21 tháng 3, 2012

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: Hoà ơi, tôi muốn tạ lỗi với em!


Cuối cùng thì tôi cũng đã không thể trốn chạy chính mình mãi. Tôi cần phải đối diện với bản thân, với cả cuộc đời mình, cho dù sự đối diện này có đau đớn và khủng khiếp đến bao nhiêu...

Cho đến giờ tôi cũng không biết tại sao tôi lại làm thế, tại sao tôi lại đi hủy hoại tình yêu của một cô gái thua thiệt so với tôi tất cả để cướp đi người yêu của cô ấy.

Đường đời, số phận lắt léo khó lường. Tôi và Hòa cùng là cán bộ ở lâm trường X, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Hồi đó Hòa là công nhân ươm giống, còn tôi là kỹ sư lâm nghiệp quê ở Hà Nội tình nguyện vào vùng sâu vùng xa công tác.

Ban Giám đốc lâm trường phân tôi và Hòa ở cùng một phòng để Hòa tiện bề giúp đỡ tôi trong cuộc sống thường nhật.

Hòa tròn 20, thua tôi hai tuổi, con gái Huế. Tôi là con gái xứ Bắc. Hai chị em khá thân nhau, Hòa luôn coi tôi là người chị lớn về mọi mặt, có vấn đề gì trong cuộc sống Hòa đều tâm sự, hỏi ý kiến tôi.

Hòa không chút giấu giếm khi chia sẻ với tôi chuyện tình của Hòa với Thanh, một sinh viên năm thứ 4 Đại học Xây dựng. Hòa quen Thanh trong những ngày đi thanh niên xung phong ở Nghệ An. Thanh là trai Bắc, đang học dở dang năm thứ 3 Đại học Xây dựng thì theo tiếng gọi của Tổ quốc nhập ngũ. T

hanh là lính Tiểu đoàn Công binh đóng quân ở dưới chân núi Quyết. Hòa làm ở đội cấp dưỡng, thường xuyên gánh cơm ra trận địa cho các anh lính công binh. Người con trai xứ Bắc Kỳ phải lòng cô thôn nữ miền Trung xứ Huế ít nói, dịu dàng và hay cả thẹn. Tình yêu được tôi luyện và thử thách trong chiến tranh, càng bền chặt và sâu nặng.

Chiến tranh kết thúc, Thanh trở về Hà Nội tiếp tục lên giảng đường hoàn thành việc học. Hòa đi công nhân, đợi Thanh học xong ra trường có việc làm ổn định vào đón Hòa về Bắc.

Những ngày sống cùng với tôi trong lán trại ở lâm trường là những ngày Hòa sống trong niềm hạnh phúc ngọt ngào.

Cứ một tháng một lần, Thanh tìm mọi cách nhảy tàu xe vào Nghệ An lên lâm trường để thăm Hòa. Cuộc gặp gỡ giữa những người yêu nhau có khi chỉ là một, hai ngày, có khi chỉ được mấy tiếng rồi Thanh lại phải vội vã tàu xe kịp ra Bắc đến giảng đường.

Tình yêu của hai người ở hai đầu nỗi nhớ thời gian và sự xa cách càng làm cho ngọn lửa tình yêu âm ỉ mà bền chặt. Trong lúc chờ đợi Thanh, Hòa nhờ tôi tranh thủ dạy học hết chương trình bổ túc văn hóa.

Hòa ao ước sau này, khi ra Hà Nội, cưới nhau rồi, Hòa chưa vội có con để thi vào một trường trung cấp nào đó, có nghề nghiệp ổn định, tương xứng với chồng mình.

Cả ba chúng tôi gần gũi và hiểu nhau, những lần Thanh từ Hà Nội vào, tôi cũng như được vui lây bởi tình đồng hương và những dư vị ấm áp của xứ Bắc theo chàng trai ùa vào nông trường bé nhỏ và buồn tẻ của chúng tôi.

Cả ba có chung với nhau bao nhiêu kỷ niệm, những bữa trăng sáng lang thang lên đồi hái sim, hay đi lùng tìm hoa dẻ, bẫy gà rừng. Thanh rất sát chim, sát gà, vì vậy lần nào vào chơi, chúng tôi cũng có những bữa cải thiện bằng sản phẩm tự kiếm.

Thế rồi nhà Hòa có chuyện buồn, mẹ mất đột ngột, Hòa nhận được điện của gia đình phải về quê ngay, cô chỉ kịp viết vội vàng mấy dòng chữ nhắn lại với Thanh qua tôi.

Cuối tuần đó, Thanh vào thăm Hòa thì Hòa đã đi. Nhìn gương mặt gầy xọp vì việc học hành căng thẳng của năm cuối tốt nghiệp, lại càng phờ phạc và bạc phếch hơn vì bụi đường, vì vất vả đêm hôm xe tàu của Thanh, trong tôi chợt dâng lên cảm xúc kỳ lạ.

Tối đó tôi đã lẳng lặng không nói gì về chuyện buồn của Hòa cho Thanh biết. Tôi nhận ra mình đã yêu Thanh tự lúc nào, ước muốn chiếm đoạt Thanh và có Thanh bùng cháy dữ dội. Tôi cũng nhận ra rằng sự êm ấm của tôi bên Hòa và Thanh hoàn toàn chỉ là ảo giác.

Tôi nhận ra tôi đã quá ghen tị với một cô gái chẳng có gì hơn tôi nhưng lại hơn tôi tất cả vì cô ta có một mối tình đẹp. Tôi nhận ra mình đã khó chịu vô cùng, đã tức tối vô cùng.

Tình yêu ma quái đã xui khiến tôi.

Đêm đó trong lúc lang thang dưới trăng cùng Thanh, tôi đã nói với Thanh câu chuyện nói dối động trời lần đầu tiên trong đời. Tôi nói rằng Hòa đã về Huế để cưới chồng và không bao giờ trở lại lâm trường nữa. Nhà Hòa cả bố và mẹ dân Huế gốc, đều rất phong kiến, không cho con gái đi lấy chồng xa. Hòa phải về nhà theo sự sắp đặt của bố mẹ. Hòa không dám nói ra sự thật cho Thanh biết vì cô không dám đối diện với sự phản bội mà cô dành cho người đàn ông mình yêu nhất trên đời. Vậy nên Hòa mới ra đi lặng lẽ và không gửi lại lời nhắn nào cho Thanh cả.

Từ đó không bao giờ Thanh trở lại lâm trường thăm Hòa và tôi nữa. Hòa chịu tang mẹ xong trở ra lâm trường.

Ngày ngày Hòa vẫn cặm cụi làm việc và chờ đợi Thanh vào thăm. Hòa vẫn nhờ tôi gửi thư tay cho Thanh (vì một tháng tôi về Bắc một lần).

Một tháng rồi hai tháng, rồi dễ đến nửa năm không thấy Thanh trở lại. Cũng không một lá thư nào Thanh viết dành cho Hòa. Hòa héo hắt như cây khô trên đất cằn, không còn sức sống để vươn dậy.

Hòa nói với tôi, chắc là Thanh đã có người con gái khác, em không xứng đáng làm vợ Thanh, việc Thanh từ bỏ cô gái quê mùa học hành không đến nơi đến chốn như em là đúng thôi.

Cả Hòa và Thanh không hề hay biết rằng tôi đã đẩy hai người đi ra hai phương để chen chân mình vào. Lần nào về Hà Nội, tôi cũng tìm gặp Thanh, hai chúng tôi đi chơi với nhau sau khi tôi đã xé vụn những bức thư Hòa gửi cho Thanh và bỏ vào thùng rác.

Những ngày cả Hòa và Thanh khó khăn nhất vì tưởng rằng mình bị người yêu phụ bạc là những ngày tôi có mặt bên cả hai để an ủi. Được nửa năm, không chịu đựng nổi cảnh lương tâm dằn vặt khi ngày ngày chứng kiến Hòa đau khổ, mà tôi chính là thủ phạm, tôi xin về Bắc sớm hơn dự kiến.

Tôi sợ nếu ở cạnh Hòa thêm nữa, tôi sẽ thú nhận tất cả tội lỗi của mình, trong khi tôi cũng yêu Thanh xiết bao. Với lại tôi muốn trốn chạy tất cả.

Từ đó tôi bặt hẳn tin Hòa. Thực ra không phải Hòa không tìm cách liên lạc với tôi, Hòa đã viết thư cho tôi nhiều lần, và nhờ tôi đưa Hòa ra Hà Nội tìm Thanh nhưng tôi từ chối. Tôi nói rằng, em tìm chi cái người không yêu em nữa, người ta bây giờ là kỹ sư rồi, họ không nhớ đến mối tình xưa với một cô thôn nữ như em đâu.

Tuyệt vọng, thư của Hòa thưa dần, với lại lúc đó tôi và Thanh đã bắt đầu cải thiện mối quan hệ rồi, tôi không muốn có bất kỳ một mối quan hệ nào với Hòa nữa. Tôi đã cắt đứt liên lạc với Hòa.

Phải hai năm sau đó, tôi mới chiếm được tình yêu của Thanh. Tôi không biết Thanh yêu Hòa có nhiều hơn yêu tôi không nhưng người đàn bà có chút ít nhan sắc hơn người với lại có học thức là tôi, để chiếm trọn tình cảm một người đàn ông không phải là khó.

Tôi đã làm đủ mọi cách thức để Thanh yêu tôi một cách đắm say và cuồng nhiệt.

Chúng tôi thành vợ chồng.

Đêm tân hôn, tôi hỏi Thanh có yêu tôi nhiều như đã từng yêu Hòa không, Thanh ôm riết lấy tôi và thổn thức: "Mối tình đó đã chết trong anh quá lâu rồi". Đêm đó tôi đã yêu Thanh bằng tình yêu của cả cuộc đời tôi dồn chứa.

Tôi thỏa mãn vì có Thanh và tự nhủ, rồi Hòa sẽ có một người đàn ông nào đó. Thế giới này thiếu gì người.

Giờ đây chúng tôi đã có với nhau 2 mặt con, con trai đầu của tôi đã tốt nghiệp đại học ở Mỹ và đang làm việc bên đó. Con gái tôi vừa tốt nghiệp THPT đang đi du học ở Anh. Hai vợ chồng tôi đều thành đạt và hạnh phúc. Chồng tôi giờ là giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Nội, còn tôi là giảng viên một trường đại học.

Sẽ vô cùng hạnh phúc nếu như cái quá khứ xưa ấy không bỗng dưng thi thoảng lại trở về làm tim tôi đau nhói một nỗi sợ hãi mơ hồ. Chồng tôi vẫn yêu tôi tha thiết.

Từ ngày cưới tôi, không bao giờ tôi thấy anh nhắc đến Hòa, không bao giờ tôi thấy anh vấn vương dù chỉ là một chút kỷ niệm nhỏ. Anh sống toàn tâm toàn ý cùng với bao nhiêu yêu thương dồn hết cho mẹ con tôi.

Thế nhưng, ký ức nặng như núi, sâu như biển tôi không lấp đầy nổi, không che bớt được khi trong sâu thẳm chợt quay về nhức nhối. Thỉnh thoảng, bất chợt ngừng dòng chảy đời sống của mình lại, tôi đã giật mình ngó về quá khứ và hốt hoảng bởi ý nghĩ không biết bây giờ Hòa ở đâu, Hòa có hạnh phúc không, đã con đàn cháu đống chưa.

Ý nghĩ đó làm tôi đau buốt lòng, làm tôi sợ hãi và tôi vội vã lắc đầu xua đi ngay, vội vã trở về với hiện tại. Nhưng càng lâu lại càng nhớ, càng dai dẳng. Thỉnh thoảng tôi lại giật mình nằm mơ thấy gương mặt héo hon của Hòa, và tôi mất Thanh, mất các con. Tôi mắc bệnh mất ngủ triền miên.

Trong một chuyến du lịch vào Cần Thơ, tôi thơ thẩn tạt vào một ngôi chùa nhỏ ven đường. Trong chùa, nhà sư lúc này đang ngồi viết thư pháp dưới tán cây bồ đề.

“Bạch thầy!” - tiếng tôi vang lên đúng vào lúc nhà sư giật mình ngẩng lên. Một thoáng trong ánh mắt, tôi sững sờ kinh ngạc kêu lên: "Hòa".

Nhà sư không thoáng xáo động, vẫn lặng lẽ thảo nét chữ mềm mại trên nền giấy dó: "Con vừa gọi tên một người thân à?". Tôi lắp bắp: “Trời ơi, con thấy nhà sư giống một người đã lâu con không gặp".

Nhà sư ngẩng mặt lên soi đôi mắt hiền từ mà vô cùng buồn bã nghiêm trang nhìn tôi an ủi: "Chỉ cần trong lòng con vẫn có người đó, thì trong lòng người đó lúc nào cũng có con. Con yên tâm, tình cảm tự tâm mà".

Tôi rớt nước mắt: "Bạch thầy, con có điều muốn nhờ thầy hoá giải...". Nhà sư xua tay: "Con đừng tự giày vò mình, đừng chuốc thêm oán hận vào bản thân. Sống thiện tâm hay không là ở tại lòng mình, ta thấy con có một gương mặt thiện tâm, con đừng tự ảo giác. Lễ chùa rồi quay về nhà kẻo trời tối, gió lạnh. Con là một người đàn bà hạnh phúc, ta nhìn thấy điều đó, con không cần phải nặng lòng bởi những thứ nằm ngoài bản thân mình".

"Thầy ơi, có phải...". "Con nặng lòng nên gặp ảo giác. Tên ta là Giác Nguyên, ta xuất gia từ nhỏ, lớn lên đã thấy mình ở trong chùa này. Cả đời ta ở đây, không biết việc phàm trần".

Cuộc gặp gỡ của tôi với sư Giác Nguyên ở Cần Thơ đã làm cho tôi day dứt không nguôi.

Hòa ơi, bây giờ Hòa ở đâu, tôi muốn đến tạ lỗi với Hòa và tạ lỗi với chồng tôi. Giờ đây tôi có nên thú nhận tất cả với chồng tôi không, hay chôn chặt tất cả để không một ai trong gia đình tôi phải chịu giày vò đau khổ.

Chắc bạn đọc sẽ lên án tôi, một cô giáo ngày ngày lên giảng đường để nói về những điều hay lẽ phải, dạy cho học trò đạo đức, tư cách làm người trong khi đó tôi là một người tồi tệ, một người đã từng sống một cuộc sống không có đạo đức.

Thực sự tôi đã hạnh phúc trong day dứt. Tôi đã luôn luôn giấu giếm nỗi xấu hổ trước các học trò và trước các đồng nghiệp mình. Tôi biết làm gì bây giờ đây khi tất cả đã quá muộn màng...
(CAND)

0 comments: