Sau những người ốm lại có “những người khỏe” hiểu nghề, nhăm nhăm nhòm y bạ thì việc kê đơn, bốc thuốc chẳng khó lắm thay.
Anh bạn của bạn đã có vợ nhưng lại có bồ. Dù nội vụ chưa vỡ, nhưng anh ta cắn rứt lương tâm và nhờ bạn gỡ rối. Bạn sẽ tư vấn cách nào trong ba phương án dưới đây?
1. Giữ vợ, bỏ tình
2. Giữ cả hai và im lặng
3. Thú tội và chờ xem ai bỏ đi
Bài toán này quá khó. Đàn ông trên đời, hầu như ai cũng có vợ. Một số thì có cả vợ và bồ. Như mình có gã bạn, nhiều lúc cứ nhìn gã mà thèm. Thời sinh viên, cái miệng gã như có rắc thính. Đến cô vợ bây giờ cũng là nên duyên trong một đận gã đứng ở tầng trên ký túc ném tóp thuốc xuống đầu đám con gái tầng dưới...
Cái tính trăng hoa vốn khó bỏ. Nếu người ta đã bình chọn điện thoại di động là kẻ nói dối vĩ đại nhất thế kỷ 20 thì gã cũng phải là kẻ nói dối thứ nhì. Nghe đâu, cái đận đi công tác Đài Loan, gã còn mua được con chíp lắp vào điện thoại. Giả dụ có đang tòm tem đâu đó, bỗng nội tướng điện thoại kiểm tra. Quá đơn giản, bấm nút cái là thích tiếng chợ búa có tiếng chợ búa, thích tắc đường có âm thanh tắc đường, thậm chí cả tiếng… đập bàn tranh luận cũng có. Vậy là tùy cơ ứng biến: đang họp căng lắm, đang tắc dài lắm, đang… vân vân và vân vân… lắm! Chị em cũng nên lưu ý: chả cần sang xứ Đài, con chíp này đã xuất hiện ở Việt Nam với giá rất bèo.
Nhưng lan man thế này chả bằng vạch áo cho vợ bạn xem lưng. Bây giờ hãy thử xem lợi và hại của cả ba phương án trên.
Phương án 1: chắc chắn sẽ được gia đình nội ngoại, bà con khối phố đồng ý. Nhưng chắc chắn người trong cuộc lại lăn tăn. Đơn giản: nếu nói bỏ là bỏ cái rụp thì chẳng nên chuyện!
Phương án 2: Phần đông đương sự lựa chọn dù biết rất rủi ro. Lý do: nghĩ rằng cứ kín kẽ thêm tí nữa là được. Cũng dễ hiểu. Có ở vào vị trí của kẻ phải ném từng cục vàng xuống biển như trong chuyện “Ăn khế trả vàng” mới thấy nó xót ruột thế nào.
Phương án 3: thường là dự phòng của phương án 2, dành cho các đồng chí bỗng dưng bị lộ. Đây là hạ sách nhưng rất lạ là thông thường lại yên ấm cửa nhà. Khi cái cơ bị lộ đã rõ thì cứ công khai ra cộng với một vẻ mặt biết lỗi lại hóa hay. Nhưng sau đó sẽ là một giai đoạn trọng đại: giai đoạn kiểm soát đặc biệt. Bạn sẽ phải đi muộn, về sớm; quần áo đừng quá chỉn chu, nhưng không nên xộc xệch; vẻ mặt đừng quá ủ dột nhưng cũng chẳng nên hơn hớn…
Tất nhiên, cũng tư vấn thế thôi, chứ vượt qua giai đoạn kiểm soát đặc biệt này là vô cùng gian nan. Ví dụ, có biết bản mặt của bạn phải thế nào mới được hài lòng không? Câu hỏi không bao giờ có đáp án, bởi:
Bạn cáu gắt: họ sẽ cho là bạn tiếc cái tình gió mây nên đánh chó, chửi mèo.
Bạn vui vẻ: Tội tày đình thế mà còn phởn phơ, hứng chí.
Bạn chu đáo: chắc là vẫn vụng trộm nên thấy cắn rứt lương tâm.
Tóm lại là có thể thở, nhưng cũng nên nhè nhẹ. Đừng dại mà thở hắt ra hay… thở dài.
Nói qua nói lại chuyện này vì trên TTCK cũng đang có tình huống cần gỡ rối. Chả là các nhà quản lý đang đe sẽ công khai danh sách CTCK thuộc diện phải kiểm soát đặc biệt. Lý do là nhiều anh, nhiều chị làm ăn bết bát quá. Đến dăm năm liền thua lỗ như VIT (bước chân vào nghiệp chứng mà đặt lại tên là… VIT thì bị lùa cho chạy đồng là phải) thì nguồn cơn quá bối rối rồi còn gì.
Người ta bảo, cái lẽ ra đời, dựng nghiệp của CTCK chính là môi giới, chân chỉ hạt bột cũng như nội tướng ở nhà. Nhưng muốn đời lên hương thì ở xứ ta là phải tự doanh. Cũng như vợ một bên, bồ một bên mà thôi.
Xưa nay, bồ vốn mơ mộng nên yêu chó con hoặc mèo con, còn vợ chỉ thích… gà vịt đã làm sẵn. Môi giới ăn tiền hồ, tự doanh ăn tiền lãi. Bản chất của tự doanh là có miếng gì ngon, có con gì béo là phải ngấu nghiến mà ăn, kể cả tranh ăn. Như đào mỏ ấy mà! Còn nhớ thời hoàng kim, nhiều người khát khao cái giấy phép thành lập CTCK - mục đích chính cũng chỉ là để dây máu ăn phần tí tự doanh cho nó chuyên nghiệp…
Thế nhưng, khi “Một mai hết sạch sành sanh. Bồ đi vợ lại đón anh về nhà”. Đó là cái cảnh bây giờ, khi cô bồ tự doanh bị hắt hủi, coi như của nợ. Chỉ có điều, chuyện bồ bịch cũng như mỗi bên ngậm một đầu dây thun. Bên này nhả ra là bên kia… sưng miệng! Thời gian qua, các CTCK cũng bị bồ hành cho tới số, nai lưng ra đi “vỗ về, dọn dẹp” để sang tay cho kẻ khác, mà tiền tài vẫn bị khoắng sạch sành sanh! Chưa kể các cụ cũng vì muốn bảo vệ gia đình mà ép con cái phải cắt đứt với bồ.
Nhưng hình như trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt, gia đình chưa nghiêm khắc lắm thì phải. Các bậc cha mẹ cũng chủ yếu… chữa mẹo, cho tự xử là chính. Ngay cái việc công bố dăm anh chị diện đặc biệt mà cũng đằng hắng mãi. Kể ra cũng có phần nhạy cảm, nhưng sao không học theo ngành ngân hàng nhỉ, cứ công bố những anh nghiêm chỉnh, khỏe mạnh là xong. Chứ cứ để đồn đoán theo kiểu trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường thế này thì dân tình đầu tư chẳng khác gì bị bịt mắt lại rồi thả ra ngã tư Hà Nội ngay giữa giờ tan tầm!
Có người hiểu chuyện lại bảo, cũng phải thông cảm vì cứ nhìn cái gương trong ngành y. Dạo này người nhà bệnh nhân bạo hành bác sĩ nhiều lắm. Sau những người ốm lại có “những người khỏe” hiểu nghề, nhăm nhăm nhòm y bạ thì việc kê đơn, bốc thuốc chẳng khó lắm thay.
Nhưng chả có nhẽ!?
(ĐTCK)
1 comments:
Cũng hay nhỡ
Đăng nhận xét