Không biết phải bắt đầu câu chuyện này từ đâu bởi đã có quá nhiều nước mắt tuôn chảy về Miền Trung thân yêu trong đợt lũ lịch sử vừa qua.
Những gương mặt khắc khổ, những ánh mắt u buồn của người dân nơi đây như được ấm lên bởi ngọn lửa của niềm tin, lòng nhân ái và sự sẻ chia đến từ tấm lòng của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội DN Trẻ HN và báo Diễn đàn DN.
Nghi Quang (Nghệ An) giữa trưa mà trời khá lạnh, gió thổi mạnh và lất phất mưa rơi. Đâu đó, quanh những gốc cây trên sân UBND xã, nhiều người dân vẫn kiên nhẫn chờ đợi đến lượt gọi tên để nhận quà cứu trợ. Đó là những cụ già đang run rẩy trong gió lạnh, không chen vào được giữa đám đông đang vây quanh chiếc xe tải hàng. Tiếng loa lúc được, lúc mất, chẳng biết đã đến tên mình …
“Cụ ơi, cụ cầm lấy quà về trước cho đỡ lạnh, đợi thì lâu lắm”.
Đoàn IRS đã “lách luật” trao quà trước cho các cụ già.
“Thằng ni mồ côi, bác nó đem về nuôi đó, gia đình nó khổ lắm”.
Và một suất quà nữa đã được phát thêm.
250 suất quà gồm gạo, mỳ tôm, đường sữa, đồ gia dụng, quần áo, thuốc men đã được phát hết nhưng chắc rằng, số người nhận không đến 250.
Những nụ cười, những lời cảm ơn, những ánh mắt biết ơn, những cái bắt tay cảm động. Cả những giọt nước mắt của một vài người dân đến muộn không nhận được quà.
Một hình ảnh làm chạnh lòng những người đi cứu trợ.
Đoàn ra về với lời nhắn gửi tới bác chủ tịch xã là hãy đưa một phần quà cho những người dân kém may mắn này từ lô hàng cứu trợ hiện vẫn nằm trong kho ủy ban.
----------
“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc, nước mô xanh bằng dòng nước sông La. Ai về Hà Tĩnh mà quê ta…” (Người con gái Sông La)
Can Lộc (Hà Tĩnh) chiều nay trời u ám. Cả dòng người đông đúc trên con đường làng trước cổng UBND xã nhận hàng cứu trợ.
Có tới 13/16 thôn tại đây bị ngập nặng, có nơi cao hơn 2m. Nhà cửa, tài sản cuốn trôi theo dòng nước dữ. Thóc ngô mọc mầm, mốc meo, lợn gà cũng chả thèm ăn. Cái đói, cái khổ vẫn đeo bám những người dân chịu thương chịu khó của vùng đất “bom thù xới nát từng ngày” mà vẫn chưa một ngày biết tới “chồi biếc của mùa xuân” này. Nay lại lũ trùng lũ, khó khăn lại chồng lên khó khăn.
Bắt đầu lại cuộc sống nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Đồng ngập trắng. Nước lũ cuốn trôi vụ mùa, bao giờ cho đến vụ chiêm ? Tháng 5 năm sau. Vậy là còn những 7 tháng nữa sống trong cảnh giáp hạt…
“Nụ, đến tên rồi kìa, vào lấy nhanh lên, sao cứ ngơ ra thế”. Có tiếng người quát một chị phụ nữ.
“Tôi đây, Nụ đây”.
“Vâng, gửi chị”.
“May quá, gia đình xin cảm ơn !”.
Quà được đưa từ trên xe xuống, trao tận tay từng người dân. Xuân Lộc tổ chức phát quà rất chu đáo, cán bộ xã đứng trên xe đọc tên các gia đình theo danh sách, trưởng thôn dưới xe kiểm tra người và trao quà. Lần lượt từng thôn một, không sót một ai. 300 suất quà được phát hết trong vòng một giờ. Tất cả diễn ra trong trật tự.
“Thế là bữa ni hết đói rồi“. Một người đàn ông nhận bao gạo vui vẻ nói.
“Nhà chú có mấy người?”. Tôi hỏi.
“Có 5 người, bữa có bữa đứt mấy hôm nay, cảm ơn đoàn cứu trợ”.
6h30’ tối. Hàng đèn pha chiếu sáng trưng từ 2 chiếc xe Triton dẫn đường. Trên xe không còn xuất quà nào.
Những người dân còn lại cuối cùng với bao tải trên vai, trên xe đạp lục tục ra về. Những bước chân chậm rãi và lo âu khác hẳn với tốc độ của những chuyến xe cứu trợ với cờ, biển rầm rập ngày đêm trên quốc lộ 1 trong những ngày qua. Đúng là tinh thần của hậu phương chi viện cho tiền tuyến trong những ngày đánh Mỹ, có khác chăng là khẩu hiệu “Vì miền Nam ruột thịt” nay đã đổi thành “Vì miền Trung thân yêu” mà thôi.
Thật đáng quý biết bao những tấm lòng nhân ái dành cho những con người nhân hậu, chịu thương chịu khó trên mảnh đất “không lũ thì hạn” này.
Cũng trong ngày hôm đó, đoàn cứu trợ đã chia nhánh và phát 300 suất quà cho những gia đình khó khăn tại xã Vượng Lộc.
250 suất quà khác cũng đã được chuyển vào kho UBND thị trấn Nghèn (Can Lộc) để phát cho bà con vào trưa hôm sau.
------------
Vào sáng hôm sau, đoàn cứu trợ của CTCK IRS quyết định đi thăm một số gia đình tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) trong khi đoàn Hiệp hội DN Trẻ HN và báo Diễn đàn DN đi tiếp vào Quảng Trạch (Quảng Bình).
Vũ Quang là địa phương bị thiệt hại nặng, nơi có đoạn đường sắt Bắc Nam bị cuốn trôi.
Gia đình đầu tiên chúng tôi đến thăm là gia đình anh Hóa có người mất trong lũ tại xã Đức Hương. Anh Hóa mất trong khi bơi thuyền đi cứu những người hàng xóm của mình. Nhưng con thuyền cứu nạn đã không cứu được chính người chủ của nó.
Qua nhà anh một mảnh vườn là sông Ngàn Sâu, địa danh được nhắc đến nhiều trong các bản tin thời tiết, vẫn cuộn chảy. Bờ sông với những hố dài, sâu hoắm, theo cả bờ hào vào sát con lộ. Những hàng cây đổ rạp, những bờ tre bật gốc trôi xa… chứng tích còn lại của một cơn lũ kinh hoàng.
Người dân ở đây cho biết, một năm thông thường hứng chịu 2-3 đợt lũ, nhẹ thì ngang đầu gối, nặng thì ngang bụng nhưng chưa bao giờ có lũ ngập gần nóc nhà như thế này. 2,8 mét là vết tích đo được mà cơn lũ để lại trên các tường nhà, ngọn cây.
Cảnh tượng sau lũ là những gian bếp bị cuốn trôi còn trơ nền đất bùn, những gian nhà đổ sập hoặc xiêu vẹo, vườn cây xơ xác, tiêu điều. Những con bò, gia súc duy nhất còn sót lại sau lũ cũng ngơ ngác trong chuồng vì đói cỏ. Trường tiểu học xã Đức Hương trở thành nơi lánh nạn của những cụ già, em nhỏ và cả những con trâu bò này – phương tiện sản xuất duy nhất được người dân dắt lên khi nước lũ mới ngập sân.
Một người dân nhớ lại “Lũ về chi mà nhanh dữ, 9 h đêm đến 1h sáng đã cao hơn 2m nước, nhà nào có gác xép thì chất lúa lên mà ngồi, không có thì ngồi trên thuyền hoặc trèo lên mái nhà”.
Những tấm phong bì tiền, những bức thư động viên chia sẻ được ân cần đưa đến tận tay các gia đình. Thức ăn của đoàn trên xe cũng được phát cho người già và các em bé. Xúc động, nhiều cụ già đã bật khóc, vái lạy. Thật đáng thương.
Dẫn chúng tôi đến cánh đồng mênh mông nước, chỉ tay ra xa, Hải – cậu con trai cả của gia đình anh Hướng cho biết “Bố em mất trong đêm lũ mà sau 3 hôm mới tìm thấy xác ở cột điện ngoài kia, trôi gần 700 m. Bố em trên đường đi cứu người và nông sản thì bị lật thuyền”.
“Bố em có biết bơi không ?”. Tôi hỏi.
“Có nhưng nước xoáy mạnh quá, mất phương hướng nên lũ cuốn đi luôn”. Hải nghẹn giọng.
...Một mái nhà tranh đã gần sập. Ngôi nhà tuềnh toàng không còn sót lại một thứ đồ vật gì, một tấm ảnh đầy bùn đất còn lại trên cột nhà, bàn thờ mục nát với 2 bát hương lạnh lẽo. Chị chủ nhà cùng 3 đứa con đang đi nhận hàng cứu trợ ngoài kia.
Đây cũng là xóm với nhiều nỗi bất hạnh: những đứa trẻ bị bệnh hiểm nghèo, những người đàn ông mắc di chứng chiến tranh và những người đàn bà góa bụa…
-----------
Trong chiến tranh, miền Trung đã phải gánh bao mưa bom bão đạn, vậy mà giờ đây trong thời bình, người miền Trung phải chịu biết bao những mất mát đau thương bởi thiên tai khắc nghiệt…
Trên đường về, trong đầu chúng tôi vẫn luôn ám ảnh mãi một ý nghĩ: người dân miền Trung phải làm gì đây để vơi đi nỗi cơ cực, bất hạnh. Mong sao, sau này khi nhắc đến hai từ “Miền Trung”, những hình ảnh đau thương sau cơn lũ ấy sẽ chỉ là những hoài niệm, ký ức chúng ta sẽ hiện về những cánh đồng trù phú với những làng mạc yên vui …
“Miền Nam, Miền Bắc đồng lòng
Hướng về nơi ấy, nỗi lòng đầy vơi
Miền Trung ơi, hỡi Miền Trung
Mai này hết khó, sáng ngời niềm tin”
NTH
5 comments:
Dù không tham gia chuyến đi cứu trợ Miền Trung, nhưng đọc những dòng viết xúc động này, em thấy mình như có mặt nơi ấy... Cảm ơn tác giả NTH!
Thật tội nghiệp và đáng thương cho những người dân vùng lũ. Mong sao nhà nước sớm giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt sớm nhất để họ tạm ổn định cuộc sống!
Cảm động quá! Muốn đi mà hết chỗ mất. E đăng ký 1 suất lần sau đi aH nhá!
Bài viết cảm động quá. Ban biên tập cho thêm ảnh về cứu trợ Miền Trung nữa đi nhá
Miền Trung hai tiếng thân yêu
Nghĩ về Miền Trung mỗi sớm chiều
Đông về gió lạnh lòng se sắt
Ôi những số phận nay còn đau
Đăng nhận xét