31 tháng 5, 2012

Nhịp đập thị trường ngày 31/05/2012


VNINDEX
Một lần nữa, Vnindex đang có dấu hiệu test lại vùng đáy cũ tương đương khoảng vùng 425 – 430 trong ngắn hạn. Với tín hiệu chững lại của đà rơi trong ngắn hạn trên Vnindex cùng với những tín hiệu chỉ báo phân tích kỹ thuật cho thấy trong một vài phiên giao dịch tới nhiều khả năng Vnindex sẽ có tín hiệu hồi phục và bull lên khoảng vùng giá 445 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản trong một tuần trở lại đây giao dịch tương đối ảm đảm là yếu tố mà nhà đầu tư nên kỹ lưỡng cân nhắc và thận trọng với thị trướng.

Kết luận: Trong ngắn hạn, việc giải ngân sẽ khá rủi ro cho nhà đầu tư lướt sóng. Do đó, chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng với diễn biến thị trường hiện tại.

HNXINDEX
Giao dịch ảm đảm cùng với tâm lý chung chán nản đang tiếp tục duy trì trên Hnxindex trong phiên giao dịch hôm nay. Thanh khoản gia tăng nhẹ song, chưa thấy dấu hiệu của lực cầu mạnh mẽ tham gia trở lại thị trường. Thay vào đó, khối lượng đặt bán cùng trung bình lệnh bán trong phiên hôm nay lại có phần gia tăng đáng kể so với phiên giao dịch trước đó. Điều này cho thấy phần lớn nhà đầu tư chưa kỳ vọng vào một xu hướng dài hơi hơn trên Hnxindex trong ngắn hạn.
Tổng quan phân tích kỹ thuật cho thấy đà rơi có dấu hiệu chững lại trên Hnxindex. Với những tín hiệu của chỉ báo hiện tại nhiều khả năng Hnxindex sẽ có dấu hiệu hồi phục nhẹ trong một vài phiên giao dịch tới. Tuy nhiên vùng kháng cự trong khoảng 77,6 – 78 điểm sẽ khó có thể vượt qua trong thời gian tới vì vùng giá này Hnxindex đã test lại ba lần nhưng đều chưa thành công.

Kết luận: Việc tham gia giải ngân hiệu tại khá rủi ro cho nhà đầu tư lướt sóng. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng trong ngắn hạn.

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Lời trần tình của đứa con tội lỗi


Con biết con đã sai lầm trong quá khứ, đã làm khổ nhục bố mẹ nhiều, nhưng lúc nào con cũng cần tình thương của bố mẹ. Hãy đối xử với con như đối xử với một con người chứ đừng là tội phạm. Con xin bố mẹ hãy giúp con có cơ hội sửa sai làm lại cuộc đời.

Bố mẹ kính yêu của con!

Bố mẹ ơi, đã từ lâu, con muốn kết thúc cuộc sống của mình. Con chán sống và rơi vào tuyệt vọng. Chắc là bố mẹ cũng đã biết vì sao rồi. Con là một đứa con bất hiếu, hư hỏng. Nói thẳng ra, con là một thằng nghiện ma tuý, một đứa con đã sa chân vào vũng bùn lầy. Mấy năm nay, kể từ ngày con mắc nghiện, con sống mà như đã chết, con sống lay lắt giữa vũng bùn nhơ nhớp của xã hội vẫn còn tồn tại, đó là thế giới của những người nghiện ma tuý. Thành thực mà nói, con đã gieo vào gia đình bố mẹ bao nỗi nhục nhã, phiền toái và đau đớn. Con tự biết, con không còn là một con người đúng nghĩa nữa.  Nhưng bố mẹ ơi, xin bố mẹ hãy một lần đủ bình tĩnh, đủ sự rộng lượng thứ tha để nghe con nói hết ngọn nguồn, để nghe đứa con tội lỗi của bố mẹ trần tình về hành trình trượt ngã của nó, để một lần nữa, xin bố mẹ hãy cứu vớt cuộc đời con.

Con may mắn được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mặc dù quê quán của bố và mẹ ở miền Trung vùng Quảng Bình, Hà Tĩnh. Bố mẹ là những người vượt khó, xa quê hương và ra Hà Nội định cư lập nghiệp. Gia đình mình tương đối hoàn hảo vì cả hai bố mẹ đều là cán bộ Nhà nước. Hai anh em con đều học giỏi, và tốt nghiệp đại học, có việc làm đàng hoàng. Thế nhưng không biết có phải gốc gác miền Trung ăn sâu vào máu thịt bố mẹ hay không mà dù cuộc sống ở Hà Nội từ rất lâu rồi song bố và mẹ vẫn mang tính quê trong phong cách sống hằng ngày.

Bắt đầu từ việc bố và mẹ dạy chúng con, bố mẹ có thể mắng chửi con thậm tệ khi con mắc lỗi dù lúc đó nhà đang có khách hay người lạ. Những lần bị bố mắng chửi trước mặt khách khứa của bố đã làm cho con xa bố và không thích gần bố, thậm chí ghét bố.

Năm 2000, con tốt nghiệp đại học và đi làm, con đã cảm thấy từ nay mình tự lập và xa rời vòng tay bố mẹ được rồi. Với lại, cuộc sống của một thằng con trai không tìm được tiếng nói chung hoà thuận với bố, đâm ra con càng ít giao tiếp với bố, và bố cũng chẳng thèm để mắt quan tâm con đi đâu làm gì. Bố cho rằng con ra trường đi làm rồi thì không có gì phải lo nữa. Con đi làm và ngay lập tức đã rơi vào một môi trường bạn bè xấu lôi kéo. Bắt đầu là từ việc cá độ bóng đá, lô đề, cờ bạc, con đã cắm chiếc xe máy bố mẹ mua cho con ngày đầu tiên con đi làm. Ngay khi biết con dính vào cá độ, cờ bạc, bố mẹ đã đi chuộc xe máy về cho con và chửi mắng con thậm tệ với những từ ngữ tận cùng của sự xúc phạm, coi như con là thứ bỏ đi không thể nào tha thứ được. Từ cú sốc ấy, bố đã thẳng tay đuổi con ra khỏi nhà vì những thói hư tật xấu mà con học đòi được từ đám bạn bè.

Bố mẹ ơi, con hiểu tâm trạng của bố mẹ lúc ấy, nhưng con là thằng con trai ương bướng và hư hỏng. Chính lúc bố mẹ đuổi con ra khỏi nhà và tuyên bố: "Mày không còn là con tao nữa" con đã cười khẩy và bỏ đi. Ngay tối hôm đó, theo bạn bè, con đã rơi vào vòng xoáy của ma tuý. Con không cố ý tìm lý do để biện hộ cho tội lỗi của mình nhưng giá mà bố mẹ đối xử với con mềm mại hơn, độ lượng và bao dung hơn, có thể con đã không rơi vào vòng xoáy của ma tuý.

Con vừa đi làm, vừa nghiện, và mặc dù chưa phải đi ăn cắp, ăn trộm để lấy tiền chích hút vì con vẫn có lương, lương cơ quan trả vẫn đủ cho con mua ma tuý nhưng trong một lần con trở về nhà sau một cơn phê thuốc, bố mẹ đã phát hiện ra con trai của bố mẹ nghiện hút. Ngày hôm đó, lần đầu tiên con thấy bố mẹ khóc vì con, khóc đau đớn vật vã vì sự thật về đứa con trai duy nhất của bố mẹ đã sa chân vào ma tuý. Từ đó, bố mẹ đã tìm mọi cách để khuyên giải và cai nghiện cho con. Nhưng cái cách của mẹ là rên rỉ, kể lể, đau khổ và trách móc con, oán hận sao ông trời lại đổ lên đầu mẹ một thằng con oan nghiệt, phá gia chi tử. Còn, cái cách của bố là cùm chân con lại ở trong nhà, mắng chửi con, chì chiết đay nghiến con, đối xử với con như đối xử với một con chó hư, và nhìn con với ánh mắt khinh bỉ. Cả hai cách muốn cứu vớt đời con của cả bố và mẹ, chỉ làm cho con dấn sâu hơn vào ma tuý.

Thế rồi không khuyên can con được, không giúp con cai nghiện được, bố mẹ đồng ý cho con lấy vợ để mong rằng vợ con sẽ giúp được con thoát khỏi ma tuý. Nhưng bố mẹ có hiểu cho rằng, ma tuý là thứ quyến rũ chết người, có mấy ai đã dính vào rồi mà có thể đoạn tuyệt được. Càng có gia đình, con càng sa lầy hơn, cuộc sống bê bết hơn. Rồi nhân lúc chuẩn bị cho em gái con đi lấy chồng, bố mẹ sợ gia đình nhà chồng của em gái biết được sự thật nhà thông gia có một đứa con nghiện ma tuý, bố mẹ sợ mất danh giá nên bố mẹ đã lên kế hoạch tống con vào trại cai nghiện. Kế hoạch của bố hôm đấy là gọi cho con về để dự lễ ra mắt nhà trai của em gái con. Con đã tin tưởng, đã ngỡ rằng bố mẹ vẫn còn nhớ đến con trong ngày trọng đại của em gái con. Con hăm hở chạy về nhà thì các anh Công an đã chờ sẵn và ập vào còng tay con, cưỡng chế con lên trại cai nghiện ở Sơn Tây.

Con không thể nào quên cái ngày con bị dẫn đi trại. Con đi để khuất mắt cả nhà, để ngày vui của em gái con được trọn vẹn, để bố mẹ tránh được một nỗi nhục ê chề với hàng xóm láng giềng. Bố mẹ không thể biết được 2 năm ở trại cai nghiện con đã sống như thế nào, đã chịu đựng ra sao để tránh được đòn roi của bọn đầu gấu trong trại. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi hết. Con đoạn tuyệt được với ma tuý 2 năm qua và trở về nhà với hai bàn tay trắng. Vợ con đã bỏ con đi theo người khác, công việc của con bị mất, và tệ hại hơn, hàng xóm, láng giềng khu phố mình đã biết con mắc nghiện ma tuý.

Khi con trở về nhà, tình yêu thương của bố mẹ cho con chỉ được mấy ngày đầu, sau đó là bố mẹ lại đối xử với con như đối xử với một tội phạm trong nhà. Bố mẹ săm soi, xét nét từng ly từng tí một nhất cử nhất động của con và luôn cố tình cho con biết bố mẹ coi thường con, và con là gánh nặng đau khổ của bố mẹ mà bố mẹ muốn hất bỏ đi không được. Mọi cư xử của bố mẹ làm cho con hiểu rằng cho dù con đã đoạn tuyệt được với ma tuý 2 năm qua nhưng bố mẹ vẫn không tin tưởng, vẫn xem con là một thằng nghiện. Đã 3 năm rồi kể từ ngày bố mẹ đưa con đi trại và con trở về, con không bao giờ biết đến ngày Tết như thế nào nữa. Năm nào Tết, bố mẹ cũng dặn con đừng đi đâu. Khách đến nhà thì bố mẹ giục con mau lên gác. Bố mẹ luôn giấu con trước mặt khách khứa ngày lễ, ngày Tết như giấu một thằng hủi trong nhà. Thậm chí nhà thông gia của em gái con đến chơi Tết, ăn cỗ, bố mẹ cũng cấm con ở trên gác không được xuất hiện. Con nằm trên gác một mình, nghe mọi người cụng ly, ăn uống cười nói vui vẻ, mà trong con trào lên nỗi ê chề, chua xót. Con tự nói với mình: "Mày là nỗi nhục của cả nhà, không ai muốn sự xuất hiện của mày trong căn nhà này nữa". Nghĩ đến đó con chỉ muốn lại lần nữa bỏ nhà ra đi, buông mình vào vực thẳm. Nhưng lý trí đã kéo con ở lại cho đến được ngày hôm nay.

Bố mẹ ạ. Hơn một năm qua kể từ ngày đi trại về, con cũng háo hức để làm lại cuộc đời lắm lắm. Con đã tin vào lời hứa xin việc của bố mẹ, tin vào lời hứa bố mẹ sẽ cho con một công việc tốt, một cuộc sống tốt nếu con từ bỏ được ma tuý. 6 tháng đầu, bố mẹ quản thúc con ở nhà, chưa cho phép con ra ngoài hay tiếp xúc với ai. Việc quản thúc của bố mẹ còn hơn quản thúc một người tù. Bố mẹ tuyệt đối không cho con quá 10 ngàn đồng một ngày tiền ăn sáng, còn ăn trưa và ăn tối thì về nhà bố mẹ cho ăn. Đi đâu bố mẹ cũng không cho đi. Con không được phép sờ đến xe máy, hay sờ đến bất cứ cái gì trong nhà. Con được bố mẹ cho ăn cơm, cho đi ngủ, còn tất cả mọi quan hệ xã hội bố mẹ đều tuyệt đối cách ly con với thế giới bên ngoài. Bố mẹ có biết, làm như vậy, chẳng những không giúp ích được cho con tự tin để làm lại cuộc đời mà càng làm cho con chán ngán hơn, tuyệt vọng hơn.

Sau năm lần bảy lượt bố mẹ bất hình lình kiểm tra thử tét (test) để xem con có mắc nghiện lại không. Khi biết chắc con chưa mắc nghiện lại thì bố mẹ mới bắt đầu đi xin việc cho con. Nhưng có ai nhận một thằng nghiện như con bởi xin việc ở đâu bố mẹ cũng đến nơi gửi gắm, nói rõ sự tình con vừa đi cai nghiện về, nhờ giám sát hộ. Con đã phải bỏ việc những chỗ đó vì con không chịu nổi sự kỳ thị của mọi người. Khi con đi trại về, con gái con cũng đã 3 tuổi, con nhớ cháu và cháu cũng cần có bố nhưng bố mẹ cấm cháu không được lại gần con. Bố mẹ sợ con làm hư con gái con và sợ rằng khi biết sự thật về con thì con gái con sẽ thất vọng. Ngay cả tình phụ tử bố mẹ cũng kiểm soát ngăn cản thì làm sao con còn đủ niềm tin vào chính mình để làm lại cuộc đời của con nữa.

Em gái con từ ngày biết con ra trại về nhà nhưng không bao giờ tới thăm con hay mời con đến nhà vợ chồng nó. Nó lấy ai, nhà chồng ở đâu con cũng không được biết. Nó chỉ đánh tiếng với con rằng, em không muốn giới thiệu anh với gia đình nhà chồng, em ngại mọi người coi thường em vì có anh nghiện ma tuý. Trong nhà, chỉ cần con có biểu hiện bướng bỉnh, gàn dở là ngay lập tức bố gọi điện cho Cảnh sát 113 vào nhà để trấn áp con. Con thấy rõ ràng mình như một tội phạm giam lỏng trong căn nhà của bố mẹ. Con thấy ai cũng khinh bỉ, ghẻ lạnh và nhìn con bằng ánh mắt bỏ rơi.

Và đỉnh điểm của sự chán nản ấy là con đã kết thúc cuộc đời con, mạng sống của con bằng 6 vỉ thuốc ngủ và một số kháng sinh linh tinh uống kèm để mong không bao giờ con phải tỉnh dậy nữa. Con hận con, chán bản thân con và con không muốn sống nữa. Trước khi tự tử, con có viết thư để lại cho bố mẹ. Nhưng cái số con không thể chết được dễ dàng thế. Thuốc ngủ rởm nên con chỉ ngủ ly bì một ngày một đêm là tỉnh lại. Con càng cay đắng và bẽ bàng hơn khi biết sự thật bố mẹ dù đã đọc được lá thư tuyệt mệnh con để lại, biết con uống thuốc nhưng bố mẹ đã không đưa con đến bệnh viện để cấp cứu rửa ruột cho con. Con đã nghĩ rằng bố mẹ không muốn cứu sống con nữa. Bố mẹ không muốn cưu mang cái gánh nặng bể khổ từ con trút lên vai bố mẹ nữa phải không hả bố mẹ. Khi biết con không chết được, có phải bố mẹ đã thất vọng lắm lắm không?

Sau lần tự tử không thành ấy, con đã nhiều lần đi lang thang trên cầu Chương Dương và không ít lần định gieo mình xuống dòng nước sông Hồng. Có những lần con đi bộ trên đường tàu, tàu đến gần mà con không buồn tránh. Con chỉ ước chi mình có thể lao đầu vào đoàn tàu đang chạy, nhưng mỗi lần định chết ánh mắt con gái con lại hiện lên trong tâm trí con với hai hàng nước mắt đang rơi. Mỗi lần trốn nhà đi lang thang tìm cái chết, con trở về, bố mẹ lại tưởng con đi hút chích, rít lên với con: "Thằng khốn nạn, mày lại đi nữa à".

Bố mẹ ơi, con viết những dòng này không phải để trách móc hay giận hờn gì bố mẹ cả mà con chỉ muốn van xin bố mẹ hãy lắng nghe con một lần. Xin bố mẹ một lần nữa có cách gì đó để cứu vớt cuộc đời con. Con không muốn chết vì còn có đứa con gái là cốt nhục của con đang bơ vơ vì mẹ nó đã bỏ đi. Con cũng khao khát làm lại cuộc sống lương thiện, để được sống bình thường đúng nghĩa của một con người như bao người khác. Con biết con đã sai lầm trong quá khứ, đã làm khổ nhục bố mẹ nhiều, nhưng lúc nào con cũng cần tình thương của bố mẹ. Hãy đối xử với con như đối xử với một con người chứ đừng là tội phạm. Con xin bố mẹ hãy giúp con có cơ hội sửa sai làm lại cuộc đời. Nếu còn tình thương đối với đứa con lầm lỗi như con, con xin bố mẹ hãy bỏ qua quá khứ giúp con. Cho con được làm người một lần này nữa thôi. Con sẽ làm theo mọi yêu cầu của bố mẹ, miễn sao thoát khỏi cảnh sống không ra sống này. Con cầu xin bố mẹ đấy, xin đừng ruồng bỏ con nữa mà cho con cơ hội cuối cùng.
(CAND)

Hãy hy sinh cho con một cách thông thái

Làm mẹ thông thái chừng mực thật chẳng dễ dàng gì! Lơ mơ nhận ra ôm con chặt quá làm con mất hết khả năng tự lập, thích nghi với đời sống là trạng thái của không ít bà mẹ thời nay. Tỉnh sớm hay muộn thì mẹ cũng ngỡ ngàng pha ngậm ngùi vì hóa ra yêu con như thế bằng mười hại con, hại cả mình. Làm bà mẹ thông thái chừng mực chẳng dễ dàng gì
Làm mẹ thì không được ốm
Đấy là câu đùa mà lại pha nét tự trào xót xa rất thật của các bà mẹ từ lúc sinh con ra cho tới già sắp về với đất. Không chỉ không dám ốm, mẹ còn nhiều khi không dám sống cho mình và lấy giấc con ngủ ngon, bữa con ăn nhanh thun thút làm niềm vui sống duy nhất. 

Mẹ nhịn miếng ăn, giấc ngủ đến suy nhược để chăm con khi nhỏ. Mẹ sợ bố, bà cho con ăn không đúng bữa, không đủ định lượng, thức ăn không đủ chín, an toàn… Thế là mẹ ôm tuốt mọi việc chăm con. Hoặc mẹ mải mê nghiên cứu thức ăn thay đổi xoành xoạch kiểu Tây, kiểu Nhật. Mới lạ tới mức con… tiêu chảy, biếng ăn vì không kịp làm quen và xoay như chong chóng theo thực đơn của mẹ. Con suy dinh dưỡng thể béo phì hoặc còi cọc rồi mẹ vẫn chưa nhận ra lý do ở chính đôi bàn tay mình và nếp chăm con kỹ đến “mất hết vi khuẩn có lợi”.

Mẹ sẵn sàng hi sinh những thú vui son trẻ vì con. (Ảnh minh họa).
Con đi học lớp Một vẫn chưa tự phục vụ được các nhu cầu cá nhân tối thiểu như lau chùi vệ sinh, xếp sách vở đi học, xúc cơm ăn… Điểm con thi thấp lè tè mẹ đau lòng vì đó là điểm nuôi dạy con của mình mà con thì lắm khi tới tận đại học vẫn cứ vô cảm như thể đó là chuyện sớm muộn gì mẹ chả đỡ cho. Cô chiêu cậu ấm ngỡ đời này ai cũng không thể địch lại bóng mẹ ấp iu mình, rồi cứ ung dung hưởng thụ, không thấy mình đang bào mòn, chiếm dụng đến tàn tệ cuộc đời mẹ. Nhưng con hư tại mẹ xem ra lúc này là đúng nhiều phần. 

Mẹ lo lắng theo sát, bầu bạn với con để biết được diễn biến tâm sinh lý của con những khúc quanh quan trọng cuộc đời. Có cô bé tuổi teen vừa tự hào vì mẹ lắng nghe và chỉ vẽ cho mình hơn nhiều bạn gái khác, nhưng cũng xấu hổ khối phen vì chuyện bạn trai “chưa có gì” mà mẹ đã tìm cách dò tin, tổ chức mạng lưới quây để không cấm con nhưng mình không thể để nó sa vào dại dột. Rốt cuộc bạn bè lại ngại chơi với cô vì mẹ hay soi quá, mất hết cả tự nhiên của tuổi mới lớn. Chưa kể có bà mẹ còn yêu con theo cách ai động chạm góp ý gì về con là nhảy đổng lên bênh con, phản ứng, bé xé ra to hoặc ngược lại nghe ai nhắc nhở gì thì lập tức rèn con bằng những trận te tua la mắng, thương cho roi cho vọt. Đấy là bản năng mẹ lấn lý trí của nhà giáo dục thông thái mà mỗi bà mẹ không thể sao nhãng.

Hậu quả … mẹ kiệt quệ mỏi mê thể xác lẫn tinh thần mới đau đớn nhận ra mình đã hy sinh quá mức. Lắm khi đã muộn mới hiểu đầu tư, chăm sóc cho bản thân mình cũng chính là để được sống khỏe, sống lâu hơn mà lo, mà vui với con. Bà mẹ nọ trong những ngày chống chọi với bệnh ung thư giai đoạn cuối mới cay đắng gửi gắm cô bạn thân giúp dạy con gái 15 tuổi của mình biết tự lo lấy thân, tự nấu cơm mà ăn. Bao năm trước đó, mẹ chăm cho con xinh đẹp nõn nà, chỉ cần con học thật giỏi, con vui vẻ mà bỏ qua dạy con bếp núc, giặt giũ, tự phục vụ bản thân.

Mẹ tạo cho con thói quen ỉ lại, không có nhu cầu tự phấn đấu để thỏa mãn cuộc sống của bản thân. Con quen với mô hình ứng xử mẹ sinh ra là để hy sinh cho con, mà không thấy mẹ cũng cần được con yêu thương, chăm sóc. Những hy sinh quá mức của mẹ như vậy không còn ý nghĩa là tấm gương để con học theo và đền đáp trước hết là cho lòng mẹ. Nhìn xa hơn, những đứa con không có sức đề kháng với khó khăn cuộc đời ấy mai này hoặc sẽ lặp lại phận đàn bà mòn mỏi hoặc xem vợ là mẹ của con mình chứ không phải bạn đời đúng nghĩa. Sự hòa tan của mẹ vào đời con ấy rốt cuộc có cho mẹ niềm vui thanh thản hay lại chất thêm âu lo không bao giờ gỡ nổi lên vai mẹ? Thực chất đó là sự thất bại của một đời làm mẹ cũng nên. 
Hãy hy sinh một cách thông thái 
Đời mẹ thế hệ trọng truyền thống hay tất bật hiện đại thì con vẫn cứ là giá trị hàng đầu. Nhất là thời buổi này có mỗi một hai “của để dành” chứ nào phải con đàn mà không vun quén, xót xa con từ miếng ăn giấc ngủ.
Mẹ thông thái là mẹ biết chấp nhận giới hạn khả năng của con. (Ảnh minh họa).
Mẹ sẵn sàng hy sinh những thú vui son trẻ, những cơ hội thăng tiến, quên luôn cả giới hạn sức khỏe bản thân vì con. Mẹ quên rằng con là một nhân cách độc lập, con như cái cây cần được vun xới, bắt sâu, tưới tắm, bồi đắp kỹ năng sống để dần dần tự hít thở khí trời, tới ngày tự lập mà lớn chứ mẹ không thể nào đi cùng con mãi mãi. Mẹ không định sống thay đời con nhưng rất thường khi sự ôm ấp quá kỹ và ôm đồm gánh vác của mẹ lại làm con thui chột nhuệ khí làm người, hy sinh của mẹ quá mức đâm ra vô ích.

Sự hy sinh của những bà mẹ về bản chất là đầu tư cho tương lai nhưng nhà đầu tư mẹ thông thái không thể là một cô bảo mẫu độc tài. Kinh nghiệm, kỹ năng sống của mẹ cần được truyền cho con thay vì nóng mắt, sốt ruột, sợ con làm việc nhà thì ảnh hưởng thời gian học, sợ con rửa bát thì vỡ, đi chợ thì mua thịt ôi… rồi mẹ vơ hết việc cho nhanh, cho gọn như ý mình và cứ nghĩ thế là tốt cho cả bố lẫn con nó. Đảm đang kiểu này là đảm đang quá đà, vô tình mẹ đã không cho con cơ hội để tập tành quán xuyến gia đình, cuộc đời nó mai sau.

Khi ngộ ra con hư tại mẹ, có mẹ quay ra dằn hắt con mày là đồ ăn hại, vô tích sự rồi cay đắng chấp nhận suốt cuộc đời còn lại ra sức gồng lưng mỏng để thọ nạn do mình gây ra. Một vài bà mẹ cay đắng trầm cảm cho rằng mình là gà mái không biết nuôi con, không xứng đáng làm mẹ. 
Nhưng cũng có rất nhiều bà mẹ đã vượt lên nỗi xót xa đau buồn ấy để còn nước còn tát, vừa gỡ dần mớ rắc rối đời con, vừa lên kế hoạch cân bằng cuộc sống của chính mình. Và tất nhiên tốt nhất là mẹ nên nhớ nằm lòng câu dạy con từ thuở còn thơ. Sự tỉnh ra này tới càng sớm càng dễ gỡ. Chỉ cần mẹ quyết tâm thì không bao giờ muộn dù không ít gian nan để uốn con lại. 

Truyền đạt kỹ năng thay vì làm hộ là điều cốt yếu nhất. Mẹ cần nắm được yêu cầu phát triển lứa tuổi của con. Không vội mừng khi con vọt quá nhanh vì nên cảnh giác rằng sự vượt trước ấy rất có thể gây khó khăn cho sự hòa đồng vào môi trường của con. Cũng không được nản rồi nhồi nhét tạo áp lực khi con chưa đủ chín bằng bạn bè đồng trang lứa. Cần biết lọc thông tin nuôi, dạy con từ sách vở, internet và từ những người xung quanh để áp dụng đúng vào trường hợp con mình thay vì biến con thành chuột bạch thí nghiệm, thử sai

Mẹ thông thái là mẹ biết chấp nhận giới hạn khả năng của con và của chính điều kiện sống mà mình có thể đem lại cho con. Lựa cơm gắp mắm, tạo cho con phát triển tốt nhất trong điều kiện có thể mới thực là hy sinh hợp lý của bà mẹ tảo tần. 

Phân chia năng lượng sống cho cả con và mẹ mới là cách phát triển bền vững chất lượng sống của cả đời mẹ và đời con. Có niềm tin vào những người khác, đặc biệt là bố, để chia sẻ nhiệm vụ chăm lo con để san sẻ gánh nặng và bản thân con cũng được bổ sung thêm những kỹ năng, tố chất mà chỉ mình mẹ thì không thể cho con đầy đủ. 

Bí quyết rất đơn giản: mẹ vì con và mẹ không quên mình cũng là vì con. Để thực hiện điều đó chỉ cần phát huy đức tính sẵn có trong mọi trái tim mẹ: nhẫn nại, kiên trì và kiềm chế đừng để tình yêu và vòng tay bảo bọc con của mình xiết con tới… nghẹt thở.

30 tháng 5, 2012

Nhịp đập thị trường ngày 30/05/2012


VNINDEX
Dấu hiệu giảm sâu có tín hiệu chững lại trên Vnindex song, nhìn chung tâm lý nhà đầu tư vẫn đang e dè với đặc điểm thị trường hiện tại. Thanh khoản ngày một sụt giảm về mức thấp cho thấy lực cầu ảm đảm trên Vnindex.
Những chỉ báo phân tích kỹ thuật vẫn đang phản ánh xu hướng rủi ro trên Vnindex trong ngắn hạn. Tuy nhiên chỉ báo MACD Histogram đang cho những tín hiệu chững lại của đà giảm trong ngắn hạn trên Vnindex.

Kết luận: Vnindex đang có những đặc điểm của một thị trường đi ngang trong ngắn hạn. Thanh khoản sụt giảm về mức thấp là yếu tố đang gia tăng rủi ro trên Vnindex. Nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc giải ngân khi có dấu hiệu dòng tiền tham gia bắt đáy trên Vnindex.

HNXINDEX
Lực cầu có phàn gia tăng nhẹ trong phiên giao dịch hôm nay song, áp lực cung vẫn lớn hơn lực cầu khi chênh lệch cung cầu ròng đạt giá trị âm. Khối lượng đặt mua và khối lượng đặt bán đều suy giảm cho thấy lượng tiền ra và vào chênh lệch nhau không nhiều. Thanh khoản duy trì ở mức dưới trung bình 10 phiên. Đây là những biểu hiện cho thấy thị trường đang có dấu hiệu đi ngang trong ngắn hạn.
Những tín hiệu phân tích kỹ thuật đang cho những tín hiệu chững lại của đà rơi trên Hnxindex trong ngắn hạn. RSI vẫn duy trì và đi ngang ở mức dưới 50 cho thấy sự kỳ vọng về giá yếu trên Hnxindex.

Kết luận: Với diễn biến cùng với tín hiệu phân tích kỹ thuật hiện tại chúng tôi nhận thấy Hnxindex đang có chiều hướng đi ngang trong ngắn hạn. Nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc giải ngân khi có dấu hiệu dòng tiền tham gia bắt đáy trong thời gian tới.

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Nhật ký giám đốc thời suy thoái

Từ ngày công ty ngừng sản xuất, mình đâm đazinăng. Từ ô sin xách làn đi chợ, đến đầu bếp, bảo vệ, gia sư...
Chả phải tự nhiên mình để “meo” dưới bài viết. Nhiều khi có những “cái còm” thú vị ra trò. Ví dụ như có một bạn đọc tự xưng là chủ DN vừa gửi vào hòm thư đoạn nhật ký dưới đây...
     Ngày… tháng… năm…
    2h sáng: Cọt kẹt. Cọt kẹt. Mấy con mọt gỗ thành tinh. Cứ rình lúc mình thiu thiu, mất cảnh giác là hoạt động. Bọn này sinh sôi nảy nở còn nhanh hơn sưa tặc. Ăn luỗng ra mới chịu thôi đây. Thấy bảo, muốn tiệt nọc thì phải diệt con đầu đàn. Nhưng còn con phó nó lên thay thì sao? Tẩn mẩn lại nhớ có người bảo, ông trưởng công ty oai hơn ông trưởng gia đình ở chỗ biết rõ ai là người phó của mình. Thế thì mình bây giờ hóa ra… trưởng giả, vì chả chỗ nào có phó cả!
    3h30 sáng: Trằn trọc mãi đành bật dậy. Đầu óc ong ong toàn thấy số âm trong báo cáo tài chính. Sách vở bảo, nghèo khổ hôm nay sẽ trở thành ký ức đẹp của ngày mai. Bác nào viết thế cứ thử “dìu nhau đi dưới bóng nợ nần” mà xem.
    5h sáng: Điên cái hàng cơm nhà bên quá. Đụng bát đụng đũa, cãi nhau như mổ bò. Thích cãi nhau hả? Sang đây, đang muốn tìm người cãi nhau đây này...
    6h sáng: Giật mình mở mắt ra, với tay lấy cái điện thoại: Ôi má ơi, con ngủ quên rồi. Nhưng rồi lại nằm bệt xuống. Có làm gì đâu mà đặt báo thức. Vậy là thêm một đêm bồn chồn, mộng mị. Nhưng mất ngủ chắc cũng chẳng chết ngay. Mất… tiền mới chết.
    7h: Ăn sáng. Quát con mấy câu. Than thở chuyện vợ đi làm về muộn. Vợ bảo, “tôi mệt mỏi lắm rồi đây”. Hình như vợ mình cũng… láo hơn thì phải. Suốt ngày đe nẹt chồng con “siết chặt thắt lưng”. Chả siết đến xương sống rồi.
    8h: Phóng xe ra đường. Dạo này thấy cứ nóng hôi hổi chuyện tìm hướng đi cho nạn tắc đường. Quái lạ nhỉ, theo kinh nghiệm bản thân thì chả phải riêng chuyện đi lại, đời sống có mấy ai tự chọn hướng đi cho mình được đâu, toàn là chọn theo... số đông. Ngay như mình, số đông chết thì cũng chết theo thôi.
    10h: Chả có việc gì làm. Tạt vào quán bia cỏ. Tay nhân viên chạy ra xun xoe: sếp dùng gì ạ. Sếp đâu ra lắm thế? Sếp mà giờ này ngồi đây à!? Giờ mới hiểu tại sao người ta đóng két bia 24 chai. Hóa ra là vì một ngày có 24 tiếng…
    10h30: Có cậu phóng viên ơi ới gọi. “Anh ơi, anh cho em mấy nhời về giải pháp, kiến nghị…”. Biết là bất nhã mà cũng đành cúp máy. Mệt, chả muốn nói gì. Kêu mãi rồi. Chả lẽ lại bảo, giải pháp của anh bây giờ là… im lặng.
    Cô bé tiếp thị đi qua chào mời, anh ơi hút thuốc có thưởng! Thôi em ơi, anh đây từng lĩnh giải thưởng mỏi tay rồi. Bây giờ có mỗi giải thưởng với… hàng tồn kho là dư thôi!
    Suy thoái kinh tế, đến giải thưởng hoa hậu năm nay cũng giảm một nửa kia kìa!
    12h: Reng reng reng… Lại nhà báo. “Anh cứ cho ý kiến, em không nêu tên đâu”. Thôi sợ lắm rồi. Như cái cô người mẫu vừa bị bắt quả tang đi khách đấy. Bài thì viết tắt là H.H. Chú thích ảnh thì rõ ràng tên họ, quê quán… “Thôi em cứ để các chuyên gia đăng đàn nói chuyện với nhau em ạ”!
    Lại nghĩ cái nghề người mẫu hóa ra chẳng khác nghề mình. Bóng bẩy ngoài da, chứ sau tấm màn nhung, chuyện cơm áo chả đùa được. Nhớ đến mấy món nợ mà ngân hàng đang hứa đảo nợ. Cũng là làm đẹp ngoài da thôi, chứ hàng họ ế sưng thì cũng chẳng biết “đi” lúc nào.
    14h30: Hạ cánh ở quán cà phê đối diện công ty của đối tác cũ xem có việc gì không. Nhấc máy lên, bấm số. Đầu bên kia nhấc máy lên, vẫn cái giọng “khả ái” ấy: “Hố hố... Chú đấy à...”… Cúp máy, tóm lại là đang bận nên “Anh hẹn chú khi khác nhá”. Cú thật. Đúng là “hết cơm hết rượu, hết ông tôi”.
    16h: Vào ngó nghiêng mạng mẽo. Chả có mấy tin tử tế. Toàn thấy “Doanh nghiệp phá sản, giám đốc thành xe ôm”; “Doanh nghiệp ‘chết’, luật sư thành... bảo mẫu”; “Bĩ cực, ‘cò đất’ VIP cắp ghế nhựa ra bán trà đá”… vân vân và vân vân… Tự nhiên thấy được an ủi!
    17h: Đi chợ nấu cơm. Từ ngày công ty ngừng sản xuất, mình đâm đazinăng. Từ ô sin xách làn đi chợ, đến đầu bếp, bảo vệ, gia sư...
    19h: Vợ đi làm ca giờ vẫn chưa về. Có hai bố con xì xụp cơm nước. Ti vi toàn thấy chiếu cảnh dân châu Âu biểu tình vì bị thắt lưng buộc bụng. Mấy nước ấy buồn cười nhỉ? Tiết kiệm cũng bị chê, thế hoang phí thì được khen à?
    20h: Kiểm tra bài vở của thằng cu. Tình cờ đọc được câu chuyện rằng, người ta cười một thằng bé là ngu khi cho chọn giữa 1 đồng và 10 đồng, nó chỉ chọn 1 đồng. Và vì thế, người ta cứ thử thằng bé nhiều lần để chứng minh nó ngu… Thế là nó cứ thu nhập đều!
     23h30: Lên giường. Tắt di động. Nhắm mắt. Nhìn sang vợ, thèm một giấc ngủ say có ngáy như nàng.
    3h sáng: Mệt mỏi. Thiếp đi rồi lịm dần. Trong cơn mê, thấy có người đem hai đồng tiền đến cho chọn. Mình nhào sang phía cầm 10 đồng. Nghĩ bụng, chữa đình trệ, phá sản như chữa cháy. Dền dứ, nay cho 1 đồng, mai hứa 1 đồng, có mà đi sớm…
    Bỗng thấy ánh sáng lấp lánh của đồng tiền biến mất. Thay vào là nụ cười nhạt của một chủ nợ ánh lên ma mị… 
    (ĐTCK)

29 tháng 5, 2012

Nhịp đập thị trường 29/05/2012: Xu hướng giảm vẫn duy trì trên hai sàn

VNINDEX
Đà giảm đã và đang quay lại trên Vnindex sau những phiên đảo chiều tạm thời. Một lần nữa, sự lưỡng lự cũng như tâm lý do dự của nhà dầu tư đang hiện hữu trên Vnindex khi đồ thị của chỉ số này nến xuất hiện mẫu hình Doji. Thanh khoản đang có chiều hướng tiếp tục suy giảm phần nào cho thấy lực cầu bắt đáy chưa có dấu hiệu xuất hiện trên Vnindex trong ngắn hạn.
Những chỉ báo phân tích kỹ thuật vẫn đang phản ánh xu hướng rủi ro trên Vnindex trong ngắn hạn và chưa có những dấu hiệu tích cực hơn về sự dài hơi của chỉ số này.

Kết luận: Chúng tôi vẫn giữ quan điểm nâng tỷ trong tiền mặt và nên thận trọng với thị trường trong ngắn hạn.

HNXINDEX
Trong những phiên giao dịch gần đây, có thể thấy mỗi khi Hnxindex bull lên khoảng vùng 77,8 điểm thì ngay sau đó đều bị bật ngược trở lại . Điều này cho thấy tâm lý chung nhà đầu tư chưa kỳ vọng vào một xu hướng tăng dài hơi trên Hnxindex. Dấu hiệu thận trọng vẫn hiện hữu trong suy nghĩ của nhà đầu tư.
Những chỉ báo phân tích kỹ thuật nhìn chung cho thấy xu hướng tăng trong thời gian yếu hơn và rủi ro hơn.

Kết luận: Chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng và nên giữ tỷ trọng tiền mặt trong thời gian tới.

KỸ NĂNG SỐNG: Học cách quản lý tốt tiền bạc



Hoặc là bạn kiểm soát tiền, hoặc nó sẽ kiểm soát bạn. Tiền bạc là phần quan trọng trong cuộc sống của bạn và khi bạn học được cách kiểm soát tài chính của mình, tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống sẽ được cải thiện và nâng cao.

Người giàu quản lý tốt tiền của họ.
Người nghèo không biết quản lý tốt tiền của họ.

Sự khác biệt lớn nhất giữa thành công và thất bại tài chính là cách thức quản lý tiền bạc. Người nghèo hoặc là không biết quản lý tiền hoặc trốn tránh mọi vấn đề liên quan đến tiền bạc nói chung. Có 2 lý do mà người nghèo dùng để biện minh cho việc họ không thích quản lý tiền bạc là: quản lý tiền bạc làm hạn chế tự do của họ và họ không có nhiều tiền để quản lý.

Sự thật là quản lý tiền bạc không làm hạn chế tự do mà ngược lại nó cho phép bạn có thể tạo ra tự do tài chính để không bao giờ phải làm việc nữa. Và khi bạn bắt đầu quản lý tiền, bạn sẽ có rất nhiều tiền. Bạn phải có được thói quen và kỹ năng quản lý số tiền nhỏ trước khi bạn có thể có số tiền lớn. Hãy nhớ, chúng ta là những tạo hóa của thói quen, và vì thế thói quen quản lý tiền bạc của bạn quan trọng hơn số tiền.

T. Harv Eker đã hướng dẫn một số cách cơ bản giúp bạn bắt đầu quản lý tiền của mình:

Lập tài khoản Tự do tài chính
Hãy mở và tách riêng một tài khoản ngân hàng gọi là tài khoản Tự do Tài chính của bạn. Bỏ vào đó 10% của mỗi đôla bạn nhận được (sau thuế). Số tiền này chỉ được sử dụng cho các vụ đầu tư, mua hay tạo ra các dòng tiền thu nhập thụ động. Công việc của tài khoản này là xây dựng một con gà vàng đẻ ra những quả trứng vàng gọi là thu nhập thụ động.
Khi nào bạn có thể chi tiêu số tiền này? Không bao giờ! Tài khoản này không bao giờ được dùng cho chi tiêu mà chỉ để đầu tư. Có thể, đến lúc bạn về hưu, bạn bắt đầu sử dụng thu nhập từ quỹ này (những quả trứng), nhưng không bao giờ được sử dụng tới số vốn gốc. Làm như vậy, nó cứ tiếp tục tăng lên và bạn sẽ không bao giờ lo sẽ rơi vào cảnh túng thiếu.
Trong trường hợp bạn đang phải đi vay tiền để sống. Hãy vay thêm và quản lý số tiền đó. Dù bạn đang vay mượn hay chỉ kiếm ra vài đôla mỗi tháng, bạn vẫn phải quản lý số tiền ấy. Những điều kỳ diệu về tiền bạc sẽ đến một khi bạn chứng tỏ với vũ trụ rằng bạn có thể xử lý nguồn tài chính mình sở hữu. "Cho đến khi chứng tỏ bạn có thể xử lý những gì bạn đang có, bạn sẽ không thể nhận được nhiều hơn thế".
Hãy tạo ra một hũ Tự do Tài chính trong nhà bạn và cho tiền vào đó hàng ngày. Đó có thể là $10, $5, $1 một xu, hay toàn bộ xu lẻ của bạn. Số lượng không quan trọng, thói quen thì có. Bí quyết ở đây là đặt sự "chú ý hàng ngày", thái độ và trí óc của bạn vào việc trở nên tự do tài chính. Hãy để cho hũ tiền đơn giản đó của bạn trở thành nam châm tiền, hút nhiều tiền và cơ hội tự do tài chính đến với cuộc đời bạn.

Cân bằng cuộc sống với "tài khoản hưởng thụ"
Một trong những bí quyết lớn nhất để quản lý đồng tiền là sự cân đối. Một mặt, bạn để dành càng nhiều tiền càng tốt nhằm đầu tư và kiếm ra nhiều tiền hơn. Mặt khác, bạn cần bỏ 10% khác từ thu nhập của bạn vào một "tài khoản hưởng thụ". Tại sao? Bởi vì con người là một thể thống nhất. Bạn không thể chỉ tác động đến một phần cuộc sống của bạn mà không tác động lên những phần khác. Một số người cứ để dành, để dành, để dành, và đến khi cái tôi đầy trách nhiệm và lý trí đã được toại nguyện, thì phần "tinh thần bên trong" lại không thoả mãn. Cuối cùng, nhu cầu tìm kiếm niềm vui sẽ lên tiếng: "Tôi không chịu được nữa. Tôi cũng muốn được chú ý" và nó bắt đầu hủy hoại các thành quả của bạn.
"Tài khoản hưởng thụ" được thiết kế để củng cố khả năng "đón nhận" của bạn. Nó còn khiến việc quản lý tiền trở nên thú vị và vui thích hơn. Tài khoản này chủ yếu được sử dụng để nuông chiều chính bạn, làm những việc mà bạn không hay làm. Quy tắc của tài khoản hưởng thụ là phải được giải ngân mỗi tháng. Mỗi tháng bạn phải tiêu một khoản tiền trong tài khoản này theo cách khiến bạn cảm thấy mình giàu có.

Đã có rất nhiều người thành công khi thực hiện đúng các nguyên tắc trên.
Khi tham gia khóa học Millionaire Mind Intensive, Emma - một học viên của T. Harv Eker đang ở trong tình trạng sắp phá sản. Cũng như những học viên khác, cô được hướng dẫn phân chia tiền của mình vào nhiều tài khoản khác nhau. Emma quyết định chia 1 USD mỗi tháng vào các tài khoản, trong đó tài khoản Tự do tài chính được chia 10 xu.
Cô nghĩ thầm: "Làm sao tôi có thể trở nên tự do tài chính chỉ dựa vào mười xu mỗi tháng?". Thế là cô quyết tâm nâng gấp đôi số tiền vào mỗi tháng. Tháng thứ hai cô chia 2 USD ra, tháng thứ ba là 4 USD, rồi 8 USD, 16 USD, 32 USD, 64 USD. Số tiền ấy cứ thế tăng lên.
Đến 2 năm sau, Emma đã thu được kết quả đáng ngạc nhiên từ sự nỗ lực của mình. Cô đã có thể bỏ 10.000 USD vào tài khoản Tự do tài chính. Giờ thì Emma đã không còn nợ nần gì và đang tiến trên con đường đến tự do tài chính. Tất cả là nhờ cô đã ứng dụng đúng vào thực tế những điều đã học, cho dù chỉ với 1 USD mỗi tháng.
Ngay lúc này đây, dù bạn đang sở hữu một gia tài lớn hay chẳng có gì trong tay thì điều đó cũng không có gì quan trọng.

Những bài tập thú vị dưới đây sẽ giúp các bạn hình thành thói quen quản lý tiền bạc ngay từ bây giờ:
1. Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
"Tôi là người quản lý tiền tuyệt vời!".
Hãy đặt tay lên trán bạn và nói: "Tôi có Tư duy thịnh vượng!".
2. Hãy mở tài khoản ngân hàng Tự do Tài chính của bạn. Cho 10 phần trăm của tất cả thu nhập (sau thuế) của bạn vào tài khoản đó. Số tiền này bạn sẽ không bao giờ được chi tiêu, chỉ được đầu tư để đem lại thu nhập thụ động cho bạn.
3. Hãy lập hũ Tự do Tài chính trong nhà bạn và bỏ tiền vào đó hàng ngày. Đó có thể là $10, $5, $1, một xu, hay toàn bộ số tiền lẻ của bạn. Điều đó sẽ hướng sự chú ý hàng ngày của bạn vào tự do tài chính của bạn, và khi sự chú ý đi đến đâu, kết quả sẽ hiện ra ở đó.
4. Hãy mở tài khoản Vui chơi hay lập hũ Vui chơi trong nhà bạn rồi bỏ vào đó 10 phần trăm tất cả thu nhập của bạn.
Cùng với tài khoản vui chơi và tài khoản tự do tài chính, hãy mở thêm bốn tài khoản và gửi vào đó những số tiền theo phần trăm tổng thu nhập của bạn như sau:
10% cho các khoản Tiết kiệm dài hạn dành để chi tiêu
10% cho tài khoản tự Giáo dục, học hành của bạn
55% cho tài khoản Nhu yếu phẩm của bạn
5% cho tài khoản Cho đi của bạn
5. Hãy bắt đầu quản lý ngay từ bây giờ bất cứ số tiền nào bạn hiện có. Không được trì hoãn đến một ngày khác. Thậm chí nếu bạn chỉ có một đôla, hãy quản lý một đôla đó. Bỏ mười xu vào tài khoản FFA, mười xu khác vào tài khoản vui chơi.
Chỉ với hành động này, bạn sẽ gửi vào vũ trụ thông điệp rằng bạn đã sẵn sàng cho nhiều tiền hơn. Tất nhiên, nếu bạn có thể quản lý nhiều hơn, bạn sẽ có nhiều hơn.
(Hoclamgiau)