Nhà ông Luận, ông Ba cách nhau cái hàng rào trồng hoa râm bụt. Đất đai từ thời ông bà để lại có nhiều điều không thống nhất. Hôm ông Luận phá hàng râm bụt làm rào tre, ông Ba đi vắng, ông Luận tự ý lấn qua, ranh giới không như vị trí cũ.
Từ hôm đó, hai nhà ngày nào cũng cãi nhau om xòm, có bao điều xấu xa từ thời "cổ đại" nếu còn nhớ thì tung ra để "nhục mạ" đối phương. Cô Cúc con của ông Luận về làm dâu đã được 3 năm. Ba năm trường mà chưa sinh được mụn cháu nào cho ông Luận. Nhân cơ hội này, cô Me con ông Ba thừa cơ hội chọc vào nỗi đau của người khác: “Lấy chồng ba năm mà không chửa, “điếc” rồi”. Cô Cúc cũng chẳng phải tay vừa: “Ới giời ơi, dù sao bà cũng lấy được chồng. Chứ loại hàng tồn kho, lúc nào cũng nớm nớp như có bom nổ chậm trong nhà”. Vốn cô Me ế chồng đã nhiều năm nay, hơn 30 tuổi mà chẳng có cánh đàn ông nào lui tới.
Cuối cùng cũng nhờ ông trưởng thôn đến giải quyết, ông Luận phải nhượng bộ ông Ba, để cái cột trụ hàng rào về đúng vị trí cũ. Tuy nhiên cuộc đấu khẩu vẫn kéo dài mấy ngày sau vì ông Luận chưa phục, cả con cháu đều ấm ức.
Bữa thằng cháu ông Ba sang nhà chơi với đứa cháu đích tôn ông Luận, hai đứa nhỏ tranh giành đồ chơi của nhau, đánh nhau khóc inh ỏi. Chuyện trẻ con thành chuyện người lớn. Hai ông lại cãi nhau, con cái hai nhà rượt đuổi nhau khắp làng. Lại một lần nữa nhờ ông trưởng thôn nên mọi chuyện mới im xuống, nhưng hai nhà láng giềng vẫn còn "chiến tranh lạnh".
Một thời gian không lâu sau, trận lụt làm cả xã ngập chìm trong nước. Nhà ông Luận và ông Ba cũng bị cô lập. Nước ngâm hơn một ngày. Biết nhà ông Luận đói và đông con cháu, ông Ba đưa sang 5 gói mì tôm cứu đói. Ban đầu sĩ diện không nhận, nhưng sau nhìn mấy đứa cháu đói nên ông Luận nhận. Hết lụt, ông Luận sang nhà ông Ba chơi. Mới đầu còn ngần ngại, sau một tách trà nói chuyện, dường như hai ông tìm được tiếng nói chung.
Cả xóm Cồn ai cũng khen ông Ba biết sống, khéo ứng xử. Đúng là trong lúc hoạn nạn, tình làng nghĩa xóm luôn đặt lên hàng đầu dù trước đó không bằng lòng với nhau.
Đó là chuyện dưới quê, xa lắc xa lơ. Giờ ở thành phố, hàng xóm cùng khu chung cư, sát vách nhiều năm mà chẳng biết tên, gặp nhau gật đầu nhếch mép cười lấy lệ. Nhà có người ốm chẳng biết gọi ai, gõ cửa hàng xóm nửa đêm không đành. Chợt buồn vui vây quanh. Nhớ tới cái làng cát ở quê có những người hàng xóm “rách việc” mà thèm...
(ST)
(ST)
0 comments:
Đăng nhận xét