28 tháng 3, 2012

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Vì sao dân “ấp chứng” ưa lướt lát?





Có 10 lý do giải thích vì sao dân "ấp chứng" nội ưa lướt lát.
    Hôm trước, ĐTCK viết chuyện ông D. Hoang Quan, Tổng giám đốc Công ty A.I Capital kể rằng, ông tham khảo nhiều nhà đầu tư có tài khoản từ 10 tỷ đồng trở lên và thấy, cứ 10 người Việt Nam thì có ít nhất 7 người không có ý định đầu tư dài hạn vào TTCK, vì cùng một lý do: không tin DN!
    Thú thật là trong cái sự nghiệp “trồng cây gì, nuôi con gì” dăm bảy năm nay, mình cũng hơi thích… giống ngắn ngày. Chỉ là nếu đem cái sự nhăm nhăm “ai nhanh tay bán bằng tay em” mà đổ hết lỗi lên đầu các bác DN thì oan quá. Dù rằng, những sự vụ kiểu như DVD, SHN… vân vân và vân vân… luôn khiến bà con giật thột!
    Mình đồ rằng, máu chơi T+ thật ra là do thung thổ xứ ta nó thế. Kiểu như Bưởi Năm Roi mang ra… Thái Bình trồng thì cũng chỉ còn hai, ba roi là cùng. Chứng cứ là cũng ở sàn Việt, nhưng ông D. Hoang Quan hỏi 10 bác Tây thì chỉ có 3 bác thích nay trồng, mai hái. Vậy thì thung thổ thế nào mà tạo ra những nhà đầu tư… nhanh nhẹn làm vậy?
    1. Dân ta vốn thoát thai từ nền văn minh lúa nước. Trời đất lại lắm thiên tai, bão lũ. Có trồng cấy trên thị trường bậc cao thì vẫn “xanh nhà hơn già đồng” là thượng sách.
    2. Nước ta xứ sở nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều. Trời mà vừa nóng, vừa nồm như mấy hôm rồi thì đến gà mái còn đẻ ra những quả trứng luộc nữa là con khoán. Hỏa vượng thì công tâm, dẫu sàn chứng có điều hòa chạy vù vù đi nữa thì cái bệnh nhấp nhổm tay chân nó cũng cứ phát ra đằng… bàn phím. 
    3. Ông Warren Buffett bảo, “TTCK được thiết kế để chuyển tiền từ người tích cực sang người kiên nhẫn”. Nhưng điểm lại kinh nghiệm dân gian xứ ta về tiền thì sẽ thấy toàn chuộng tốc độ. Nào là “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, “đồng tiền đi liền khúc ruột”, đến ông Trạng Quỳnh còn bảo, tiền múa, Chúa (cũng phải) cười cơ mà. Vậy nên ở Việt Nam, cái câu trên của ông Buffett chưa nổi tiếng bằng châm ngôn: “Con se sẻ trong lòng bàn tay còn thật hơn con phượng hoàng đậu trên mái nhà”.
    4. Nếu các bạn để ý, “lịch nôm” của người Việt chỉ tính có ba ngày: hôm nay, ngày mai, ngày kia… Tâm lý bất quá tam đã hằn vào từng nếp nhăn trong não. Cơm ba bát là thôi, dù no dù đói; thuốc ba thang là dừng, dù bệnh dứt hay còn… Người Việt chơi chứng giữ được đến T+4 đã là công của nhà quản lý lắm lắm. Không tin cứ thử áp dụng T+0 mà xem. CTCK lại chả phát sốt vì dân tình sáng mua, chiều bán.
    5. Hồi bé hầu hết chúng ta đều chơi bóng đá. Nhưng hãy nhớ lại các trận bóng làng. Luôn luôn là những đứa giỏi nhất (hoặc có uy nhất) sẽ được đá tiền đạo, kém hơn một ít thì ở giữa làm tiền vệ, lau nhau cho làm hậu vệ, còn đứa nào tệ nhất đẩy xuống thủ môn. Đơn giản: chỉ tiền đạo mới có bóng để ghi bàn và dễ ghi bàn nhất. Vậy là đứa nào cũng hau háu lao lên để ghi bàn hoặc thể hiện kỹ thuật cá nhân, mong “đại ca” nhìn nhận lại để được xếp ở vị trí dễ đá vào gôn. Cái cảm giác “ghi bàn” thường xuyên trong chứng khoán nhiều ma lực lắm. Tâm lý “dâng lên” săn đuổi cổ phiếu nóng để rồi nhanh chân đá… phản lưới nhà cũng chỉ là thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận mà thôi!
    6. Theo kết quả đo lường “Chỉ số tập trung Wrigley” do Research International công bố, chỉ 28% trong hơn 300 người được phỏng vấn ở Việt Nam có thể tập trung hoàn toàn trong những hoạt động hàng ngày, 72% còn lại nhấp nhổm đã thành bản tính… Đây là tỷ lệ thấp nhất ở các nước châu Á. Đã hay bám sàn mà thiếu tập trung thì chỉ có mỗi cách là nhanh tay, nhanh mắt chứ không thì có ngày đại họa. 
    7. Chơi chứng khoán ở Việt Nam, cái được để ý nhiều nhất là động thái của… ông bên cạnh. Cả làng lướt sóng, mình không lướt thì để nó bán mất à. “Khi đám đông lên tiếng thì chân lý lùi bước”. Chẳng nhớ vĩ nhân nào đã nói điều này, nhưng để thông cảm cho đám đông thì cách hay nhất là gia nhập đám đông đó. Từ đầu năm đến giờ, thị trường đến là lắm sóng, sóng tái cơ cấu, sóng CPI, sóng lãi suất, sóng hôi của (nhân sốt thâu tóm), rồi sóng hoàn nhập… Chạy theo sóng mà không lướt thì chỉ uống no nước rồi… chìm!
    8. Như bác tư lệnh ngành tài chính bảo, chứng khoán còn đang tuổi thiếu niên, nhà đầu tư cũng đa phần trẻ, sức lực còn nhiều, dễ động chân động tay. Lại thêm nguyên cớ nữa là chứng khoán xứ ta tin đồn đa phần đều… chính xác. Mà khi đã nghe tin đồn thì dễ bất an và... bỏ của chạy lấy người. Cái câu châm ngôn “bạn càng chăm chỉ, bạn càng may mắn” luôn được hiểu theo nghĩa, “chăm lướt thì chóng giàu”!
    9. Trong từ điển bách khoa toàn thư TTCK, từ “lấp lửng” luôn đắt hàng: DN lấp lửng kế hoạch trả cổ tức, úp mở dự án để gọi vốn cổ đông; CTCK lấp lửng chuyện tách bạch tài khoản; cơ quan quản lý úp mở về chính sách mới… vân vân và vân vân… Như bác tổng SHN vừa rồi đấy, lấy tiền DN cho vay vô tội vạ, bán cổ phiếu ầm ầm, đến khi bị bóc mẽ thì lấp lửng, “đây cũng là cơ hội để các bạn sở hữu cổ phần giá rẻ của chúng tôi”. Đã hay nghe lấp lửng thì dân tình thích… bỏ lửng cũng là bình thường.
    10. Dù chiếc máy bay có hiện đại thế nào cũng không thể cùng lúc bay cả lên phía Bắc, cả xuống phía Nam. Nhưng nó hoàn toàn có thể bay lần lượt từ Nam chí Bắc. Nước cũng vậy, khi đun sôi có thể pha trà, khi làm lạnh có thể thành đá. Nhưng không thể cùng một lúc nó vừa pha trà vừa thành đá. Chỉ có thể đun nóng pha trà sau đó đặt vào tủ lạnh, ta sẽ có được nước trà lạnh. Với chứng khoán Việt Nam, tiền có thể rất dễ dàng chuyển thành cổ phiếu, nhưng không phải lúc nào cổ phiếu cũng có thể chuyển thành tiền. Không lướt sóng nhanh thì rất dễ phải… trượt băng. Cứ nhìn “sân băng” OTC dày cả thước thì rõ cả!
    Tóm lại, các cụ bảo, “non sông dễ đổi, bản tính khó dời”. Mà ở nước mình vẫn thế. Tâm lý đi tắt đón đầu có phải của riêng dân chứng khoán đâu mà phải lăn tăn nhỉ?       
    (ĐTCK)

0 comments: