Có lần tôi đến công ty của một khách hàng, tôi bước đến quầy tiếp tân để nhờ thông báo với người cần gặp rằng tôi đã đến. Ngồi tại quầy tiếp tân là một cô không phải tiếp tân, tôi đoán được qua những cử chỉ, lời nói cũng như chút bối rối của cô ấy trong mấy việc thuộc “nghề” của tất cả những ai làm tiếp tân như chuyển điện thoại và nhận fax đến…
Được thông báo là người tôi cần gặp chưa kết thúc cuộc họp nên tôi ngồi đợi. Lấy cuốn sách ra đọc, được vài phút thì cô tiếp tân “đích thực” xuất hiện. Mọi việc trì trệ nơi quầy tiếp tân nhanh chóng được xử lý. Và điều tôi quan tâm đó là lúc này tôi được mời một ly nước. Ly nước mát lạnh cùng nụ cười niềm nở của cô tiếp tân “đích thực” làm tôi thấy vui vui. Tôi tiếp tục tập trung vào cuốn sách nhưng nghe tiếng xì xào nơi quầy tiếp tân làm tôi dừng đọc, dù mắt vẫn chăm chú vào cuốn sách nhưng tai tôi thì đang hóng chuyện ở quầy tiếp tân. Cô tiếp tân “đích thực” cằn nhằn và trách móc cô gái ban nãy, đại ý là: sao không rót nước mời khách, sếp mà thấy vậy thì thế nào cũng có chuyện. Tôi nghe cô kia “đớp” lại liền, cũng đại ý là: mắc gì tui phải rót nước mời khách, việc của tui ở đây không phải đi hầu hạ người khác, tui chỉ ngồi trực dùm một chút thôi. Vừa chạm tay vào ly nước định đưa lên uống, tay tôi khựng lại.
Đây là một chuyện rất nhỏ trong tất cả những chuyện tôi đã từng gặp – tôi muốn nói về tinh phần phục vụ của nhiều người. Bước ra đường, cứ để ý quan sát bạn sẽ thấy tinh thần phục vụ ở nhiều người, nhiều nơi còn rất kém. Ai cũng thấy việc phục vụ là mất sĩ diện, mất phẩm giá. Ai cũng thích được phục vụ hơn là đi phục vụ người khác. Nhân cách hay phẩm giá của chúng ta chẳng có gì tồi tệ đi khi ta cúi xuống chìa tay ra với những người nghèo khổ, thấp bé hơn mình. Nhìn gương mẹ Teresa Calcutta để thấy Bà đã trở nên vĩ đại và được cả thế giới cúi đầu ngưỡng mộ và tôn vinh bởi cả cuộc đời Bà đã cúi xuống phục vụ những con người thấp hèn và nhỏ bé nhất.
Khi chúng ta không xem việc chăm sóc người khác là nhiệm vụ trong đời, chúng ta làm việc với thái độ chán nản, không cải thiện chất lượng, không nâng cao kỹ năng, không tạo ra niềm vui cho mình lẫn người được phục vụ. Nhiều người xem việc đi làm để kiếm lương chứ không phải để phục vụ công ty, phục vụ khách hàng và phục vụ xạ hội nên người làm công việc dịch vụ khách hàng làm như cái máy, làm đúng gì những cần làm, không bỏ tí cảm xúc vào công việc mình làm. Vì vậy, khách hàng đến rồi đi liên tục, bởi chỉ có những tình cảm chân thành mới giữ chân được con người.
Điều này bắt rễ sâu xa từ trong văn hóa của người Việt Nam và thể hiện rõ ở từng gia đình. Nhìn cách các bậc cha mẹ chăm sóc và giáo dục con cái của mình sẽ thấy, họ đáp ứng cho con mình đầy đủ mọi thứ, cho chúng những gì tốt nhất, không để chúng động tay động chân vào bất cứ điều gì. Chúng lớn lên trong một môi trường được bao bọc và ấm êm, ngay cả bản thân mình chúng cũng không biết chăm sóc huống gì biết phục vụ người khác để thấy được niềm vui và giá trị đích thực của phục vụ. Đã rất nhiều thế hệ lớn lên, nhất là những đứa trẻ sau này luôn đòi quyền lợi trước khi phục vụ và cho rằng phục vụ là hầu hạ người khác, là một việc cực chẳng đã phải làm chứ chẳng sung sướng gì.
Chừng nào người Việt Nam có niềm tin rằng, chỉ có người phục vụ được nhiều người tốt nhất là người giàu nhất, được tôn trọng nhất, giữ vị trí cao nhất, và cũng là người hạnh phúc nhất thì chất lượng dịch vụ mới được cải thiện ở Việt Nam. Và khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ không còn khó chịu hay rầu rĩ nữa khi phục vụ khách hàng nữa, mà sống trong niềm vui bởi những giá trị của mình đang được lan tỏa bằng tinh thần phục vụ chân chính. Lúc đó, chúng ta mới thật sự có những nhà lãnh đạo phục vụ theo như Bác đã nói: Lãnh đạo là đầy tớ của nhân dân.
0 comments:
Đăng nhận xét