16 tháng 4, 2012

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: Con không thể không oán trách bố (Phần cuối)

Tôi biết có rất nhiều ý kiến khác nhau về những điều tôi nói về bố trong câu chuyện tôi đã và đang kể ra đây, thậm chí có những ý kiến lên án hay phản đối tôi rằng tôi đã kể xấu bố và oán trách bố mình. Không biết trên đời này, có nhiều những đứa con lạc loài và bất hạnh như tôi không khi oán trách người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng mình. Chỉ biết rằng tôi cần phải kể ra, tôi cần chuyển cho bố tôi những thông điệp đau đớn nhất của một đứa con đã có nhiều lúc căm hận bố. Tôi mong bố tôi một lần trong đời hiểu rằng, ông ấy đã sai với các con ông ấy, và tôi, đứa con gái đầu lòng của ông đã chưa một lần nào hết oán hận ông, và có thể tha thứ được cho ông.


Làm sao có thể không oán hận bố được khi ký ức về ông chỉ toàn là những chuyện làm cho tôi ứa nước mắt mỗi khi nghĩ đến. Có một chuyện khá đau đớn mỗi khi tôi nhớ lại. Đó là lần bố và mẹ ly thân nhau, bố tôi sống lang thang ngày hai bữa cơm bụi. Mỗi lần gặp ông ấy, tôi lại nghe ông than thở kể lể. Thương bố cảnh sống đơn lẻ, giờ không còn bàn tay chăm sóc của mẹ nữa tôi đã mời ông ấy về nhà ăn cơm mấy tháng. Trong lòng tôi lúc ấy nghĩ, dù bố có làm mình buồn nhiều, nhưng tình phụ tử vẫn thiêng liêng và mạnh hơn hết thảy, tôi thương bố đơn độc muốn động viên bố bằng bữa cơm gia đình sum họp để bố vui lòng.

Sau khi tôi thu xếp bán nhà để chuyển vào TP HCM. Chẳng là lúc này đang là giai đoạn giao nhà cho chủ mới, đồ đạc dọn đi hết chỉ còn xác nhà, tôi buộc phải đưa con trai đến nhà bố tôi gửi nhờ để cháu không bị gián đoạn việc học hành. Lúc nào tôi thuê được nhà và ổn định chỗ ở, trường lớp cho cháu, lúc đó tôi sẽ đón cháu vào. Cháu ở với ông ngoại được tuần ba bữa để đi học thêm, tôi thấy bố tôi điện cho tôi lúc 11 giờ đêm để nói với tôi rằng: "Con gửi cháu vài ba ngày thì được chứ gửi 1 tháng thì không được đâu vì tốn tiền điện nước".

Tôi nói: "Cháu có ăn uống gì đâu". Ông trả lời: "Cũng có ăn đấy chứ". Thời gian quá độ này, tôi cho cháu tiền đi ăn cùng bạn bè và gần như không ăn ở nhà ông. Có chăng gặp bữa tiện thì ăn thôi. Trời ơi, khi nghe bố gọi điện như vậy, tôi đã lặng người đi, ngồi thần ra một lúc mặc cho nước mắt chảy giàn giụa. Vẫn biết bố mình tệ với mình suốt mấy chục năm nay nhưng sao mỗi lần chạm vào sự thật trần trụi ấy, lòng tôi vẫn thấy đau một cách kỳ lạ.

Năm 2005, khi ông có bồ bị bà phát hiện, sợ bà làm liều ông đã đề nghị tôi cho cháu trai lớn đến ở cùng với ông mục đích là để có người bảo vệ ông (lúc đó cháu đang học lớp 10). Tôi không đồng ý vì sợ ông đi nhiều không quản lý, giám sát được cháu việc học hành. Nhưng cái cảm giác nghiệt ngã trong mình chỉ thực sự chết lặng trong tôi khi mấy tháng sau, chính em trai tôi đã nói với tôi rằng: "Chị ơi, bố nói với em chị cho con trai ở với ông ngoại là để chiếm nhà".

Thú thật khi nghe tin này, trong lòng tôi trào lên cảm giác kinh hãi. Tôi không thể tưởng tượng được trên đời này lại có một người cha dựng chuyện không thành có, đặt điều cho con cái mà không thấy cắn rứt lương tâm. Chẳng lẽ bố tôi quên rằng, năm 1994, bố mẹ tôi xây nhà ở Khâm Thiên, tôi đón bố mẹ tôi về nhà riêng của mình ở suốt 7 tháng trời, dành cho hai ông bà ngoại một phòng riêng, điện nước, cơm canh phục dịch chu đáo. Vậy mà vì hoàn cảnh gia đình, tôi chỉ gửi cháu ở nhờ có một tháng trước khi chuyển cháu vào Nam, bố tôi đã sợ tốn kém mà không cho cháu ở.

Nhớ lại chuyện này, tôi lại nghĩ tới bà nội, người đã thân sinh ra bố tôi, đã nuôi nấng bố nên người và chăm sóc cho đàn cháu nội của bà là con đẻ của bố, lo chu tất vẹn toàn cho bố đến ngày công thành danh toại. Thế nhưng lúc bà già yếu, bệnh tật chỉ còn nằm một chỗ thì bố tôi đã bỏ mặc bà trong cô đơn bệnh tật, không chăm sóc bà theo đúng nghĩa đạo hiếu của một người con. Mỗi lần ra thăm bà, nhìn bà ốm yếu, bố thì đi miết, bỏ bê bà, tôi đã khóc và van xin bố đừng đối xử với bà như vậy. Đến giờ ngẫm lại, với mẹ đẻ của mình bố còn đối xử như vậy, thì các con cháu ông, ông tệ bạc thì cũng có gì mà ngạc nhiên đâu.

Chưa hết, sau này bố tôi bán nhà bán cửa, trước khi bán thì hứa hẹn cho các con khoản tiền làm vốn vì có công đóng góp của các con, nhưng đến khi bán xong nhà, bố “lặn mất tăm”, một đồng qua,â tấm bánh cũng chẳng có, nói chi đến chuyện cho con cháu tiền. Lần bố tôi bán ngôi nhà ở Khâm Thiên, tôi có ra Hà Nội và về Khâm Thiên tìm bố. Bố sợ tôi đến để đòi chia phần, bố trốn mất, gọi điện thoại thì tắt máy, nhắn tin không trả lời. Thật ra, tôi chỉ muốn về lại Hà Nội để một lần nữa biết cho rõ thực hư việc bố bán nhà, và tôi chỉ muốn lấy đồ đạc của mình vẫn còn một ít quần áo rét ở đó. Thế nhưng bố tôi đã trốn con đẻ của ông, như thể trốn nợ. Điều đó khiến tôi vừa thương bố, vừa thấy thảm hại cho ông.

Nếu bố chỉ đơn thuần là một ông bố xấu xí với các con, với bà nội, thì mọi chuyện còn đỡ thê thảm, đằng này cuốn nhật ký của bố mà vô tình chúng tôi đọc được khi bố bị tai nạn, nhà phải phá tủ của bố để lấy sổ bảo hiểm y tế thì chúng tôi đã chứng kiến những bí mật kinh khủng về bố chứa trong ngăn tủ ấy và cuốn nhật ký bố vẫn thường ghi chép như một thói quen đã nói lên một sự thật thảm bại về nhân cách của bố.

Bố ơi, sao bố lại viết nhật ký kể cụ thể tình tiết những mối tình với các cô gái trẻ của bố. Đọc được bí mật của bố, chúng con thật xấu hổ đến mức, chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn bố với cái nhìn tự nhiên nhất. Tất nhiên vì bố có người tình mà bố và mẹ phải chia tay nhau. Khi chia tay rồi, việc bố có người tình là chuyện đương nhiên nhưng các người tình của bố chỉ bằng tuổi con, hoặc ít tuổi hơn cả con gái đầu lòng của bố thì quả là khó chấp nhận. Con biết giải thích với các cháu ngoại của bố thế nào đây.

Bố có thể quên mất quà sinh nhật cho các con, các cháu, và nếu có nhớ thì chỉ là hộp sữa quá hạn sử dụng, hay đôi giày vải cho con gái con. Nhưng bố sẵn sàng chi 40 triệu đồng mua xe máy cho con gái người tình để làm đẹp lòng người tình của bố. Bố ơi, như vậy thì quả thật bất công với chúng con, những đứa con máu mủ ruột rà bố đã sinh ra. Bố có biết trong ngăn tủ của bố còn chứa những bí mật cho tấm lòng tham lam xấu xa của bố và làm cho chúng con choáng váng đến nhường nào không khi bố có giấy tờ căn nhà bên Gia Lâm chỉ đứng mỗi tên bố, và mảnh đất hơn ngàn mét ở Xuân Mai. Số tài sản này không hề được kê khai trong biên bản ly dị của bố và đương nhiên ngoài bố ra không ai biết được tài sản này bố mua từ khi nào, tại sao bố lại cất riêng.

Rồi nữa, sao bố phải sang nhà bố mẹ chồng con vu cho con tội: "ĐÒI CHIA CỦA CẢI… ĐÓN ĐƯỜNG ĐÁNH ĐẬP BỐ" mục đích để làm gì hả bố? Phải chăng là bôi nhọ con gái mình? Nếu con xấu thật thì cũng không bố đẻ nào làm như vậy huống chi con không xấu như bố kể với thông gia.

Bố nói với mọi người: Bán nhà đổi chỗ ở là hợp tình, hợp lý vậy thì sao khi con ra bố phải trốn con và em Cương khi đến gặp bố, nếu đúng là hợp tình, hợp lý thì sao phải giấu mấy chị em con. Bố trả lời cho con được không? Vậy đó có phải là những hành động, lời nói của 1 người cha già ở tuổi 70 hay không? Hay đó là bản chất phải trả thù những ai làm sai ý bố cho dù người ấy là ruột thịt.

Khi bố bị tai nạn, con đã hận bố đến mức định không gọi điện thoại hỏi thăm bố. Nhưng con đã không thể lạnh lùng như vậy được vì bố là bố đẻ của con. Điện thoại cho bố rồi, lòng con đau không kém khi bố khóc lóc kêu gào thảm thiết làm con cảm thấy con như đứa con bất hiếu với bố vì bố bị tai nạn mà con không ra chăm bố được, vì lúc này con đang phải chăm mẹ nằm cấp cứu ở bệnh viện An Sinh TP HCM, và bên bố lúc này đang có người tình chăm sóc. Bố ơi, lúc bố than thở với con trong điện thoại, bố có biết, con cũng đã thèm khát được gọi ra than thở với bố khi con mới chân ướt chân ráo vào TP HCM không ?. Con cũng muốn gục đầu vào ngực bố khóc mỗi khi con khó khăn, vấp ngã. Con muốn được bố chia sẻ, an ủi, bao bọc muốn dựa vào bố mỗi khi chông chênh. Nhưng con chưa bao giờ thực hiện được ước muốn đó, cũng như chưa bao giờ bố quan tâm thăm hỏi con xem con sống như thế nào kể từ ngày con xa Hà Nội. Đấy, làm sao con không thể không oán trách bố được.

Kính thưa các anh các chị!

Tôi không biết phải làm thế nào để chữa lành vết thương giữa hai bố con. Có lẽ mất niềm tin, tôi chẳng còn lại gì nữa. Tôi đã trượt mất niềm tin từ bố quá lâu rồi, và khi tôi viết ra những dòng này, có lẽ tôi cũng thật tầm thường, cũng chỉ là một người con bất hiếu, đáng trách chăng như một số ý kiến của các độc giả đã hồi âm. Rằng bố đẻ mình dù có thế nào thì vẫn là bố đẻ. Dù bố tệ mạt đến đâu, thì con cái vẫn phải một lòng yêu thương bố và phụng dưỡng bố. Các anh chị ơi, thú thật tôi đã không thể cao thượng được như vậy. Vì tôi cũng cao thượng, tha thứ quá nhiều lần rồi sao bố tôi không nhận ra. Những tưởng càng nhiều tuổi bố tôi càng phải: "CHÍN" chứ? Nhưng tôi biết chắc chắn một điều rằng, sau khi viết ra được những dòng chữ này, lòng tôi sẽ bớt u ám hơn, sẽ nhẹ nhàng hơn để sống tiếp.

Giờ đây lòng tôi có 1 cảm giác khó tả: vừa trống giỗng, thất vọng mất niềm tin. Khi trải lòng ra được rồi tận đáy lòng tôi vẫn thương và tha thứ cho bố tôi những gì bố tôi đã làm với tôi, con trai tôi… Thời gian sẽ là liều thuốc cho tôi quên đi mọi chuyện buồn trong xã hội hiện đại.

Tôi không biết sau lá thư này, mọi chuyện sẽ tốt lên hay xấu đi thì tôi vẫn có nhu cầu được nói ra, được chia sẻ. Tôi mong quý báo và bạn đọc của ANTG hãy hiểu và thông cảm cho tôi.
(Theo CAND)

0 comments: