12 tháng 4, 2012

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: Bố ơi! Con không thể không oán trách bố (Phần I)


Tôi xin bạn đọc và mọi người tha lỗi cho tôi nếu một ai đó nghĩ rằng tôi là một đứa con bất hiếu. Khi mà một đứa con phải trải lòng mình ra với thiên hạ về những buồn chán, bất hạnh mà bố mình đã gây ra cho mình thì người bố ấy chắc mắc lỗi với con mình không phải là ít. Và khi buộc phải kể ra hết mọi nỗi khổ trong đời, mọi ẩn ức mà suốt mấy chục năm qua người con phải chịu đựng vì bố, ắt hẳn tôi cũng chẳng sung sướng và vinh dự gì. Nhưng tôi cần có một nơi để giải tỏa ẩn ức, cần có một chốn để trút bỏ nỗi lòng mình.

Tôi tên là Trang, hiện sống ở TP HCM. Gia đình bố mẹ tôi hiện vẫn ở Hà Nội. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình viên chức. Ký ức đẹp đẽ, linh thiêng và xúc động nhất của tôi về Hà Nội, về gia đình có lẽ đọng lại tất cả ở người bà nội rất đỗi yêu thương và đáng kính trọng. Tôi cảm ơn cuộc đời này đã cho tôi được có bà, một người hết lòng thương con thương cháu như bà nội tôi để tôi còn có cái để mà bấu víu, để mà nương tựa mỗi khi sụp đổ trước những khổ nạn của cuộc đời. Khi viết những dòng này, tôi tự hứa trước vong linh của bà nội tôi vừa mới qua đời, rằng tôi chỉ viết ra sự thực, dẫu sự thực ấy có chua chát, tê tái đến mức nào.

Bố tôi tên là K, từng là Giám đốc Công ty MT-VPVH của Sở VHTT Hà Nội. Tôi là con gái đầu lòng của bố mẹ tôi. Cuộc sống thời bao cấp, gia đình tôi cũng vất vả như bao gia đình khác ở Hà Nội. Là con gái lớn trong nhà, mọi việc đều tới tay tôi từ xếp hàng mua gạo, rau dưa và nhiều nhất là làm nghề phụ. Nhà tôi ngày xưa có nghề phụ nên đời sống gia đình không đến nỗi khó khăn như một số gia đình khác, nhưng về đời sống tinh thần thì thua xa những nhà nghèo. Nhà có nghề phụ gì tôi đều trải qua hết: Lên 8 tuổi, tôi đã cùng bà nội làm tượng thạch cao, làm mành, tượng gỗ xuất khẩu. Nhưng bố tôi đã đối xử tệ với bà nội, khiến bà phải bỏ gia đình tôi mà sang ở với chú Quảng. Từ đó mọi việc nhà đổ hết lên đầu đứa bé 13, 14 tuổi là tôi.

Nhà tôi lúc đó còn có nghề làm mành, tôi suốt ngày gò cổ đạp xe giao mành ở Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân. Tôi bị bệnh hen mạn tính, nên tôi còm cõi, bé tí, không phổng phao như đám bạn cùng lớp, lại phải làm việc tối ngày, nên rất ốm. Người đã bé tẹo, da dẻ xanh xao vì bệnh hen hành hạ, tôi lại thường xuyên bị đòn roi, và sự chửi mắng sỉ vả của bố tôi mỗi khi không làm vừa ý ông ấy. Tuổi thơ của tôi trôi qua trong vất vả, tủi cực và trong sự tự ti vô cùng với bạn bè cùng trang lứa. Cuộc sống vất vả cực nhọc, tôi trở nên rụt rè, không hoà nhập được với bạn bè, không còn đâu nét hồn nhiên vô tư của con trẻ.

Tôi cũng không hiểu vì sao bố tôi, người đã sinh ra tôi là con của ông ấy, mà ông lại đối xử vô cùng nghiệt ngã với tôi như vậy, xem tôi không khác gì một con ở trong các gia đình địa chủ thời phong kiến. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện bố đối xử với bà nội, tôi lại ứa nước mắt vì thương bà. Tôi nghĩ, đến mẹ đẻ của mình mà ông ấy còn không có tình cảm thì việc không có tình cảm với con đẻ nào có gì là lạ. Bước sang tuổi 13, tôi khẳng khiu và bé tẹo như cây liễu, thế mà bố tôi bắt tôi mỗi ngày phải đi gánh 5 gánh nước về cho ông ấy dùng. Cơn hen ban đêm làm cho tôi kiệt sức, có những lúc tôi tưởng tượng mình có thể sẽ không bao giờ còn trở dậy được nữa sau những cơn hen ấy. Sáng ra, tôi đi học trong mệt mỏi, cả ngày không hề được dưỡng bệnh nhưng vẫn phải lo làm hàng thủ công, lo gánh nước, lo hoàn thành mọi việc như giặt giũ quần áo cho cả nhà, đi chợ, thổi cơm, tối còn phải học bài. Ngoài ra tôi còn lãnh trách nhiệm đưa đón 1 đứa em đi học đàn ở Nhạc viện Hà Nội.

Tôi làm việc như con thoi, 1 ngày làm 15-16 tiếng, thậm chí 19-20 tiếng. Chỉ được nghỉ ngơi vài tiếng khi đêm về. Tôi nhớ năm đó tôi mới chỉ học cấp 2 thôi, nhưng tôi trở thành cánh tay phải của bố tôi trong gia đình, quán xuyến thợ thuyền cho ông ấy. Đúng ra nếu bố tôi thương xót cho giọt máu của ông ấy là tôi, bố tôi chỉ nên bắt tôi làm việc nhà, còn việc làm hàng thủ công bố tôi có thể thuê thêm thợ để làm cho tôi có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, và dành cho việc học. Nhưng với bản tính keo kiệt, sợ thuê thêm người thì phải trả lương nhiều, bố tôi đổ việc lên đầu con gái lớn. Tôi làm việc lầm lũi như một cái bóng, không bao giờ được một lời động viên yêu thương của bố. Suốt ngày bố chỉ có chỉ trích, giáo huấn, phân tích triết lý dạy dỗ các con và mẹ tôi… khiến không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề, căng thẳng, thiếu đầm ấm, thiếu tiếng cười chan hoà tình yêu thương hay niềm hạnh phúc giản đơn như bao gia đình khác.

Ngày đó, tôi quẩn quanh một ý nghĩ tại sao mình lại có người bố khắc nghiệt, độc ác đến vậy. Tôi nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa, các bạn tuy nhà nghèo hơn nhà tôi nhưng các bạn được sống trong một gia đình hạnh phúc, được vui chơi, sống hồn nhiên trong tuổi thơ, được bố mẹ quan tâm, chiều chuộng dù chỉ là những cử chỉ nhỏ mà trong lòng tôi thèm đến ứa nước mắt. Có những lúc, tôi trốn việc ra đầu ngõ thẫn thờ ngắm các bạn chơi ù, chơi đánh khăng, nhảy dây, chơi ô ăn quan với nhau vui ơi là vui, nếu bố tôi về bất chợt mà bắt gặp được, bố tôi sẽ tát vào mặt tôi mạnh đến mức ù cả tai, người xoay như chong chóng, sau đó bố lôi xềnh xệch vào nhà và đánh chửi sỉ nhục tôi không tiếc lời.

Đành rằng, tôi hư thì bố đánh là đúng, nhưng tôi có phải đến mức hư đốn gì đâu ngoài việc trốn xem các bạn chơi một lúc trong nỗi thèm thuồng. Thế nhưng bố tôi đánh tôi không tiếc tay, sỉ nhục tôi không tiếc lời. Lúc đó tôi còn quá bé chỉ thấy bố như một ông ác to lớn, bố khiến cho tôi một nỗi khiếp đảm, sợ hãi cùng cực. Tôi không có chút cảm giác yêu thương, dựa dẫm gì ở người đàn ông gia trưởng độc đoán trong nhà mà hằng ngày tôi gọi bằng bố. Tôi luôn tự hỏi tại sao mình lại có ông bố như vậy mà chưa đủ lớn để có thể tự vấn bằng một câu hỏi sâu sắc hơn, tại sao bố tôi là một người học vấn cao, có chức sắc, lại làm ngành văn hoá, thế mà bố tôi xử sự với con cái vô văn hoá, không có tình người.

Có một kỷ niệm mất hết nhân tính của bố tôi mà cho đến lúc này, đã trở thành một thiếu phụ rồi, tôi vẫn không bao giờ nguôi nỗi ám ảnh về sự tàn ác của bố. Nỗi ám ảnh đó đã luôn thường trực trong tôi, làm cho căn bệnh trầm cảm của tôi ngày một nặng thêm, đeo đẳng trong tôi một cách bệnh hoạn cho đến bây giờ. Đó là một lần, tôi theo các bạn trong ngõ đi hớt bèo cho lợn. Nhà các bạn nuôi lợn nên việc đi hớt bèo là công việc hằng ngày của các bạn ấy. Nhà tôi không có lợn nhưng tôi thèm đi với chúng bạn lắm nên tôi đã trốn đi. Lúc đi về, người ngợm quần áo ướt lướt thướt với rổ bèo bên nách thì đúng lúc ấy bố tôi về nhà. Ông nhìn thấy tôi, ngay lập tức ông dừng xe lại giữa đường và hỏi tôi: "Mày vớt bèo làm gì?".

Tôi lúng túng: "Con vớt cho gà", thế là bố tôi tát tôi túi bụi trước mặt các bạn. Chưa hết, bố tôi vớ lấy gầu múc nước giếng ném vào người tôi, đau ê ẩm suốt cả tuần. Cây ổi nhà tôi là dụng cụ để ông ấy tra tấn tôi. Ông ấy lôi tôi xềnh xệch về nhà. Chưa thỏa cơn tức giận sau khi đánh con, ông ấy còn làm những trò hạ nhục con đến mức nếu tôi có kể lại chắc chắn độc giả sẽ thất kinh mà không tin nổi. Xong ông ấy quay mặt đi lạnh lùng mặc cho tôi chết điếng trong nhục nhã và tởm lợm. Thật sự, khi phải kể ra ký ức đau lòng này, nước mắt của tôi chỉ biết tuôn rơi, đúng là chuyện không thể tin được nhưng lại là có thật của một ông bố từng giữ chức Giám đốc của một đơn vị trong ngành văn hóa thủ đô.

Lúc ấy, hàng xóm láng giềng thấy tôi bị chính bố đẻ hạ nhục thì chỉ than phiền: "Sao mà bố mày dạy con theo kiểu phát xít ghê rợn thế". Chưa hết, những khi tôi phạm lỗi, bố tôi tức giận lắm, ông vừa đánh tôi, mắt ông ấy vừa long lên tức giận, hai hàm răng nghiến ken két, ông ấy tìm mọi cách để làm nhục tôi trước hàng xóm, như cắt tóc tôi, bắt tôi quỳ xuống, cởi truồng ngay tại lối đi của khu tập thể. Những hình phạt khủng khiếp của ông ấy đã gieo vào lòng tôi một nỗi khiếp đảm, kinh hãi, tôi luôn tự hỏi sao lại có một người bố như vậy. Tôi chỉ còn một cách duy nhất là im lặng, nhất nhất phục tùng mọi yêu cầu của bố. Tôi làm việc như một ô sin, sức khỏe cạn kiệt, tinh thần bị tổn thương. Tôi nhớ hồi nhỏ, có những lần tôi mắc lỗi, ông lấy cành ổi vót nhọn đánh tôi máu chảy đầm đìa, sau đó các vết thương mưng mủ, ông tắm cho tôi và hỏi tôi: "Sao thế?", tôi trả lời: "Do bố đánh con!". Những lúc ấy ông im lặng quay mặt đi.

Không chỉ đối xử tàn nhẫn với tôi, bố tôi còn đối xử tàn tệ với mẹ tôi. Hằng ngày, mấy chị em tôi phải chứng kiến những trận cãi vã của bố mẹ tôi. Mỗi lần bố mẹ cãi nhau, đồ đạc trong nhà tôi lại bị đập phá cho vỡ nát. Lúc thì cái vali bị chém nát, lúc thì đang bữa cơm bố đổ trộn lẫn thức ăn và cơm vào với nhau khiến cho cả nhà không ai ăn được. Mỗi lần như vậy, mấy chị em tôi nép vào xó nhà không dám ho he. Những cơn ghen bệnh hoạn của ông ấy mỗi ngày một nhiều, nhất là mỗi khi mẹ tôi đi làm về trễ, bố tôi như con thú lồng lộn, hét tôi lấy xe đạp đi tìm mẹ về. Tôi như cái máy tuân theo lời bố, có hôm vừa ra đến ngõ thì may quá mẹ đã về. Cứ thế tuổi thơ của tôi trôi qua trong nặng nề buồn tủi. (Còn nữa).
Theo CAND

0 comments: