2 tháng 10, 2013

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Tôi không bỏ được nỗi hận

Tôi sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội. Gọi là phố cổ cho sang trọng chứ chốn sinh thành, nơi dưỡng dục, tuổi thơ tôi trôi qua trong  những mảng ký ức xám ngoét, buồn bã đầy ám ảnh của một cuộc sống bần hàn, tăm tối. Ngõ phố nơi tôi ở ẩm thấp chật hẹp, chen kín những ngôi nhà không có phòng vệ sinh và buồng ngủ. Những ngôi nhà gá tạm trong những ngõ ngách u tối của phố cổ Hà Nội… Có lẽ vì thế mà mỗi lần nghĩ về nhà mình, gia đình mình, hoàn cảnh sống của bản thân, tôi lại liên tưởng đến câu thơ: “Lũ chúng con ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”…


Tôi là một đứa con hư của gia đình tôi, một đứa trẻ lạc loài của phố cổ Hà Nội. Tôi căm ghét gia đình mình, tôi chán chường khu phố chật hẹp tới 10 hộ gia đình với gần 50 con người sáng sáng đợi nhau một cái nhà vệ sinh công cộng. Tôi bỏ nhà đi từ sớm. Tôi là đứa con hư bởi quá nhiều ẩn ức. Gia đình tôi chấp nhận sự nổi loạn của tôi như chấp nhận một sự bất lực toàn phần của họ trước đứa con biến thái từ ngoan sang hư, từ hiền sang dữ như chấp nhận một sự vượt ngoài khả năng kiểm soát của họ.

Tôi bỏ nhà đi năm lớp 11. Tôi rời Hà Nội năm đó, quăng mình vào cuộc phiêu dạt của số phận. Giờ đây, sau gần 10 năm cay đắng bầm dập nơi xứ người, có những lúc bước sang ranh giới của cái ác, của sự ngu muội, của sự hư hỏng, tôi nhận ra một điều, chỉ có sự tử tế mới có thể cứu vớt nổi tôi. Chỉ có sống một cuộc sống tử tế, làm một con người tử tế may ra tôi mới cứu được cuộc đời mình. Muộn còn hơn là vĩnh viễn chìm đắm vào lầm lạc, tôi đã thoát ra khỏi những cám dỗ, cạm bẫy của đời sống để trụ lại với một niềm tin hãy làm người tử tế.

Mười năm, kể từ ngày thằng con trai 17 tuổi rời nhà ra đi trong tê dại một nỗi ghê tởm và oán hận gia đình mình, tôi đã bắt đầu lại từ công việc của một người thợ kim hoàn. Một công việc mà đòi hỏi lòng kiên trì, sự nhẫn nại, tỉ mẩn gần như là thiền định trong con người tôi.

Giờ đây, sau một tháng tôi được nhận vào làm thợ chính của một tiệm kim hoàn nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, được cầm trên tay đồng tiền chính đáng, lương thiện từ mồ hôi nước mắt của mình đổ ra, tôi mới trút được một chút cái gánh nặng những ẩn ức sâu thẳm của lòng mình. Tôi đã chạm được vào sự tử tế, và tôi đang, rồi sẽ tiếp tục sống một đời sống tử tế. Tôi sẽ tu tính để lấy vợ và sinh con, sẽ cố gắng sống một cuộc đời tốt đẹp.

Nhưng cái đoạn đời gần 10 năm qua kể từ ngày bỏ nhà ra đi tôi chưa một lần ngoái lại về phía gia đình cho dù mẹ tôi than khóc nhắn tìm tôi, hay bố tôi tuyên bố từ mặt tôi vì tôi không về nhà.  Tôi đã chạy trốn quá khứ, chạy trốn sự thương tổn, và tôi không dám đối mặt với tất cả. Đó có lẽ là rào cản lớn nhất mà tôi chưa có cách nào để vượt qua được cho dù tôi đã vượt qua được những thói xấu, từ bỏ được những cạm bẫy hư hỏng của cuộc đời riêng tôi để lựa chọn sống tử tế.

Cho đến khi mới đây, tôi đọc được vụ án người chồng đâm chết bố đẻ trước mặt con trai vì nghi bố đẻ của mình có quan hệ loạn luân với vợ mình thì tôi đã úp mặt khóc. Lần đầu tiên thằng con trai vỡ òa nước mắt trong tôi. Bao nhiêu ẩn ức chất chứa trong lòng tôi suốt 10 năm, nay chỉ chực vỡ trào ra theo dòng nước mắt. Tôi đã nghĩ mãi, nghĩ mãi và quyết định phải đối mặt với bi kịch của mình, cho dù nó tàn nhẫn đến đâu, một lần cho thỏa đáng rồi sau đó thanh thản mà sống. Chính vì thế mà tôi quyết định viết bức thư này gửi lên chuyên mục “Chuyện khó tin nhưng có thật” của quý báo để mong nhận được một lời khuyên.

Tôi sinh ra không phải là một đứa trẻ hư hỏng. Ông nội tôi sinh được 4 người con trai và 2 người con gái. Nhà ông bà nội tôi ở phố cổ. Sinh được 6 người con, lần lượt 6 đứa con lớn lên lập gia đình đều được ông bà nội chia cho hơn chục mét vuông trong ngôi nhà ở phố cổ để ở. Cái ngách mà nơi có nhà ông bà nội tôi tá túc, ngoài đại gia đình tôi còn có 4 hộ gia đình khác nữa cũng ở chen chúc nhau trong ngách phố chật hẹp.

Nhà ông bà nội tôi có nghề gia truyền làm bánh ngọt, thế nên cô bác đều theo nghề của ông bà. Tóm lại là cuộc sống lao động vất vả chỉ kiếm đủ ăn, đủ mặc, còn để mà dư giả tiền mua nhà to rộng ở chỗ khác thì các cô bác hay gia đình nhà tôi đều không có khả năng. Bố mẹ tôi sinh được hai anh em. Em gái tôi thua tôi 7 tuổi. Năm tôi lên lớp 11 thì em gái tôi mới học lớp 4.

Mẹ tôi 18 tuổi đã về làm vợ bố tôi, đều là dân lao động cả. Mẹ tôi mở gánh bún ở trước ngõ buôn bán buổi sáng, còn buổi chiều ở nhà nội trợ hoặc phụ các chú bác làm bánh bỏ mối. Bố tôi chạy xe ôm. Cuộc sống chật vật nơi ngõ phố chật chội nhưng cũng bình an.

Tôi sống trong vỏ bọc hạnh phúc của gia đình cho tới một ngày tai họa ập tới. Tôi không thể nào quên được cái ngày khủng khiếp ấy. Hôm đó như thường lệ, tôi đi học ở trường. Do nhà trường có tiếp đoàn của Bộ Giáo dục về thanh tra, các thầy cô giáo bộ môn và cô chủ nhiệm phải đi thi giáo viên dạy giỏi nên hôm đó cả lớp phải nghỉ học. Tôi đạp xe đạp về nhà.

Bình thường giờ này mẹ đang tất bật bán bún đầu ngõ, bố đi chạy xe ôm, em gái đi học nên nhà không có ai. Tôi đảo qua gánh bún của mẹ, không thấy mẹ đâu chỉ thấy người giúp việc đang thay mẹ bán hàng và bảo mẹ đi ra chợ mua đồ. Tôi định ăn bún trừ bữa trưa luôn nhưng không có mẹ đấy, tự dưng chẳng muốn ăn nữa nên tôi đạp xe về nhà. Cửa nhà chốt chặt ở phía trong, cửa sổ đóng im ỉm.

Thấy lạ tôi đập cửa. Chẳng thấy có ai mở. Tôi trèo lên mái tôn phía sau hồi nhà ghé mắt nhòm vào. Trời đất ơi, tôi không thể tin nổi vào những gì diễn ra trước mắt tôi trong ngôi nhà bé hơn 10m2 của gia đình tôi. Tôi thấy chú N., chú ruột tôi, em út của bố tôi đang trần truồng hì hục trên người mẹ. Sau mấy phút sững sờ choáng váng, tôi chạy ra phía trước đập cửa sầm sập và la lên: “Mở cửa ra đi, tôi thấy hết rồi”.

Dăm phút sau, chú tôi đầu tóc quần áo xộc xệch, mặt tái mét mắt đảo điên chạy ra. Nhìn thấy tôi trước cửa phòng, mặt đỏ phừng tức giận, nước mắt chảy đầm đìa, chú tôi dứ dứ vào mặt tôi: “Mày câm mồm không chết cả nút đấy, hiểu chưa? Khôn hồn thì câm cái miệng lại, bố mày mà biết, mợ mày mà biết thì chết cả nhà không có đất sống đâu nghe chưa”.

Tôi ngồi phệt xuống bậu cửa. Mẹ tôi lôi tôi xềnh xệch vào nhà và liên tục thanh minh. Tôi bàng hoàng chết cứng, hóa đá. Những gì tôi vừa chứng kiến là cú sốc tâm lý quá lớn đối với một đứa trẻ non nớt như tôi. Tôi không khóc được dù nước mắt cứ thế trào ra ướt đẫm mặt. Mẹ tôi khóa trái cửa lại rồi cũng ngồi xuống thút thít úp mặt vào hai đầu gối vừa khóc vừa kể. Câu chuyện ngắt quãng của mẹ như một đòn đánh chí tử thứ hai giáng vào đầu tôi. Tôi đã sụp đổ hoàn toàn.

Những lời nói của mẹ đã cứa vào tim tôi mãi mãi những vết cứa sâu hoắm và rỉ máu: “Mẹ trót dại con ơi. Thực lòng mẹ không bao giờ muốn vướng vào mối quan hệ loạn luân này. Nhưng con biết không, có một lần chú mày bắt gặp mẹ với người bạn cũ, người đó là người yêu của mẹ ngày xưa trước khi mẹ lấy bố. Người đó dến đây tìm mẹ, mẹ đưa người ấy về nhà nói chuyện vì mẹ bận quán hàng mà cái ngõ này thì chật chội, ngồi ở đâu thiên hạ người ta cũng biết. Thế nên mẹ đưa người bạn cũ về nhà tiện chuyện trò. Tình cảm xưa cũ dâng trào. Cả mẹ và người bạn cũ không kìm nén được.

Ai ngờ chú mày như mật thám, không biết đánh hơi đâu ra mà mò về nhà rình mẹ. Chú ấy bắt gặp mẹ và người bạn cũ ôm nhau trong nhà. Chỉ là ôm nhau thôi con ạ, mẹ thề mẹ chưa làm điều gì xấu xa để phản bội bố con và các con. Thế mà chú mày dọa sẽ mách bố, mách ông bà, sẽ làm cho mẹ xấu hổ và cả nhà tẩy chay mẹ, đuổi mẹ ra khỏi nhà. Mẹ quá sợ hãi đã cầu xin chú im lặng. Nhưng chú mày là một kẻ bệnh hoạn biến thái. Chú yêu cầu mẹ phải phục vụ chú mỗi khi chú ra lệnh. Thế nên vì gia đình, vì nỗi sợ đổ vỡ, mẹ liều nhắm mắt cắn răng làm theo đòi hỏi của chú mày”…

Suốt cả học kỳ đó tôi hầu như bỏ học đi lang thang. Tôi không muốn giáp mặt với chú, không muốn nhìn mặt mẹ, càng không thể nào ngồi trước bố để nói chuyện vô tư với bố như trước đây. Tôi thấy cái đại gia đình tôi thật bung bét, xấu hổ, nhục nhã… Tôi không còn tin vào ai, không còn thiện cảm với ai.

Tất cả trong tôi lớn dần một khối nghi ngờ rằng đằng sau vẻ im lặng của mỗi người, của mỗi gia đình hẳn đang che giấu một sự thật xấu xa kinh khủng mà lũ trẻ con chúng tôi không biết được, rằng chúng tôi đang bị lừa gạt. Thỉnh thoảng tôi vẫn chạm mặt chú tôi trong lối đi chật hẹp ở ngõ. Tôi cúi gằm mặt còn chú thì cố tình nhìn tôi gườm gườm ra chiều mày khôn hồn thì câm cái mồm…

Tôi chán học, bỏ học triền miên. Tôi càng ngày càng căm ghét gia đình mình, càng muốn xa lánh cái ngõ ngách ồn ào chật hẹp đầy hơi người nơi gia đình tôi tá túc. Những mâu thuẫn của mỗi gia đình, tiếng đánh chửi nhau, tiếng gào khóc, rồi người này nghi kỵ hay bắt gặp người kia ngoại tình, sự bội phản rình rập trong từng tổ ấm nhỏ đã xé nát cái không gian sống vốn dĩ quá chật hẹp của tôi. Tất cả làm nên một mớ âm thanh hỗn độn ám ảnh tôi, đẩy tôi đi xa hơn.

Tôi đã bỏ nhà ra đi như vậy với một nỗi hận gia đình khủng khiếp. Tôi hận mẹ tôi, hận chú tôi, hận bố tôi sao để cho gia đình riêng của mình thành nông nỗi này. Tôi không thể chấp nhận và tha thứ cho hành động của mẹ và chú ruột tôi. Tất cả bám riết hành hạ trí óc tôi, hiện lên trong tôi rõ mồn một những hình ảnh nhầy nhụa, cho dù tôi đã cố quên, cố trút bỏ nhưng bất lực. Tôi đã không thể thoát ra khỏi những ám ảnh kinh khủng ấy. Thế nên tôi rời gia đình, tôi bỏ đi mà suốt gần 10 năm qua tôi chưa một lần đủ sức để ngoái lại trong nỗi đau khổ bẽ bàng đến tột cùng.
Anh Tú (Phùng Hưng- Hà Nội)

LỜI BBT
Bạn Anh Tú thân mến! Trong bức thư dài của bạn gửi đến cho chúng tôi, bạn có hỏi ý kiến chúng tôi rằng làm cách nào để bạn có thể quay trở về nhà như một người con. Làm thế nào để xóa đi những mặc cảm, ám ảnh, những định kiến khủng khiếp trong bạn về gia đình, nhất là về người mẹ và ông chú ruột. Bạn cũng hỏi chúng tôi, bạn có nên tha thứ cho mẹ để quay trở về nhà không, bởi với bạn làm được điều đó là quá khó với khoảng thời gian 10 năm đã trôi qua. Bạn cũng sợ khi trở về nhà, những ký ức xấu năm xưa sẽ lại hành hạ bạn khiến bạn không chịu nổi.
Chúng tôi hiểu tất cả những tâm sự của bạn. Chúng tôi thành thật khuyên bạn hãy trở về nhà mình đi, hãy về thăm ông bà, và bố mẹ bạn, những người đã sinh thành ra bạn. 10 năm qua đã đủ cho một sự chịu đựng đối với mẹ bạn, bố bạn và cũng đã quá khắc nghiệt cho một sự trả giá mà mẹ bạn phải gánh chịu. Bạn hãy trở về nhà sớm đi, bởi khoảng thời gian gần 10 năm ấy cũng đã đủ để cho lòng bạn nguôi ngoai vết thương, để bạn bình tâm nhận ra những ranh giới thiện ác mong manh trong mỗi con người chúng ta mà trong đó có bạn. Hãy về nhà và tha thứ cho mẹ bạn, hẳn bây giờ mẹ bạn trên đầu cũng đã hai thứ tóc.
Sai lầm mà mẹ bạn trả giá quá lớn cho một phút yếu lòng dại dột ngu si ấy là trong 10 năm qua bà đã đánh mất đứa con trai yêu quý của mình. Với một người mẹ, không còn nỗi trừng phạt nào khủng khiếp hơn sự trừng phạt từ phía giọt máu hoài thai của mình. Bởi với người mẹ, con cái mới là tình yêu thương lớn nhất, thiêng liêng nhất mà người mẹ sẵn sàng làm tất cả để đánh đổi, gìn giữ. Bạn ạ, ở đời này, không có điều gì là không thể. Chúng tôi chúc bạn bình tâm và sớm trở về nhà thăm gia đình. Chúc bạn sớm lấy lại được hạnh phúc mà bạn đã đánh mất trong đoạn đường vừa qua. Cố lên bạn nhé. Chúng tôi tin ở bạn.

(CAND)

0 comments: