12 tháng 3, 2012

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: Mùa xuân ấm áp


Kính thưa quý báo! Tôi quyết định gửi tặng quý báo câu chuyện của cha mẹ tôi nhân dịp Tết Nhâm Thìn này. Một câu chuyện khó tin, không phải không đau đớn bởi bi kịch của nó, nhưng lại vô cùng xúc động và ấm áp tình người do ứng xử của những người trong cuộc.

Câu chuyện đã chứa đựng trong đó phép nhiệm mầu khó tin về tình yêu thương, sự chịu đựng tha thứ trong cuộc đời này. Để thế hệ con cháu chúng tôi ghi nhớ trong tâm khảm câu chuyện đời đẹp đẽ của cha mẹ, ông bà, coi đó như một biểu tượng về tình yêu, đức hy sinh, tấm lòng cao thượng hiếm có của cha mẹ, để mà noi gương, nương tựa trong cuộc đời.

Cha mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo ở ven sông Bến Hải. Một con sông lịch sử, là nhân chứng sống oanh liệt và bi tráng của cuộc chiến tranh giữ nước. Chúng tôi vẫn tự hào quê cha đất mẹ ở ven con sông anh hùng này. Và đây, tại mảnh đất thấm máu các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì cuộc đấu tranh của Tổ quốc, chúng tôi đã được sinh ra và nuôi dưỡng. Trong những biến động của lịch sử, số phận của anh chị em chúng tôi đã được sinh ra, lớn lên…

Cha mẹ tôi là những nam thanh nữ tú của Trường Quốc học Huế. Gia đình bên nội và bên ngoại đều thuộc dòng họ khá giả, nên bố mẹ tôi được gia đình nuôi dạy kỹ lưỡng và cho ăn học tử tế. Nhưng, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã chia cắt tuổi thanh xuân tươi đẹp của cha mẹ, như chia cắt bao cuộc đời, bao lứa tuổi của tất cả mọi người lúc bấy giờ.

Năm 1953, cha mẹ cùng với những người con yêu nước khác xếp bút nghiên cùng cả nước đi kháng chiến. Vì cha mẹ là những người có học, nên tổ chức đã rất cân nhắc để sắp xếp cha mẹ vào đúng vị trí công tác. Cả cha và mẹ đều trở thành những chiến sỹ biệt động, hoạt động bí mật.

Khi cha mẹ chính thức trở thành những chiến sỹ biệt động làm công tác tình báo, thì được hai bên gia đình cùng tổ chức cho kết hôn. Lúc đó mẹ 19 tuổi, cha cũng đã 20, thời bấy giờ, đó là lứa tuổi đẹp nhất và không hẳn là sớm nữa cho việc kết hôn, lập gia đình. Cha mẹ đã có một tuổi thơ êm đềm bên nhau, có những kỷ niệm của thời học trò trong trắng, có một tình yêu sâu đậm để có thể đơm hoa kết trái trong chín muồi.

Theo những ký ức còn sót lại của cha mẹ trên bức ảnh cưới, hay trong những câu chuyện của bạn bè cha mẹ kể lại thì mẹ tôi là một người con gái xinh đẹp nổi tiếng ở Trường Quốc học Huế. Mặc dù yêu nhau đã 3 năm, tình yêu sâu đậm là vậy nhưng khi cha nhờ gia đình qua hỏi mẹ làm vợ, mẹ có ý xin khi nào Cách mạng thành công, có sự nghiệp thì mới nên cưới nhau. Cha sợ mất người yêu thế nên cha mới dứt khoát làm đám cưới với mẹ trước khi nhận nhiệm vụ mới. Cha mẹ cưới nhau được 6 tháng, cha nhận nhiệm vụ mới lên đường tập kết ra Bắc hoạt động. Mẹ vẫn ở lại bám trụ tổ chức ở Bình Trị Thiên máu lửa.

Từ đấy cha mẹ mỗi người một phương, cách nhau bởi con sông Bến Hải. Con sông hiền hòa nối hai bờ Nam Bắc giờ đây là biểu tượng của sự chia cắt giữa hai miền. Một cuộc chia cắt xót đau do chiến tranh đã bao trùm lên dân tộc Việt Nam một thời, chia cắt bao cuộc đời, bao số phận đau thương, trong đó có cha và mẹ tôi.

Cha mẹ yêu nhau, nên vợ nên chồng ở lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người. Oái oăm thay, cũng chính ở lứa tuổi căng tràn nhựa sống, cha mẹ đã buộc phải xa nhau, thiếu nhau, sống trong nỗi nhớ thương khắc khoải. Chiến tranh nghiệt ngã với bao phận người thời đó, và nghiệt ngã cho đến tận bây giờ bởi những di chứng để lại.

Không ai có thể biết trước được, cuộc biệt ly ở sông Bến Hải là một cuộc biệt ly dài tới 20 năm. Mẹ nhớ cha, cha thương mẹ mà không có cách chi liên lạc được. Mẹ từ cô gái thanh xuân 19 tuổi, mái tóc dày đen như thác nước mềm mại của con sông Bến Hải, theo năm tháng bao lần đổi màu buồn thương và rụng xác xơ.

Mẹ và mọi người kể lại rằng, cứ hơn 1 năm, mẹ lại rụng tóc một lần. Mái tóc trước rụng hết, mái tóc sau lại mọc lên xanh biêng biếc mà cha tôi không một lần trở về, không một chút hồi âm. Mẹ vẫn lặng lẽ cống hiến cho công việc của cách mạng, hoạt động bí mật và dần dần mẹ được giao trọng trách lớn hơn, tổ trưởng của một tổ chức bí mật ở Bình Trị Thiên, là đường dây liên lạc với tổ chức ở trong nội thành Sài Gòn. Lúc này mẹ đã được kết nạp Đảng, trở thành cán bộ tình báo chuyên nghiệp của quân đội và mẹ được mặc quân phục, đeo quân hàm, được thăng chức…

Nhưng tất cả những cái thuộc về danh chính ngôn thuận trong sự nghiệp cách mạng của mẹ vẫn là bí mật. Mẹ vẫn trong vai cô chủ xinh đẹp của một tiệm cà phê nổi tiếng ở Huế, trong tay có nhiều tiền và là một quý cô sang trọng kén chọn chưa lập gia đình.

Mẹ xa cha được 5 năm, 3 lần mái tóc xanh của mẹ ngả màu và rụng xơ xác. Tổ chức luôn nhắn tin động viên mẹ rằng, người chồng của mẹ vẫn mạnh khỏe và bình an. Cha rất nhớ mẹ và chờ ngày đoàn tụ. Một lời nhắn của tổ chức lại giúp cho mẹ hồi sinh, tóc mẹ mọc lại, xanh ngắt, môi mẹ lại hồng, làn da trắng căng mịn và hồng hào. Mẹ vững vàng và xinh đẹp trở lại được là nhờ vào hy vọng.

Nhưng đời người con gái có bao nhiêu được cái hy vọng đằng đẵng như vậy? Mẹ vẫn cắm đầu vào công việc để quên đi những khao khát nhớ mong. Cha mẹ chưa kịp có với nhau đứa con, nên mẹ càng buồn, càng cô đơn vò võ. Thăng trầm của đời mẹ là thứ mà mẹ không thể chế ngự nổi, không thể chống đỡ được. Mọi người kể lại, mẹ gần như phát điên, gần như bị trầm uất một thời gian dài phải vào viện khi xảy ra sự cố với một người đàn ông phía bên kia chiến tuyến.

Đó là năm thứ 6, xa cha, khi mẹ bước sang tuổi 25, đã rụng và mọc lại 3 mùa tóc. Trong một lần được tổ chức phân công vào vai một quý cô sang trọng gia nhập vào một bữa tiệc của phía bên kia để nắm tình hình địch, mẹ đã sa chân lỡ bước vào một mối tình đớn đau, và đớn đau còn hơn vạn mối tình với cha tôi.

Mọi người trong gia đình của mẹ kể lại rằng, đêm tiệc ấy, không biết vì buồn, vì hận cha bặt tin 6 năm trời, vì khủng hoảng tinh thần, hay vì một phút chốc sa ngã mà mẹ đã uống đến say. Người cuối cùng rời bữa tiệc và cũng là người đưa mẹ lên xe hơi trở về khách sạn bắt đầu cho trang đời mới đầy bão giông của đời mẹ là người sỹ quan phía bên kia chiến tuyến. Lạ lùng, mẹ không phải là đã say hẳn, thế mà sao đôi chân của mẹ cứ líu ríu bước theo người sỹ quan trẻ trung và đẹp trai kia.

Rồi mẹ qua đêm ở đó. Khi tỉnh dậy, mẹ hốt hoảng vì đang nằm trong một khách sạn lớn ở Huế bên một sỹ quan của địch. Mẹ khóc như mưa như gió. Kẻ thù của mẹ, người đàn ông thua mẹ 3 tuổi ấy đã bình tĩnh đỡ mẹ dậy, mặc quần áo cho mẹ và cầu hôn với mẹ trong một tình huống bẽ bàng.

Ngay sau đó tổ chức biết chuyện và đã làm một cuộc họp khẩn cấp để kỷ luật mẹ. Trong cuộc họp ấy, mẹ chỉ biết cúi đầu khóc và xin nhận mọi hình thức kỷ luật. Cuộc họp căng thẳng, cấp trên của mẹ đích thân xuống chỉ đạo. Mẹ mất hết chức vụ, cấp hàm, bị khai trừ Đảng. Chỉ có cách duy nhất của mẹ để chuộc lại lỗi lầm, đó là mẹ chấp nhận lời cầu hôn của người sỹ quan địch, chấp nhận hy sinh làm vợ của kẻ địch để thu thập tin tức về cho tổ chức.

Thật đau xót, một người con gái trí thức, tâm hồn trắng trong, đã có chồng, có một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, đẹp như mơ ước, sao bây giờ số phận lại đẩy mẹ vào hoàn cảnh và tình huống trớ trêu trái khoáy như thế này. Mẹ làm gì còn con đường nào để lựa chọn nữa. Gái đã có chồng, không giữ được tấm lòng thủy chung của một người vợ có chồng đi chiến đấu, lại lỡ làng với một sỹ quan của địch thì còn gì nhục nhã hơn. Mẹ khóc, tuyệt vọng và phải vào viện để nằm dưỡng thương.

Thật may, tổ chức đã cắt cử người ở bên cạnh mẹ, trông nom mẹ và làm công tác tư tưởng để cho mẹ thuận tình chấp nhận làm vợ kẻ địch để lấy tin tức về cho tổ chức. Đó cũng chính là một hy sinh to lớn của người chiến sỹ cách mạng, hy sinh tình riêng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lòng mẹ đau như cắt, sau 1 tháng nằm dưỡng thương ở bệnh viện, mẹ phát hiện mình có thai và không còn cách nào thoái lui được nữa, mẹ nhắm mắt đưa chân, chấp nhận tất cả những hệ lụy đau xót và trớ trêu của số phận mình. 
(Còn nữa)

0 comments: