâu dùng đến đấy chứ không vay ồ ạt bởi nếu dư nguồn thì mình vẫn phải trả phí.
IRS có định tăng vốn trong năm 2014 không thưa ông?
Quy mô công ty sẽ phát triển từng buớc, tuy nhiên việc tăng vốn còn phải phụ thuộc nhiều thứ, chăc chắn IRS có định hướng tăng vốn nhưng có thể năm sau hoặc năm sau nữa, chúng tôi không quá áp lực về việc này.
Hiện tại Chính phủ đã cho phép NĐT nước ngoài được nắm giữ 100 vốn của CTCK trong nước, như vậy các CTCK nhỏ không những phải cạnh tranh với các CTCK lớn trong nước mà còn phải cạnh tranh với các công ty có nguồn lực công nghệ lớn như các công ty nước ngoài, ông nghĩ sao về điều này?
Công ty có 100% vốn nước ngoài họ sẽ hướng đến phục vụ NĐT nước ngoài nhiều hơn vì phong cách NĐT nước ngoài rất khác, một công ty của nước nào họ sẽ chú trọng tới khách hàng của nhóm đấy khi đầu tư vào VN. Theo quan điểm của tôi NĐT Việt Nam có đặc thù riêng và chưa chắc họ đã thích mở tài khoản tại công ty ngoại, do các nguyên tắc và tính khác biệt về mặt văn hóa…việc trên thị trường có thêm NĐT ngoại vừa tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa nhưng đã ở ngành nghề nào cũng có cạnh tranh, chúng ta phải có sự khác biệt và có thị trường ngách đi thôi.
Xin cảm ơn ông.
(Theo Tri thức trẻ)

0 comments: