30 tháng 11, 2010

Nỗi niềm môi giới!

Khác hẳn với sự phấn chấn năm 2009, TTCK Việt Nam năm 2010 lại trầm lắng một cách tê tái cùng với thanh khoản cạn kiệt. Bên cạnh những NĐT thua lỗ thì môi giới tại các CTCK cũng là những người mang nhiều nỗi niềm…

Oan nghề!

“Sao em khuyên chị đừng mua PVA?”. Lần thứ… n, một NĐT bực bội hỏi nhân viên môi giới T của CTCK H. Trước ánh mắt gay gắt của NĐT này, nhân viên môi giới chỉ biết nín lặng cúi đầu. Số là khi PVA điều chỉnh sau khi tăng từ 4x lên 6x, khách hàng này định nhảy vào. Sợ NĐT dính “củ xả”, T đưa ra các cảnh báo rủi ro từ việc “truy sát” hàng nóng. Ai dè, PVA không phải hàng nóng mà là hàng… siêu nóng. Điều chỉnh cho có rồi cổ phiếu này leo dốc dựng đứng, tăng gấp đôi trong 1 tháng. Con số trong mơ này khiến nhiều NĐT chép miệng tiếc rẻ: “giá mà!”. Mỗi sáng ngó thấy cổ phiếu này tiếp tục tím ngắt, “đếm chim bay trên trời”, khách hàng này lại quay sang T đay nghiến. Cũng may, không lâu sau đó PVA xì hơi, T mới không phải tiếp tục nghe điệp khúc trên.

Khi thị trường sôi động, môi giới của các CTCK được nói đến như một nghề hái ra tiền. Tuy nhiên, khi vui ít ai nhắc tới áp lực công việc của các broker. Với các broker mới vào nghề hay mới chuyển công ty thì áp lực về khách hàng là số 1. Như T gắn bó với CTCK H vài năm với số khách hàng kha khá, bên cạnh áp lực doanh số do công ty giao - gắn liền với thu nhập, lúc nào T cũng chịu áp lực thêm từ khách hàng. Thị trường sôi động, ngày nào T cũng nhận được hàng trăm câu hỏi giống nhau y chang: hôm nay mua con gì, bán con gì? Đã vậy, lúc nào trên thị trường cũng có vài mã được làm giá, NĐT hay săm soi để vặn hỏi, so sánh. Theo T, nguyên tắc quan trọng nhất của việc tư vấn là không được để khách hàng mất tiền. Thế nhưng, khi bảng điện tím ngắt, vì đạo đức nghề nghiệp phải cảnh báo NĐT về tác hại của lòng tham, thì không mấy khi nhận được sự đồng tình. “Oan nghề” là vậy nhưng ngồi ngắm thị trường đìu hiu, T vẫn ước giá như phải chịu áp lực cũ còn đỡ hơn sáng sáng ngắm cảnh sàn vắng, cổ phiếu giảm, khách bỏ đi…

Báo chí gần đây hay đề cập đến chuyện NĐT bị CTCK hay broker tự ý giao dịch trên tài khoản. P cũng vướng vào một trường hợp như vậy. Tuy nhiên, các đồng nghiệp đều biết đây là một tai nạn nghề nghiệp mà bất kỳ broker nào cũng có thể vướng phải. Mối thân tình giữa P và khách hàng V thân đến mức khi cô sinh con, NĐT VIP này đến tận bệnh viện thăm hỏi. Sáng đó, như thường lệ, khách hàng alô vào di động của P nhờ đặt lệnh, nhưng không may lần đó NĐT mua vào đúng đỉnh, từ “cao độ” 120.000 đồng/CP, cổ phiếu VPH vun vút “mất lái”. Chưa đầy một tháng, NĐT V thua lỗ vài tỷ đồng.

Hơn hai tháng sau, nhận thấy cổ phiếu chưa có cơ hội phục hồi, NĐT V quay lại kiện CTCK. Dù ngay khi khớp lệnh, tổng đài đã gửi SMS báo vào di động khách hàng, P cũng đưa ra bằng chứng về việc khách hàng chuyển tiền, nhưng không thể đưa ra chứng cứ thuyết phục về việc khách hàng đặt lệnh mua. Ngay sau đó P bị CTCK cho thôi việc, rồi gia đình từ đó cũng lục đục. Nghỉ việc đã nhiều tháng nhưng giờ P. vẫn sống thu mình, trú nhờ ông bà ngoại, ở nhà trông con. Tương lai chưa chắc đã CTCK nào “dám” nhận cô cử nhân kinh tế chuyên ngành chứng khoán đã có một “tì vết” trong lý lịch. Nỗi oan Thị Kính!

Còn A là môi giới có tiếng ở TP. HCM với thu nhập cao nhất nhì trong giới broker. Lúc thị trường sôi động, dù chỉ quản lý 7 - 8 NĐT VIP, nhưng một tháng doanh số của A còn vượt một phiên trên HOSE hiện nay. Tuy nhiên, sáng Chủ nhật trước, chạy bộ trong công viên, A tình cờ gặp lại người bạn học hồi phổ thông. Hỏi han một hồi, nhắc đến công việc, bạn A trố mắt ngạc nhiên: “Chứng khoán! Giờ này còn làm chứng khoán à?”. Chẳng bù cho lúc Index đi lên, gặp bạn bè, ai cũng vồn vã: “Mình đang có tiền, nên mua gì?”.

Nỗi niềm

Hiện nay, đa phần các CTCK cho broker hưởng phần trăm trên doanh số giao dịch. Thị trường trầm lắng, khối lượng giao dịch đi xuống đương nhiên thu nhập của giới broker giảm mạnh. Mấy tháng nay, người ta thấy T thường thoát yahoo messenger lúc 2h chiều. Theo T, lúc này ít việc, ở lại buổi chiều cũng chẳng làm gì. Nói là rời công ty sớm để phát triển khách hàng nhưng T về tuột nhà, lo việc nội trợ, chăm sóc chồng con. Mấy đồng nghiệp của T còn tội hơn, lượn lờ chợ búa đến 4h mới dám lò dò về nhà - về sớm quá ngượng với gia đình nhà chồng! Một tháng nữa là hết năm Dương lịch, theo diễn biến hiện nay thì các khoản lương thưởng cuối năm chắc sẽ hẻo… Một Tết không vui của giới broker!

Chuyện thu nhập bao giờ cũng là chuyện tế nhị không mấy người muốn đề cập, nhất là khi ví mình đang mỏng dần đi, nhưng A thì khác. A thừa nhận thẳng, lương bây giờ chỉ đủ tiền cafe với bạn bè và đối tác: “Gần 3 tháng nay, em không khuyến nghị khách hàng mua vào, doanh số bằng không. Thu nhập chỉ là lương cơ bản. Trong giờ giao dịch, em chỉ liếc qua bảng điện tý chút”. Lý giải về sự “lười biếng” của mình, A nói, thị trường đi xuống mãi mà tư vấn cho khách hàng mua vào là trái đạo đức nghề nghiệp. A biết khách hàng của mình bị CTCK khác dụ khị qua chơi chỗ khác, “ngứa ngáy” họ mua mua, bán bán, nhưng thua lỗ lại quay về với A. Broker này chia sẻ, chứng khoán đi xuống cả năm, giờ ngại nhất là gia đình. Công ty ít việc chẳng lẽ buổi trưa đã về nhà để phụ huynh phải lo lắng. Cũng may A giao thiệp rộng, có thói quen ngoài công việc còn đi lang thang cà phê tán gẫu với bạn bè, đối tác. Dù vậy, A vẫn lạc quan: “Chẳng có gì đi xuống mãi, chứng khoán, xuống thấp quá thì sẽ phải lên lại thôi!”.
(St)

3 comments:

Спасибо понравилось ! Thanks !

hi!This was a really fine post!
I come from milan, I was luck to find your theme in yahoo
Also I obtain a lot in your blog really thank your very much i will come every day

Благодарность за материалы! :)
Respect blog.irs.vn