22 tháng 5, 2012

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Sửa mũ cho vua…

Hóa ra, người ta không chỉ mơ những thứ trên trời. Lòng đất tối om cũng tạo ra những giấc mơ hồng.

 
    Có người thợ rèn nọ thường gánh đồ nghề đi khắp làng để sửa chữa lặt vặt. Vì ông làm việc khéo léo, lại tốt bụng và giá cả cũng phải chăng nên có rất đông khách hàng. Một hôm, ông lại gánh đồ nghề đi trên đường làng như mọi khi. Bỗng nghe tin Hoàng thượng sắp đi qua, ông vội lom khom tránh vào vệ đường vì sợ mạo phạm đến long nhan.
    Cảm giác như tiếng vó ngựa rất gần mình. Ông tò mò ngẩng đầu lên thì thấy ngự giá đang ở ngay trước mặt. Quá sợ hãi, ông vội dập đầu lia lịa xin tha tội.
    Hoá ra khi đi ngang qua người thợ rèn, Hoàng thượng nhìn thấy gánh đồ nghề bên cạnh ông. Tình cờ, lúc này vương miện đang có mấy chỗ lỏng lẻo, nên nhà vua mới quyết định đỗ lại để sửa chữa.
    Người thợ rèn vội quỳ xuống bắt đầu sửa vương miện. Nhà vua thấy tay nghề của ông giỏi, nên rất ưng ý, thưởng ngay cho ông một trăm lạng bạc.
    Người thợ rèn sung sướng chạy như bay về nhà. Nhưng ông chợt nhìn thấy có một con hổ ở bên vệ đường. Ông vô vùng sợ hãi song vội định thần lại, vì thấy con hổ hình như không có ác ý gì. Nó đang giơ cao một chân trước lên, nét mặt lộ rõ vẻ đau đớn.
     Ông lấy hết can đảm tiến lại phía con hổ, phát hiện chân nó bị một cái gai rất to đâm vào. Ông vội vàng lấy dụng cụ ra, giúp con hổ bỏ cái gai đó đi. Con hổ tỏ ra rất biết ơn và đền ơn một con hươu to.
    Người thợ rèn cảm thấy hãnh diện lắm. Đẳng cấp đã lên, ông nghĩ, mình đã sửa được vương miện, lại được nhà vua rất ưng ý. Trong đám thợ, đã ai bằng mình. Bây giờ đi chữa nồi niêu, xoong chảo thì có phải phí một đời tài hoa không… Vậy là từ hôm đó, ông không gánh dụng cụ đi khắp nơi nữa, mà treo một cái biển to trước cổng nhà: “Chuyên sửa mũ cho vua, nhổ gai cho hổ”.
    Nhưng cũng từ đó, công việc làm ăn của ông ngày càng sa sút...

    Bài học rút ra từ câu chuyện này:
    Đó là chuyện hoang đường. Vương miện mà long ốc thì mấy ông quan hầu ăn đòn rồi chứ chả đến việc của bác thợ rèn. Còn bác thợ rèn cũng na ná như chuyện người nông phu nước Tống đi đường gặp con thỏ phóng nhanh, vượt ẩu, lao đầu vào gốc cây mà chết. Từ đó cứ mật phục ở gốc cây rình… tai nạn giao thông.  
    Thật ra thì cũng có nhiều kẻ trên đời “phất” lên nhờ một cơ hội đặc biệt. Ví dụ như trúng xổ số chẳng hạn. Thế nhưng, một điều tra xã hội học nghiêm túc đã chứng minh rằng, hơn 80% người trúng số sau 5 năm đã ao ước rằng mình… chưa từng trúng số.
    Ở xứ ta ngày nay, tái cơ cấu đã trở thành câu cửa miệng của mọi ngành, mọi giới. Và chắc cũng có nhiều đại gia đang thầm ước ao rằng, giá như ngày ấy mình đừng ham “nghề độc” thì bây giờ đỡ phải tự mình một tay túm tóc kéo mình lên mặt đất.
    Cái cơ sốt chứng khoán huy hoàng dăm bảy năm trước có lẽ cũng hiếm hoi chẳng kém gì chuyện con hổ bị dẫm phải gai. Mà số ông thợ rèn ấy còn đỏ. Chứ cứ theo logic thông thường thì hổ sau khi lành bệnh, cái bản tính dã thú nổi lên, bác thợ rèn thành… một miếng khi đói chưa biết chừng! Cũng như TTCK cả thôi, tìm được cái lẽ win - win khó lắm!
    Tất nhiên, khi đẹp trời thì cũng dễ tay bắt mặt mừng. Đấy chính là cái không khí thị trường non nửa năm nay. Khi sau thời gian hôn mê sâu, chứng khoán bừng tỉnh với đủ mọi thứ sóng. Hết sóng tái cơ cấu, sóng hôi của (ý nói cái sự mua bán sáp nhập), sóng nhà nghèo (cổ phiếu 1X), sóng hoàn nhập dự phòng… vân vân và vân vân…
    Nhưng nếu muốn thấy sóng lừng thì phải chiêm ngưỡng sóng khoáng sản. Nói chả phải khoe, dân sàn xới mình quen cũng khá. Và dạo này miệng bắt đầu phát mệt vì bia khao, tai cũng mỏi vì nghe chém gió. Đại loại, “ăn con K… phải tính bằng lần ông ạ”, “con K phẩy… mà ra cái tin mỏ titan thì đếm tiền cùng nhọc”… Mình lớ ngớ hỏi, cũng là khoáng sản, lại nhìn thấy lờ lãi rõ ràng là cổ phiếu than, các ông không mua. Người trần mắt thịt lại cứ đi soi vào lòng đất như dân ngoại cảm.
    Tất nhiên là sẽ được khai sáng: đúng là đồ… dốt địa chất. Than thì thường quá, lại…  đen, khoáng sản phải là mỏ vàng, mỏ titan, mỏ antimony… Âm u mù mờ cũng được. Chỉ có điều đừng như có anh khoáng sản được cấp phép đào vàng rồi mà còn phải chờ đến già hai tháng xem có đúng vàng thật không, lãnh đạo mua ít trăm ngàn cổ xem thế nào đã rồi mới bung tin... Chưa kể, mang cái danh khoáng sản nhưng toàn làm nghề thổ mộc, cát sỏi, đất đá…
    Mà chả phải riêng hội bia được trợ lực bằng nước nói. Trên các mạng mẽo chứng khoán, toàn các bác tỉnh như sáo cũng say khoáng sản như thường. Không khí hồ hởi, háo hức y như bưởng vàng chọc đúng hầm…
    Nhưng dân đào vàng thổ phỉ chọc thì dễ sập hầm lắm. Bây giờ sóng khoáng sản hết sóng mà chỉ còn gió. Lại toàn tin xấu tung ra. Hết cổ phiếu giảm sàn vì công ty tái cơ cấu cho đến cái mỏ quý hiếm vẫn ở thì tương lai… Cũng chả sao. Của nả vẫn trong lòng đất. Chỉ là thấy gió nổi lên lại thương cô bác đầu tư đang đung đưa trên đỉnh. Âu cũng là đi câu cá hồi, gặp phải cá nhà táng. Rõ khổ! 

    Bài học rút ra từ câu chuyện này:
    Hóa ra, người ta không chỉ mơ những thứ trên trời. Lòng đất tối om cũng tạo ra những giấc mơ hồng. Nhưng đâu dễ ăn thế nhỉ. Đến nhặt đồng tiền rơi, người ta còn phải mất công cúi xuống nữa là. Và đã mất công cúi xuống nhặt đồng tiền thì đừng bao giờ thử đốt xem tiền có cháy không!
    (ĐTCK)

0 comments: