Thế là mẹ tôi bước vào cuộc hôn nhân thứ 2 với trái tim trĩu nặng cảm giác tội lỗi. Cũng có lẽ cảm giác tội lỗi, sự đau đớn đã làm cho mẹ có một tâm thế muốn lánh xa, trốn sâu trốn kỹ vào cuộc hôn nhân với ba. Mẹ viết đơn xin ra khỏi tổ chức. Mẹ không muốn hệ lụy ràng buộc gì với lý tưởng mà mẹ đã trót bội phản bằng việc không giữ mình được trước người đàn ông thứ hai của đời mẹ là ba...
Sáu năm sau, mẹ đã kịp sinh cho ba 4 đứa con lít nhít. Mẹ xin ra khỏi tổ chức để an phận với cuộc sống gia đình và nuôi con. Mẹ không hề biết rằng, trong một phần sa ngã của mẹ đã có những sắp đặt của số phận.
Nhưng chỉ đến khi cha tôi trở về sau cuộc biệt ly dài 20 năm, cha tìm gặp mẹ thì mẹ mới biết được mẹ đã rơi vào vòng xoáy của số phận mà mẹ chính là nạn nhân của cuộc hợp tan đau đớn này. Suy cho cùng là tại bởi chiến tranh, chiến tranh đã làm cho bao nhiêu cặp vợ chồng ly tán và hệ lụy khôn lường như cha và mẹ. Cha trở về tìm mẹ khi mẹ đã bước qua tuổi 40, và các con của mẹ với ba đã lớn. Cuộc trùng phùng giữa mẹ và hai người chồng của mẹ đẫm nước mắt. Và chỉ đến lúc đó, mẹ mới biết cái điều đau đớn và khó tha thứ nhất cho mẹ, cho cha, cho cả ba nữa, đó là cha chính là thủ trưởng của mẹ, của cả người chồng thứ 2 của mẹ trong tổ chức. Chính cha đã sắp đặt cho ba đến với mẹ chứ không phải ai khác. Mẹ đã sững sờ, câm lặng và xót xa thương cho hai người đàn ông của mẹ và cho bản thân mẹ nữa khi biết được sự thật này.
Sau này, cha tôi đã đau đớn kể cho tôi nghe cuộc trùng phùng đẫm nước mắt của họ. Ngay cả khi gặp lại cha, mẹ vẫn không hề hay biết cha là thủ trưởng của ba mẹ và là người đã sắp đặt mối nhân duyên đau đớn cho vợ mình. Chỉ sau này, khi thấy mẹ quá giày vò trong mặc cảm và tội lỗi, mẹ bị trầm cảm nặng, phải vào viện khi hay tin cha trở về cho đến lúc ấy, cha vẫn một lòng yêu mẹ, sống khắc kỷ một mình, lao vào công việc và không lập gia đình lần nữa để có vợ có con, mẹ mới càng bị bệnh thêm. Mẹ ốm quá, day dứt trong mặc cảm vì đã phản bội cha, và càng day dứt hơn khi cha trở về với tuổi tác và sự cô độc trong đời sống. Cha thương mẹ, nên đã buộc lòng phải thú thật cho mẹ biết, trong tình hình căng thẳng, chiến tranh không biết khi nào mới kết thúc, cha một phần là do yêu cầu của công việc hoạt động tình báo, một phần là sợ mẹ lỡ làng cả một đời đàn bà vì có người chồng như cha đi biền biệt ra Bắc không biết đến ngày nào về. Cha cũng đã suy nghĩ rất kỹ trước khi cân nhắc mọi việc.
Cái quan trọng là cha rất yêu và thương mẹ, không muốn mẹ khổ, đơn độc, không con cái, không người chồng bên cạnh khi tuổi xuân đang trôi đi nên cha đã ngầm tạo điều kiện để cho nhân viên của mình lúc này là ba trong vai người của phe đối lập gần gũi mẹ và nếu như số phận đã có duyên thì chuyện tình cảm sẽ xảy ra, sau này tạo tình huống để mẹ và ba thành vợ thành chồng.
Chỉ đến khi cha nói ra sự thật đó, mẹ mới bớt ốm, bớt day dứt. Mẹ tĩnh tâm lại và phục hồi sức khoẻ. Cha nói với tôi, mẹ như cất đi được một gánh nặng ẩn ức của đời mẹ để có thể nhẹ nhõm hơn với cuộc sống hiện tại, với người chồng của mẹ là ba. Nhưng tình yêu, nghĩa vợ chồng là một thứ tình thiêng liêng và kỳ lạ. Nếu xa nhau do hoàn cảnh trớ trêu chứ không phải xa nhau do đã oán thán thù ghét nhau thì tình cảm càng khó dứt càng sâu đậm. Chính ba, chứ không phải ai khác, đã nhìn thấu tình cảm của mẹ, hiểu sâu sắc những day dứt của mẹ nên ba đã nói lời chia tay với mẹ để mẹ có thể trở về với cuộc hôn nhân đầu tiên, mối tình đầu tiên sâu đậm của mẹ.
Mẹ tôi thật khổ. Đi gần hết đời người rồi mà trong tâm trí, tình cảm vẫn chông chênh và ghềnh thác như không tìm thấy một bến đỗ bình yên, một chốn thanh thản an nhiên cho cuộc đời nhiều uẩn khúc của mẹ. Một bên là ba với 4 đứa con ràng rịt máu mủ. Một bên là cha, người chồng mẹ yêu hơn tất cả với bao nỗi khổ đau giày vò do hoàn cảnh. Nhưng trong tình thế này, mẹ không thể bỏ đàn con thơ để về với cha, như thế thật vô đạo đức. Mẹ cũng khó sống bình yên bên ba, khi ngày ngày chứng kiến người chồng đầu tiên của mẹ sống đơn độc. Mẹ tôi, cha tôi và ba tôi đã khổ đến thế nào trong tình cảnh này. Ba tôi đã để mẹ tôi ở lại giữa hai người đàn ông để ra đi, để cho mẹ khoảng thời gian trống vắng để mẹ biết mẹ thuộc về ai, về người chồng đầu tiên hay người chồng hiện tại, về quá khứ hay cuộc sống đang diễn ra. Ba nói, ba không có quyền ngăn cản mẹ, hay giữ mẹ ở lại bên ba, bởi lỗi là chiến tranh…
Tôi không biết nên cảm ơn mẹ, hay oán trách mẹ khi tôi sinh ra và có mặt trên cuộc đời này. Chỉ biết rằng, sự tạo điều kiện gần như xô đẩy của ba cho cha và mẹ tôi được gặp nhau, mà tôi được sinh ra trong một phút giây ngập tràn đau khổ của cha mẹ. Mẹ sinh tôi khi bà đã ngoài 40 tuổi, và ba, chính ba đã van mẹ hãy giữ tôi lại nuôi tôi lớn lên và trao tôi cho cha tôi khi hay tin từ mẹ tôi rằng bà đã có thai với cha tôi sau phút trùng phùng đẫm nước mắt mà ba tôi đã tạo tình huống và cho phép cha mẹ tôi gặp nhau riêng tư sau 20 năm ly biệt. Cả ba, và mẹ, và cha tôi không ngờ được rằng tôi có thể ra đời sau phút giây ngắn ngủi và đau đớn ấy. Bởi sau cuộc gặp, sau những việc gì cần phải giải quyết, làm nhẹ lòng giữa cha và mẹ sau 20 năm mất nhau thì cha quyết tâm ra đi khỏi quê hương. Cha đi tìm ba cho mẹ và bảo với ba về với mẹ vì mẹ luôn cần có bố cho 4 đứa con của mẹ. Đời mẹ đã khổ nhiều rồi. Về phía cha, cha chọn cách trở về đơn vị và xung phong vào phía Nam công tác. Cha không muốn làm xáo trộn cuộc sống của mẹ, không muốn mẹ bị phân tâm hay khổ đau thêm nữa vì cha. Cha muốn ra đi mãi mãi khỏi cuộc đời mẹ, quá khứ của mẹ để mẹ bình yên với cuộc sống của mẹ hiện tại.
Còn ba tôi, mặc dù thật khó khăn để chấp nhận sự thật hệ lụy sau cuộc gặp gỡ của vợ mình với chồng cũ, nhưng cha vẫn bình tĩnh van xin mẹ hãy giữ lại giọt máu của cha. Biết sự thật làm ba ghen tuông, đau khổ nhưng ba đã không bỏ mấy mẹ con tôi lại để ra đi. Ba cũng không mang 3 đứa con của ba với mẹ để ra đi, nhường mẹ lại cho cha tôi và sinh linh bé nhỏ sắp ra đời là tôi. Ba đã ngay lập tức trở về nhà khi mẹ chạy đi tìm ba trong tuyệt vọng và nói với ba: “Em không thể sống mà thiếu anh và các con”. Ba đã quay về với mẹ ngay trong lúc mẹ xáo trộn tâm tư nhiều nhất. Ba cứ nghĩ ra đi là giải thoát tình huống cho mẹ bình tĩnh để nhìn sâu vào tâm hồn mẹ, xem mẹ thực sự thuộc về ai.
Thế nhưng ngay khi tiễn cha tôi vào Nam công tác, ngay khi nhìn thấy mẹ tất tả đi tìm ba, ba tôi đã ôm ghì lấy mẹ mà khóc. Cả cha tôi, mẹ tôi và ba tôi đều bình tĩnh chấp nhận quá khứ, hiện tại và tương lai khi tất cả đều hiểu rõ họ đang làm gì, quyết định mọi việc thế nào. Ba tôi đã giữ tôi lại cho cha tôi và mẹ tôi như một niềm tri ân với cuộc đời.
Khi tôi tròn 5 tuổi, mẹ trao tôi cho ba tôi. Mẹ nói ba tôi đi vào miền Nam tìm cha tôi và trao tôi cho ông ấy. Mẹ dặn, nếu cha tôi đã có vợ, có cuộc sống riêng rồi thì ba tôi cho tôi nhận cha và mang tôi trở về cho mẹ. Còn nếu cha tôi vẫn chọn cuộc sống cô độc thì ba hãy trao tôi cho cha tôi nuôi dưỡng. Ba tôi đã dắt tôi đi, mang tôi đến cho cha tôi. Cha tôi không lấy vợ, không lập gia đình. Đó là điều kỳ lạ nhất mà mẹ tôi không thể chấp nhận được ở ông. Mẹ đã nhiều lần nhắn với cha rằng, cha không lập gia đình làm cho mẹ càng thêm đau khổ. Nhưng ý cha đã quyết vậy, tôi cũng không thể hiểu được vì sao cha chọn cuộc sống cô độc như vậy. Sau này khi tôi đã lớn, đã trưởng thành, cha nói với tôi rằng với cha một lần lấy vợ là đã đủ. Có thêm tôi nữa thì cha không còn cần gì hơn. Và từ đó, tôi sống cùng cha tôi, và cuộc sống của cha con tôi vô cùng ấm áp vì năm nào, cha cũng dắt tôi ra Huế để được đón tết cùng mẹ và ba.
Cứ mỗi dịp tết đến, mẹ tôi quây quần làm cỗ cho cả nhà thưởng thức. Các anh chị con của ba và mẹ đều đã lớn, đã lập gia đình và đều coi cha tôi như người cha thứ hai. Gia đình sum vầy đông đủ bên nhau trong những ngày tết để nghe ba, mẹ và cha tôi ôn lại chuyện cũ thời hoạt động cách mạng trong bí mật. Cả ba tôi, mẹ tôi và cha tôi đều đã già, và họ sống bên nhau, đoàn tụ cùng nhau trong những giây phút hiếm hoi dịp cuối năm. Cha tôi coi ngôi nhà của ba mẹ tôi như một nơi chốn trở về. Còn tôi coi ba như người cha đẻ của mình, và ba tôi cũng cưng chiều tôi hơn cả. Ba thương tôi thiệt thòi, và ba thương nhiều đến mấy cũng không bù đắp hết được cho tôi.
Gia đình tôi đã có biết bao mùa xuân ấm áp trong đời, sau bao đau khổ, mất mát. Ba tôi và cha tôi đều yêu mẹ, đều trân trọng mẹ và thương mẹ. Mấy anh chị em chúng tôi đùm bọc bên nhau, yêu thương nhau và chia sẻ với nhau mọi thứ. Cả mẹ tôi và ba tôi đều quy y cửa Phật sớm, nên cuộc sống rất thanh thản. Khi mẹ tôi mất, cả ba và cha tôi cùng nhau lo hậu sự cho mẹ, lo cho mẹ một đám tang trọn vẹn. Mẹ nổi tiếng ở Huế là người phụ nữ có “hai chồng” dù chỉ khái niệm hai chồng chỉ là trong dấu nháy. Giờ đây cả ba tôi, cha tôi đều đã về trời. Dù vậy, năm nào cũng thế, cứ mỗi độ xuân về, tôi cố gắng trở ra Huế ăn tết với các anh chị tôi. Ngay cả khi tôi lập gia đình riêng, lấy chồng và sinh con thì tôi vẫn không bỏ thói quen ấy. Tôi quyết định viết ra câu chuyện này để giữ lại cho thế hệ các con cháu để thế hệ sau có thể hình dung được ông bà chúng đã trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt và nhiều hy sinh như thế nào.
(Hết) - CAND
1 comments:
Một câu chuyên rât hay và mang đậm tính nhân văn. Sự hy sinh của người Cha, sự hy sinh của người Mẹ và sự hy sinh của người Ba. Hy sinh nối tiếp hy sinh. Tình yêu của họ đã vượt qua giới hạn của thứ tình yêu nam nữ đơn thuần để trở thành tình yêu của những con người đầy tình Người! Like! Thanks IRS!
Đăng nhận xét