11 tháng 10, 2010

Buổi sáng sau Đại lễ qua cảm nhận của Dâu Tây

Vậy là đại lễ của các đại lễ đã xong. Các ông duyệt binh đã hết binh để duyệt. Các anh bắn pháo hoa đã hết pháo hoa để bắn. Bây giờ là sáng hôm sau.

Joe Ruelle, tức Dâu Tây, cảm nhận về đại lễ nghìn năm Thăng Long, Hà Nội.

Cách đây mấy năm tôi có một người bạn hỏi tôi: “Ông có muốn lấy vợ không?”. Tôi nói tôi có. “Vậy tôi sẽ giúp ông”, bạn tôi nói thêm: “Bây giờ ông cho tôi biết ba tiêu chuẩn quan trọng nhất của ông khi tìm vợ.”

Tôi nghĩ lâu: “Thông minh, dí dỏm, thích đi phượt.”

“Được rồi,” bạn tôi nói. “Hay ông nghĩ thêm một tiêu chuẩn nữa đi, cho phong phú mà. Ông không cần nghĩ lâu, thêm cái bất kỳ, coi như tiêu chuẩn bỏ đi được”.

“Ù, thế thì… tôi chẳng biết nữa…‘lịch sự’ đi.”

“Lịch sự hả?”, bạn tôi hỏi.

“Ù. Lịch sự kiểu... kiểu lịch sự.”

“Đấy!” bạn tôi nói. “Đó đúng là tiêu chuẩn quan trọng nhất với ông. Ông phải lấy một người vợ lịch sự mới có gia đình hạnh phúc. Các tiêu chuẩn kia chỉ là phụ thôi”.

“Sao ông có thể nói thế được?!”, tôi tò mò.

“Đơn giản”, bạn tôi trả lời. “Ba tiêu chuẩn kia ông nghĩ rất lâu mới ra. Ông phân tích, ông viết kịch bản, ông sửa kịch bản, rồi ông sửa nốt cho chắc. Đúng thì đúng, nhưng ba tiêu chuẩn ấy không phải ‘thật đúng’. Ông hiểu chưa? Còn cái tiêu chuẩn ‘thêm vào’ mới là cái xuất phát trực tiếp từ trong lòng ông. Vì ông không kịp tìm ở chỗ khác”.

Sau mấy năm nghiên cứu thêm về tình yêu và tiêu chuẩn, tôi có thể tự tin nói rằng bạn ấy phân tích đúng.

Với những người may mắn được tham gia đại lễ nghìn năm, có khi cảm giác về Hà Nội trong ngày hôm nay – cảm giác “ngày hôm sau”, cảm giác “thêm vào” – mới là cảm giác thật lòng.

Tối qua đã rất đông vui, nhộn nhịp, sắc màu. Tối qua nhiều người dạo phố tự nói với mình “Tôi yêu Hà Nội”, rồi mua áo thun “I♥HN” để chứng minh lời nói âm thầm đó.

Đó là tình yêu.

Có khi một trong hàng nghìn người đó sáng nay đã dậy sớm, lang thang một mình, thấy một chiếc lá vàng rơi, một chiếc lá nâu rơi theo, vài băng buộc đầu đỏ trên vỉa hè, một người phụ nữ già mở quán bún thang, hơi tỏa trong không khí – và lúc đó tự nói với mình: “Tôi yêu Hà Nội”.

Đó là tình yêu rất thật.

Tối hôm qua chắc nhiều người đã rất cố gắng nghe trái tim họ đang nói gì. Đã là đại lễ nên phải có “đại cảm giác” đi cùng, cho đẹp đôi. Sự kiện nghìn năm chỉ có một lần, cảm giác phải thật độc đáo, thật khó quên. Nhưng trái tim con người không tạo cảm giác theo yêu cầu. Trái tim con người bướng thật, càng năn nỉ càng lắc đầu.

Vào những sự kiện lớn, con người chúng tôi chỉ biết lấy những cảm giác trái tim chịu cho, rồi nhờ đầu óc sửa lại cho phù hợp với sự kiện.

Sự kiện yêu cầu cảm giác vui mừng nhưng trái tim chỉ cho cảm giác hay hay? Không sao. Đầu óc sẽ tìm cách làm cho vừa. Tự thuyết phục mình rằng mình đang cảm thấy… khác.

Trái tim cho thóc là đầu óc cho vào bát đẹp, ăn với đũa bạc và khen “ngon quá!”

Hôm nay số người dạo phố và cố gắng nghe trái tim nói gì lại ít hơn. Đại lễ đã qua. Cuộc sống đã về. Nhưng các bạn hãy thử nghe trái tim xem. Hãy nhìn quanh. Ca sĩ đôi khi đợi khán giả về mới hát những bài hay nhất. Hát cho người ở lại. Hát tặng người dọn rạp.

Một số người treo lên tường rào chùa Kim Sơn, phố Kim Mã, Hà Nội, để xem diễu binh hôm qua. Ảnh:Tiến Dũng.

Tôi xin bỏ quốc lộ triết học một chút, rẽ vào con đường nhỏ là kỷ niệm của tôi vào ngày hôm qua. Sáng tôi ở nhà một người bạn ngay gần phố cổ, mở cửa sổ nghe tiếng người ta đi lại với sự hồi hộp.

Trưa tôi ra quán ăn phở, thấy chị chủ quán viết “Nhận trông xe” trên cái bàn, lật nghiêng thành biển. Tôi thấy mùi sự kiện.

Chiều tôi dạo phố, ăn sữa chua nếp cẩm, xem các công nhân đang chuẩn bị như thế nào. (Tôi thích bắt chuyện công nhân vì họ luôn có gì để nói.) Hết giờ chiều tôi có ý định tìm nơi yên tĩnh ngồi một mình, ngẫm lại mấy năm vừa qua. Nhưng tôi đã ở nhà trong phố cổ rồi, đã là ngày mười-kiêm-mười-kiêm-mười rồi, sao tôi không đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm?

Tôi đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm.

Tôi đi duy nhất một vòng là về. Một nghìn năm và một vòng đều có chữ “một”, tôi thấy đẹp. Trong lúc đi tôi ngẫu nghiên chụp hình cùng một gia đình nhiều thành viên (tôi xuất hiện như một bác Tây trong họ hàng xa), uống một chai sữa đậu nành, cố gắng cảm nhận không khí thiêng liêng nghìn năm chỉ có một lần. Tôi thất bại. Tôi đã biết tôi sẽ thất bại từ trước khi tôi thử.

Sáng hôm nay tôi dậy rất sớm, dạo phố một mình. Tôi có vài giây thiêng liêng nhưng vài giây thiêng liêng đó tôi sẽ không kể với các bạn ở đây vì…sợ mất. Tôi ích kỷ.

Tôi chưa lấy vợ nên tôi chưa biết cảm giác đến dự đám cưới của chính mình. Nhưng tôi đã đến dự đám cưới các loại của nhiều người (cũng các loại). Tôi nhìn cô dâu và chú rể đi từ bàn sang bàn, từ nhóm sang nhóm, cười thật tươi, 1,2,3, dzô, tiếp, 1,2,3 dzô, tiếp, 1,2,3 dzô…Tôi đoán rằng cảm giác của hai vợ chồng trẻ khá vui, hồi hộp, thêm chút bối rối.

Rồi tôi hình dung buổi sáng hôm sau, anh chú rể ngủ dậy bên cạnh một người phụ nữ trẻ đẹp, nhìn cô ấy đang ngủ và nghĩ: “Đây là vợ của mình".

Là vợ. Của mình.

Rồi anh ấy cầm sợi tóc của cô, cười mỉm nhưng là nụ cười đẹp hơn tất cả các nụ cười tươi của đám cưới ngày hôm qua.

Đây là vợ của mình.

Đây là Hà Nội của mình.


0 comments: