9 tháng 4, 2012

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Thơ người mù nhưng sáng trưng

Tôi quen một ông bạn nhà thơ mù. Quý danh của ông là Huỳnh Duy Siêng, đang ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Thơ ông sáng tác gom lại cả quyển dày, nhưng mãi tới ngày hôm qua, nhân bạn ông chở ông tới uống cà phê chỗ tôi, tôi mới biết rằng ông không biết chữ. Không biết lấy một chữ, cho dù đó là chữ A, chữ B...



1. Dĩ nhiên, những sáng tác của ông được người khác chép hộ, nhưng tôi vẫn không ngờ rằng ông không biết chữ. Sở dĩ xảy ra tình trạng như thế, vì ông mù từ lúc 2 tuổi suốt cho tới nay là 76 tuổi. Sức khỏe ông nay vẫn còn tốt hơn tôi, mặc dù tôi nhỏ hơn ông cả chục tuổi. Ông được bạn bè quý mến, đặc biệt là trong giới văn nghệ. Họ mến ông vì tài năng, đức hạnh và… tật nguyền.

Tôi hỏi: “Ông thích bài thơ nào nhất của mình? Nếu thuộc, xin đọc cho chép một bài”.

Ông đọc ngay bài thơ ngũ ngôn Không đề như sau:

“Cơn mưa chiều chợt đến/ Như một đêm chuyện dài/ Lật nhàu trang nhật ký/ Tháng ngày ta nhớ ai?

Dòng sông đời bão táp/ Xô vỡ tình yêu em/ Dẫu đường đời băng giá/ Ta vẫn làm cánh chim.

Sương gió mòn năm tháng/ Men rượu đắng môi mềm/ Ta gọi vào dĩ vãng/ Sao lạnh lùng bóng đêm.

Phủi hai bàn tay trắng/ Bỗng thấy mình ngô nghê/ Bình minh chưa thức giấc/ Nghe mưa xuân đã về.

Chai rượu nồng rót cạn/ Chưa nhạt tình yêu em/ Bài thơ không giấu nổi/ Một nẻo buồn trong tim...”.

Cả bàn cà phê đều tấm tắc khen. Tôi khâm phục nhìn ông. Đầu vẫn đội mũ bảo hiểm cho ấm, đeo kính đen thui, da thịt đầy đặn rám nắng, trên khuôn mặt không một dấu vết gì của sự tủi thân vì bị mù. Trên môi nở tươi một nụ cười chấp nhận cuộc sống.

Nhà thơ Huỳnh Duy Siêng bèn nói khôi hài: “Tôi không biết chữ nhưng tôi biết bơi lội. Tôi bơi qua sông Ba bẻ mía trộm, rồi lại bơi về mang mía cho bạn ăn chơi. Lại còn làm giùm thơ tình cho bạn chép để đi tán gái nữa đấy”. Tất cả bạn bè đang ngồi đều xác nhận là đúng y như thế. Không nói ngoa.

2. Có lẽ một người mù từ nhỏ, khác xa với một người lớn bị mù. Người sống nửa đời mới mù sẽ khổ sở hơn người mù từ nhỏ, vì tất cả cuộc sống của họ bỗng dưng bị nhận chìm trong một màn đêm dày đặc. Và những người bất hạnh này làm thơ hay là chuyện có thể hiểu được. Họ đã được học hành, đã cảm thụ cuộc sống, họ đã có chất liệu sống động thu nhập từ cuộc đời lúc họ còn sáng mắt. Đằng này, nhà thơ Huỳnh Duy Siêng chìm vào bóng đêm ngay từ lúc 2 tuổi, thế thì màu đen là màu gì, làm sao ông biết được, nói chi đến thơ ca.

Tôi có hỏi ông: “Anh có biết được màu đen, màu đỏ, màu xanh không?”.

Ông cười bảo: “Màu đen của tôi chính là âm thanh khi phát lên hai tiếng “màu đen”. Còn như hình ảnh ông Lưu (tên người viết bài này) chính là âm thanh của hai tiếng “ông Lưu”. Chỉ thế thôi. Ông chẳng có hình hài đâu nhé. Nếu như giờ bỗng dưng tôi sáng mắt, tôi thấy ngay cái màu đen, tôi cũng không biết được đó là màu đen. Càng không biết ai là cái ông Lưu đang ngồi ở đây”.

“Thế sao thơ ông lại sống động như thơ một người không bị mù?”. Tôi tò mò hỏi.

“Nghe những chương trình văn học ở máy radio, nghe anh em bạn hoặc người nhà đọc những bài thơ văn trong sách báo... Vậy đó, và thế là tôi mày mò làm thơ trong đầu. Kết cấu định hình bài thơ trong đầu không bằng chữ viết mà bằng tiếng nói. Làm xong, tôi chỉ nói ra cho người ta chép hộ”.

“Nếu không có ai chép, chắc ông sẽ quên?”. Tôi lại hỏi.

“Có thể quên, nhưng lâu lắm mới quên. Thơ gần như là mạng sống của tôi mà”. Ông đáp.

3. Chưa từng đi học một ngày. Cuộc sống triền miên trong bóng tối đã 74 năm. Nhưng thơ ông sáng trưng. Sáng trưng cả tình người lẫn tình quê hương xứ sở...
(ST)

0 comments: