17 tháng 6, 2010

Tại sao dân “ấp chứng” mê bóng đá?

Có người bảo, đến kỳ World Cup, thị trường sẽ đi xuống vì NĐT rút hết tiền ra để đi… cá độ cơ mà. Ăn World Cup, ngủ World Cup, sức đâu mà sàn với xới.

Tại sao trong các trận bóng, FIFA lại ra luật cấm cởi áo ăn mừng bàn thắng nhỉ? Câu trả lời hợp lý nhất chỉ có thể là: thật ra việc này trước đây thì thoải mái. Nhưng tự dưng có người cắc cớ hỏi, bóng đá nam được cởi, bóng đá nữ thế nào??? Các bác hoảng quá cấm ngay tắp lự. Vận vào chốn chứng trường, bây giờ các NĐT nhỏ lẻ như mình cũng đòi hỏi quyền được công bố việc mua vào - bán ra dăm bảy triệu cổ phiếu trong một vài tuần thì sao? Có khi các nhà quản lý xứ ta giật mình học theo FIFA mà “thẻ vàng, thẻ đỏ” việc lướt sóng của các tổ chức, cổ đông nội bộ thì chắc hẳn đỡ được khối cảnh “đục nước béo cò”.

Cuối tuần, gọi là tưởng tượng cho vui, cũng chẳng hà tiện gì giấc mơ, dù biết là nó quá xa vời. Cũng như mình, ngồi trong ánh nến leo lét mà nghĩ về cảnh pháo hoa rực sáng ở Johannesburg đêm khai mạc lễ hội túc cầu. Đang mơ màng thì ông bạn bia cỏ bấm máy gọi đến. Lòng khoan khoái, tưởng kiếm được chỗ thoát khỏi cái cảnh cắt điện luân phiên của các bác nhà đèn, hóa ra ông ấy bô bô: “Ông đã sút chưa, tôi ra hết hàng sáng nay rồi”… Ô hay, sút là sút thế nào, World Cup vừa mới khai mào, thị trường đang ở đáy, sút thì… việt vị à?

Nhưng hôm trước, có người bảo, đến kỳ World Cup, thị trường sẽ đi xuống vì NĐT rút hết tiền ra để đi… cá độ cơ mà. Ăn World Cup, ngủ World Cup, sức đâu mà sàn với xới.

Nỗi lo ấy thì xa quá, em không với tới. Chỉ có điều, anh em mình đêm nào cũng ăn vã vài trận bóng, sáng mắt nhắm, mắt mở đến sàn, cẩn thận không “bán bò tậu ễnh ương” thì chí nguy. Nỗi lo này là có thật vì hàm hồ mà đoán rằng, đa số dân chứng khoán là tín đồ cuồng nhiệt của môn túc cầu. Bởi chứng trường và cầu trường xét ra cũng lắm điểm tương đồng. Này nhé:

1 Bóng đá dẫu là môn nghệ thuật thứ 8 thì vẫn không ngoài quy luật cạnh tranh để đi lên. Từ bóng làng, bóng huyện đến bóng World Cup…, tất thảy đều tuân thủ quy luật 22 người tranh nhau một quả bóng. Chứng khoán là kinh doanh, bóng đá cũng là kinh doanh. Với bóng đá, mục tiêu cao nhất là chiến thắng. Còn chứng khoán thì mục tiêu cao nhất là lợi nhuận. Công bằng là tiêu chí của bóng đá. Còn minh bạch là điểm tựa của thị trường.

2 Bảng tỷ số có thể thay đổi vào giây cuối cùng. NĐT luôn luôn mơ ước cổ phiếu của mình đang nằm sàn gần hết buổi, bỗng dưng tăng trần vào phiên đóng cửa. Lại nữa, trên cầu trường, ai cũng thấy mình là chuyên gia, là trọng tài, là cầu thủ trội nhất trận. Trên chứng trường, NĐT nào cũng luôn tin rằng mình là người giỏi nhất, nhanh nhất và thông minh hơn hẳn các chuyên gia chứng khoán.

3 Đây là kỳ World Cup thứ 11 liên tiếp, Adidas được sản xuất bóng theo đặt hàng của FIFA. Nhưng kỳ thứ 11 này không suôn sẻ. Nhiều cầu thủ cho rằng, quả bóng Jabulani là một món đồ rẻ tiền, một… thảm họa. Nhưng có người lại cho rằng, không loại trừ khả năng chính những hãng sản xuất thể thao khác “…ghét trâu ăn” đã tác động để “nói xấu” Jabulani. Bản thân Jabulani không có tội, chỉ có điều nó không thể cất lên tiếng nói của mình… Lại nhớ đến việc ban tổ chức một giải thưởng chứng khoán vừa khẳng định sẽ không kỳ thị các cổ phiếu có hiện tượng làm giá. Điều này thì đúng quá. Nhưng người có trách nhiệm còn đèo thêm rằng, “nếu chính DN chủ động kích giá thì thật khó chấp nhận”. Chỉ có điều, cái việc làm giá chắc chỉ đội lái với… cổ phiếu là biết tường tận ai có liên quan. Nghe thế lại tức cảnh mà rằng, “Cổ phiếu mà biết nói năng. Thì đội làm giá hàm răng chẳng còn”.

4 Trong cả vạn người đến sân bóng, những đại gia kiểu như ông chủ của câu lạc bộ Chelsea, đến Nam Phi bằng chiếc du thuyền tỷ đô với chiều dài hơn cả một sân bóng đá… cũng chỉ là ngoại lệ so với cả vạn tín đồ… “cơm nắm muối vừng” đến sân. Với chứng khoán, ít nhất NĐT nhỏ lẻ cũng tự hào rằng, mình mới là số đông trên thị trường. “Phi nhỏ lẻ, bất thành chứng khoán… Việt”, cá mập với đại gia không có chúng ta thì sống bằng gì!?

5 Có người bảo bóng đá là nghệ thuật của sự thiên vị. Xem bóng đá, để tận hưởng trọn vẹn cảm giác phấn khích mà “nghệ thuật thứ tám” này đem lại, bạn bắt buộc phải đứng về một phía nào đó. Cái này trên TTCK người ta bảo, đó là lựa chọn danh mục đầu tư. Tuy nhiên, cũng giống như chứng khoán, các chuyên gia khuyên chúng ta rằng, “không nên bỏ trứng vào một giỏ”. Nếu “đội bóng của bạn” chẳng may sớm bị loại khỏi cuộc chơi thì bạn cần có một đội bóng khác để tiếp tục... lai rai.

6 Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi được hỏi thích vị trí nào nhất trong đội bóng đã trả lời rằng, chỉ thích làm thủ môn, vì thủ môn có thể quan sát được mọi việc trên sân cỏ. Nhưng tôi đồ rằng, đó chỉ là câu nói xã giao. Trong đội hình 11 cầu thủ có mặt trên sân, 10 người là một tập thể cùng sắc quần, sắc áo, cùng lên công về thủ khắp hơn trăm mét chiều dài sân cỏ. Chỉ duy có anh chàng thủ môn là con tin suốt đời của xà ngang và cột dọc.

Ngắm chàng thủ môn đứng trước quả phạt 11 m mà lại mường tượng ra hình ảnh của các chuyên gia chứng khoán đắn đo trước những dòng tư vấn. Từ chấm 11 mét, cầu thủ thực hiện quả đá là người nắm thế chủ động: có quyền chọn góc sút, chọn lực sút, chọn hướng chạy đà, chọn sút bổng hay sút sệt, chọn cách đong đưa ánh mắt để làm hoang mang thủ môn. Trong khi đó, thủ môn chỉ có một thứ quyền duy nhất là quyền phán đoán. Các chuyên gia cũng thế. Dự báo trúng được cho là ăn may. Còn sai thì vô cùng tai hại... Quỹ đạo thị trường còn khó đoán hơn đường bay trái bóng. Chứng trường tiểu xảo lại vô cùng nhiều. Trọng tài thì đứng xa quá. Các chàng thủ môn - chuyên gia tư vấn trở thành “con tin” của những phán đoán.

Nhưng hình như đó cũng là sức hấp dẫn của nghề tư vấn thì phải? Mà thôi, lan man đã nhiều, giờ là lúc dành cho bóng đá. Chợt nhớ về mấy câu thơ của Nguyễn Duy: “Một quả bóng lăn trên nền cỏ. Một cú đá đặt vào đúng chỗ. Hàng tỷ người say ngả say nghiêng... Cái đẹp này đâu nhờ cậy áo xiêm. Hay với dở cần gì miệng lưỡi. Tốt với xấu phơi trần trên sân bãi. Thắng với bại đừng có hòng chối cãi. Quả bóng câm không gian lận bao giờ”.

Nói thế thôi, chứ cầu trường với chứng trường thế nào chẳng có tiểu xảo các bác nhỉ. Thôi, cứ coi cái điểm chung ấy là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Bà con miền Tây còn sống chung với lũ được kia mà!.
(St)

0 comments: