1 tháng 10, 2013

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Những lời nói dối phổ biến trên TTCK

Dối trá là một căn bệnh không sợ độ cao, nên với một thị trường bậc cao như chứng khoán cũng có ít nhất 10 câu nói dối hay dùng.

 
    Ông bạn mình vừa đi du lịch Trung Quốc mua được cái điện thoại rất hay. Đại khái cũng nghe nói, nhắn tin, lướt web bình thường, chỉ khác là có hàng nút đỏ bên cạnh. Mỗi khi có đối tượng nhạy cảm (vợ, bồ, sếp hoặc chủ nợ…) gọi đến thì tùy theo hoàn cảnh mà bấm nút. Điện thoại sẽ tự động phát ra hoặc là tiếng họp hành quát tháo ầm ầm; hoặc là tiếng bàn phím lách cách mê mải; hoặc là tiếng chợ búa, gà vịt quang quác chửi nhau… Thế là tha hồ dối quanh, dù vẫn đang ấm êm nhà nghỉ hoặc rung đùi quán xá!
    Kể cũng may cho gã (hoặc là may cho các con số thống kê), bởi gã không thuộc diện nghiên cứu của Giáo sư Thêm trong một cuộc điều tra xã hội học gây sốc mới đây. Chả là Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hoá học lý luận và ứng dụng (Đại học Quốc gia TP. HCM) vừa công bố một kết quả điều tra cho thấy: tỷ lệ thừa nhận nói dối ở học sinh cấp tiểu học là 22%, trung học cơ sở là 50%, trung học phổ thông 64%, còn sinh viên là 80%.
    Ngoài việc nghĩ đến cái điện thoại thông minh của ông bạn, có mấy điều mình rút thêm từ nghiên cứu của Giáo sư Thêm.
    Thứ nhất, nếu không xét đến các vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, thì để có thể nói dối, phải có kỹ năng không đơn giản chút nào. Việc các cháu tuổi càng nhỏ càng ít… nói dối là phù hợp với sự phát triển của chỉ số IQ.
    Thứ hai, nếu chiếu theo logic học thì đến một tuổi nào đó, tỷ lệ nói dối sẽ đạt… 100%. Tất nhiên, logic này cũng giống như việc hôm trước lên sàn, có nhà đầu tư thắc mắc hỏi mình, nếu cứ mấy trăm bạc một cổ thế này mà vẫn giảm giá, liệu có bao giờ nó xuống đến 0 đồng và công ty giải tán không nhỉ? Nhìn mặt bác ấy nghiêm trọng quá chả dám cười (có khi ăn đòn sưng mặt như chơi), đành phải dối quanh là để em về đi xin tư vấn của các chuyên gia.
    Thứ ba, nói dối không sợ độ cao của… tuổi tác. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao nghiên cứu chỉ dừng lại ở độ tuổi sinh viên? Điều này thì phải hỏi giáo sư mới rõ. Nhưng có thể thầy Thêm thấy ở lứa tuổi cao, nói dối phổ biến quá nên không phải điều tra nữa. Ví dụ, mình ghi nhận được một số lời nói dối hay dùng tại một số giới, một số ngành sau đây.
    1. “Anh đang hoàn tất thủ tục li dị vợ”. Có điều là từ “đang” có một phổ thời gian rất rộng mà sau này, chỉ có đứng xa nhìn lại, các cô mới thấy độ mênh mông của nó.
     2. “Anh không vào nhà nghỉ mà. Em nhìn nhầm người rồi”. Mà để anh hỏi lão bảo vệ cơ quan xem buổi trưa, lão mượn xe của anh đi đâu?
     3. “Em có thể tin anh. Anh không giống những gã đàn ông em từng gặp”. Ít nhất là số thẻ chứng minh thư của anh không trùng với gã nào cả.
     4. “Lúc đấy điện thoại anh hết pin”. Hoặc rất có thể mấy nhà mạng ở Việt Nam làm ăn phập phù quá.
     5. “Lỗi không phải ở em, mà là anh. Chúng mình chia tay đi”. Kinh nghiệm cho thấy rất nên nhận lỗi và đóng vai một kẻ… không xứng đáng nếu sắp làm điều ác.
     6. “Tiền bạc không quan trọng”. Câu này được người ở tất cả các giới dùng khi nói đến những điều hay ho, ví dụ như khi đang làm thơ, nhưng nhiều nhất là khi người ta nói về tình yêu. Tuy nhiên, mình đồ rằng, khi ấy người nói đang… nói về tiền của người khác…
    Và như đã nói, dối trá là một căn bệnh không sợ độ cao, nên với một thị trường bậc cao như chứng khoán, cũng xin điểm lại (ít nhất) 10 câu nói dối hay dùng.
    1. Nhà đầu tư nhỏ lẻ: “Tôi không bao giờ đi theo đám đông”. Đúng. Nhưng đó là khi họ ngồi một mình. Khi lên sàn, họ cũng không đi theo mà… chạy theo đám đông.
    2. Nhà đầu tư cá mập: “Tôi mơ có một ngày TTCK Việt Nam minh bạch như NYSE”. Sự thật là nước đục đã khiến nhiều con cò trở thành bồ nông. Nếu ở NYSE, có lẽ chỉ riêng tiền nộp phạt vi phạm cũng đủ đưa bồ nông… vặt lông thành cò. 
    3. CTCK: “Chúng tôi luôn khuyến khích đầu tư dài hạn”. Thế phí môi giới các bác lấy ở đâu ra?
    4. Cơ quan quản lý: “Chúng tôi đang gấp rút triển khai XYZ…”. Giống hệt câu “anh đang làm thủ tục li dị”.
    5. Nhà đầu tư nước ngoài: “Chúng tôi đến đây vì sự thân thiện và nồng ấm của người dân bản địa”. Chỉ có điều nếu ít lợi nhuận thì chúng tôi cũng… dễ quay về.
    6. Chuyên gia phân tích: “Chúng tôi chỉ phân tích xu hướng, không khuyến cáo mua bán cổ phiếu cụ thể”. Vấn đề là chả ai thích nghe xu hướng mà chỉ nhăm nhăm chờ tư vấn “nuôi con gì, trồng cây gì”.
    7. Giám đốc DN: ”Chúng tôi không quan tâm đến biến động giá cổ phiếu, chỉ quan tâm đến hoạt động kinh doanh thực tế của công ty”. Tuy nhiên, có câu “Thực tế thì cứng đầu, nhưng số liệu lại dễ uốn nắn”. Cũng là uốn vì lợi ích cổ đông thôi.
    8: Giám đốc DN mất chức: “Tôi không có mâu thuẫn gì với những người ở lại”. Trước lúc ra đi, tôi chả vẫn bắt tay bác bảo vệ đấy thôi.
    9. Chủ dự án mời gọi đối tác: "Dự án của chúng tôi được tính toán rất kỹ lưỡng và chắc chắn bảo toàn được vốn đầu tư". Về nguyên tắc, bạn không thể lừa mọi người trong tất cả mọi lần, nhưng có thể lừa một vài người trong mọi lần, và lừa mọi người trong một vài lần. Thế là đủ!
    10. DN bất động sản: “Tháng tới chúng tôi sẽ cất nóc”. Tuy nhiên, cũng chưa biết là tháng tới của năm nào?
    Thông tin cuối cùng xin được tiết lộ với bạn đọc là cơ quan quản lý đang nghiên cứu giải pháp lắp đặt máy trắc nghiệm nói dối trước cổng sàn chứng khoán để minh bạch hóa thị trường (không phải đâu, em dọa các bác đấy, he he).
    (ĐTCK)

0 comments: