14 tháng 3, 2012

KỸ NĂNG SỐNG: Làm hài lòng khách hàng trước đã

Một chuyến công tác miền Tây, một bài học tiếp thị nhẹ nhàng tôi đã học được từ cậu bé bán vé số.
Cậu bé trạc 8 tuổi, da ngăm trùi trũi. Cậu đội chiếc nón lưỡi trai đen đã xỉn màu được hất sang một bên. Chiếc áo sơ mi trắng ngà đã sờn cổ, hai tà áo được buột vào nhau, để lộ ra phần lưng của chiếc quần sọt xám. Vai đeo một chiếc túi nhỏ để thòng trước bụng. Nụ cười cứ roi rói trên môi. Cậu bé bán vé số.
Tôi đang cơm trưa với cả đoàn thì cậu bé tiến lại gần tôi và líu lo: “Chú ở Sài Gòn về đây. Cháu nghe giọng là biết ngay. Khi nào thì chú về lại thành phố? Chú có hay xuống đây không?...” Chẳng cần nghe tôi trả lời, cậu cứ liến thoắng. Nhìn vào chiếc điện thoại tôi đang cầm trên tay có hình cu nhóc nhà tôi, cậu bé tròn xoe mắt và nói lớn: “Cháu cũng có một em trai giống em bé này nè…” Rồi cậu say sưa kể về em bé. Vừa nói, cậu bé vừa đấm bóp vai cho tôi. Tôi cũng dám cá là cậu bé cò kè tôi để bán vé số.
Tôi quay sang, có đôi chút bực mình, gằn giọng bảo: “Con đi chỗ khác chơi đi, chú không mua vé số đâu”. Tưởng chừng như cậu bé sẽ xị mặt xuống hay mè nheo để bán được vài tấm vé số, nhưng cái miệng phúng phính của cậu vẫn không ngừng trò chuyện. Cái nheo mắt đáng yêu, cậu cười nói: “Cháu đấm bóp để chú vui thôi”. Cái dễ thương và vô tư nơi cậu đã thuyết phục được tôi phải móc ví tiền ra để giúp cậu vài tờ số, dù tôi không có nhu cầu. Nhưng, cậu bé đã chinh phục tôi!
Từ câu chuyện này, ngẫm đến chuyện tiếp thị trong làng kinh doanh mà thấy thật thấm thía. Một qui luật, một triết lý, cũng là một nghệ thuật sống: hãy cho đi, chắc chắn sẽ nhận lại được. Dù bạn là người làm tiếp thị, bán hàng hay chăm sóc khách hàng, bạn phải sử dụng nghệ thuật này một cách khéo léo. Nếu bạn cho đi một cách chân thành vì thật sự mong khách hàng của mình vui lòng, không mong cầu khách hàng đáp lại, chắc chắn bạn sẽ gặt hái quả ngọt. Cây được chăm bón tốt thì tất sẽ sinh quả tốt. Cuộc đời này là một chuỗi những liên kết giữa cho và nhận. Không chỉ khi được nhận, mà chính là những lúc cho đi, bạn sẽ có được một niềm hạnh phúc lớn lao.
Mỗi khi khách hàng đặt chân vào cửa hàng của bạn, hãy để cho họ “nhìn, nghe, sờ, cảm” ngay được niềm vui từ không khí mát lạnh, cách bài trí dễ thương, tiếng nhạc cuốn hút, những ánh mắt cười, giọng chào hỏi du dương, mùi hương dễ chịu, những sản phẩm được trưng bày đẹp mắt… Niềm vui của khách hàng càng tăng, họ càng muốn lựa chọn công ty và sản phẩm của bạn. Câu hỏi cơ bản mà tất cả các nhà tiếp thị đều phải nằm lòng khi thiết kế thông điệp quảng cáo là: Tôi (tức khách hàng) được gì đây?
Khách hàng sẽ không quan tâm đến bạn cho đến khi nào bạn bắt đầu quan tâm đến họ. Không những phải chứng minh được bạn có thể đem lại ích lợi gì cho khách hàng, bạn còn phải làm cho họ hài lòng từ trước khi mua và dùng sán phẩm. Và dẫu cho một số khách hàng bạn chăm sóc vẫn mãi là…tiềm năng, thì công việc của bạn cũng không vì thế mà trở nên vô nghĩa. Nó sẽ củng cố niềm tin của mọi người vào sản phẩm và dịch vụ của bạn, và một người hài lòng sẽ dẫn đến nhiều người khác tin tưởng theo nguyên tắc truyền miệng.
Sự chân thành và phục vụ một cách vô vị lợi có sức thuyết phục lớn lao mà không cần thêm bất cứ một kỹ xảo nào.
(Quách Tuấn Khanh)