11 tháng 6, 2010

Bố đã từng yêu

Tôi đọc được lời bình về cuốn sách "Bố đã từng yêu" hay quá nên chia sẻ mọi người cùng đọc, biết đâu lại có ai đó tìm thấy sự đồng cảm ở đây...

“Cuộc sống, ngay cả khi con phủ nhận nó, ngay cả khi con xao nhãng nó, ngay cả khi con từ chối công nhận nó, nó vẫn mạnh hơn con. Mạnh hơn tất cả...
Những người trở về từ trại tập trung đã lại sinh con đẻ cái.
Những người đàn ông đã bị tra tấn, đã chứng kiến cảnh người thân bị giết chết và nhà mình bị bốc cháy, đã lại bắt đầu chạy theo xe buýt, bình luận về thời tiết và gả chồng cho con cái họ.

Thật khó tưởng tượng, nhưng cuộc sống là như thế. Cuộc sống mạnh hơn tất cả... Hơn nữa, chúng ta là ai mà tự cho mình là quan trọng đến thế... ". Đó là cái triết lý về cuộc sống mà ông bố chồng Pièrre, đã nói với cô con dâu Chloé, không an ủi, không khuyên can, chỉ đơn giản là kể về chuyện tình được giấu kín của mình sau nhiều năm vật vã, dằn vặt chính mình, tự giày vò trái tim mình.

Không bình luận về việc ra đi, bỏ vợ của con trai, chẳng phê phán, trách móc thậm chí còn có phần ngưỡng mộ con trai. Anh ta ích kỷ nhưng anh ta dám sống với tình yêu, với điều anh ta tin là đúng, dám vứt bỏ để ra đi.

Yêu và biết đó mới là tình yêu của đời mình, Pièrre vật vã với câu hỏi: Ly hôn hay không? Nên – Không nên? Đi – Ở lại? Cuối cùng vì an toàn, vì e ngại sự thay đổi, vì sợ đối mặt, vì thiếu dứt khoát, vì hèn nhát, Pièrre đã chấp nhận để tình yêu vuột khỏi tay mình, ở lại với cuộc sống an toàn nhưng nhạt nhẽo, không có người mình yêu. Và cũng từ đó, Pièrre không còn yên ổn nữa. Bây giờ, thay chỗ cho những câu hỏi nên hay không nên là: “ Tại sao ta không làm thế?”

“Bố đã từng yêu và bố đã từng sai lầm, bố ước gì khi nói lên câu ta đã từng yêu, bố không phải ngậm ngùi”. Người ta cứ trách những kẻ ra đi, sẻ chia và thông cảm với người bị bỏ lại. Nhưng ít ai thử hỏi hay biết rằng, kẻ ra đi cũng có những nỗi khổ tâm riêng, khó hoặc không thể nói ra, họ nghĩ làm như vậy là đúng, là tốt cho cả người kia. Ở lại bên cạnh nhau có chắc là một điều tốt? Nếu không tin tưởng, không yêu thương thì dù ở cạnh nhau người ta vẫn mãi cô đơn. Người ra đi, họ cũng cần được chia sẻ. Với người ở lại, sau cú sốc, sự đổ vỡ, sao không xem đó như một cơ hội để tiến tới một cái gì đó mới mẻ, tốt đẹp hơn.

Người đi hay người ở cũng buồn, đau dù ít hay nhiều. Người ta khác nhau ở chỗ đối mặt, vượt qua cú ngã ấy thế nào để tiếp tục đứng lên vì những người thân yêu quanh mình và cuộc sống vẫn đang tiếp tục chạy.

Mất một người đàn ông, mất người mình yêu, không phải đã mất tất cả.

*“Bố đã từng yêu” là tên một tác phẩm truyện ngắn của nhà văn Pháp - Anna Gavalda (tác giả của “Giá đâu đó có người đợi tôi” và "Chỉ cần có nhau").
(Bình yên)

2 comments:

Lời bình và câu chuyện rất hay. Nhưng nếu ai cũng dễ dàng cư xử và đối xử với cảm xúc của người mà trước đó mình từng yêu thương như vậy thì đâu còn là nền tảng gia đình, nền tảng xã hội. Tình yêu chỉ có một, nhưng những thứ đại loại như tình yêu thì có rất nhiều.

Nhưng tôi rất đồng ý với cách nghĩ:
"Mất một người đàn ông, mất người mình yêu, không phải đã mất tất cả."

"Mất một người đàn ông, mất người mình yêu, không phải đã mất tất cả."
CÒN GÌ NỮA ĐÂU MÀ MẤT.