31 tháng 10, 2013

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Con đường mang tên Đại tướng bốn mùa hoa nở

Thành phố biển Vũng Tàu tự hào là địa phương đầu tiên của cả nước có con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây cũng là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam.

VNG1-2246-1383035166.jpg
Con đường Võ Nguyên Giáp luôn rợp bóng cờ, ghi nhắc người dân nhớ đến công lao to lớn của người anh hùng dân tộc.
VNG2-3842-1383035166.jpg
Đường phố sạch đẹp, thoáng đãng... cùng những hàng cây bốn mùa hoa nở khiến thành phố biển Vũng Tàu đẹp lung linh trong mắt người dân Vũng Tàu nói riêng và Việt Nam nói chung.
VNG3-4213-1383035167.jpg
Đường Võ Nguyên Giáp tự hào là con đường đẹp nhất Việt Nam.
VNG4-8107-1383035167.jpg
Dọc hai bên đường phủ vàng hoa hoàng yến (còn gọi là hoa Osaka) khiến Vũng Tàu luôn trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách.
(Quốc Thái)

30 tháng 10, 2013

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Ngủ ngoan nhé trái tim của ta



Ngủ ngoan nhé trái tim của ta
Anh đi xa rồi đấy
Ơi này bao nông nổi
Ngủ đi nào thiết tha.

Ngoan nhé ngoan trái tim của ta
Trong giấc mơ chưa thôi thổn thức
Tiếng nghẹn nấc đau buốt
Câu ru hời lịm tắt trên môi

Ngủ ngoan nào những giấc mơ xa xôi
Những ước mơ chưa kịp tròn mơ ước
Đôi cánh mỏng mà gió trời lồng lộng
Ta quay về mặt đất tả tơi

Ru trái tim bằng tiếng đưa nôi
Câu hát xưa đắm phù sa nồng mặn
Thương yêu cũ giờ xanh thăm thẳm
Anh xa rồi ngoan nhé trái tim ta

Ngủ ngoan nào tình yêu của ta
Xa rồi xa một thời thiếu nữ
Mây cắt ngang mùa thu tìm làm chi mùa cũ
Đớn đau rồi cũng lắng nghẹn dần

Ngậm ngùi xanh là búp non xuân
Trái tim ơi ngủ đi nào hờn dỗi
Tình yêu xa vời vợi
Thì hãy ngoan nào những giấc mơ êm.

Sau cơn mơ sẽ ngọt những êm đềm
Nắng bừng rạng góc vườn hoa sứ trắng
Em lại sống ngọt ngào sâu lắng
Như bão giông chưa một lần đi qua

Ngủ ngoan nào ơi trái tim ta…

(Những bài thơ hay)

29 tháng 10, 2013

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Ig Nobel kinh tế 2014

Chưa bao giờ đoán thấy mình gần với Nobel kinh tế đến thế. Chắc hẳn nhiều người nghĩ hắn chơi chứng khoán thua lỗ nhiều đâm lẩn thẩn, hoặc là tuổi già đang sầm sập đến nên không còn… thật tính?
 
    Ấy thế mà đúng. Hắn thấy gần gũi vì bộ tam giật giải nguyên Nobel kinh tế năm nay cứ như lấy hắn ra làm đối tượng nghiên cứu. Chưa kể 1 trong 3 ông còn từng chơi chứng khoán. Tuy không thấy tài liệu nào nói thắng hay thua, nhưng cứ trường hợp hắn mà suy thì các chuyên gia, thầy dạy chơi chứng… động vào thị trường là lỗ. Chính vì thế, hắn luôn thấy “Cả ba ông ở phố Uôn, mà sao rất thấu nỗi buồn chứng ung” của mình.
    À quên, cần phải giới thiệu chút về Đoán. Hắn tên là Võ Văn Đoán, còn ông Đoan cùng quê với mình. Vốn trước đây hắn chuyên đi bán hàng đa cấp, vòng đá, vòng ti tan chữa hắc lào, mỡ máu, men gan, gout và cả… ung thư.
    Chứng khoán thịnh hành, hắn bập vào rồi mất cả. Sau đó hắn nghĩ, dân đào vàng ngày trước chẳng mấy người giàu lên từ vàng. Có chăng chỉ vỗ béo mấy tay bán cuốc chim... Thế là Đoán xin vào làm nhân viên phòng tư vấn tại Công ty Chứng khoán XYZ… Thời gian thấm thoắt, lác đác báo đài đã đến phỏng vấn chuyên gia Võ Văn Đoán…  
    Tuy nhiên, cuốc chim cũng dần khó bán, mà lại vốn quen nghề chuyên gia nên chả thích làm việc gì khác. Rồi hắn đổ thừa cho báo chí. Rằng lần đầu nghe các ông gọi chuyên gia thấy ngài ngại. Dăm ba lần thấy thinh thích. Lâu dần thành quen, dần thấy gọi toen hoẻn mỗi cái tên lại có vẻ bứt rứt… Nên giờ mới khổ thế này!
    Nhưng thôi, bỏ qua nỗi khổ rất hàn lâm ấy, ta quay trở lại giải Nobel. Trong 3 vị khôi nguyên, Đoán quan tâm đến hai ông và rất phân vân, chưa biết tôn ông nào làm thầy?
    Ông Robert Shiller có có tài… đoán khi dự trúng phóc bong bóng dot.com năm 2000 với bong bóng nhà đất 2008. Nhưng quan trọng hơn là ông ấy bảo các quyết định đầu tư cá nhân đều là… “không duy lý”. Ví dụ, đa số dân đầu tư sốt ruột và muốn bán cổ phiếu khi nó đang lên; nhưng rất ít khi chịu cắt lỗ, thậm chí còn mua thêm để bình quân giá. Khi nghe Shiller nói đó chính là tâm lý “sợ rủi ro lúc thắng nhưng sẵn sàng đánh bạc lúc thua” đã có sẵn trong tiềm thức, thì Đoán thấy đúng là thánh thật. “Ngồi ở Đại học Yale mà cứ như bám sàn cùng với mình trên phố Trần Bình Trọng”, Đoán cảm thán.
    Thán phục bởi vì cũng như ông, hắn đã từng coi chứng khoán như trò tôm cua cá. Chỉ khác là ông đứng xem rồi rút ra kết luận, còn hắn thì lăn lê bò toài chọn cửa cá hay cua…
    Mà đã ngồi vào chiếu bạc, ai chả nghĩ mình sẽ thắng, hy vọng mình may mắn, có bài đẹp, biết có thể có nhiều người giỏi hơn mình, nhưng vẫn muốn chơi, vì... biết đâu đấy..., hôm nay đang đen tình cơ mà… Nếu thắng mà đứng dậy chả nhẽ ăn non, đàn em nó cười chết. Khi thua thì tất nhiên muốn gỡ, càng thua thì càng muốn gỡ.
    Nhưng Fama lại khiến Đoán tâm đắc với lý thuyết thị trường hiệu quả để chứng minh rằng, chả ai có thể chọn được một khoản đầu tư thông minh ngoại trừ gặp hên bất ngờ. Đoán cũng nghĩ thế, hắn nghĩ mình chỉ kém may chứ không dốt. Chưa kể, Fama giống hắn ở chỗ từng lao vào chứng khoán như thiêu thân.
    Vậy thì mình chọn ai là thầy đây nhỉ? Và có lẽ trước khi nghĩ đến Nobel, Đoán tính mình nên tham gia cái “phản” Nobel cho vừa tầm. Nhà vật lý gốc Nga, Andre Geim đã từng nhận Ig Nobel trước khi đăng quang Nobel xịn đấy thôi. Vả lại Đoán thấy rất hợp với Ig Nobel năm nay. Hắn thích các nghiên cứu “vì sao bọ hung có thể bay vòng tròn quanh... đống phân của chúng theo định hướng từ mặt trăng” đã giành Ig Nobel sinh vật học và thiên văn học; hoặc giải Ig Nobel tâm lý cho đề tài “Uống càng nhiều bia, người ta càng cảm thấy mình... đẹp hơn” hay Ig Nobel về xác suất với phát hiện “Khi một con bò càng nằm lâu, khả năng nó đứng dậy càng sớm hơn và khi con bò đứng, lúc nào nó nằm xuống là điều không dễ dự báo trước”!
    Nhưng tại sao năm nay không có Ig Nobel kinh tế, trong khi Đoán nghĩ rằng, ở TTCK Việt Nam có đầy đề tài để có thể đoạt giải?
    Đó có thể là Đề tài nghiên cứu “Tác động của giá chứng khoán Việt với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đề tài này ra đời từ kinh nghiệm của hắn khi dính vào cổ phiếu, “từ ngày có em về, nhà mình toàn tiếng chửi thề”. Tuy nhiên, theo Đoán, không chỉ có Ig Nobel kinh tế, còn nhiều giải khác cũng đang chờ đợi ngành chứng khoán. Ig Nobel sinh học với phát hiện “chuột quanh sàn chứng khoán thường có tai to đột biến và răng nhỏ hơn trung bình loài”. Đó có thể là Ig Nobel vật lý học với Đề tài “Sự khúc xạ của màu sắc bên ngoài với diễn biến bảng điện tử”. Thực nghiệm mới nhất cho thấy, các broker mặc áo đỏ có thể gây ức chế cho đà tăng của… các cổ phiếu.
    Tuy nhiên, là một chuyên gia, Đoán có thể bao quát nhiều ngành khác, chứ không riêng gì ngành chứng khoán.
    Đó là ngành đất đai với phát hiện về “quy luật phổ biến trong đền bù giải tỏa đất đai”. Theo đó, tiền đền bù cho 4 miếng đất (bị thu hồi giải tỏa) sẽ mua được 1 miếng đất với diện tích giống hệt, ngay trên nền đất cũ ở nơi bị giải tỏa, với thời gian sau đó khoảng 1 năm. Đặc biệt là ngành y tế với Đề tài “Lật lại nghi án trái táo độc của mẹ ghẻ Bạch Tuyết hay biểu hiện lâm sàng của triệu chứng nhiễm độc cấp thuốc bảo vệ thực vật”, thậm chí có thể giành cả Ig Nobel văn chương.
    “Một trái táo bình thường trong vườn của Newton còn có thể tạo ra một thiên tài thì trái táo tẩm thuốc Tàu ít nhất cũng phải tạo ra được một… quan tài”, Đoán nghĩ và từ đó không thôi hy vọng về năm 2014.
    (ĐTCK)

28 tháng 10, 2013

GỠ RỐI TƠ LÒNG: Hãy yêu chồng hơn con

Bạn sẽ nghĩ rằng hẳn tôi là một bà mẹ tồi, ích kỷ khi nói thế, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại…



“Bố mẹ sắp ly hôn ạ?” - Khi hỏi mẹ câu ấy, tôi 4 tuổi. Mẹ trả lời gần như ngay lập tức: “Không, tất nhiên là không! Sao con lại nghĩ thế?”. Tôi chẳng nhớ mình đã nói gì tiếp , nhưng cuộc nói chuyện của hai mẹ con nhanh chóng chuyển sang chủ đề khác.

Rồi sau đó tôi nghe mẹ thì thầm bên điện thoại kể ai đó nghe về câu tôi đã hỏi. Hẳn khi ấy mẹ nghĩ “làm sao đứa con gái bé nhỏ của tôi - bà mẹ suốt ngày ở nhà nội trợ, lại biết được đến hai tiếng li dị!”.

Thực ra bố mẹ không hẳn là suốt ngày la hét cãi cọ hay đóng sầm cửa trước mặt nhau. Mâu thuẫn giữa họ không hề rõ ràng, đặc biệt trước mặt đứa con gái bé nhỏ là tôi. Nhưng bằng cách nào đó, ở tuổi ấy, tôi vẫn cảm nhận được rằng hôn nhân của bố mẹ không hạnh phúc.

Cuối cùng bố mẹ cũng li dị, 4 năm sau, ngay vào sinh nhật lần thứ tám của tôi. Khi hai chị em tôi sắp bước vào tuổi teen thì bố kết hôn, và gần như biến mất khỏi cuộc đời của ba mẹ con.

Cuộc li hôn của bố mẹ đương nhiên là chuyện buồn, là mất mát, là một điều không may, nhưng nó dạy cho tôi một bài học quan trọng: Bạn chẳng thế có được tuổi thơ hạnh phúc bên những người bố, người mẹ khốn khổ. Chính vì lẽ đó, tôi đã quyết định, sau này kết hôn rồi sinh con, tôi sẽ làm bất cứ gì có thể để hôn nhân của mình được lâu dài và hạnh phúc. Cho dù điều ấy không thể, thì ít nhất, tôi cũng sẽ làm hết sức để tình cảm vợ chồng luôn phát triển tích cực, vì chính các con.

Nhiều năm sau, tôi gặp người đàn ông tuyệt vời rồi kết hôn với anh ấy. Sắp tới chúng tôi sẽ kỷ niệm 10 năm hôn nhân. Chúng tôi hạnh phúc, và vì tôi muốn sống hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của mình, muốn mang đến cho con trai ba tuổi ngôi nhà luôn ngập tràn niềm vui - điều tôi đã không có khi còn là đứa trẻ - tôi đặt hôn nhân lên trên hết. Chồng tôi luôn là ưu tiên số một, tôi đặt anh lên trên tất cả những người khác trong cuộc sống của mình, kể cả con trai thân yêu.

Bạn có thể gọi tôi là bà mẹ ích kỷ, gớm ghiếc, nhưng hãy nghe tôi giải thích. Đặt hôn nhân lên trên hết thực ra đồng nghĩa với việc tôi đang bảo vệ mối quan hệ của mình với chồng - chìa khóa cho tuổi thơ hạnh phúc của con tôi.

Tôi luôn nhắc nhở mình hãy chung sống vui với anh ấy, bất chấp những thay đổi mà hai vợ chồng sẽ trải qua trong cuộc sống, đặc biệt từ khi con chào đời. Rõ ràng những khó khăn trong việc chăm sóc em bé, những vất vả hôm sớm sẽ không còn là vấn đề nếu ta nhìn chúng nhẹ nhàng đi, đẩy mục đích “sống hạnh phúc, vui vẻ bên nhau” lên hàng quan trọng.

Đặt hôn nhân lên đầu tiên không có nghĩa là bạn bỏ lơ con cái. Cả tôi và chồng đều là những người cha, người mẹ vô cùng trách nhiệm. Chúng tôi thường xuyên nói với con “con là tình yêu trong đời bố mẹ/ là tài sản quý giá nhất của bố mẹ/ bố mẹ không thể hình dung cuộc sống này sẽ ra sao nếu không có con”… Chúng tôi cùng chung tay chăm sóc con, dành thời gian chơi với con, nhưng chúng tôi không vì thế mà quên thời gian dành cho nhau. Thi thoảng chúng tôi sẽ đưa nhau đi hò hẹn đâu đó, một bữa tối lãng mạn hay bữa trưa bất ngờ, chúng tôi thường xuyên giúp đỡ nhau việc nhà, chuyện trò thủ thỉ và không bao giờ để em bé ngủ chung cùng bố mẹ.

Ông xã là điều tuyệt vời nhất tôi có, và yêu anh ấy hàng đầu càng là điều tuyệt vời nhất tôi đã làm được. Bạn hãy tin tôi, tình cảm vợ chồng có tốt đẹp thì mới mong con mình hạnh phúc.

Lược dịch theo MC

25 tháng 10, 2013

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Đại gia kiếm bội tiền nhờ TTCK phục hồi

Đợt tăng 2 tuần qua của TTCK giúp tài sản của các đại gia chứng khoán tăng thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.
    Sáng 24/10, tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong các phiên trước đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát - một doanh nghiệp sản xuất thép, tăng thêm 300 đồng lên 37.000 đồng/cp. Đây là mức giá (đã điều chỉnh) cao nhất của cổ phiếu này kể từ khi lên sàn cuối năm 2007 và là hiện tượng hiếm gặp trên TTCK bởi phần lớn cổ phiếu không thể vượt qua những lần lập đỉnh hồi năm 2008 và 2009 sau khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

    Với việc sở hữu hơn 101 triệu cổ phiếu HPG và vợ đang nắm giữ gần 31 triệu cổ phiếu, tính chung hai tuần qua, tổng tài sản của vợ chồng ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐTQ HPG đã tăng thêm hơn 330 tỷ đồng do giá cổ phiếu tăng.

    Như vậy, ông Long đang nắm giữ số cổ phiếu trị giá gần 3.740 tỷ đồng, vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền nắm giữ khoảng 1.150 tỷ đồng. Tổng giá trị số cổ phiếu HPG mà vợ chồng ông Long sở hữu là gần 4.890 tỷ đồng, tương đương hơn 30% vốn hóa của Hòa Phát.

    HPG lên sàn giữa tháng 11/2007 với giá đóng cửa phiên đầu tiên là 127.000 đồng, tương đương 36.400 đồng/cp sau khi đã điều chỉnh theo những lần phát hành thêm.

    Tài sản của các đại gia chứng khoán tăng mạnh trong thời gian ngắn nhờ thị trường phục hồi
    HPG tăng giá mạnh hai tuần qua chủ yếu nhờ thông tin tập đoàn này thu về 264 tỷ đồng từ vụ "bầu Kiên" và tình hình kinh doanh tiếp tục khả quan.

    Tính chung từ đầu năm tới nay, cổ phiếu HPG đã tăng khoảng 75%.

    Trong 9 tháng qua, HPG báo lãi gần 1.500 tỷ đồng, tăng gần 79% so với cùng kỳ và vượt 26,7% kế hoạch đề ra cho cả năm.

    Cũng cùng đợt TTCK tăng điểm lần này, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất trên sàn chứng khoán - tăng thêm 1.140 tỷ đồng, lên 19.200 tỷ đồng nhờ cổ phiếu VIC tăng từ 63.500 lên 67.500 đồng/cp. Nếu tính đến cả số lượng cổ phiếu mà vợ ông và những công ty liên quan, tài sản ông Vượng tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn.

    Tài sản của ông Đặng Thành Tâm (KBC, ITA, NVB, SGT) cũng tăng thêm hơn 150 tỷ đồng - vừa đủ để lấy lại vị trí thứ 10 từ vợ ông Trần Đình Long là bà Vũ Thị Hiền.

    Túi tiền của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Đoàn Nguyên Đức cũng tăng thêm gần 530 tỷ đồng lên 7.104 tỷ đồng.

    Tài sản của ha đại gia Nguyễn Đăng Quang và Lê Phước Vũ không thay đổi nhiều so cổ phiếu MSN và HSG không có nhiều biến động.
Theo VEF

24 tháng 10, 2013

KỸ NĂNG SỐNG: Nêm bột ngọt khi nào là phù hợp?

Bột ngọt là một trong các loại gia vị được sử dụng rộng rãi trong bếp ăn của mỗi gia đình. Vậy nêm bột ngọt như thế nào là đúng?



Ngày nay, cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, những người nội trợ không chỉ quan tâm đến tính an toàn của các thực phẩm, phương pháp điều chỉnh gia vị để tạo vị ngon mà còn quan tâm đến cách chế biến sao cho phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Bột ngọt là một trong các loại gia vị được sử dụng rộng rãi trong bếp ăn của mỗi gia đình. Vậy nêm bột ngọt như thế nào là đúng?

Trước hết về nhiệt độ nấu ăn, do nhiệt độ sôi của từng chất là khác nhau nên nhiệt độ sôi của các món ăn sẽ là nhiệt độ sôi hỗn hợp của các thành phần trong món ăn đó. Theo kết quả một số nghiên cứu, các món luộc, món canh có nhiệt độ sôi vào khoảng 130oC - 135oC, các món dùng bơ như nướng bánh, tạo vỏ bánh mỳ thì trong khoảng 155oC - 170oC, còn với các món sử dụng dầu để chiên, rán thì nhiệt độ có thể lên đến 175oC - 190oC. Như vậy, thông thường, nhiệt độ nấu ăn ở trong khoảng trên 100oC đến xấp xỉ 200oC. Có một vài món ăn dùng những thiết bị nướng để đẩy nhiệt độ lên cao để đạt cảm quan cho thực phẩm, tuy nhiên nhiệt độ cũng không vượt quá 250oC.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, bản thân các thực phẩm như thịt, cá… khi bị đốt cháy ở nhiệt độ cao hơn 250oC cũng biến đổi thành chất gây hại đối với sức khỏe. Và theo các bằng chứng khoa học mới nhất hiện nay thì trong điều kiện nhiệt độ nấu nướng thông thường đảm bảo an toàn cho các thực phẩm, bột ngọt không bị biến đổi thành chất không tốt cho sức khỏe và vẫn mang lại vị ngon cho món ăn. Do vậy, chúng ta có thể nêm bột ngọt vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình chế biến món ăn.

TS, BS Tạ Thị Tuyết Mai
Trưởng Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhân dân Gia Định

23 tháng 10, 2013

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: SỰ QUAN TÂM THẬT SỰ TỪ ĐÁY LÒNG SẼ TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT TUYỆT VỜI !!!

Đêm đó đã rất khuya, một đôi vợ chồng cao tuổi tìm đến một khách sạn ở khu du lịch hỏi thuê phòng. Người lễ tân, một thanh niên trẻ nhã nhặn đáp: "Xin lỗi, khách sạn chúng tôi đã kín khách, không còn chỗ nào cả".



Song, khi thấy bộ dạng mệt mỏi và thất vọng của 2 vị khách, người lễ tân lại nói: "Tuy nhiên, để tôi nghĩ cách xem sao...".

Anh đương nhiên không muốn họ tiếp tục phải đi gõ cửa từng khách sạn mà xem ra cũng đã kín đặc người trong thị trấn, rồi cuối cùng phải ngồi vật vạ đâu đó bên lề đường suốt cả đêm. Vậy nên, anh dẫn hai vị khách ấy đến một gian phòng nhỏ nhưng ngăn nắp và sạch sẽ: "Đây không phải gian phòng tốt, nhưng lúc này tôi chỉ có thể làm được đến vậy".

Ngày hôm sau, khi hai vị khách đến thanh toán, người lễ tân từ chối: “Không cần, vì đó chỉ là phòng nghỉ của tôi, cho ông bà mượn tạm qua đêm. Chúc ông bà lên đường may mắn”. Hóa ra, cả đêm hôm đó người lễ tân đã không ngủ mà ngồi làm việc trong quầy. Hai vị khách vô cùng cảm động. Khi họ đã đi khỏi, anh tiếp tục bận rộn với công việc của mình và quên hẳn chuyện đó. Không ngờ một ngày kia, anh nhận được một tấm vé máy bay cùng thư mời đến New York làm việc. Hóa ra hai vợ chồng già ấy thuộc hàng tỷ phú, sau khi quay về họ quyết định mua hẳn một khách sạn sang trọng để kinh doanh và mời người lễ tân tốt bụng đến làm quản lý với niềm tin chắc chắn anh sẽ làm rất tốt công việc này.

Đó là câu chuyện truyền kỳ về người giám đốc đầu tiên của chuỗi khách sạn hàng đầu thế giới Hilton. Nó nhắc nhở chúng ta rằng: Nếu biết yêu thương đồng loại, nếu con người đối đãi với nhau bằng chân tình, bất cứ việc gì cũng có thể “nghĩ cách xem sao…”.
(St))

22 tháng 10, 2013

MIẾNG VỠ MẢNH ĐỜI: Nỗi đau tột cùng của người bố đang mất đi từng đứa con

Năm lần sinh con thì đến ba lần người bố ấy phải chứng kiến cảnh các con “ra đi” vì bệnh tật. Đến nay đã ở cái tuổi “toan về già”, bác lại tiếp tục phải lọ mọ ngày đêm lên chăm hai đứa còn lại ở bệnh viện vì căn bệnh hiểm nghèo.



Vào bệnh viện những ngày mưa thường cho mọi người cái cảm giác ẩm ướt và khó thở nhưng với người đàn ông dân tộc Hoàng Văn Mao (trú tại thôn Mòng, xã Xa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) thì lại càng trở nên nặng nề, khi ông đang phải chăm nuôi hai con trai một lúc. Gương mặt khắc khổ, đăm chiêu cả ngày chỉ cúi gằm xuống đất và đôi bàn tay gầy guộc, chằng chịt gân xanh cứ bám chắc lấy thành ghế như sợ bị đổ. Chốc chốc có người đi qua hỏi han tình hình bệnh của các con, nước mắt bác lại túa ra trên đôi mắt đỏ quạch vì nhiều đêm mất ngủ. Người đàn ông ấy đã khóc, khóc thật và khóc nấc lên trước sự chứng kiến của nhiều bệnh nhân khác ở khoa Huyết học của Viện huyết học và truyền máu Trung ương.
Giọng khàn đặc, bác kể: “Tôi không dám so sánh bản thân mình với ai đâu, đặc biệt là những nỗi đau và sự mất mát mà mình đã trải qua. Nhưng bây giờ ngồi đây, ở bệnh viện này, tôi không chịu được cảm giác khi nhớ lại giây phút 3 đứa con trước của tôi đã chết ra sao. Chúng đau đớn, vật vã và ánh mắt như cầu cứu tôi nhưng tôi bất lực, tôi sợ, sợ lắm”.

Nói rồi bác lại lau nước mắt nhưng cái chỗ để “bấu víu” hữu hiệu nhất trong lúc này không phải là một chiếc khăn mà là vạt áo đã rách bươn, cũ mủn. Những tiếng nấc nghẹn lại bắt đầu nhiều hơn, dồn dập hơn khi kí ức ùa về: “Hai vợ chồng tôi sinh cháu đầu tiên là Hoàng Văn Quyết năm 1978 thì đến năm 1982 nó “bỏ đi” mất. Ngày đấy cứ thấy con xanh xao, vàng vọt, nôn ói rồi cứ thế là lịm dần, lịm dần mãi chứ có biết bệnh gì đâu. Đến đứa thứ hai là Hoàng Văn Nơi nó cũng chỉ ở với bố mẹ vẻn vẹn 2 năm rồi cũng mất. Ngày nó đi, bà nhà tôi cứ ôm chặt con mà khóc vật vã, không cho mọi người làm ma cho nó, tôi cũng đau đớn đến lịm người chẳng còn biết gì nữa. Đứa thứ 3 nhà tôi sinh năm 1986, chúng tôi sợ con ma lại bắt nó đi mất như hai anh nên không đặt tên mà gọi nó là “Em bé” nhưng rồi cũng không thay đổi được gì cả. Nó ở với bố mẹ được 2 năm thì cũng đi nốt theo hai anh của nó”.

Nói rồi, bác lại ngồi lặng im, mặt cúi xuống và những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài trên gò má. 15 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau mất con quá lớn khiến người cha này dường như chưa có giây phút nào nguôi ngoai. Và càng ân hận hơn khi đến tận sau này hai người con tiếp của bác là Hoàng Văn Nhàn và Hoàng Văn Kèm đồng thời phát bệnh bác mới biết các con của mình mang chung căn bệnh di truyền huyết tán.
Là người dân tộc Sán Chỉ, quanh năm chỉ có 5 sào ruộng làm vốn liếng bám trụ để có cái ăn, việc đồng thời hai người con phải đến viện là quá sức với vợ chồng nghèo. Từ nhỏ nuôi con, Nhàn và Kèm đã không được khỏe mạnh như chúng bạn nhưng gần như không có dấu hiệu gì bất thường khác. Tuy nhiên cái đói, cái nghèo bủa vây khiến cả hai anh em không ai được học hết lớp 4 mà sớm về phụ giúp bố mẹ làm nương, làm rẫy. Năm 2008 vì muốn bố mẹ an tâm lúc về già, anh Nhàn lấy vợ rồi sinh hai cháu Hoàng Huy Hoàng (4 tuổi) và Hoàng Huy Giáp (3 tuổi), tuy nhiên cả hai đứa cũng đang trong diện phải đi làm xét nghiệm và theo dõi vì bố phát bệnh phải đi cấp cứu ở bệnh viện.
Đưa con đến Viện huyết học và truyền máu TW trong tình trạng suy gan, suy thận cấp, bản thân bác Mao không hiểu chuyện gì cho đến khi được các bác sĩ giải thích về căn bệnh di truyền này. Đến lúc này bác mới thực sự hiểu chuyện và nỗi day dứt, ân hận càng tăng lên gấp bội bởi: “Vì tôi sinh ra chúng để chúng bị bệnh như thế, là lỗi do tôi mà bấy lâu nay tôi không hề hay biết gì cả” – bác Mao tâm sự.
Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (Phó Khoa Huyết học của Viện huyết học và truyền máu TW) được biết: “Hoàn cảnh của gia đình bác Mao khiến chúng tôi cũng rất khó nghĩ. Bản thân là người dân tộc, phải công nhận dân trí của người ta không được như người Kinh, đặc biệt căn bệnh huyết tán không phải ai cũng nắm được để mà phòng tránh hoặc có biện pháp xử lí kịp thời.
Ở bệnh viện đã 2 lần bác xin con về nhà chịu chết vì không có tiền chữa tiếp nhưng chúng tôi động viên cho ở lại vì với tình hình bệnh của hai anh nếu về nhà mà không có sự can thiệp gì cả thì khó giữ được mạng sống. Bản thân bác Mao rất thương và lo lắng cho các con, có những ngày bác phải tìm gặp chúng tôi mấy lần để hỏi đi hỏi lại rằng các con có sống được không khiến chúng tôi cũng rất xúc động. Tuy nhiên để tiếp tục chữa trị cho hai con, gia đình vẫn phải chuẩn bị kinh phí nhất định ngoài số tiền bảo hiểm đã chi trả cho mà điều này với gia đình bác là quá sức nên đó là điều mà tôi cũng rất suy nghĩ”.
Biết được bệnh tình của hai con, bản thân bác Mao càng lo sợ bởi căn bệnh hiểm nghèo phải chữa lâu dài và duy trì thường xuyên ở bệnh viện. Và cả hai đứa cháu thơ ở nhà, thật lòng bác không dám nghĩ đến nếu trong trường hợp chúng cũng mắc bệnh. Đói nghèo, thiếu thốn và bệnh tật, tất cả như bủa vây lấy người đàn ông tội nghiệp khiến bác cứ thất thần ngồi đó mà mong chờ một tia hi vọng dẫu mong manh, le lói.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1.Mã số 1202: Bác Hoàng Văn Mao (trú tại thôn Mòng, xã Xa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang)
Số ĐT: 0945.856.400

21 tháng 10, 2013

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Vì sao VN-Index khó vượt mốc 500 điểm?

Đó là chủ đề của cuộc điều tra xã hội học được mình gấp rút triển khai mấy tháng nay. Có các anh, các chị bám sàn ở mấy phố Bà Triệu, Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản… giữa đất thủ đô làm chứng. Cái gã non trưa, đầu chiều la cà các sàn, tay cầm tập phiếu, thì thụt như đi ghi đề chính là tôi đấy!
 
    Chả là hơn năm nay, mình thấy VN-Index cứ luẩn quẩn quanh 500 điểm. Dợm thò lên một tí lại thụt xuống. Y như kẻ bơi dở bị chuột rút giữa ao hoặc tay ca sĩ đuối giọng, thò ra sân khấu lại thấy khán giả ở dưới dơ nửa hòn gạch lên dọa. Các chuyên gia từ đủ mọi ngành mọi giới, các nhà môi giới thuộc đủ mọi xới mọi sàn… đều đã có phân tích, nhận định. Nhưng dường như giới đầu tư cò con có vẻ ít được hỏi. Cũng có thể vì các nhà báo hay tác nghiệp qua điện thoại nên bình dân họ ngại bắt nhời!?
    Vậy là mình rắp tâm làm một cuộc điều tra thực địa. Kể ra thì cũng đã hoàn thành từ tuần trước. Nhưng trong không khí hồ hởi hướng tới 650 điểm của VN-Index, sợ ăn gạch đá nên quá lần chần. Đến tuần này, vì tiếc cái công bỏ chơi, bỏ làm la cà sàn xới mấy tháng, lại ham chút tiền nhuận bút theo định mức trên giao, nên cứ liều mình mà công bố vậy. Phiếu điều tra có 3 câu hỏi trắc nghiệm và một câu trả lời tự chọn như sau: VN-Index khó vượt 500 điểm vì:
    * Không thể cầm đèn chạy trước ô tô.
    * Thần hồn nát thần tính
    * Số tròn
    * Ý kiến khác (nêu cụ thể).
    Xin nói thêm là số mẫu điều tra được chốt ở 500 người với độ tuổi từ dưới 17 đến hơn 80. Cuộc điều tra đã mang lại những kết quả thú vị. Cụ thể như sau:
    1. Có 24 người, tức 4,8% được hỏi chọn phương án 1. sau đó, những người này còn phân tích rất kỹ lưỡng, bao quát và dông dài về đặc điểm kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới, về bản chất thị trường tài chính với rất nhiều thuật ngữ rối rắm và hàn lâm. Đồng thời, khá thường xuyên chêm tiếng Anh, tiếng Pháp (đoán thế) vào bài thuyết trình và cuối cùng đi đến kết luận rằng, VN-Index lên được 500 là quý lắm rồi.
    Nhận xét đối tượng điều tra: Hầu hết trong nhóm người chọn phương án 1 đều đeo kính cận, số đông trán hói và ít để ý đến bảng điện tử, trong khi lại rất quan tâm tranh giành máy tính để bàn của sàn chứng khoán để lướt web tìm tin. Có một số nhìn khá quen mặt. Hình như cũng hay đọc sách chùa ở Đinh Lễ???
    2. Có 78 người, tức 15,6% chọn phương án 2. Nhận xét đối tượng điều tra: Đa số trông có vẻ khá thật thà, nhưng hơi lam lũ. Trả lời xong thì ngồi bất động, mắt ngó đăm đăm vào bảng điện một lúc rồi lại nhìn xa xăm. Đôi lúc tay sờ ví và len lén thở dài…
    3. Có 64 người, tức 12,8% chọn phương án 3. Nhận xét đối tượng điều tra: Điểm dễ nhận thấy là những người chọn phương án này đa số là phụ nữ. Có vẻ chị em thích sự tròn đều viên mãn và chỉn chu (ví dụ khi khóc cũng phải soi gương). Nên cứ 500 điểm là “ai nhanh tay bán bằng tay em”, ra hàng cho nó… may mắn.
    4. Có 117 người, tức 23,4% (con số khá lớn) chọn “ý kiến khác”. Nhiều câu trả lời cho thấy, hài hước là một đức tính bẩm sinh và có thể phát lộ trong những hoàn cảnh trớ trêu nhất. Xin được ví dụ:
    * Báo chí các ông suốt ngày “lời nguyền 500” với “siêu ngưỡng cản 500”, đến đá cũng toát mồ hôi chứ cứ gì tôi.
    * SSI đại gia như thế còn đặt kế hoạch kinh doanh 2013 theo VN-Index 500 điểm. Mình cò con, cứ theo anh Hưng cho chắc…
    * Ở ta, khôn lỏi hầu như là một nhãn quan chiến lược. Ai cũng hè nhau bảo phen này phải nghiến răng chờ qua 500 điểm. Nhưng cứ đến sát nút là ông nào cũng lừa lừa đặt lệnh bán như tháo cống.
    * Biết đâu nhà quản lý chả muốn VN-Index vượt 500 điểm vì sợ thị trường nóng quá, khó quản.
    * Buôn có bạn, bán có phường. Tôi vừa leo lên đỉnh 500 điểm, nhìn quanh chả thấy ai, lại phải tụt xuống…
    * Có khi nước Mỹ có S&P500, ta cũng đề nghị chuyển VN-Index thành VN500 cho nó bằng bạn bằng bè… vân vân và vân vân…
    Cá biệt, có người còn ứng khẩu thành thơ: “Xuống lên là việc thị trường. Cò con nhỏ lẻ tính đường mà chơi”.
    Tuy nhiên, đến lúc này, sẽ có bạn đọc thắc mắc, rằng sao tổng cộng chỉ có 283/500 người trả lời? Xin thưa, đó là phần kết kịch tính nhất của cuộc điều tra xã hội học này. 217 đối tượng còn lại, tức 43,4% bỏ phiếu trắng. Tức là không nghe, không biết, không nói… Một số không ít người bỏ phiếu chống bằng mồm theo… tiếng Phạn, thậm chí bằng chân tay. Một số khác nhiều hơn đánh mắt ra ý, “đây biết thừa, nhưng sao lại phải… công bố thông tin cho ông”.  
    Két quả cuộc trắc nghiệm cho thấy, dân đầu tư bám sàn chả mấy quan tâm đến VN-Index, chỉ quan tâm đến việc trồng cây gì, nuôi con gì. Có người bảo, VN-Index nằm mãi 500 điểm cũng thành quen. Kiểu như lần đầu thất tình, thấy đất trời sụp đổ, không còn thiết sống… Sau vài lần quen dần, thấy tán cô nào chả được thì cũng coi như một lần tập thể dục. Cá biệt có broker sau khi biết có cuộc điều tra này còn nói với nhân viên điều tra  rằng:
    - Người mua vào ở mốc 500 điểm, tôi đúng.
    - Người bán ở mốc này, tôi cũng đúng
    - Đám đông: ai cũng nhận mình đúng
    Bọn em thì chỉ biết nói: Cảm ơn nhé, thanh khoản tốt vào, tôi thu phế, tôi hoan hô các bạn cả đúng lẫn sai.
    Lưu ý: cuộc điều xã tra xã hội học “VN-Index bao nhiêu điểm vào cuối năm nay?” đang được gấp rút tiến hành và sẽ công bố rộng rãi nếu điều kiện kỹ thuật cho phép.     
    (ĐTCK)

XẢ STRESSSSSSS: Truyện vui mừng 20/10

Nhân dịp 20/10, IRS chúc các chị em sẽ luôn xinh đẹp, trẻ trung và cười thật tươi!   


PHỤ NỮ CÓ TIẾT KIỆM KHÔNG? 


Người ta nói rằng: “Phụ nữ luôn tiết kiệm trong sự hoang phí!”. Điều đó không hẳn lúc nào cũng đúng, xin đơn cử một ví dụ: Khi chọn đồ tắm, đồ bơi, phụ nữ bao giờ cũng có xu hướng chọn loại ít… tốn vải nhất. Rõ ràng trong việc này phụ nữ đã cực kỳ tiết kiệm đấy chứ! 

HẬU HỌA 20/10

Chiều 20/10, anh Piter người Úc tỉnh dậy sau một giấc ngủ nướng từ 8 giờ sáng. Theo thói quen anh đi vào nhà vệ sinh, lúc trở ra anh bỗng thấy “cái thứ làm nên người đàn ông” của anh đột nhiên bị bỏng rát rồi chuyển sang tấy đỏ. Hai mắt trở nên rất khó nhìn và nước mắt giàn dụa. Piter vô cùng lo lắng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đem chuyện kể với vợ, bà xã của Piter tỏ ra rất giận dữ, cô quả quyết rằng anh đã vụng trộm với một cô ả rẻ tiền nào đó và rước bệnh vào người. Piter thề sống thề chết rằng không hề có chuyện ấy. Vợ Piter nói: “Nếu vậy thì chúa đã trừng phạt anh vì một tội lỗi gì đó”. Sau khi tự suy xét, kiểm điểm bản thân, Piter thấy chỉ có một khả năng: Anh quên (cố tình quên?) mua quà 20/10 tặng vợ. Kìm nén cảm giác bỏng rát, Piter chạy ra siêu thị gần đó mua quà tặng vợ để chuộc lỗi với hy vọng rằng chúa sẽ tha tội. Kỳ lạ thay sau khi làm việc đó, các triệu chứng bỏng rát dần dần biến mất vài giờ sau đó. Mãi về sau Piter mới biết rằng, do anh không mua quà 8-3 nên chị vợ ức quá đã lén lúc anh ngủ bôi ớt tươi đậm đặc lên 10 đầu ngón tay của anh cho bõ ghét. Sau khi Piter đi vào nhà vệ sinh thì chuyện nói trên xảy ra.

ĐỒNG VỢ ĐỒNG CHỒNG 

Trong phiên toà xử thuận tình ly hôn, vị chánh án hỏi : - Nguyên nhân gì khiến anh chị đồng ý ký vào đơn ly hôn? Người chồng bức xúc nói : - Thưa quý toà, có lần đang ngủ cô ấy bỗng giật mình la to " Chết rồi ! chồng em về". Người vợ cướp lời : - Khi em la vậy thì anh ấy hoảng hốt chui vội xuống gầm giường trốn còn gì?!.

ĂN KHÔNG?
Ngày 20/10 Một chàng sinh viên chở bạn gái trên một chiếc xe đạp. Đang đi, bỗng nhiên chàng thắng lại cái "ké...é....ét" ngay trước một quán chè rồi quay ra sau hỏi: - Ăn không??? Nàng: - Ăn!!! Chàng: - Có thế chứ! Bộ thắng này mới thay hồi sáng đó! Nói rồi, chàng tiếp tục đạp xe đi.
(St)

18 tháng 10, 2013

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Thư gửi chồng tôi - Vợ phải chấp nhận hay buông bỏ

Chồng ơi! Thay vì viết thư cho tòa soạn Báo ANTG để chia sẻ nỗi đau và xin tòa soạn một lời khuyên, em lại chọn cách viết lá thư này cho anh thông qua tòa soạn báo để anh buộc phải đọc. Em biết sẽ không có cách chi để bức thư đến được tay anh mà không bị xé bỏ. Chẳng có cách chi để anh chịu đọc lời trần tình của vợ khi mà lửa giận trong anh đang ngùn ngụt phun trào như núi lửa thức dậy sau tĩnh lặng hàng ngàn năm…


Cả tuần nay, em lang thang như một kẻ không gia đình. Một kẻ bỗng trong phút chốc trắng tay, bị tước đoạt hết tất cả, con trai, cuộc sống bình yên, hạnh phúc gia đình. Em bước ra khỏi nhà như trong một cơn mê dữ… Cảm giác không còn một cái gì trong tay nữa, cả tinh thần lẫn hy vọng rằng anh sẽ nghĩ lại và phán xét một cách công bằng để có thể thứ tha…
Vợ đã xin nghỉ việc một đợt phép vì không thể đến cơ quan và tập trung làm việc được.  Vợ đã lang thang hết cả tuần nay rồi, trơ trọi một mình, chậm rãi, phán xét và suy nghĩ về tất cả. Thậm chí giờ đây, em không biết mình đang rơi vào trạng thái nào nữa. Nuối tiếc ư? Ân hận ư? Giày vò ư?...

Hay cuống cuồng chạy theo anh để đòi hỏi một sự thứ tha mà vợ có quyền được có. Không. Tất cả trong em rỗng tuếch. Em nhớ con thôi. Nhớ cậu con trai mảnh dẻ thư sinh của chúng ta. Những buổi chiều tan trường, con sẽ ngơ ngác đợi mẹ đến đón. Gương mặt thanh tú và đẹp đẽ của con sẽ buồn và thất vọng biết bao khi cả tuần nay mẹ vắng nhà, mẹ đi đâu, mẹ ở chốn nào trong cơn nóng giận điên cuồng như bão dữ của ba.

Liệu có phải vợ đã đi quá xa trong cuộc hôn nhân của chúng ta? Giờ đây, khi xảy ra kết cục này, em mới thấy đau buồn và tuyệt vọng. Vì cái giá mà vợ đánh đổi quá lớn, và lỗi tại vợ đã nhắm mắt đưa chân ngay từ phút giây đầu tiên khi bước vào cuộc hôn nhân này. Chồng à. Vợ muốn nói với anh tất cả, có lẽ đây là lần đầu tiên và duy nhất, vợ sẽ nói hết với anh mọi suy nghĩ của em, mọi nguyên nhân dẫn đến những hành xử lạ lùng của vợ ngày hôm nay, hay nói đúng hơn là vì đâu, và vì ai mà vợ đã đang tâm bội phản chồng.

Chồng có nhớ buổi tối trước lễ cưới của chúng mình không? Chồng nhớ lại đi, cái đêm tháng 10 buốt giá của năm 2007 trước lễ thành hôn của hai đứa mình. Em có việc phải qua nhà anh để bàn nốt mấy việc nữa cho buổi lễ quan trọng chiều ngày mai, lễ rước dâu lên xe hoa.

Tối hôm đó, em định qua anh để rủ anh lên chùa nhờ sư thầy làm lễ thỉnh kinh ban phước cho hai đứa mình nên vợ nên chồng. Em đi taxi chứ không đi xe máy vì em muốn giữ sức khỏe cho buổi lễ ngày mai. Anh biết không. Khi xe taxi chạy đến ngã tư đường Nguyễn Tri Phương, em thấy ai rất giống anh chạy xe máy phía trước song song cùng một người con gái khác. Hai người vừa đi vừa nói chuyện rồi bất ngờ rẽ vào ngõ hẻm có quán cà phê vườn ở góc đường.
Em hấp tấp bắt lái xe taxi chạy theo. Vào quán cà phê, anh và người con gái đó chọn một góc quây kín bốn phía bằng cót ép để ngồi tâm sự. Em chọn một ô bên cạnh và xõa khóc. Vào quán cà phê, trong ánh đèn mờ tranh tối tranh sáng em vẫn kịp nhận ra chị L., người yêu cũ của anh giờ đang định cư ởCanada. Chắc biết tin anh cưới vợ, chị ấy về để dự đám cưới của anh và em, mừng cho hạnh phúc của người yêu cũ.

Chồng ơi! Ở bên cạnh, anh mải tâm sự với người yêu cũ, chồng không biết vợ đang chết lặng. Vợ không biết sau 4 bức tường cót quây kín mít kia, chồng và người yêu cũ sẽ nói với nhau những gì… Em chỉ biết run sợ và khóc. Em nhỏ hơn anh tới 10 tuổi, lần đầu tiên em yêu và cưới anh làm chồng trong mối tình duy nhất.

Em đâu có trải đời để chuẩn bị trước tinh thần cho những sự việc đau đớn như thế này. Nhưng em không phải là người con gái nổi loạn. Em đã chọn cách im lặng không nói gì với anh. Em đã giấu đi tất cả những bí mật của anh và chôn sâu vào lòng. Bởi lúc đó em đã có cu Bi trong bụng rồi, giọt máu của anh và em đang hoài thai và lớn dần lên trong em. Em yêu anh và con biết bao nhiêu.

Em đã chọn cách chôn sâu thất vọng, đổ vỡ đầu tiên ấy vào sâu kín bí mật của lòng em để vẫn tiếp tục yêu thương anh và đồng hành cùng anh trong cuộc hôn nhân mà em đã đến với nó từ tình yêu. Em đã chọn một kết thúc có hậu thay vì làm cho mọi thứ trần trụi ra, bẽ bàng ra. Em chọn sự bình yên cho gia đình em, bố mẹ em và cho cuộc hôn nhân của em. Nhưng em mãi mãi không bao giờ có thể xóa đi được những vết cắt đau đớn trong tổn thương đầu tiên của đời sống vợ chồng hai ta.

Mọi thứ rồi cũng trôi qua trong tình yêu thương mà chúng ta dành cho nhau sau hôn nhân. Đám cưới, anh khoác tay em hãnh diện giới thiệu với chị L., người yêu cũ của anh. Chị tươi cười chúc phúc cho chúng mình. Điều đó làm cho em vợi bớt đi nỗi đau đêm qua. Em đã tự vỗ về an ủi mình rằng, tình cũ nên anh dành chút tâm sự cho người cũ trước đám cưới cũng là lẽ thường, có thể chấp nhận và tha thứ được. Cái quan trọng người bên cạnh anh trong hôn lễ là em chứ không phải chị ấy. 

Nhưng lại một lần nữa em chết điếng người trong sự bội phản của anh. Khi con trai chúng ta được 2 tuổi, thêm một lần em lại hụt hẫng trong đau khổ đến tột cùng vì những gì gọi là tình cũ của anh. Có lẽ chồng vẫn còn nhớ cái lần chị L. về nước nghỉ hè. Hai vợ chồng mình đón tiếp chị ấy mời chị đi ăn cơm ở nhà hàng Cơm Việt. Ăn tối xong, anh bảo hai mẹ con em về trước vì cu Bi buồn ngủ quấy khóc. Anh xin phép em đưa chị L. đi thăm thành phố một chút rồi về.

Lúc đấy, vợ không lẽ không đồng ý cho chồng đưa bạn cũ đi chơi hàn huyên tâm sự. Chồng đã chọn cách xin phép vợ đàng hoàng và công khai cuộc đi chơi ấy như là hai người bạn cũ, thì lẽ nào vợ lại còn hẹp hòi mà không đồng ý. Chồng đã đặt em vào một cái thế không thể không chấp nhận. Nhưng không hiểu sao, bản năng mách bảo cho em một điều gì đó nên em đã gọi ngay một người bạn gái cũ và nhờ đi theo xe của anh để thám thính mọi việc giúp em.

Và đúng như dự cảm của em, tình cũ không rủ cũng về. Anh đã chạy xe đưa chị L. đi uống cà phê ở một khách sạn sang trọng trên phố Nhà Thờ. Nhắc đến đây, hẳn anh nhớ ra ngay mà.  Sau những ly cà phê đủ ngấm câu chuyện, anh cùng chị ấy lên phòng khách sạn để tâm sự. Bạn gái em đã vừa gọi điện cho em vừa khóc, bảo em lên ngay khách sạn để bắt quả tang hai người và làm cho tanh bành mọi chuyện.

Chồng à! Vợ cũng không hiểu nổi tại sao vợ lại không đi lên để bắt tận tay day tận trán cả hai người. Vợ ôm cu Bi vào lòng và khóc. Một lần nữa, vợ tự chọn cách im lặng, tự khâu vá vết thương, tự cầm máu và tự vượt qua. Nếu chồng để ý thì chồng sẽ nhớ hôm đó hai mẹ con em đã bỏ về ông bà ngoại. Suốt tuần đó, em im lặng còn anh thì linh cảm em biết mọi chuyện hay sao ấy mà anh cũng sang ông bà ngoại ở luôn để quấn quýt hai mẹ con em.

Em là người phụ nữ trầm tĩnh, kín đáo, và ít bộc lộ. Em đã suy  nghĩ và giày vò rất kinh khủng về chuyện của anh. Em biết anh chỉ có tình cảm sâu nặng với duy nhất chị L. thôi. Còn cuộc sống bình thường anh rất yêu chiều vợ con, anh cũng rất yêu em nữa. Anh không có nhiều bạn gái, không có bất kỳ một mối quan hệ thân thiết sâu sắc nào với bạn gái hay đồng nghiệp nữ.

Là người vợ, em quá biết điều đó, thế nên em đã cân nhắc và suy nghĩ. Em thương con trai chúng ta, em không muốn ba mẹ em sốc, em không muốn đổ vỡ thế nên em đã chọn cách im lặng, co mình trong ốc vỏ tổn thương và khóc. Em không biết tại sao em không làm tanh bành ra, không cho mọi thứ bung bét, vỡ nát.

Có lẽ em còn yêu anh, hay em không muốn tất cả vỡ toang ra một cách bẽ bàng, xấu hổ với mọi người. Nếu em làm tanh bành ra, đến lúc đó, anh và em, dù có cố gắng cũng không thể chắp vá nổi những mảnh vỡ. Em đã chọn cách lừa dối chính bản thân mình. Đúng ra em sợ đối diện với sự thất bại đau đớn này.

Chồng ơi, em đã ngoại tình vì lẽ đó, vì những ẩn ức không thể giải tỏa, vì những mâu thuẫn với bản thân và vì những tổn thương quá sâu, quá lớn anh mang lại cho em. Việc có ý nghĩ rằng, em là người đến sau, em chỉ chiếm giữ được một phần tâm hồn và thể xác của anh làm cho em tổn thương kinh khủng. Việc mà em, một người vợ hợp pháp của anh, anh cưới về vì tình yêu, nhưng vợ không thể xóa bỏ được hình ảnh người đàn bà trước em trong trái tim anh làm cho vợ chán nản và mất đi những tình cảm thiêng liêng trong tình chồng vợ.

Em đã đến với một người đàn ông là đồng nghiệp ở cơ quan em, đầu tiên là để giải sầu, để vơi đi những tâm sự nặng lòng, để vượt qua khủng hoảng của hôn nhân vì em đã chọn cách tự giải quyết tổn thương một mình mà không chia sẻ với anh.  Em đã ngã vào vòng tay người đàn ông khác vì hận số phận em và cũng để cân bằng cảm giác trong em được trả thù anh. Liệu em có phải là người vợ nông nổi.

Thế rồi chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra. Tuần trước, anh vô tình bắt gặp em bước từ một phòng khách sạn đi ra với người đồng nghiệp của em đó. Anh đã bắt gặp thấy em tay trong tay người tình với một gương mặt thỏa mãn rạng ngời. Chúng ta giáp mặt nhau trong một nỗi bẽ bàng khôn tả.

Tất cả bỗng chốc tan tành sụp đổ dưới chân hai ta. Sụp đổ tất cả. Chồng ơi! Em không biết nói gì với anh nữa. Thanh minh ư? Thú tội ư? Khóc lóc xin lỗi và làm tất cả để cứu vãn ư? Có ích gì đâu, với lại em không thể làm được vậy vì tính cách của em. Em cắn răng chấp nhận bị anh đuổi ra khỏi nhà không cho thăm con, nuôi con hay đón con. Em chấp nhận tất cả cơn cuồng nộ của anh với một trái tim lạnh giá và với một ý nghĩ rằng em không chống lại số phận. Nhưng em cần phải nói hết với chồng, vì sao em sa ngã.

Anh cần phải biết vợ anh đã trải qua một cuộc hôn nhân bội phản ngay từ phút giây đầu tiên mà người gieo tổn thương lại chính là người chồng mà vợ yêu quý tôn thờ. Giờ thì chồng đã hiểu cảm giác tê tái đắng chát thế nào khi trước ngày cưới vợ bắt gặp chồng đi ôm ấp người yêu cũ. Giờ thì chồng đã hiểu vợ sụp đổ và tan hoang đến thế nào khi ôm con ở nhà nghe bạn gái gọi đến khách sạn để bắt quả tang chồng đang ngủ cùng người yêu cũ.

Chồng à! Em rất thương cu Bi, và em chưa từng bao giờ mong muốn một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Em vô cùng ân hận vì đã không biết cách xử lý mọi chuyện ngay từ buổi tối định mệnh trước hôn nhân cho đến bây giờ. Để rồi chính em lại là người vấp ngã và ngã rất đau trong số phận của mình. Em ước gì ta đừng gặp nhau, hoặc em ước gì ta đừng là vợ chồng ngay từ đầu thì em đã không bất hạnh thế này. 

Chồng hãy quyết định nhé.
Vợ: N.M